Ngôi đền danh nhân: tôn thờ và tiếp tục suy tưởng
Như chủ tịch Nguyễn Thị Bình đã tuyên bố trong lời khai mạc, bắt đầu từ năm nay quỹ văn hóa của chúng ta có thêm một hoạt động thường niên quan trọng: tôn vinh những danh nhân văn hóa việt nam thời hiện đại...LTS. Nhân kỷ niệm 89 năm ngày mất của nhà văn hóa, nhà yêu nước Phan Châu Trinh, ngày 24.3 tại TP.HCM Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh tổ chức lễ trao giải thưởng lần thứ 9, 2015. Ngoài những giải truyền thống, năm nay Quỹ có thêm một hoạt động thường niên quan trọng: tôn vinh danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại. Để hiểu thêm vì sao ba vị Trương Vĩnh Ký, Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh được Quỹ rước vào “ngôi đền tinh hoa văn hóa Việt Nam thời hiện đại”, Người Đô Thị xin giới thiệu phần cuối diễn từ bế mạc giải Văn hóa Phan Châu Trinh lần 9 do nhà văn Nguyên Ngọc - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Hội đồng Giải thưởng của Quỹ - chấp bút.
Năm nay, để mở đầu, chúng tôi đề nghị rước vào ngôi đền Panthéon của chúng ta ba vị Trương Vĩnh Ký, Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.
Tượng Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898) trong Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM
Xin nói đôi lời về Trương Vĩnh Ký. Ông sinh năm 1837 và mất năm 1898, hai năm trước khi kết thúc thế kỷ 19. Trước hết, đấy là một nhà bác học, nhà bác học lớn đầu tiên của Việt Nam ở thời hiện đại. Jean Bouchot bấy giờ gọi ông là “nhà bác học duy nhất ở Đông Dương và cho đến cả Trung Hoa hiện đại nữa”. Theo Bouchot, “người dân hoàn toàn Nam Kỳ ấy sánh kịp với các nhà thông thái xứng đáng nhất của châu Âu trong đủ ngành khoa học”. Một đánh giá không hề quá. Trương Vĩnh Ký là một thiên tài về ngôn ngữ học. Một vị giáo sĩ một lần đến thăm ông thấy ông nói thành thạo và một cách sang trọng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào nha, Hy Lạp… và nhiều ngôn ngữ phương Đông: Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Mã Lai… Và buổi chiều khi từ giã ông thì lại thấy một nhà truyền giáo đến thảo luận với ông về thần học bằng tiếng La Tinh! Ông tự học ngoại ngữ ở chủng viện Pénang. Ông còn am hiểu sâu, hết sức cập nhật và với một đầu óc độc lập, cực kỳ nhạy cảm và sáng tạo những vấn đề lý thuyết ngôn ngữ học mới nhất đương thời. Ông thành thạo hàng chục ngôn ngữ và hiểu sâu sắc các nền văn hóa và văn minh đằng sau các ngôn ngữ ấy.
Năm 1886, coi là đã xong công cuộc bình định, Pháp đưa Paul Bert, một nhà bác học, viện sĩ Viện Hàn lâm sang làm toàn quyền Đông Dương. Đã biết và khâm phục Trương Vĩnh Ký từ khi gặp ông ở Pháp cùng phái đoàn Phan Thanh Giản, Paul Bert mời ông ra Huế, sung vào nội các Nam triều, với mục đích giúp người Pháp hiểu Việt Nam, và người Việt Nam hiểu Pháp, cũng là tâm nguyện của Trương Vĩnh Ký. Nhưng chỉ bảy tháng sau Paul Bert chết đột ngột vì bệnh tả. Lạc lõng giữa một đám thực dân khinh khỉnh và cao ngạo, một đám quan lại Nam triều hèn mọn, hiềm khích, Trương Vĩnh Ký bỏ về. Và từ đấy cho đến khi qua đời, ông đã cống hiến toàn bộ tài năng và công sức của mình, mà Nguyễn Văn Tố gọi là một “lao động mênh mông”, cho công cuộc văn hóa, tập trung nhiều nhất cho việc nghiên cứu, phân tích với một trình độ chuyên môn uyên bác về ngôn ngữ học và các khoa học tinh tế liên quan đến văn học và nghệ thuật, và chuyển ngữ các tác phẩm ưu tú nhất trong gia tài văn học dân tộc mà ông thiết tha yêu quý. Ông là người đầu tiên chuyển dịch Truyện Kiều ra quốc ngữ. Ông để lại hơn trăm tác phẩm, nghiên cứu và sáng tác, về văn học Việt Nam, về ngôn ngữ học, về lịch sử, về sư phạm…, cả những tác phẩm mô tả sinh động hiện thực xã hội Việt Nam đương thời, một gia tài mênh mông mà chắc chắn chúng ta có nhiệm vụ phải tận khai, cho cả hôm nay.
Trương Vĩnh Ký đã sống trong một thời kỳ xáo động và đã trải một cuộc đời đẹp đẽ mà cũng lại có nét éo le, bi tráng. Ngay khi phải sống và làm việc cho Pháp, ông vẫn nhắc câu châm ngôn ”Sic vos non vobis” - Ở với họ mà không theo họ. Sưu tầm, chú thích bản Gia Định thất thủ vịnh, ông gọi rõ ràng Tây là “giặc”. Ông phản đối quyết liệt chủ trương có màu sắc đồng hóa của chính quyền thực dân muốn đưa tất cả những người Việt là thuộc dân (sujet français - tức dân thuộc địa Nam Kỳ và ba thành phố nhượng địa Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng) vào quốc tịch Pháp, tự mình suốt đời nhất quyết chỉ giữ quốc tịch Việt Nam. Học giả Vương Hồng Sển viết: Trương Vĩnh Ký ở “gần bùn mà chẳng nhuốm mùi bùn, không ham “đục nước béo cò” như ai, chỉ say đạo lý và học hỏi, sống đất Tào mà lòng giữ Hán, thác không tiếng nhơ…”.
Nhà bác học Trương Vĩnh Ký xứng đáng là một trong những danh nhân đầu tiên làm vinh dự cho ngôi đền văn hóa của chúng ta.
Hôm nay chúng ta cũng rước vào Panthéon của chúng ta hai nhà chí sĩ yêu nước lớn nhất của Việt Nam đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Hai nhân vật chính trị và văn hóa kỳ vĩ, và cũng thật kỳ lạ. Là đồng chí, đồng tâm, gắn bó sâu sắc, hiểu nhau đến tận cùng, thương yêu, kính trọng và bảo vệ nhau hết mực; nhưng cũng lại hết sức khác biệt, đến gay gắt, trong chủ thuyết cứu nước và cực kỳ thẳng thắn trong khác biệt đó. Một thái độ văn hóa chính trị mẫu mực, chỉ riêng điều này thôi đã đáng để chúng ta hôm nay trân trọng suy nghĩ.
Tượng Phan Bội Châu (1867 - 1940) tại Huế
Tượng Phan Châu Trinh (1872 - 1926) tại nhà lưu niệm Phan Châu Trinh - TP. Đà Nẵng
Phan Bội Châu, mà có thể nói mỗi từ, mỗi chữ trong những trước tác thống thiết của ông không chỉ được viết bằng nước mắt mà thật sự bằng máu, mỗi tác phẩm đều là một “huyết lệ thư”, khăng khăng chủ trương “thiết huyết”, bằng mọi cách dùng bạo lực vũ trang dành kỳ được độc lập. Tranh luận với Phan Châu Trinh về mục tiêu hàng đầu dân chủ, ông nói: “Có dân đâu mà chủ!”. Chưa độc lập, lấy đâu ra dân mà chủ.
Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 9 (2015):Giải “Vì sự nghiệp văn hóa - giáo dục”: nhà giáo Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo;Giải “Dịch thuật”: dịch giả Nguyễn Nghị;Giải “Việt Nam học”: giáo sư Keith Weller Taylor;Giải “Nghiên cứu”: nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân.Tôn vinh ba danh nhân văn hóa: Phan Bội Châu, Trương Vĩnh Ký, Phan Châu Trinh.
Phan Châu Trinh coi độc lập là tất yếu cần thiết, nhưng là một đoạn, một bước, có thể trước có thể sau, của một mục tiêu cơ bản và lâu dài hơn là phát triển, cùng với thế giới, với nhân loại, bởi vì ông là người đầu tiên nhận ra thật rõ rệt, rằng thế giới đã khác, như cách nói ngày nay, thế giới đã là thế giới toàn cầu hóa - hồi bấy giờ là cuộc toàn cầu hóa lần thứ nhất. Dù bằng cách nào đó dành lại được độc lập, mà dân vẫn ngu dốt, dân tộc chưa được làm lại thành dân tộc văn minh, thì độc lập cũng vô nghĩa và không thể vững chắc. Có dân mà dân ngu dốt, tăm tối, thì dân để làm gì? Ông nói: “Dân trí đã mở, trình độ ngày một cao, tức là cái nền độc lập ngày sau đấy”. Giải pháp hàng đầu của ông do vậy tất yếu là khai dân trí. Bất bạo động mà khai dân trí. Có lẽ cách nói của Hoàng Xuân Hãn đúng và rõ hơn: Phan Châu Trinh chủ trương một cuộc cách mạng tân văn hóa...
Lịch sử hiện thực đã đi theo con đường của Phan Bội Châu. Chiến tranh anh hùng và khốc liệt đã đem lại độc lập. Nhưng, lạ thay, mà cũng hay thay, có lẽ với thời gian, với hiện thực hậu chiến, những câu hỏi cháy bỏng mà dở dang của Phan Châu Trinh nay lại được đặt ra. Vẫn nóng bỏng như trăm năm trước.
Như vậy ngôi đền danh nhân của chúng ta không chỉ để tôn thờ, mà còn để tiếp tục suy tưởng. Cho chính hôm nay. Như bao giờ cũng vậy, những nhà tư tưởng và văn hóa lớn, cỡ Trương Vĩnh Ký, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu… sống mãi vì tính thời sự kỳ diệu và kỳ lạ của họ, từng lúc lại thức dậy, tinh khôi và sống động trong cuộc sống phát triển.
__________________
Tựa đoạn trích của Người Đô Thị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét