Hợp nhất cơ quan đảng, chính quyền:
Cẩn trọng khi xem xét
- Đề án của Quảng Ninh “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” mặc dù chỉ đề cập phạm vi một địa phương nhưng lại chỉ trúng vấn đề xuyên suốt cả hệ thống chính trị, đó là làm thế nào tổ chức hợp lý nhất bộ máy Đảng, chính quyền trước hết ở cấp địa phương và sau suy rộng ra là ở cấp cả nước.
Trong bối cảnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách, mà trước hết là cải cách kinh tế, kế đến là cải cách bộ máy nhà nước, những kết quả của cải cách và hạn chế của nó tất yếu dẫn đến những vấn đề liên quan tới hệ thống chính trị mà hạt nhân quan trọng nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam, về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và tổ chức bộ máy của Đảng.
Hướng dẫn cho người dân đến làm thủ tục tại Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh.Ảnh: V.Anh
|
Đề án của Quảng Ninh về hợp nhất một số cơ quan Đảng và chính quyền cấp tỉnh có thể coi là một bước đi đầy trách nhiệm và có tính sáng tạo cao, ngay từ đầu đã thấy rõ giảm được bộ máy, vì ít nhất là có 8 cơ quan nhập lại thành 4 cơ quan, không kể những khoản kinh phí dự kiến tiết kiệm được.
Tuy nhiên, đây là vấn đề khó và phức tạp, cần hết sức cẩn trọng xem xét như chính Quảng Ninh đã đề cập, đây không phải là vấn đề dễ, nếu dễ thực hiện, có lẽ cả nước đã làm rồi. Nhìn một cách toàn diện đây là một trong các nội dung mà Đảng đã xác định từ rất lâu trong chủ trương đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước.
Hệ thống chính trị Việt Nam là hệ thống một đảng duy nhất cầm quyền. Đảng cầm quyền là quyết định chủ trương, chính sách quan trọng chi phối sự phát triển của đất nước, là bố trí đảng viên vào các vị trí then chốt của bộ máy nhà nước, là tỷ lệ đảng viên tại các cơ quan dân cử. Để cầm quyền, Đảng phải “cầm” nhân sự, phải “cầm” bộ máy chính quyền như thế nào: Đảng không có bộ máy riêng, mà sử dụng bộ máy của nhà nước; có bộ máy Đảng riêng như hiện nay hay lồng ghép một số bộ máy Đảng với bộ máy chính quyền như Quảng Ninh đề xuất.
Nếu so sánh với các nước thì hệ thống chính trị - nhà nước của Việt Nam là hệ thống đặc biệt. Tổ chức bộ máy Đảng hoạt động dựa vào nguồn cấp từ ngân sách nhà nước. Điều này là quá bình thường và giản dị, dễ hiểu cho phần lớn người dân Việt. Nói Đảng có thể hiểu đấy cũng là nhà nước và ngược lại. Chính vì đặc biệt nên dễ dẫn đến sự lấn sân nhau, dẫn đến chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ và phương thức hoạt động của bộ máy Đảng và Nhà nước. Vấn đề này đã tồn tại lâu dài và chưa được giải quyết triệt để, thậm chí dẫn đến sự hiểu thiên lệch là một số tổ chức đảng và chính quyền có chức năng, nhiệm vụ giống nhau.
Theo đề án của Quảng Ninh, điểm then chốt cho lập luận hợp nhất được chỉ ra là về cơ bản các cặp đôi cơ quan dự kiến hợp nhất như Ủy ban Kiểm tra Đảng và Thanh tra tỉnh “có chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu cũng khá thống nhất” hoặc “Cơ quan tổ chức và Nội vụ đều được giao việc tham mưu về quản lý tổ chức bộ máy, cán bộ…”.
Cái khác nhau có chăng theo lập luận là ở quy trình. Nếu lý luận và thực tế đều cho rằng đúng là các cặp đôi cơ quan này có cùng chức năng, nhiệm vụ thì việc hợp nhất là hoàn toàn đúng và cần thiết. Song Ban Tổ chức tỉnh ủy, ngoài những nhiệm vụ theo dõi, quản lý đối với các tổ chức bộ máy đảng, trong đó có cả bộ máy đảng đang hoạt động trong các tổ chức bộ máy của chính quyền, còn rất nhiều nhiệm vụ khác hẳn Sở Nội vụ, ví dụ như xây dựng, phát triển tổ chức bộ máy Đảng, phát triển đảng viên mới, hướng dẫn sinh hoạt chi bộ, hướng dẫn tổ chức đại hội Đảng từ cấp cơ sở… Những nhiệm vụ này đích thực là của bộ máy Đảng, bộ máy chính quyền không thể làm thay. Tương tự như vậy là đối với các cơ quan khác dự kiến hợp nhất.
Hơn nữa, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng khác căn bản với bộ máy chính quyền. Chi phối tổ chức và hoạt động của bộ máy Đảng trước hết là điều lệ, quy chế, quy tắc do Đảng ban hành. Nguyên tắc hoạt động cơ bản là thảo luận tập thể, biểu quyết theo đa số. Trong khi đó, chi phối tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền là pháp luật, đi theo nó là rất nhiều thủ tục hành chính cho nội bộ cơ quan hành chính và cho người dân, tổ chức, cơ quan hành chính do thủ trưởng lãnh đạo.
Hợp nhất các cơ quan đảng và chính quyền thì ngoài câu chuyện cơ quan hợp nhất trực thuộc Đảng hay trực thuộc nhà nước là câu chuyện tuân thủ pháp luật hay điều lệ, quy chế của Đảng trong hoạt động. Hay bên trong cơ quan hợp nhất chia ra một nửa là làm công việc của Đảng, một nửa là làm công việc của chính quyền.
Từ đó dẫn đến vấn đề mấu chốt hết sức quan trọng là phải phân định lại rõ, chính xác chức năng, nhiệm vụ của bộ máy Đảng và bộ máy chính quyền. Cái gốc của vấn đề qua đề án của Quảng Ninh - và đây thực sự là đóng góp to lớn của tỉnh cho TƯ - chính là từ thực tiễn chưa xác định, phân biệt rõ thẩm quyền, trách nhiệm của bộ máy Đảng và chính quyền, thậm chí xem như các cơ quan có chức năng giống nhau, dẫn đến ý tưởng có thể hợp nhất một số cơ quan đảng và chính quyền.
Và nếu làm được như vậy thì kết quả chắc chắn sẽ là bộ máy của Đảng, của chính quyền sẽ gọn lại, ít người hơn, hoạt động hiệu quả hơn. Suy cho cùng cũng sẽ là góp phần đổi mới chủ trương của Đảng về đổi mới phương thức lãnh đạo đối với nhà nước trong bối cảnh hiện nay.
Đinh Duy Hòa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét