Menu ngang

Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

Lý Quang Diệu và Chính phủ mạnh, sạch, có tầm nhìn

Chỉ sau vài thập kỷ dựng nước, dưới bàn tay trị quốc của ông Lý Quang Diệu, Singapore đã đạt được thương hiệu quốc gia Xanh, Chính phủ mạnh, sạch và có tầm nhìn.
Dù nhà bạn ở bất cứ nơi đâu trên đảo quốc Singapore bạn có thể dễ dàng thấy ngay gần đó là một thảm cỏ xanh, một cái vườn hay những hàng cây, thậm chí có cả cây cổ thụ cao hơn cả tầng 10 của một tòa nhà và tán của nó có thể che được cả một góc sân vận động.
Có lẽ không đâu trên trái đất này mà ở giữa trung tâm của một thành phố hiện đại, sáng sớm thức dậy bạn có thể nghe được tiếng chim chào mào, chim chích chòe hót véo von cộng với tiếng chim tu hú rộn rã.
Ra khỏi trung tâm mua sắm sầm uất trên đường Orchard chỉ mấy con phố là có thể thấy một cánh rừng nho nhỏ; gọi là rừng vì nó có đủ ba tầng cây đặc kín khiến người ta không thể len vào trong đó được. Tầng dưới cùng phủ kín bới các loại dương xỉ khiến người ta nghĩ tới rừng nguyên sinh.
Lý Quang Diệu, Cây xanh, quốc gia, thiên nhiên, Châu Sa
Thảm xanh ở Singapore được tạo nên nhờ tình yêu cây xanh của cả cộng đồng, đứng đầu là người cha già của đất nước, ông Lý Quang Diệu.
Những cánh rừng kiểu đó hiện diện khắp hòn đảo, đa số chỉ nhỏ như một ngọn đồi thấp khiêm nhường. Rừng nguyên sinh bên cạnh tổ hợp nhà cao tầng có lẽ là nét đặc thù riêng biệt của Singapore.
Và ngày nay, chỉ sau vài thập kỷ dựng nước họ đã đạt được thương hiệu Thành phố Xanh (cũng là Quốc gia Xanh), ngoài việc sánh vai với các cường quốc công nghiệp hiện đại khác. Vậy Singapore xanh như thế nào?
Đó là bất cứ công trình xây dựng nào cũng bao gồm thảm cỏ, vườn và cây cối; là hệ thống hơn 300 công viên; là những khu bảo tồn thiên nhiên. Singapore có diện tích khoảng hơn 700km2 và chính phủ họ đã tự hào với việc ngày nay gần 50% số đó đã được phủ xanh.
Có thể kể ra đây vài công viên khủng trong số hơn 300 công viên ở Singapore (chưa tính đến vườn chim và vườn thú):East Coast Park (1,860,000 m²), Gardens by the Bay (940,000 m²), Pasir Ris Park(705,000 m²), West Coast Park (500,000 m²), Kent Ridge Park (465,000 m², MountFaber Park (565,000 m²), Dairy Farm Nature Park (630,000 m²), Bishan Park(522,000 m²), National Orchid Garden & Singapore Botanic Gardens (660,000m²).
Những công viên này ngoài cây xanh là các công trình kiến trúc đẹp và tiện dụng cho niệc vui chơi giải trí miễn phí cho người dân. Nhưng hữu ích hơn cả là hệ thống vườn và cây xanh bao quanh các khu dân cư, các công trình công cộng và dọc các đường phố. Đó là lá phổi vĩ đại lọc sạch không khí, đồng thời là máy điều hòa nhiệt độ khổng lồ làm dịu không khí nóng ẩm ngùn ngụt hơi nước của xứ xở gần xích đạo quanh năm phơi mình dưới mặt trời gay gắt.
Thực ra cây ở đây tuy tán rộng và xòe đều nhưng không đẹp bằng cây ở Việt Nam như cây phượng vĩ, cây gạo với sắc hoa đỏ thắm rực rỡ, cây điệp với sắc hoa vàng óng, cây bằng lăng hoa tím dịu dàng, hay cây bàng lá xanh lá đỏ. Tuy nhiên, cả một thảm xanh hòa nhịp dù cao thấp, to nhỏ không hẳn đồng đều đã cho Singapore một thương hịệu Xanh có thể nói là độc nhất trên thế giới.
Thương hiệu Xanh này đã được phôi thai từ ông Lý Quang Diệu, cũng là người khai sinh ra nước Singapore. Tháng Sáu năm 1963, trước khi Singapore độc lập 2 năm (1965) ông Lý Quang Diệu đã khởi đầu chiến dịch trồng cây để tăng lượng mưa bằng việc trồng một cây con tại khu Farrer Circus.
Sau khi giành được độc lập, ông đã có tham vọng đưa đất nước từ thế giới thứ ba lên đẳng cấp hạng nhất và ông cho rằng một đất nước sạch và xanh sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ. Ông đã gửi thông điệp ra thế giới rằng Singapore là nơi có kỷ cương và nhấn mạnh đến việc giữ gìn môi trường bền vững.
Tại thời điểm đó Singapore vẫn còn là nước nghèo và còn rất bấp bênh về tương lai của nền kinh tế. Là nước nhiệt đới nóng ẩm quanh năm, thảm xanh giúp người dân bản địa sống và làm việc tốt lên rất nhiều, đồng thời cũng mời gọi được nhiều tài năng từ những vùng có khí hậu lạnh (tức là thế giới văn minh Âu Mỹ).
Lý Quang Diệu, Cây xanh, quốc gia, thiên nhiên, Châu Sa
Nếu người ta không quý thảm xanh xung quanh như quý lá phổi của mình thì sẽ là nạn nhân của chính mình.
Mặt khác khí hậu nóng ẩm cũng rất thuận lợi cho việc trồng cây. Và do vậy, chỉ sau vài thập kỷ, Singapore đã gặt hái được thương hiệu Xanh, cái làm nên sự khác biệt đáng tự hào giữa họ và nhóm nước phát triển hàng đầu thế giới.
Có thể nói thảm xanh ở Singapore được tạo nên nhờ tình yêu cây xanh của cả cộng đồng, đứng đầu là người cha già của đất nước, ông Lý Quang Diệu. Họ quý từng cây xanh, đặc biệt cây cổ thụ lâu năm và to lớn. Ngày nay, hơn 2 triệu cây dã được trồng và tất cả đều được lưu giữ trong hồ sơ dữ liệu. Việc chặt bỏ một cây đều phải được xin phép cơ quan chủ quản. Các quần thể cao ốc chọc trời vẫn liên tiếp mọc lên.
Nhưng có vẻ như các cây cổ thụ là quyết định của người lập nên kiến trúc quần thể. Utown (University town) là khu học xá mới vô cùng hoành tráng và hiện đại của Đại học Quốc gia Singapore, được hoàn thành vài năm gần đây. Khi nó được khánh thành, nằm trong khuôn viên của nó có vài cây cổ thụ to lớn hiên ngang sánh vai cùng những tòa nhà đồ sộ. Bởi vì khi nó còn là công trường xây dựng khổng lồ đầy những giàn giáo và cần cấu ngất trời người ta vẫn thấy vài cây cổ thụ lặng lẽ đứng nghe tiếng giộng đất và trộn bê tông rầm rầm xung quanh.
Từ trải nghiệm của Singapore có thể khẳng định rằng, nếu người ta không quý thảm xanh xung quanh như quý lá phổi của mình thì sẽ là nạn nhân của chính mình. Hãy cắm vào bất cứ mẩu đất nào dôi ra một màu xanh, và hãy chân trọng những cây đã trơ gan cùng thế nguyệt hàng thập kỷ. Chỉ vài năm bạn sẽ thấy cuộc sống khác hẳn.
Châu Sa (từ Singapore)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét