Lỗi không chỉ nằm ở người dân
Đề xuất tịch thu phương tiện nếu lái xe có nồng độ cồn cao (trên 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở) mới được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đưa ra đã tạo nên cuộc tranh cãi khá sôi nổi.
Người ủng hộ, kẻ phản đối. Cả hai phe đều có lý lẽ. Còn tôi giữ quan điểm: nếu giải pháp này thực sự giảm được số người chết vì tai nạn giao thông thì nó xứng đáng để áp dụng. Bởi trong mọi trường hợp, mạng sống của con người vẫn là thứ quý giá nhất. Thế nhưng, chúng ta vẫn chưa có một nghiên cứu công phu và uy tín nào để khẳng định rượu bia là nguyên nhân chính khiến Việt Nam mỗi ngày trung bình có tới 25 người chết vì tai nạn giao thông.
Tất nhiên, tôi hoàn toàn phản đối việc điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã sử dụng rượu bia. Ở đây, tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng các chính sách nên được đưa ra dựa trên những nghiên cứu khoa học đáng tin cậy, chứ không phải chỉ dựa vào phỏng đoán. Khi những chính sách gắn liền với những bằng chứng khoa học, nó sẽ mang tính thuyết phục số đông hơn.
Trở lại với câu chuyện tịch thu phương tiện nếu lái xe có nồng độ cồn cao, tôi hiện chỉ tìm được một nước đang áp dụng hình phạt này. Đó là Italy (có thể còn những nước khác mà tôi không biết). Một số quốc gia khác tuy đều phạt rất nặng hành vi lái xe khi sử dụng đồ uống có cồn, nhưng lại không tịch thu phương tiện. Thay vào đó họ thi hành những hình phạt khác như phạt tiền, tước bằng lái, thậm chí là phạt tù.
Việc phần lớn các nước không áp dụng hình thức tịch thu phương tiện khiến chúng ta phải suy ngẫm. Không bàn đến cơ sở pháp lý (vì luật cũng có thể được chỉnh sửa cho phù hợp), thì biện pháp này vẫn tiềm ẩn không ít vấn đề, đặc biệt là trong điều kiện Việt Nam hiện nay. Về cơ bản, phương tiện giao thông vẫn là tài sản rất có giá trị với người Việt Nam. Bởi vậy, việc tịch thu rất có thể dẫn đến tình trạng gia tăng hành vi chống người thi hành công vụ, gây nguy hiểm cho cộng đồng, nhất là khi những người đã có hơi men thường rất manh động, bốc đồng. Hơn nữa, cho phép tịch thu phương tiện đồng nghĩa với việc đã trao quyền lực rất lớn cho người thực thi công vụ. Nếu không có chế tài giám sát chặt chẽ, phù hợp sẽ rất dễ nảy sinh tiêu cực trong xã hội.
Trong khi đó, những chế tài khác như phạt tiền, tước bằng lái, lao động công ích, phạt tù… cũng có thể tạo ra tác động tương đương việc tịch thu phương tiện, nếu chúng được thực thi một cách nghiêm túc và có biện pháp quản lý phù hợp. Chế tài về tài chính của Việt Nam đối với hành vi này không hề nhẹ so với các nước, nếu tính trên thu nhập bình quân đầu người. Ví dụ như ở Đức, Tây Ban Nha, Italy số tiền phạt thấp nhất đều là từ 500 euro, cao nhất là 6.000 euro (ở Italy) tùy vào mức độ vi phạm. Thu nhập bình quân đầu người ở Đức là khoảng 35.000 euro mỗi năm. Như vậy, mức phạt tối thiểu bằng 1/70 thu nhập bình quân một năm. Ở Việt Nam mức phạt tối thiểu đang áp dụng với ôtô là 2 triệu đồng (tối đa là 15 triệu), với xe máy tối thiểu là 500 nghìn đồng (tối đa là 3 triệu). Chiếu theo thu nhập bình quân đầu người của nước ta - khoảng 2000 USD, thì mức phạt tối thiểu của chúng ta cũng bằng 1/80 (đối với xe máy) và 1/20 (với ôtô) thu nhập bình quân một năm, tức là không hề nhẹ hơn châu Âu. Vấn đề là nhà chức trách thực hiện chưa đủ nghiêm minh và triệt để, dẫn đến sự “nhờn thuốc”.
Theo tôi, tình trạng giao thông lộn xộn hiện nay có trách nhiệm không nhỏ của nhà quản lý. Khó có thể đòi hỏi người tham gia giao thông có ý thức, trách nhiệm cũng như kỹ năng tốt, khi vẫn còn nhiều người có bằng lái mà không hề nắm được luật, do tình trạng bao thi lý thuyết vốn rất phổ biến và việc sát hạch cấp giấy phép lái xe tương đối dễ dãi so với nhiều nước. Tương tự, cũng khó trông chờ người tham gia giao thông chấp hành luật, nếu pháp luật không được nhà chức trách thực thi nghiêm túc và minh bạch. Thậm chí, rất có thể những lỗ hổng về quản lý này mới là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng giao thông phức tạp, chứ không phải hiện tượng bề nổi: lái xe khi sử dụng đồ uống có cồn.
Vì thế, khi mà các cơ quan quản lý chưa thể giải quyết được những vấn đề nội tại âm ỉ của mình, thì bất kỳ giải pháp nào đối với cộng đồng, kể cả tịch thu xe cũng sẽ trở thành vô nghĩa. Ngoài ra còn có một nghịch lý: chúng ta muốn phạt nặng hơn nữa hành vi lái xe với nồng độ cồn quá mức cho phép. Nhưng nhãn mác các loại đồ uống có cồn trong nước lại không hề định lượng cho người tiêu dùng biết họ được uống bao nhiêu đơn vị. Trong khi, ở nhiều nước khác, đây là quy định bắt buộc.
Rõ ràng, cơ quan quản lý cần phải hoàn thiện chức trách của mình, trước khi nghĩ tới những hình phạt mới. Bởi nếu làm như vậy, họ đã mặc định lỗi chỉ nằm ở người dân.
Phan Tất Đức
Theo : VnExpress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét