Menu ngang

Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2015

Quan hệ giữa đệ nhất Minh quân  Lê Thánh Tông và Thái Sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí: một trường hợp đặc biệt.
                                         Giáo sư Nguyễn Đình Chú

       Đặc biệt trước hết Nguyễn Xí là người có công đầu trong công cuộc dẹp loạn, đưa Lê Thánh Tông lên ngôi báu mà đã phải trả giá một cách bi tráng có một không hai trong lịch sử. Sử sách đã chép rõ như thế:


       Tháng 10 niên hiệu Diên niên thứ 16 ( 1459), Lạng sơn vương Lê Nghi Dân dùng bọn tay sai Phan Ban, Phạm Đồn, Trần Lăng, ban đêm trèo tường vào cung điện giết vua Lê Nhân Tông, sáng hôm sau, giết nốt Thái hậu, lên ngôi vua, đặt niên hiệu Thiên Hưng,  gây nên cảnh “ các quan văn võ phải nuốt hận ngậm đau, nhân dân bốn phương như mất cha mẹ” ( Đại Việt sử ký toàn thư). Những bậc quần thần trung thành với triều đại Lê sơ và trên hết là với cơ đồ của giang sơn Đại Việt đã mưu toan công cuộc phản đảo chính. Ngoài những nhân vật chính là Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Niệm, Lê Lăng, còn là: Lê Nhân Thuận,Trịnh Đạc, Nguyễn Đức Trung, Lê Yên, Lê Vĩnh Trường, Lê Bô, Lê Giải, Lê Bảo, Lê Quyết Trung, Lê Nhân Qúi, Lê Lật, Nguyễn Trợ, Nguyễn Ngân, Lê Sư Lộ…và Nguyễn Sư Hồi, trưởng nam của Nguyễn Xí. Nhưng lãnh xướng của công cuộc phản đảo chính này, không ai khác là Nguyễn Xí. Lời dụ của vua Lê Thánh Tông, Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Đại Việt thông sử của Lê Quí Đôn, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Việt sử tổng vịnh của Tự Đức… đều cho thấy như thế. Lúc có sự cố, Nguyễn Xí đang dự  chức Thái Bảo trong triều, đã lấy cớ mắt bị mù, xin  nghỉ việc triều chính về nhà. Bọn phản nghịch đã dùng các phép thử. Chúng cho tay sai chọc ghẹo tỳ thiếp của Ngài. Ngài biết và hỏi: “ Mần ( làm) chi đó?”. Chúng nói: “ giã chè”. Ngài nói: “ Giã mau lên đun nước ta uống”.Tiếp theo, chúng đã dùng một phép thử vô cùng ác độc là nhằm lúc Ngài sắp ra sân, chúng đặt người con thứ mười sáu là Duy Tân ở ngay bộc cửa. Biết vậy nhưng Ngài đã cầm lòng vậy đành lòng vậy đạp chết người con măng sữa chưa đầy tuổi tôi trong nỗi đau xé ruột xé lòng. Bọn phản nghịch đã tin nhưng chưa tin trọn. Nhân một bữa yến tiệc, chúng mời Ngài tới dự và biết Ngài là người giỏi về cốt tướng, xem tướng bằng cách sờ nắn xương cốt, đã nhờ xem hỗ. Dĩ nhiên cũng là một díp để chúng dò thêm thái độ của vị Thái Bảo đầu triều này. Ngài đã xem, xem đến đâu khen đến đó. Nhưng đến ót thì tóm lấy cổ, trợn mắt lên, rút dao đã nhét sẵn dưới hài đâm chết Phạm Đồn, hô lực lượng tiếp ứng xông vào giết sạch bè lũ phản nghịch. Sau đó, hạ bệ Lê Nghi Dân; Dẹp xong loạn Lê Nghi Dân, một vấn đề đặt ra là chọn ai lên ngôi vua? Quả là một bài toán khó. Đã có sự tranh chấp trong lời giải. Lê Lăng và một số người chọn Cung vương Khắc Xương   “người đứng đầu trong các con thứ” mà theo Lê Quí Đôn là người sống “ phong nhã đạm bạc…chất phác như một nho sinh”. Nhưng Nguyễn Xí không bằng lòng, bèn rước lập Thánh Tông tức Lê Tư Thành vốn là một phiên vương sống ở ngoại ô mà theo Ngô Sĩ Liên là người có “ dáng điệu đứng đắn, thông minh hơn người thường  lại càng che dấu, không lộ anh khí ra ngoài, chỉ vui với sách vở đời xưa, nghĩa lý của thánh hiền …ưa điều thiện, thích người hiền.”Quả thật trong việc chọn Lê Tư Thành lên ngôi báu để thành Lê Thánh Tông đệ nhất minh quân như thê, rõ ràng Nguyễn Xí đã có cặp mắt thần, có khả năng dự báo siêu đẳng. Sau này có người cho rằng sao Ngài lại đạp chết con như thế. Như thế là phạm luật nhân quyền. Nhưng từ xưa, mọi người biết chuyện đã không nghĩ như vậy mà chỉ thấy đây là một hành động cao cả mang tính chất bi tráng  có một không hai trong lịch sử trung đại. Bởi nhìn vào hậu quả của hành động là đưa được Lê Thánh Tông lên ngôi báu, một  vị đệ nhất minh quân trị vị 38 năm, đã đưa đất nước lên mức hùng cường ngang độ hùng cường của một số nước trong khu vực. Đã biết tận dụng hơn mặt tích cực của Nho giáo để làm nền tảng tinh thần cho  đất nước. Đã mở mang phát triển và bước đầu dân chủ hóa nền giáo dục của  nước nhà, biến giáo dục thành quốc sách hàng đầu thực sự. Đã sản sinh cho đất nước nhiều bậc hiền tài đúng với nguyên lý hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Đã chớm có tư tưởng pháp quyền một khi  nhà vua đã tuyên bố trước quần thần: Pháp luật là phép công của Nhà nước, ta cùng  các ngươi phải tuân theo. Đã có mầm mống tư tưởng nữ quyền một khi mà bộ luật Hồng Đức qui định: Con gái đã hứa gả chồng mà chưa cưới, dù đã nhận sính lễ, nếu người chồng bị ác tật hoặc phạm tội, hoặc cửa nhà tan nát thì cho phép người con gái kêu quan để từ hôn và trả đồ lễ. Ngược lại , đã nộp sính lễ mà phía trai vì một lý do không chính đáng mà hủy hôn thì bị phạt 80 trượng và chịu mất sính lễ. Cưới hỏi xong mà năm tháng chồng không ăn nằm với vợ thì vợ có quyền ly hôn. Trường hợp vợ đã có con thì cho hạn một năm. Về tài sản , có ba bộ phận. Của riêng do nhà trai cho chồng. Của riêng do nhà gái cho vợ. Của chung do hai vợ chồng làm ra. Nhưng khi bán tài sản nào phải có chữ ký của cả chồng và vợ. Nhà có con trai trưởng thì ruộng hương hỏa là cho trai trưởng. Phần còn lại chia đều cho con trai và con gái. Trường hợp không có trai trưởng thì trai thứ hưởng hương hỏa hoặc nữ trưởng  được hưởng  hương hỏa đó nhưng chỉ hết đời mình. Vợ có quyền hưởng một phần tài sản của chồng. Trường hợp vợ chồng chưa có con, nếu ly hôn không do lỗi của người vợ hoặc một khi người chồng chết, người vợ ngoài quyền sở hữu tài sản riêng của mình còn được chia một nửa  tài sản riêng của chồng, nếu chết hoặc tái giá thì tài sản này sẽ giao lại cho nhà chồng…Từ sự hy sinh một người con để có một vương triều về sau như thế , người Việt Nam ta muôn đời nghĩ sao? Vi phạm nhân quyền ư ? Không. Ăng ghen trong tác phẩm Chống  Đuyrinh chẳng đã nói:  “ Chân lý lớn hơn pháp lý”. Đương thời, trước hành động cao cả mang tính chất bi tráng của Nguyễn Xí, đã xuất hiện bài thơ: “ Thiên hạ vĩ bình công mục manh / Thiên hạ dĩ bình công mục minh / Hành khan thế sự chuyển như bình / Như hà bất thính đáo trà thanh”.( Thiên hạ chưa bình yên thì mắt ông mù /Thiên hạ bình yên rồi thì mắt  ông sáng/ Hãy xem cuộc thế như  xoay chuyển cái bình / Lẽ nào lại không nghe tiếng giã trà). Nguyễn Xí kết duyên với đệ nhất minh quân Lê Thánh Tông chỉ được năm năm( 1460 – 1465) thì qua đời. Nhưng sự nghiệp của Ngài là như thế với vương triều Lê Thánh Tông vẻ vang  như thế. Ngày nay, truyền hình Việt Nam trong chương trình Danh nhân đất Việt dựng phim về Ngài có nhan đề “ Người hai lần khai quốc” là bởi vậy. Lần thứ nhất là  với tư cách một chiến tướng chủ lực kiệt xuất trong phong trào khởi nghĩa Lam Sơn. Lần thứ hai là việc đi đầu trong công cuộc dẹp loạn Lê Nghi Dân, mở đầu thời đại trung hưng. Một lần khai quốc, hẳn là có nhiều vị khác. Nhưng hai lần khai quốc  thì quả là hiếm.
                                                                   
    Điều  đặc biệt tiếp theo là cách đối xử của đệ nhất minh quân Lê Thánh Tông với Nguyễn Xí mà  khả năng hiểu biết hiện thời của người viết bài này cũng chưa thấy trường hợp thứ hai. Đầu tiên là việc ban thưởng tước hiệu cho những công thần đã phản đảo chính để đưa mình lên ngôi trong đó có Nguyễn Xí. Nhưng riêng Nguyễn Xí còn được nhà vua ban  những lời tôn vinh nồng thắm mang nặng lòng tri ân : “ Trẫm nghĩ: xướng đại nghĩa để trừ kẻ hung tàn, Ngươi đã có công như công yên được nhà Hán (1). Lấy ngôi thượng công mà bàn phong thưởng, Ngươi đáng được vinh dự cắt đất phân phong. Bói được giờ lành tháng tốt, ban sắc mệnh rực rỡ.
   Xét ( Nguyễn Xí ) đây: khí độ trầm hùng, tính người cương đại. Giúp Cao Hoàng(2) khi mở nước, trăm trận gian nan. Phò tiên khảo thủ thành, hết lòng giúp rập. Ra vào hết chức phận tướng văn tướng võ. Trước sau giữ trọn tiết làm tôi làm con. Giữ mình có đạo, hồn nhiên như ngọc chẳng khoe tươi. Nghiêm mặt ở triều, lẫm liệt như thanh gươm mới tuốt.  Các quan đều tưởng mộ phong thái. Bốn biển đều ngưỡng vọng uy thanh. Tiên đế mất trong lúc Nam tuần, Ngươi ân cần nhận lời di chiếu. Ta lên ngôi như mặt trời mới mọc . Ngươi hết lòng bày tỏ mưu mô. Tôn miếu xã tắc được vững vàng. Trung châu man di đều thuần phục. Mới rồi: vì trong nước yên tĩnh lâu ngày, nên việc võ dần sinh trễ nải. Giặc cướp phạm vào trong cung, biến cố sinh từ kẽ nách. Lúc nước có biến  phi thường, chỉ Ngươi lo toan cứu nạn. Cha con một nhà, cùng một lòng diệt phường gian ác. Nghĩa vua tôi nghìn thuở, đỡ mặt trời mà đặt lên cao. Công kém gì đình thần nhà Hán, việc hơn cả các quan nhà Đường. Ba mối rường đã đứt lại được nối, vầng nhật nguyệt đã tối lại sáng ra.Công lao như thế, đâu dám coi thường. Vì vậy đưa Ngươi lên ngôi sư phó, tấn phong tước Á quận công(3). Lại cho Ngươi được khai phủ kiêm giữ chức trọng Bình Chương, để mọi việc sáng tỏ, để giúp đỡ mình ta.
   Than ôi ! bình nội nạn, chỉnh ngôi vua, trong đời công lao hơn cả. Thay cho việc trời giúp Hoàng đế,nên hết lòng với nước nhà. Ngươi thực bề tôi trung ái, không cần biết phiền toái nhiều lời” ( Đại Việt thông sử.). Không chỉ phong chức tước cho Nguyễn Xí, nhà vua còn truy phong  thân phụ của Ngài - Nguyễn Hội- là Đình quận công và anh trai của Ngài- Nguyễn Biện- hy sinh trong khi theo Lê Lai liều mình cứu chúa ở buổi đầu Lam Sơn khởi nghĩa, là Nghiêm quận công. Mười  lăm con trai  của Ngài thì bảy người làm quan tại triều, tám người là tổng đô đốc, đô đốc, trấn thủ các địa phương. Được nhà vua đại ngộ đến thế là cùng. Tuy thế trong quan hệ vua tôi, cũng có trường hợp liên quan đến việc sử dụng nhân tài của nhóm võ quan mà Nguyễn Xí đứng đầu thì nhà vua đã không bằng lòng và thẳng thắn chỉ ra. Rồi chuyện trưởng nam Nguyễn Sư Hồi bị vu tội làm thơ ngụ ý muốn hại nhóm Lê Niệm, bị kết tội chết thì nhà vua đã tha chết và có sắc dụ cho các quan trong triều rằng : “ Sư Hồi vì có công trung hưng cùng với cha là  Xí có công lao lớn trong buổi khai quốc nên tha tội chết” và dụ riêng cho Lê Thọ Vực, người bị đụng chạm là: “ Bài thơ yêu ma đó chưa chắc là do Sư Hồi làm, trong chỗ ngờ cũng có thể vu oan được . Những câu về Lê Niệm, Nguyễn Lỗi, Trịnh Văn Sái thì ngờ cho nó còn được, chứ Thọ Vực thì chỉ nói là hung bạo, thực ra chưa đến mức phản nghịch thì sao lại đổ cho Sư Hồi làm?”( Đại Việt sử ký toàn thư).  Kể cả chuyện Nguyễn Sư Hồi dính líu gì đó về của đút mà Đại Việt sử ký toàn thư có ghi thì thấy nhà vua vẫn nghiêm khắc,thẳng thăn và khuyên bảo chân tình. Trước sau, vị minh quân vẫn không để mất tình cảm thủy chung son sắt với cha con Nguyễn Xí. Đặc biệt , đến ngày Nguyễn Xí lâm bệnh thì nhà vua lại có dụ rằng: “ Ngày xưa trẫm làm phiên vương, nhớn nhơ chốn cửa son, không có ý lên ngôi báu . Vì bọn khanh đồng lòng suy tôn, diệt bọn phản nghịch, đưa trẫm lên ngôi báu, đến nay đã năm năm. Thú vui con hát, vũ nữ thì khanh không bằng  họ Thạch họ Cao nhà Tống(4),mà lo lắng đến héo ruột khó tìm thì khanh hơn hẳn họ Phòng họ Đỗ nhà Đường(5). Công lao đó trẫm chưa báo đền, bệnh khanh sao đã trầm trọng thế. Nếu khanh nghĩ đến nước, thì cơm cháo phải cố mà ăn. Nếu khanh lo cho trẫm thì thuốc thang cố mà uống. Đối với Sư Hồi, khanh chẳng phải  là thân phụ đó sao. Hãy nên dốc hết lòng thành kính của mình. Người xưa cúng trời tế quỉ để trừ tai ách, khanh thử nghĩ xem”( Đại Việt sử ký toàn thư). Nguyễn Xí qua đời, nhà vua ra lệnh ngừng thiết triều  ba ngày, quàn thi hài tại điện Kính thiên,  làm lễ phát dẫn có đông đủ quần thần tham dự. Sau đó cho đưa thi hài về quê nhà an táng. Hai năm sau, 1467, nhà vua lại cho một lúc xây đền thờ Ngài theo chế độ   “quốc tạo” ( nhà nước xây dựng)và “ quốc tế”( nhà nước tế lễ), sai Trạng nguyên Nguyễn Trực viết văn bia( 6), ban cho mộ chí : “  Nam Việt  Quốc Đặc Tiến Khai Phủ Nghi Đồng Tam Ty Nhập Nội Kiểm Hiệu Thái Sư Cương Quốc Công, Tứ Quốc Tính Lê Công Chi Mộ  (Mộ của Đặc Tiến Tam Ty Nhập Nội Kiểm Hiệu Thái Sư Cương Quốc Công trên đất Nam Việt đã được ban quốc tính họ Lê). Ban sắc phong thần là Đại vương trong đó ghi rõ : “ Bình Ngô Khai Quốc Tịnh Nạn Trung Hưng Công Thần Nhập Nội Hữu Tướng Quốc Thái Sư Cương Quốc Công”. Lại ban thêm hoành phi ba chữ “ Nhạc Giáng Thần” (Thần núi Tung Cao cho  giáng xuống làm bề tôi giỏi) và đôi câu đối: “ Hà nhạc nhật tinh thiên thu hạo khí / Phụ tử huynh đệ vạn cổ anh phong” (Sông núi trời sao ngàn năm khí cả / Cha con, anh em vạn thuở anh hào) bao đời nay vẫn được treo ở chính giữa trung điện của Cương Quốc Công từ tại Nghi Hợp, Nghi Lộc , NghệAn.
      Đệ nhất Minh quân Lê Thánh Tông đã đối xử với Thái Sư Cương Quốc Công như thế. Đúng là một trường hợp quá ư đặc biệt, hiếm thấy trong quan hệ minh quân - lương thần ở thời trung đại.

                            Ất Mùi, mạnh xuân ( 2015 ), khai bút.
                                                    NĐC

 Chú thích
1)  Điển : Chu Bột giết họ Lã dể lập Hán Văn đế.
2)  Cao Hoàng: chỉ Lê Lợi ( Lê Thái Tổ Cao Hoàng Đế)
3)  Đúng là tước quận công chứ không phải tước hầu như Lê Quí Đôn đã ghi.
4)  Thạch Thủ Tín và Cao  Hoài Đức là hai người có binh quyền trước  khi theo Tống Thái Tổ. Trong một bữa tiệc, Tống Thái Tổ bảo họ nên bỏ binh quyền để vui thú ca nhi vũ nữ. Cả hai đều nghe lời.
5) Phòng Huyền Linh và Đỗ Như Hồi đều hết lòng giúp rập  Đường Thái Tông
6) Bia khắc bài văn bia này đã được lưu giữ lâu đời tại Cương Quốc Công từ. Năm 2013,Đại tá anh hùng lao động Nguyễn Đăng Giáp, Tổng giám đốc Tổng công ty 36 của Bộ Quốc phòng lại cung tiến  thêm bia mới và lầu bia. Được sự ủy nhiệm của Hội đồng gia tộc đại tôn, tôi ( NĐC) đã làm và viết câu đối như sau để khắc ở cột lầu bia:  “Minh đế ân thâm bi hóa ngọc / Trạng nguyên văn bác bút tòng tâm” ( Từ ơn nghĩa sâu nặng của Minh đế mà bia thành ngọc quí/ Với văn tài uyên bác , Trạng nguyên viết văn bia từ tấm lòng).


    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét