Menu ngang

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012


                                 EM   PHƯỢNG


Em Phương, sinh ngày 16 tháng Giêng âm lịch năm Bính Ngọ (1966), là con út của cha mẹ tôi. Trước và sau khi sinh em, mẹ tôi đều phải ăn ngủ dưới hầm tránh máy bay Mỹ, nên bị nhiễm lạnh, phát sinh bệnh hậu sản. Đến ngày thứ 5 sau sinh, bệnh tình nặng lắm, chờ đến chập tối, ngớt máy bay, cha tôi cùng mấy người bà con khiêng cáng mẹ tôi đi cấp cứu ở Bệnh viện huyện Nghi Lộc, cách nhà hơn 5 cây số. Nhưng chưa kịp tới Bệnh viện, bà đã trút hơi thở cuối cùng. Năm đó mẹ tôi 47 tuổi. Mẹ tôi qua đời, có người mới sinh con trong xóm xin nhận em Phương về nuôi. Nhưng chỉ được hơn nửa tháng thì em cũng mất. Lúc ấy có người nói đó là do bà bắt em đi theo. 
              Những chuyện đó mãi tới năm 1972, khi ở chiến trường Miền Nam ra Miền Bắc chữa trị vết thương, tôi mới được cha tôi và bà con họ hàng kể lại. Trong chiến tranh, tôi rất ít nhận được thư nhà. Dẫu rằng từ Nghệ An vào chiến trường Trị Thiên là không xa lắm. Sau khi em Phương mất, em Phượng trở thành em út.
Em Phượng sinh ngày 23 tháng 7 âm lịch năm Quí Mão ( 1963 ). Trong mấy chị em chúng tôi, chỉ có Phượng là đẻ ở Nhà Hộ sinh xã. Ngày đó mẹ tôi đã 44 tuổi.  Nhà Hộ sinh xã cách nhà tôi gần 2 cây số. Mỗi ngày hai lần trưa tối, cha giao tôi mang cơm cho  mẹ. Cơm được ém chặt vào một cái liễn sứ, kèm theo mấy con cá nục hoặc mấy miếng thịt nạc kho mặn. Phong tục quê tôi, người mới đẻ dù trời nắng nóng đến đâu vẫn cứ phải quạt than củi để hơ. Còn ăn thì cơm phải ém chặt, thức ăn kho thật mặn và uống nước chè vằng đặc, đắng. Sau khi nấu nướng xong, cha xếp  liễn vào một cái giỏ xách tay, trao tôi mang đi. Từng bữa, chăm chú ngồi nhìn mẹ ăn xong, tôi đem rửa các thứ. Mẹ ăn được hết phần, tôi mừng lắm. Như thế mẹ mới chóng lại sức và có sữa cho em. Cứ thế trong 4 ngày, tôi vừa mang cơm vừa giặt giũ cho mẹ. Ngày mẹ rời Nhà Hộ sinh, tôi múc nước giếng Làng Kỳ Sơn cọ rửa giường, giặt giũ chăn màn, quét dọn phòng tươm tất. Rồi bế em cùng mẹ về nhà. Trên đường, gặp mự Chính bà con trong họ, ẵm hộ em về đến tận nhà. Năm đó tôi 15 tuổi, đang đi học, giúp làm những việc chẳng đáng là bao, nhưng tôi được cha mẹ thương lắm.
Em Phượng chưa đầy 3 tuổi thì mồ côi mẹ. Vì còn bé quá, đến giờ em không biết mặt mẹ. Ngay từ bé, em không được hưởng sự ấm áp, ngọt ngào của tình mẫu tử - tình cảm thiêng liêng, cao quí nhất của con người. Những năm đó, chị Hòe thoát ly, tôi đang chiến đấu ở chiến trường Miền Nam, cha tôi vừa làm cha vừa làm mẹ lại vừa làm thầy của ba đứa em nhỏ. Bình thường đã khổ. Trong hoàn cảnh chiến tranh càng cơ cực hơn nhiều. Phải chăng nhờ đó sớm tạo dựng, hun đúc cho em tôi đức tính tự lập, chịu thương, chịu khó ngay từ thuở thiếu thời.
Hè năm 1976, tôi đưa em Phượng ra nhà chơi và trông cháu Quang mới sinh được 6 tháng. Đây là lần đầu tiên Phượng ra Hà Nội, cũng là lần đầu xa nhà. Khi lên tầu hỏa, tôi khoác ba lô với lỉnh kỉnh đồ lặt vặt. Em Phượng lủng lẳng cầm chiếc ghế mây chở trẻ em, rảo bước đi theo. Nhà tôi ở Khu tập thể 1A - Hoàng Văn Thụ. Dẫu ở quê mới ra, nhưng Phượng sớm nhập vai, rất siêng năng và thạo việc giúp anh chị từ trông cháu, giặt giũ đến cơm nước trong nhà. Tuy rất đạm bạc, chẳng nhiều nhặn gì, nhưng nấu được một bữa cơm khó nhọc lắm. Khi thì bếp dầu, khi thì bếp củi, khi thì bếp mùn cưa. Mà các thứ đó không phải bao giờ cũng sẵn. Thôi thì có cái gì nấu chín cơm là được. Theo sự hướng dẫn của nhà tôi, Phượng đã biết ra phố Đặng Dung, phố Quán Thánh xếp hàng mua gạo, thực phẩm, chất đốt ở các quầy Mậu dịch thời bao cấp. Có nhiều bữa đi chợ Châu Long để mua thức ăn. Chơi với anh chị và cháu được vỏn vẹn 3 tháng hè. Ngày Phượng về quê đi học, buổi chia tay, cô ôm cháu khóc giàn giũa nước mắt, cảm động lắm. 
           Tốt nghiệp phổ thông trung học, Phượng vào học ở Trường Trung cấp Quân nhu - Tổng cục Hậu cần, đóng ở Sơn Lộc (Hà Tây cũ). Ra trường, em về công tác ở Cục Hậu cần - Tổng cục Kỹ thuật.  Mấy năm sau, Phượng theo học tại chức và tốt nghiệp Trường Đại học Thương mại Hà Nội. Phượng sáng dạ, chuyên cần, có chí tiến thủ, nên trong việc học, việc làm của em khá trôi chảy.
Tuy là con út trong gia đình nhưng Phượng không hề được cưng chiều. Lớn lên, em sống có nghị lực, có cá tính. Em nghiêm túc với công việc và chu đáo với mọi người. Trong quan hệ, em là người chân tình, thẳng thắn. Em kính trọng bố mẹ chồng, quí chị, thương anh, yêu các cháu, chan hòa tình cảm với mọi người. Em đối xử tình cảm và công bằng với cả gia đình hai bên nội ngoại. Mọi người trong gia đình từ bố mẹ chồng, các bà dì ruột bên chồng, các anh chị đến các cháu đều thương quí Phượng.
Phượng lập gia đình năm 1987. Chồng em là chú Phạm Đình Kháng, quê ở Hà Tĩnh. Ngày cưới Phượng, có cha tôi, cậu Long (em út mẹ tôi), chú Đào và đông đủ bà con họ hàng ở Hà Nội. Hồi đó đời sống khó khăn, nhà cửa chật chội, tiện nghi thiếu thốn mọi bề, các cháu còn bé dại. Nhưng với vai trò là người anh lớn trong gia đình, tôi đã ráng sức phụ giúp em lo liệu đám cưới khá tươm tất, đàng hoàng, chu đáo. Cô chú có hai con đã lớn. Cháu Phạm Đình Cường  tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin - Đại học Bách khoa Hà Nội, đã đi làm. Cháu Phạm Thùy Linh đang học phổ thông trung học. Các cháu đều khôn ngoan, học giỏi, siêng năng giúp bố mẹ. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời.
 Sinh ra trong một gia đình nghèo, ở vùng quê khó khăn lam lũ, lại mồ côi mẹ từ lúc còn thơ bé, giờ đây có thể nói, Phượng đã có được một cuộc sống tương đối tốt. Âu đó là kết quả nỗ lực phấn đấu của em, sự giúp đỡ của cơ quan, điều may mắn và cũng là phúc đức tổ tiên, mẹ cha trao lại. Mừng cho em tôi !  

                                      Mỹ Đình, Mồng 9 Tết Nhâm Thìn
                                                            NMĐ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét