Menu ngang

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

              Thiếu tướng Lê Tiến Phục -
               một cán bộ thanh liêm, nhân hậu

        Thiếu tướng Lê Tiến Phục, sinh năm 1922, tại xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Ông là Cục trưởng đầu tiên của Cục Chính sách Tổng cục Chính trị. Lần đầu tiên tôi gặp ông vào một ngày đầu Hè năm 1972. Hồi đó, trên cương vị Cục trưởng, ông có chủ trương chọn lựa về Cục những cán bộ trẻ, là thương binh, đã trải qua chiến đấu ở chiến trường, có nhiều thực tiễn phù hợp với yêu cầu công tác chính sách. Và tôi đã lọt vào “ tầm ngắm ” của mấy anh cán bộ Cục khi xuống chọn người ở Đoàn an dưỡng thương binh 251 Quân khu Tả ngạn.
Chúng tôi vừa về Cục, việc đầu tiên là dự lớp tập huấn bồi dưỡng về nội dung và phương thức tiến hành công tác chính sách, được tổ chức ở nơi sơ tán là Đình làng Cống Xuyên, huyện Thường Tín ( Hà Tây cũ). Ông Lê Tiến Phục đến khai mạc và trực tiếp giảng bài “ Đạo đức người cán bộ chính sách”. Chúng tôi chăm chú lắng nghe lời giảng chân tình sâu sắc của ông. Ông nói đại ý là : Chính sách là thể hiện quan điểm, thái độ của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người, những gia đình có công trong chiến tranh cách mạng. Là cầu nối liền giữa tổ chức với đối tượng có công, đòi hỏi cán bộ chính sách phải tận tụy, chí tình, chu đáo với gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ, thương binh; phải khiêm tốn, trung thực, thanh liêm, kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện tư lợi, cửa quyền… Bài giảng của ông vừa có tính lý luận vừa liên hệ thực tiễn một cách phong phú, sinh động. Ngày đó ông chừng 50 tuổi, dáng cao gầy, vai rộng, tóc húi cua, bước đi nhanh. Khi tiếp xúc với mọi người, ông đều gần gũi, chăm chú lắng nghe. Lúc giảng bài, thì mọi cử chỉ của ông từ khóe miệng, giọng nói đến ánh mắt nụ cười đều toát lên sự truyền cảm thân thiện ấm áp. Cảm nhận đó in đậm nguyên vẹn trong lòng tôi suốt nhiều năm được công tác dưới quyền ông. Thời gian tập huấn không dài, nhưng để lại cho chúng tôi những ấn tượng sâu sắc. Những điều thu hoạch được đối với tôi là rất bổ ích. Đó là khối kiến thức hành trang ban đầu, là cẩm nang cho tôi trong suốt chiều dài thời gian công tác sau này.
Ông Lê Tiến Phục là cán bộ lão thành cách mạng, hoạt động trong phong trào công nhân Hà Nội từ những năm 1938- 1939, được kết nạp vào Đảng năm 1940, từng là Tỉnh ủy viên Nam Định, Chủ tịch Việt Minh, Bí thư huyện ủy huyện Mỹ Lộc tỉnh Nam Định những năm sau Cách mạng Tháng 8/1945. Tiếp đó, năm 1950, ông được tổ chức điều động vào quân đội giữ chức Chính trị viên Tiểu đoàn rồi Chính trị viên Ban Cung cấp Trung đoàn 64 Đại đoàn 320 hoạt động ở Đồng bằng Bắc Bộ. Năm 1954, ông tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ với cương vị Trung đoàn bậc phó, cán bộ Phòng Cán bộ, Cục Tổ chức Tổng cục Chính trị. Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được giao nhiệm vụ là Chủ nhiệm Chính trị Đoàn cố vấn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào - Nghe nói, biên chế cán bộ toàn Đoàn lúc đó là 100 người nên Bộ Quốc phòng lấy phiên hiệu là Đoàn 100, do ông Chu Huy Mân làm Đoàn trưởng. Từ năm 1956 đến tháng 6/1963, ông lần lượt đảm nhiệm các cương vị : Chính ủy Đoàn 40, Chính ủy Lữ đoàn Pháo binh 374, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn Pháo binh 469, Đảng ủy viên Đoàn 959. Tháng 7/1963, ông được bổ nhiệm giữ chức Cục phó Cục Tổ chúc Tổng cục Chính trị.
 Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào thời kỳ quyết liệt, công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội đặt ra với một khối lượng rất lớn, tính chất khó khăn phức tạp, cả ở tiền tuyến và hậu phương. Trước tình hình đó, ngày 21 tháng 11 năm 1967, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Cục Chính sách trực thuộc Tổng cục Chính trị. Đang là Cục phó Cục Tổ chức ông được bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng  Cục Chính sách.
Suốt trong nhiều năm chiến tranh, được sự chỉ đạo của cấp trên, Cục Chính sách với sự chỉ huy của Cục trưởng Lê Tiến Phục đã tích cực triển khai đồng bộ và thu được nhiều kết quả. Đã nghiên cứu đề nghị Nhà nước ban hành các hình thức khen thưởng, kịp thời tuyên dương những người, những gia đình, những tập thể có công, góp phần cổ vũ động viên phong trào thi đua yêu nước, giết giặc lập công. Chỉ đạo giải quyết công tác thương binh - liệt sĩ trong chiến đấu ở chiến trường. Tổ chức tuyến chuyến thương đưa hàng vạn thương binh từ các chiến trường về hậu phương lớn. Thành lập hơn 20 Đoàn điều dưỡng thương binh ở miền Bắc. Kịp thời giải quyết chính sách phục viên, chuyển ngành cho hàng chục vạn thương binh đã lành vết thương, ổn định sức khỏe, nhưng không còn khả năng tiếp tục phục vụ quân đội. Chỉ đạo việc xác minh, kết luận để báo tử và giải quyết kịp thời quyền lợi gia đình liệt sĩ đối với hàng chục vạn quân nhân hy sinh trong chiến đấu ở các chiến trường. Chỉ đạo cơ quan quân sự các địa phương thực hiện chính sách quản lý và thực hiện chê độ chính sách chăm sóc đối với gia đình có quân nhân đi chiến đấu. Thời điểm đó, tổng số toàn miền Bắc có 53 vạn gia đình có người thân đi chiến đấu ở chiến trường miền Nam, với 1, 6 triệu thân nhân ( bố, mẹ, vợ, con,…) hưởng trợ cấp B hàng tháng. Với phương châm chỉ đạo việc cấp phát trợ cấp B đối với gia đình quân nhân là : “đủ số, tận tay, đúng kỳ”. Qui cách điều hành việc nghiên cứu đề đạt chính sách của Cục trưởng Lê Tiến Phục là: Trên cơ sở nắm bắt chủ trương của trên, bám sát phát hiện tình hình thực tiễn ở đơn vị địa phương, từ đó bật ra ý tưởng, giao cho cơ quan nghiên cứu khảo sát, xây dụng đề án, hội thảo xin ý kiến chuyên gia và các cơ quan hữu quan, sau đó tổng hợp hoàn chỉnh thành tờ trình báo cáo lên cấp trên xem xét quyết định. Những nội dung chính sách đã ban hành thì tổ chức phổ biến, chỉ đạo hướng dẫn chung, đồng thời theo dõi một vài trọng điểm để kịp thời rút kinh nghiệm chỉ đạo. Bao giờ cũng vậy, ông coi việc kiểm tra thực hiện chính sách ở các cấp, ở các khâu là một việc làm không thể thiếu của cơ quan chiến lược. Qui cách đó, trên thực tế đã đem lại hiệu quả tốt.
Trong nhiều năm, công tác chính sách đạt được rất nhiều kết quả, có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, góp phần cổ vũ động viên tiền tuyến, ổn định hậu phương, góp phần rất xứng đáng vào sự nghiệp chiến đấu và chiến thắng của Quân đội ta. Trong thành tích chung của Cục, của ngành, vai trò của Cục trưởng Lê Tiến Phục là rất to lớn - cả trong nghiên cứu đề đạt nội dung chính sách cũng như trong chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách. Ngoài quản lý điều hành công việc ở cơ quan, ông đã dành nhiều thời gian xuống các địa phương, bám cơ sở, thâm nhập sâu sát các đối tượng chính sách để nắm chắc tình hình thực tiễn. Có lần trên đường đi kiểm tra công tác chuyển thương ở tuyến lửa Khu Bốn, xe ô tô của ông  bị máy bay Mỹ ném bom rất gần. Sức ép chấn động mạnh hất ông bật khỏi xe, bị ngất. Lúc đó, anh Nguyễn Đức Lạc chiến sĩ công vụ đã cõng ông vượt qua nguy hiểm.
Với sự tín nhiệm cao, trong suốt 10 năm liền, ông được bầu làm Bí thư Đảng ủy cơ quan Tổng cục Chính trị. Vừa đảm nhiệm Cục trưởng Cục Chính sách vừa đảm nhiệm Bí thư Đảng ủy cơ quan Tổng cục Chính trị, có thể nói là một khối lượng công việc rất lớn. Bằng năng lực, phẩm chất và phong cách lãnh đạo sắc sảo, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cả hai cương vị quan trọng. Hình ảnh kính quí của ông đọng mãi trong lòng nhiều thế hệ cán bộ ở cơ quan Tổng cục Chính trị.
         Giữa năm 1978, Cục Chính sách sáp nhập vào Cục Tổ chức TCCT. Ông được cấp trên bổ nhiệm giữ chức Phó Chính ủy Binh đoàn Quân Tình nguyện Việt Nam tại Lào ( Phiên hiệu là Binh đoàn 678). Ông Trần Văn Quang Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đảm nhiệm cương vị Tư lệnh kiêm Chính ủy Binh đoàn.      
Trước yêu cầu của công tác chính sách, ngày 19/3/1982, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập lại Cục Chính sách trực thuộc Bộ Quốc phòng. Ông được cấp trên điều trở lại làm Cục trưởng . Đến tháng 9/1985, do sức khỏe, ông chuyển sang làm chuyên viên Cục trưởng. Từ tháng 5/1988, ông nghỉ dưỡng bệnh.
Trong lãnh đạo, chỉ huy cũng như trong đời sống sinh hoạt, ông luôn chân thành, thẳng thắn. Ông thường xuyên quan tâm đến đời sống và sự tiến bộ của cấp dưới. Trọn đời tôi không bao giờ quên hai lần ông trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi. Lần thứ nhất vào tháng 1 năm 1973, đang công tác tại Đoàn kiểm tra chính sách, tôi được điều động về cơ quan Cục. Ông đã dành thời gian giảng giải cho tôi rất cụ thể về những yêu cầu cần thực hiện khi công tác ở cơ quan. Ông phân tích rành rọt thể hiện trên ba điều : phẩm chất phải trong sáng, tận nghĩa tận tình đối với đối tượng chính sách; năng lực phải chuyên sâu, đồng thời phải có trình độ tổng hợp chung; có tác phong công tác xông xáo, sâu sát, cụ thể. Về nhiệm vụ, ông nói rằng, cháu còn trẻ, đã trải qua chiến đấu, có nhiều triển vọng, bởi thế Cục sẽ bố trí cháu lần lượt luân chuyển qua các phòng nghiệp vụ trong Cục và đi thực tế, nhằm nắm bắt được mọi mặt công tác . Sau này, nếu phát triển lên cán bộ chủ trì, thì có kiến thức toàn diện, điều hành công việc sẽ thuận lợi hơn. Ông khuyên tôi phải không ngừng học tập, phấn đấu để có bằng Đại học rồi phải đi học ở Học viện Chính trị của quân đội để nâng cao trình độ. Lần thứ hai, vào một buổi chiều giữa tháng 3 năm 1983, sau giờ làm việc, ông cho gọi tôi lên gặp. Sau khi hỏi han về sức khỏe, tình hình gia đình và công việc - lúc này tôi đang là Phó phòng Nghiên cứu Tổng hợp của Cục - ông nói với tôi: Thủ trưởng Cục giao cho đồng chí sang Campuchia làm việc trong Tổ đại diện của Cục Chính sách tại Bộ Tư lệnh Quân Tình nguyện Việt Nam ở Phnôm Pênh. Tổ Đại diện có nhiệm vụ giúp Cục Chính sách và Cơ quan Chính trị Quân Tình nguyện nghiên cứu đề đạt, theo dõi, chỉ đạo , hướng dẫn việc tổ chức thực hiện chính sách đối với Quân Tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam ở chiến trường Campuchia. Sang đó cần bám sát hoạt động chiến đấu công tác của các đơn vị, nắm chắc tình hình, thường xuyên có báo cáo về Cục. Thời gian công tác ở Campuchia ít nhất là 1 năm, sau đó Cục sẽ cử người khác sang thay. Nếu gia đình có gì khó khăn, Cục sẽ cử cán bộ kịp thời giúp đỡ… Tôi hoàn toàn nhất trí và biểu thị quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Sau này, tôi được biết, việc cử tôi lên biên giới phía Bắc khi chiến tranh biên giới tháng 2/1979 mới nổ ra và tiếp theo là phân công tôi sang trực ở Campuchia là nằm trong ý định qui hoạch rèn luyện, bồi dưỡng tôi của các Thủ trưởng. Đó là một cách đào tạo cán bộ có hiệu quả.Vừa là cán bộ cấp dưới thuộc quyền, vừa đáng bậc con cháu, tôi xúc động, cảm kích về những lời căn dặn chí tình, chí nghĩa của ông qua các lần giao nhiệm vụ.
Ông Lê Tiến Phục là một người cán bộ có đạo đức trong sáng, thanh liêm, gương mẫu, mô phạm toàn diện, đúng theo nghĩa: dĩ công vi thượng. Ngoài tiền lương, ông không bao giờ tơ hào đến của công bất cứ thứ gì. Tôi được biết trong gia đình, ông dạy dỗ con cái vừa tình cảm sâu sắc vừa nghiêm khắc yêu cầu con cái trong rèn luyện, học tập. Tôi được nhiều lần tiếp xúc với bà Trần Thị Đoan vợ ông, nguyên Chủ tịch thành phố Nam Định. Theo cảm nhận của nhiều người, bà Đoan là một người phụ nữ giỏi giang, tinh tế, nhân hậu, đảm đang việc nước việc nhà.Trong cuộc sống, sự thanh liêm của ông Lê Tiến Phục có lúc có việc hơi thái quá. Trong sinh hoạt ông thích đơn giản, đạm bạc, hợp lý; không thích mọi sự phô trương xa xỉ. Được biết, ông không bao giờ nhận tiền công tác phí. Bởi ông cho rằng, chế độ tiền lương cấp phát cho cán bộ là nhằm bảo đảm phục vụ nhu cầu công tác rồi, vì vậy, nếu ngoài lương, còn hưởng tiền công tác phí là trùng hưởng trong cùng một khoảng thời gian.
Tuổi cao, bệnh trọng, Thiếu tướng Lê Tiến Phục mất ngày 16/5/1999, an táng tại Nghĩa trang Mai Địch - Hà Nội.
Tấm Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều huân chương khác là phần thưởng cao quí mà Đảng, Nhà nước trao tặng xứng đáng với công lao thành tích của ông với cả một đời phấn đấu vì sự nghiệp.
Được công tác dưới quyền và hơn thế luôn được nhận sự bảo ban giúp đỡ quí báu chân tình của Thiếu tướng Lê Tiến Phục trong suốt nhiều năm, đối với tôi là một may mắn - hơn nữa có thể nói là một ân huệ. Trong đời tôi mãi mãi coi ông là người Thủ trưởng thanh liêm, công minh, người Thầy có tấm lòng nhân hậu. Ông là một tấm gương lớn về đạo đức của người cán bộ chính sách như ông đã từng bày dạy lớp cán bộ chúng tôi từ nhiều năm trước./.
                                                                                 
                                                                                               N M Đ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét