Thơ giúp xã hội nhân văn hơn
Nếu thơ ca nuôi dưỡng tâm hồn thì sự thiếu vắng thơ trong môi trường giáo dục, trong đời sống hằng ngày khiến tâm hồn con người trở nên què quặt, tính hung hăng bột phát là điều tất yếu
Không cần phải khẳng định thêm nữa về những giá trị của thơ ca: góp phần làm đẹp tâm hồn con người, nâng cao giá trị thẩm mỹ trong đời sống xã hội; chỉ cần suy lý đơn giản sẽ thấy đã là người yêu thơ, nhạy cảm trước cái đẹp chẳng ai hung hăng, hành xử bạo lực với đồng loại của mình cũng như với môi trường mình đang sống.
Yêu thơ khiến tâm hồn đẹp hơn
Nhà thơ Trần Đăng Khoa tự sự: “Một dân tộc yêu thơ như nước ta, nếu thực sự ai cũng học hỏi được những tinh túy từ thơ ca thì sẽ bớt đi rất nhiều những ứng xử hung hăng, bạo lực với đồng loại và môi trường sống như hiện tại”. Còn nhà thơ Vũ Quần Phương thì sung sướng cười: “Nhớ lại một xã hội trước đây ai cũng yêu thơ, thuộc thơ, thầy cô và học trò đều yêu thơ, khắp trường lớp vang lên sang sảng những tiếng thơ, thấy an bình và hạnh phúc lắm. Hồi đó, con người ai cũng hồn hậu, trong trẻo”.
Khách đến với ngày thơ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong Ngày thơ Việt Nam Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Dường như trong thời kỳ đói khổ, con người ta sống bằng mơ ước và thơ đáp ứng được khát vọng đó? Có lẽ vậy nên đời sống vật chất tuy thấp nhưng đời sống tinh thần lại cao, nhân ái nhiều hơn. “Từ khi kinh tế khá lên thì mơ ước bị coi là viển vông và tâm hồn con người ta cằn cỗi đi nhưng nếu càng lúc càng mất đi khát vọng thì sẽ là thảm họa” - nhà thơ Vũ Quần Phương phân tích. Theo ông: “Lứa làm thơ trẻ vừa thực tế lại vừa bị tâm lý sùng ngoại nhưng tôi vẫn tin rằng sau một số năm nữa, nếu họ trưởng thành lên thì sẽ đến lúc không chỉ chạy theo một cách cả tin như bây giờ mà sẽ biết chắt lọc lấy những tinh túy từ bên ngoài và tự thể hiện được những vẻ đẹp nội tại của dân tộc”.
PGS-TS, giảng viên Nguyễn Hoàng Ánh suy nghĩ: “Thơ giống như nước hoa của đời. Thơ làm cho con người ta phải lắng đọng, suy nghĩ, chiêm nghiệm về cuộc đời. Chính vì thế, yêu thơ thì không thể sống xô bồ được”.
Làm sao để thơ ca có đời sống
PGS-TS Nguyễn Hoàng Ánh khẳng định: “Thơ đúng là di sản quý của nhân loại. Người Việt phải biết trân quý di sản thơ của mình. Thời xưa, hầu hết nhân sĩ, trí thức của Việt Nam đều có tài bình luận và khả năng thơ phú. Chúng ta đã được mệnh danh mỗi người Việt Nam đều là nhà thơ mà. Nhưng cần phải có những cách tôn vinh, quảng bá về thơ hấp dẫn, sáng tạo và đúng tầm. Ngày thơ Việt Nam hiện tại ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) quá nặng tính tuyên truyền, rất nhiều diễn văn với các chức danh nhưng sự đầu tư cho thơ lại quá kém, cách viết thơ lên phướn rất xấu, nội dung thơ trên đó cũng toàn là của những người có chức. Cách trình diễn thơ của các nhà thơ thì chưa có gì sáng tạo hay khẳng định phong cách riêng”.
Không thiếu những cá nhân đã nỗ lực sáng tạo khiến người khác phải ngưỡng mộ, như nhà thơ Đoàn Ngọc Thu (Hà Nội) mới đây vừa công bố video art cho bài thơ Bão độc đáo của chị hay như cách nhà thơ Nguyễn Thúy Hằng (TP HCM) đưa thơ vào bar… Các buổi ra mắt thơ cá nhân thường cũng rất ấn tượng, khẳng định đẳng cấp. Thế nhưng, càng ngày người ta càng rời xa thơ.
Những thế hệ trước, ít nhiều cũng có một vài bài thơ, vài câu thơ hay, tâm đắc thuộc nằm lòng, thậm chí trở thành phương châm, quan điểm sống, cách ứng xử của từng người. Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, người đọc thơ, yêu thơ càng hiếm. Lớp trẻ bây giờ hiếm có người thuộc được vài câu thơ.Ngay trong chương trình dạy văn của các bậc phổ thông cũng ngày càng ít thơ, đề thi văn tốt nghiệp các cấp đến đại học hiếm khi ra đề phân tích thơ. Vì vậy, học sinh chẳng màng đến thơ cũng phải.
Nếu thơ ca nuôi dưỡng tâm hồn thì sự thiếu vắng thơ trong môi trường giáo dục, trong đời sống hằng ngày khiến tâm hồn con người trở nên què quặt, tính hung hăng bột phát cũng là điều tất yếu.
Nhạc phổ thơ quá hiếm
Thơ là chất liệu để nhiều nhạc sĩ sáng tác nên những ca khúc hay. Những ca khúc Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu, do nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc từ tác phẩm thơ của nhà thơ Xuân Quỳnh, để lại ấn tượng đậm nét trong lòng công chúng. Phan Huỳnh Điểu cũng là nhạc sĩ có nhiều ca khúc phổ thơ hay, chiếm phần lớn gia sản âm nhạc của ông.
Nhạc sĩ Phú Quang cũng có nhiều ca khúc nổi tiếng phổ từ thơ: Biển nỗi nhớ và em phổ từ Bài thơ viết ở biển của nhà thơ Hữu Thỉnh, Đâu phải bởi mùa thu phổ bài thơ Yên tĩnh của nhà thơ Giáng Vân, bài Em ơi Hà Nội phố phổ thơ của Phan Vũ.
Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây của nhạc sĩ Hoàng Hiệp cũng phổ từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Phạm Tiến Duật; ca khúc Nổi lửa lên em của nhạc sĩ Huy Du phổ từ bài thơ Tiểu đội xe không kính của nhà thơ Phạm Tiến Duật.
Gần 40 năm sau hòa bình, bài thơ Tổ quốc gọi tên mình chất chứa tình yêu thiêng liêng hướng về quê hương đất Việt của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đã trở thành ca khúc yêu thích của hàng triệu người nghe trẻ tuổi trên khắp cả nước, được phổ nhạc bởi nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn. Cho đến nay, có hàng trăm bản phối khí và dàn dựng ca khúc này được lan truyền trong cộng đồng, có cả bản tiếng Anh và bản tiếng Pháp.
Tuy nhiên, ca khúc phổ thơ ngày nay gần như không còn trong đời sống nhạc trẻ.
Hòa Bình
Theo : Người lao động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét