Menu ngang

Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

Những cột mốc trong sự nghiệp 

của ông Lý Quang Diệu  


TTO - Ông Lý Quang Diệu trở thành thủ tướng Singapore từ năm 1959 đến năm 1990. 
Ông Lý Quang Diệu phát biểu trong buổi họp đầu tiên của Đảng Hành động nhân dân (PAP) năm 1954 - Ảnh: Straits Times
Như vậy, ông là vị thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử. Dưới sự lãnh đạo của ông, Singapore trở thành quốc gia phát triển nhất Đông Nam Á.
Ông Lý Quang Diệu sinh ngày 16-9-1923 trong một gia đình gốc Hoa giàu có đã định cư tại Singapore từ thế kỷ 19.
Sau Thế chiến II, ông Lý Quang Diệu theo học ngành luật ở ĐH Fitzwilliam tại Cambridge, Anh. Năm 1949, ông trở thành luật sư nhưng về Singapore để xây dựng sự nghiệp.
1954. Khi đó, Singapore là thuộc địa của Anh, nằm dưới quyền quản lý của một thống đốc và một hội đồng lập pháp được chỉ định.
Ông Lý Quang Diệu muốn thay đổi cấu trúc quản trị của đất nước. Tháng 11-1954, ông thành lập Đảng Nhân dân hành động (PAP) và trở thành tổng thư ký PAP.
Năm 1955, một hiến pháp mới được đưa ra ở Singapore và trong cuộc bầu cử sau đó, PAP giành ba ghế ở hội đồng  lập pháp.
Năm 1956 ông Lý Quang Diệu đến London cùng phái đoàn đòi quyền tự trị cho Singapore. Năm 1958, ông giúp thương thuyết đưa Singapore trở thành một chính phủ độc lập (ngoại trừ các vấn đề về quốc phòng và ngoại giao).
Tháng 6-1959, tổng tuyển cử diễn ra. Đảng PAP của ông Lý Quang Diệu giành thắng lợi và ông lên giữ chức thủ tướng vào ngày 5-6-1959. Ông trở thành thủ tướng đầu tiên của quốc gia Singapore độc lập.
1963. Sau khi lên nắm quyền, ông Lý Quang Diệu thực hiện các chính sách phát triển đô thị, xây nhà, cải tổ kinh tế, công nghiệp hóa... Ông kêu gọi sáp nhập Singapore vào Malaysia và chấm dứt chế độ thuộc địa của Anh. Trưng cầu dân ý năm 1962 cho kết quả 70% dân Singapore ủng hộ sáp nhập vào Malaysia. Năm 1963, Singapre gia nhập Liên bang Malaysia.
1965. Căng thẳng giữa người gốc Hoa và người Malay dẫn tới bạo động tại Singapore. Malaysia quyết định trục xuất Singapore ra khỏi liên bang. Ông Lý Quang Diệu ký thỏa thuận rời Malaysia vào ngày 7-8-1965. Ông Lý Quang Diệu phải đối mặt với thách thức lớn bởi một Singapore rời Malaysia trở nên đơn độc trong khi không có tài nguyên và năng lực quốc phòng hạn chế.
Singapore cần một nền kinh tế mạnh để tồn tại với tư cách quốc gia độc lập. Ông Lý Quang Diệu thực hiện chương trình đưa Singapore trở thành một nhà xuất khẩu lớn và khuyến khích đầu tư nước ngoài. Singapore cũng tìm kiếm sự công nhận quốc tế khi gia nhập Liên Hiệp Quốc và Khối Thịnh vượng chung.
Thập niên 1980. Singapore đạt mức tăng trưởng cao, nâng cấp các ngành công nghệ cao, khánh thành sân bay quốc tế Changi. Các chính sách của ông LÝ Quang Diệu đưa cảng Singapore trở thành một trong những hải cảng nhộn nhịp nhất thế giới. Singapore trở thành trung tâm giao thông quan trọng của khu vực và là trung tâm du lịch lớn.
1990. Ông Lý Quang Diệu trao lại ghế thủ tướng cho ông Goh Chok Tong (Ngô Trác Đống) nhưng vẫn tiếp tục ở lại nội các với vị trí Bộ trưởng Cao cấp.
2011 đến nay. Sau cuộc bầu cử tháng 5-2011, ông Lý Quang Diệu chính thức rút khỏi nội các. Tháng 11-2011, con gái ông tiết lộ ông bị mắc bệnh thần kinh ngoại biên. Tháng 2-2013, ông Lý Quang Diệu phải nhập viện vì rối loạn nhịp tim. Tháng 2-2015, ông nhập viện vì bệnh viêm phổi nặng.
Ông Lý Quang Diệu trong bức ảnh chụp năm 1959, sau khi thắng cử Singapore - Ảnh: Telegaph
Ông Lý Quang Diệu trao đổi với nông dân trong một chuyến thị sát năm 1963 - Ảnh: Straits Times
Trang nhất báo Straits Times số ra tháng 8-1965 khi Singapore tách khỏi Liên bang Malaysia - Ảnh: Straits Times
Ông Lý Quang Diệu tuyên thệ nhậm chức Bộ trưởng Cao cấp năm 1990 sau khi trao lại chức thủ tướng cho ông Goh Chok Tong - Ảnh: Bloomberg
Ông Lý Quang Diệu năm 2004 khi trở thành Bộ trưởng Cố vấn - Ảnh: ABC News
Ông Lý Quang Diệu đã già nhưng vẫn còn mạnh khỏe hồi năm 2011 - Ảnh: Stasiareport
HIẾU TRUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét