Menu ngang

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

                Kỷ vật

                                                 Truyện ngắn Trần Thế Tuyển

       Bảo không tin vào mắt mình. Có phải Yên đó không? Người con gái làng Mô có khuôn mặt trăng rằm, vồng ngực tràn đầy sức sống như núi Cối, cách đây hơn bốn mươi năm đang đứng trước mặt anh đó sao? Đó là một phụ nữ đã luống tuổi, thân hình héo hắt như tàu lá khô. Khuôn mặt ẩn giấu thời gian, e ấp bởi mái tóc pha sương mà người ta đã gặp đâu đó trong những tác phẩm nhiếp ảnh chuyên dụng về ánh sáng. Thời gian ngừng trôi. Không gian đóng băng. Không ai nói với ai lời nào. Chỉ có tiếng gió vọng về từ rừng Cúc Phương như tiếng hú của bầy vượn hoang gọi bạn. Rồi Bảo cũng lên tiếng trước:
- Bấy lâu em sống ra sao?
Yên không trả lời, hỏi ngược lại:
- Còn anh? Đến lượt Bảo lúng túng :
- Anh đã qua mấy lần đò. Anh có hai con gái.
Yên chẳng hỏi thêm nữa. Bảo thấy mắt Yên ngấn lệ. Yên siết chặt tay Bảo. Giọng người đàn bà đã qua tuổi "tri thiên mệnh" như bánh sắt nghiến trên đường ray:
- Chúc mừng anh.
Bây giờ Bảo mới có dịp nhìn kỹ Yên. Thời gian đôi khi chẳng là gì cả. Nhưng thực sự là tất cả. Thấy Yên mặc chiếc áo quân phục đã bạc màu, Bảo hỏi:
- Hằng ngày em vẫn mặc quân phục sao?
- Vâng. Mỗi khi nghĩ đến những người lính ra đi từ ngôi làng này, em mặc quân phục.
Trái tim Bảo bỗng nhói đau. Không lẽ. Bảo nhớ lại, đêm cuối cùng rời làng Mô vào Nam chiến đấu cách đây gần nửa thế kỷ, anh đã tặng Yên chiếc áo quân phục. Như đọc được suy nghĩ của Bảo, Yên nói:
- Không phải chiếc áo anh để lại cho em ngày ấy đâu. Đây là áo của con trai em.
Bảo thảng thốt:
- Con trai em bây giờ ở đâu?
- Cháu mất rồi.
Không giữ được bình tĩnh, giọng Bảo đứt từng đoạn:
- Làm sao... cháu mất? Thế, bố của... cháu đâu?
Giọng Yên nặng như đá:
- Chuyện dài lắm. Có thời gian em sẽ kể anh nghe.
* * *
Hai người sánh vai đếm từng bước quanh hồ Yên Quang. Đúng là thời gian chẳng là gì cả, mà cũng là tất cả. Cảnh cũ người xưa. Hồ Yên Quang mênh mang sóng nước. Những ngọn gió từ rừng Cúc Phương vẫn hào phóng, mê say lướt trên mặt hồ xanh thẳm. Chỉ có điều khác trước. Bây giờ đi bên Bảo không phải là một cô gái tuổi trăng tròn, có mái tóc dài như suối, ánh mắt sắc như dao và vồng ngực tràn sức sống như núi Cối cách đây mấy chục năm...
- Sau ngày anh đi, em không sao quên được bóng hình anh. Đã có bao nhiêu chàng trai, trong đó có những người lính như anh hỏi em làm vợ. Nhưng em không thể. Mùi mồ hôi trên chiếc áo quân phục của anh như một thứ bùa. Không ai có thể làm trái tim em xao xuyến. Em chỉ nghĩ đến anh thôi - Tiếng Yên như vọng ra từ vách núi - Ngày ấy, cuộc chiến ác liệt quá. Có biết bao người lính từ làng này ra đi, không trở lại. Em nghĩ, anh cũng thế. Không ngoại lệ. Có thể anh sẽ không bao giờ trở lại ngôi làng heo hút này nữa.
Nhưng em vẫn chờ... Mãi rồi, tuổi xuân con gái cũng đi qua. Em đến trại mồ côi, tìm nuôi một đứa bé. Đó là con trai của em bây giờ. Lớn lên, mỗi lần cháu hỏi: "Bố con đâu?", em lại mang chiếc áo của anh ra: "Bố con đây. Đang ở ngoài mặt trận".
Chiến tranh đã đi qua rồi. Nhưng em vẫn nói với cháu như vậy và tin rằng cháu hiểu. Mỗi lần như thế, cháu gục mặt vào áo, nói với mẹ: "Lớn lên con sẽ làm bộ đội như bố".
Chưa đến tuổi mười tám, cháu đã viết đơn vào bộ đội. Gần một năm sau, cháu về phép, đưa cho em một gói đồ: "Đơn vị con chuyển ra đảo. Mẹ giữ cho con bộ quân phục này. Kỷ niệm những ngày đầu làm lính của con đấy!".
Nhận gói đồ từ tay con trai, mắt em nhòe đi. Linh tính báo với em điều gì đó. Em bỗng nhớ đến anh. Cách đây mấy chục năm, trước ngày lên đường vào Nam chiến đấu, anh cũng tặng em chiếc áo quân phục như thế này. Từ ngày ấy em sống trong khắc khoải chờ đợi. Cứ mỗi lần nhớ anh, nhớ con, em lại mặc quân phục lang thang quanh bờ hồ. Đôi khi như người mộng du. Vô định. Rồi cái không mong đợi nhất đã đến. Sáu tháng sau, kể từ ngày thằng bé lên đường, người ta báo tin dữ cho em. Cháu đã hy sinh. Một cơn bão bất ngờ ngoài đại dương ập đến, nó đã quên mình cứu đồng đội. Thế là niềm hy vọng cuối cùng của em tắt lịm.
* * *
Bàn chân Bảo chung chiêng. Mắt anh như có làn sương mỏng từ cuối dãy Trường Sơn ùa xuống. Thời gian chẳng là gì cả, mà cũng là tất cả. Trái tim Bảo như có ngàn mũi kim. Cảm giác ân hận làm người anh lạnh toát. Gần nửa thế kỷ, đúng như Bảo nói, anh đã qua mấy cuộc chiến tranh, qua mấy lần đò. Nhưng Yên thì vẫn thế, vẫn là con đò, cắm sào đợi khách.
Một làn gió từ mặt hồ làm rối tung mái tóc của Yên. Những sợi tóc màu sương, cháy nắng, nhưng vẫn nồng nàn hơi thở con gái vùng sơn cước, mơn man trên khuôn mặt đẫm mồ hôi của anh. Thời gian như ngừng trôi. Không gian như đông cứng. Bảo không dám nhìn thẳng vào mắt Yên. Thực ra trong câu chuyện này, chưa hẳn Bảo là người có lỗi. Anh chưa hề thề non, hẹn biển với Yên. Chưa một lần hôn lên đôi môi mọng đỏ như trái chín của người con gái miền sơn cước. Lại nữa, chiến tranh mà. Hiện tượng bất thường ấy, làm sao có thể nói trước được điều gì. Nhưng xét cho cùng - Bảo nghĩ thế, anh vẫn là nguyên do đưa đẩy cuộc đời Yên đến mòn mỏi. Nếu anh không xuất hiện ở ngôi làng nhỏ dưới chân núi Cối này, thì cuộc đời Yên đã... Như bao người con gái khác, Yên sẽ có gia đình, sẽ có những đứa con...
Tất cả do chiến tranh. Anh và em có được như ngày hôm nay đã là may mắn. Có biết bao người không trở lại khi chiến tranh kết thúc... Giọng Yên như tiếng sóng, man hoang và bay bổng. Mắt Bảo cay xè. Mặc phong ba, bão táp cuộc đời, Yên vẫn sống mãi với ký ức, kỷ vật. Bảo như thấy có những tảng đá đè lên ngực mình. Anh nghe rõ tiếng con nai lạc mẹ từ rừng Cúc Phương vọng lại.
Đầu đường Trường Sơn, đêm tháng 4-2014
                    T . T . T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét