Menu ngang

Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: 

Tôi sẽ ngừng viết văn…


Với nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, văn chương là một cuộc trải nghiệm những ý tưởng đã được ngấm và lọc qua năm tháng cuộc đời mình. Ông tuyên bố sẽ ngừng viết ở tuổi 83, bởi vì ý tưởng đã cạn, những liên tưởng đã không còn bay cao, bay xa…

Những ngày cuối năm, căn nhà ông ở trong con ngõ tấp nập người qua lại bán mua. Căn nhà ngày xưa đóng cửa làm phòng văn, nay được cô con dâu út kinh doanh hàng tạp hóa để kiếm thêm thu nhập, cũng là để cho bà Khánh có chỗ xum tụ bạn bè. Hàng xóm đến mua, có khi không mang tiền, mua chịu rồi khi khác trả. Bà Khánh thì tươi cười đon đả, nhanh nhẹn tháo vát, dù đã ở tuổi 75.
Người đàn bà chịu thương, chịu khó, bao nhiêu năm trời cùng đứng mũi chịu sào với nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, cùng ông vượt qua những năm tháng lận đận với 4 người con trai kiếm từng bữa ăn gian khổ.
Bây giờ ngồi nhắc lại, ông bà vẫn xuýt xoa, rồi cười trong niềm sung sướng vì đã vượt qua được những chặng đường ấy một cách ngoạn mục, để giờ đây, sau nhiều thăng trầm, nhiều trải nghiệm, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh trở thành một tên tuổi trong văn chương Việt Nam, ông để lại những đỉnh cao văn học không dễ gì vượt qua được như: Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng NgànĐội gạo lên chùa…
Nếu nói rằng, mỗi người đều có một con đường đi do số phận sắp đặt, thì con đường trở thành nhà văn của Nguyễn Xuân Khánh đúng là một sự run rủi của số phận.
Đang học trường Y, ông xin đi bộ đội và bắt đầu những trang tiểu thuyết đầu tiên của mình năm 1959. Đó là một tiểu thuyết viết về làng quê, được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân nhận in, nhưng lần lữa mãi, sửa chữa mãi, cuối cùng ông không chỉnh sửa kịp và bỏ dở cuốn tiểu thuyết đầu tay ấy. Ông cất vào một góc của ngăn kéo… và lăn lộn với chặng đường mưu sinh vất vả khó khăn gian khổ của cuộc sống, làm đủ nghề từ công nhân, nuôi lợn, làm thợ may… để nuôi các con ăn học nên người.
Cho đến một ngày, ký ức về làng, giấc mộng về làng đã thôi thúc trong ông, ông viết như lên đồng về văn hóa, bản sắc của làng quê Việt, cái làng của ông, cái làng của tôi, của bạn, cái làng có trong thôn quê Việt Nam với những tín ngưỡng văn hóa muôn đời đã hiện lên trên trang viết của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh như thôi miên bạn đọc…
Ông, bằng tất cả vốn tự học, tự đọc, tự nghiên cứu của mình, đã khẳng định: Văn hóa người Việt đứng vững bởi những nền tảng của văn hóa làng; đạo Nho, đạo Khổng và đạo Phật. Tín ngưỡng đạo Mẫu là riêng của Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tín ngưỡng dân gian có những nét đẹp trường tồn qua không gian, thời gian. Đó là sức sống phồn thực, tính sinh sôi nảy nở của làng Việt Nam.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và vợ.
“Chúng ta đang ở một thế giới hiện đại, chúng ta đang mất đi những nét đẹp, thông thường chúng ta muốn chiếm đoạt. Tôi muốn nói con người nên quay lại, tôi không kêu gọi người ta đi theo Phật giáo, đi tu ở chùa mà cần có lối sống Phật giáo, phải làm hằng ngày, xây dựng văn hóa cho con người, “từ bi hỉ xả”. Tôi muốn người đọc tự nhận ra, không thuyết giảng. Bất cứ người Việt Nam nào, dù không tôn giáo cũng đều mang chút tính cách, tâm hồn của đạo Phật. Với người Việt, Phật giáo là một lối sống. Với văn chương, quan trọng nhất là những ý tưởng thể hiện, và những ý tưởng của tôi luôn có khuynh hướng đi về văn hóa. Văn hóa trong tiểu thuyết có thể là tập tục, nếp sống làng quê. Nếu không có nền tảng văn hóa thì tiểu thuyết không đứng vững được”.
Đã có biết bao nhiêu lời nhận xét, bao nhiêu hội thảo, luận văn, luận án về tác phẩm của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Nhiều người cho rằng, ông là số ít các nhà nhà văn Việt Nam đáng đọc nhất hiện nay bởi sức nghĩ và vốn sống dày dặn của ông đã viết nên những cuốn tiểu thuyết sống cùng lịch sử văn hóa dân tộc. Điều đáng nói là văn của ông mang tính lịch sử, nhưng lại có dáng dấp hiện đại, nó là một sự giao thoa văn hóa, lịch sử - văn hóa - phong tục cổ kim đan quyện vào nhau, bởi vậy mà tác phẩm của ông đã làm xiêu lòng nhiều độc giả trẻ.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh luôn khẳng định rằng, ngoài những duyên may, thì ông là một người không ngừng nghỉ tự học, tự đọc. Để viết được một cuốn tiểu thuyết, ông đã phải đọc rất nhiều cuốn sách về phong tục tập quán, về văn hóa, về phân tâm học, văn học cổ kim trong ngoài nước.
Cũng chính bằng phương pháp tự học, mà ông đã trở thành một dịch giả với những cuốn sách như Những quả vàng (tiểu thuyết của Nathalie Sarraute, NXB Phụ nữ, Hà Nội, 1996), Chuông nguyện cầu cho kẻ đã khuất (tiểu thuyết của Taha Ben Jelloun, Trung tâm Văn hoá - Văn minh Pháp và NXB Phụ nữ, Hà Nội, 1998), Bảy ngày trên khinh khí cầu (Jules Verne, NXB Kim Đồng, Hà Nội, 1998), Hoàng hậu Sicile (tiểu thuyết của Pamela Schoenewaldt, NXB Kim Đồng, Hà Nội, 1999),Tâm lý học đám đông (tiểu luận của Gustave le Bon, NXB Tri thức, Hà Nội, 2006) hay cuốn Sự hình thành biểu tượng ở trẻ nhỏ của tác giả Jean Piaget (Jean Piaget là một nhà tâm lý học và triết học người Thụy Sĩ, nổi tiếng về những nghiên cứu nhận thức luận với trẻ em).
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã chia sẻ: “Khi đọc Piaget, tôi mới hiểu ra một điều rất cơ bản: Con người trong quá trình khám phá thế giới, đã tự mình tạo nên kiến thức, tự mình tạo nên thế giới của mình. Còn giáo dục chỉ là sự giúp đỡ để con người có thể tự học, để con người tự khai sáng cho mình. Những bạn trẻ ngày nay, muốn tiến xa, muốn có năng lực làm việc thì cũng phải thường xuyên tự học. Có tự học thì cái học mới sâu sắc. Thấy cần gì nhất thì học cái ấy. Tìm mọi cách để mà tìm hiểu. Nhu cầu tự nhiên do ta tự do chọn lựa sẽ cho ta một động cơ để ta lấp đầy những chỗ ta thiếu, để ta tự do tạo ra chính bản thân ta. Jean Piaget là người tự học vĩ đại - những người sáng tạo đều thế cả.
Ông hầu như đã đọc hết những sách quan trọng của thời đại ông sống. Trong sách của ông, ta thấy trích dẫn những tên tuổi như Groos, Wundt, Claparède, Binet, Wallon, Buytendijk, Freud, Siberer, Adler, Jung... cùng nhiều người khác. Không những ông chỉ đọc mà ông còn đối thoại để tán thành để phản biện. Đối với ông chân lý là tối thượng. Dù một tác giả có uy tín đến thế nào, nếu thấy không đúng cũng phải phản biện. Ông đã dành rất nhiều trang sách để đối thoại với Groos, với Freud, với Jung…
Chỉ với tinh thần khoa học, dân chủ, không giáo điều ấy, ông mới có thể sáng tạo. Bản thân ông, mới 12 tuổi đã đọc Tố TâmThủy HửTam Quốc… Những câu chuyện phiêu lưu kỳ thú, tạo óc tưởng tượng cho con người; những cuốn sách “vỡ lòng” của ông là cuốn chuyển ngữ Lá thu rơi của Tô Hoài. Chẳng phải đây là cuốn sách quá hay, nhưng khi đó tôi đọc thấy thương, còn khóc nức nở. Khi bị xúc động bởi một cuốn sách tức là mình đang trải nghiệm. Câu chuyện đánh vào cảm xúc của con người, tạo nên sự xúc động trong con người, đó là ý nghĩa của việc viết văn”.
Đứng ngoài mọi tiếng tăm, đứng ngoài tất thảy những giá trị trường tồn của những tác phẩm đã trở thành đỉnh cao, trở về căn nhà ấm áp của mình, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là một “ông già” hay cười, vui vẻ, quan niệm đời sống giản đơn và yêu đời một cách kỳ lạ. Với ông, dường như chả có điều gì to tát, bởi thế lúc nào ông cũng cười “tít mắt” với những câu chuyện, với những con người xung quanh. Ông bảo, giờ đây, những người bạn của ông, phần lớn đều đã khuất bóng, tuổi ngoài 80 sống khỏe mạnh đã là một điều kỳ diệu, nữa là ông, trời cho một khả năng sáng tạo đều đặn, đọc sách đều đặn và chưa bao giờ ngừng tư duy, chiêm nghiệm trước một vấn đề, trước một câu chuyện nào đó thì thực sự là một điều may mắn.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh chỉ tiếc một điều, là thời xưa, vì đói khổ, vì phải chạy ăn từng bữa mà ông để cho các con mình “tự do” quá, không rèn giũa vào nền nếp gia đình nên bây giờ, dù các con ông đều đã trưởng thành, nhưng không có một định hướng cụ thể để có thể có một con đường tốt hơn cho các con. Họ biết cha mình là một nhà văn nổi tiếng, nhưng không phải ai cũng hiểu được công việc sáng tạo của ông. Người vợ hiền thảo kém ông 8 tuổi vẫn đôn đáo giục ông ăn uống, lo cho ông từ chiếc áo ấm đến đôi tất giữ sức khỏe hàng ngày là một điểm tựa cho ông sáng tác. Bà sống cũng giản đơn, không kìm tỏa chồng bởi những luật lệ. Bà đùa vui, ông đi đâu thì đi, văn chương kệ ông ấy, từ xưa đã thế rồi, cứ đem tiền về cho tôi nuôi con và tối ngủ ở nhà là được…
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã liên tiếp nhận 3 giải thưởng danh giá của văn chương Việt Nam: Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 1998 – 2000; Giải thưởng Thăng Long của UBND TP Hà Nội 2002; Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2001 - cho tiểu thuyết Hồ Quý Ly. Tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2006. Tiểu thuyết Đội gạo lên chùa đã giành vị trí cao nhất giải thưởng Hội Nhà văn 2011.
Với ông, văn chương là một cuộc trải nghiệm những ý tưởng đã được ngấm và lọc qua năm tháng cuộc đời mình. Ông tuyên bố sẽ ngừng viết ở tuổi 83, bởi vì ý tưởng đã cạn, những liên tưởng đã không còn bay cao, bay xa… Nhưng ông khẳng định, nếu trời cho, đến một lúc nào đó, biết đâu ông lại “bùng nổ” theo cách nào đó, biết thế nào được, bởi vì chưa bao giờ ông ngừng đọc, ngừng học hỏi, ngừng quan sát dù đã ngót bách niên trong cõi người này.
Dù ông có tuyên bố gì đi nữa thì tôi cho rằng, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh với sức khỏe của mình, với sự từng trải của mình, với sức đọc và sự ngẫm ngợi của mình, ông sẽ chẳng bao giờ ngừng lại. Bởi vì với ông, viết văn như một cuộc dạo chơi đầy hứng khởi, và giữa những ngày xuân, ông lão ngoài 80 vẫn thong thả bên cốc cà phê đen tỏa khói để nói về văn chương, nói về quá khứ, nói về bạn hữu, nói về những chi tiết tỉ mẩn trong cuộc đời mình một cách rành rẽ, minh mẫn đến vậy, thì tôi tin chắc rằng, ông sẽ lại khiến người đọc “sửng sốt” bởi một tác phẩm nào đó về văn hóa Việt trong một ngày không xa…
Trần Hoàng Thiên Kim

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét