Menu ngang

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

Làng Đại Xá - Họp

        Bút ký 
                                          Làng Đại Xá quê tôi


            Làng Đại Xá quê tôi thuộc xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Không hoành tráng về địa lý, giàu có về kinh tế và  nổi tiếng về truyền thống văn hóa, lịch sử như nhiều làng tiêu biểu ở các vùng miền khác. Đại Xá là một làng nhỏ, bình dị như bao làng quê nghèo xứ Nghệ.


Phía tây làng Đại Xá, cách một cánh đồng, qua cầu Ben là xã Nghi Xá. Nghe các cụ nói lại rằng, hồi trước có ông quan lớn Tham ( người họ Lê Cảnh, không biết tên thật là gì), người làng Xuân Tình (xã Nghi Thịnh). Khi vinh quy bái tổ, quan lớn Tham đã làm phúc xây mấy cái cầu trong vùng, bằng đá xanh phiến to, rất đẹp, trong đó có cầu Ben. Quan lớn Tham là cách gọi người giữ chức Tham tri trong triều đình Huế - tương tự như chức Thứ trưởng bây giờ. Những phiến đá xanh đẹp ở cầu Ben không còn nữa. Hiện nay là cầu  bê tông.

Phía đông là Cồn Làng Đông - nghĩa trang khá to. Đó là nơi an nghỉ cuối cùng của rất nhiều thế hệ người Đại Xá. Trở về với cát bụi, bao lớp người, bất phân địa vị nơi trần thế, được sắp xếp theo thứ bậc trong từng chi họ. Hằng năm, cứ mỗi dịp Tết đến, người Đại Xá ở quê hay công tác, định cư ở mọi phương trời đều về đây thắp hương tưởng niệm tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Từ nghĩa trang qua một cánh đồng nhỏ là đến làng Kỳ Sơn - trung tâm xã Nghi Hợp. 

Phía nam cách một cách đồng là xã Nghi Thịnh. Trước đây ở phía nam còn có Cửa Nghè, Cồn Nhà Vàn, Cồn Hạ Lang. Không hiểu những tên gọi đó nói lên cái gì, xuất xứ từ đâu. Chỉ biết, sau này ở Cồn Hạ Lang có nhiều ngói vụn, gạch vụn, hình như đó là dấu tích của miếu mạo, đền chùa hoặc nhà ở từ thuở xa xưa.


Phía bắc là hồ đập Xã và hồ đập Họ rộng hơn chục héc ta. Trước đây, hằng năm, các xã trong vùng cùng tổ chức đánh cá  một lần sau khi thu hoạch vụ chiêm (gọi là đánh đập). Ngày đánh đập vui lắm. Hiệu lệnh phát ra, cùng lúc kẻng gõ dồn dập, trống khua ầm ỹ, hàng nghìn người già trẻ, gái trai từ các làng đổ về đập, với đủ phương tiện đánh bắt cá. Một không khí rầm rộ, nhộn nhịp, nô nức, cứ như đi trẩy hội. Bây giờ không còn đánh đập nữa. Phía dưới đập Họ khoảng 500 mét là Nại, tức là cánh đồng muối ở cạnh làng Nại (xã Nghi Xá). Tương truyền, thủy tổ của nghề làm muối ở vùng này là Cụ Nguyễn Hợp, ông nội của Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí - đại thần đời Hậu Lê. Nguyên quán của Cụ Nguyễn Hợp ở làng Cương Gián (nay là xã Xuân Song, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) dời nhà ra đây từ khoảng năm 1300.


Về mặt địa lý, có thể, Đại Xá cũng như các làng trong vùng hình thành cách đây khoảng 700 năm. Đó là kết quả từ hiện tượng biển lùi trong lịch sử. Cánh đồng khá rộng phía đông nam của làng Đại Xá có tên là Cửa Bể. Phía xa hơn, khoảng 4 cây số, có làng Đông Chử ( xã Nghi Trường). Đông Chử, theo các bậc cao niên, thì từ Hán có nghĩa là cửa biển phía đông. Những năm sáu mươi của thế kỷ trước, khi hợp tác xã nông nghiệp Đại Xá đào mương thủy lợi, đến độ sâu khoảng hơn 5 mét, đã phát hiện các tấm ván thuyền và mái chèo chôn vùi dưới lòng đất, cát.
Không được thiên nhiên ưu đãi mưa thuận gió hòa, đồng ruộng phì nhiêu, Đại Xá là một vùng đất cát pha bạc mầu, khí hậu thời tiết khắc nghiệt. Mùa hè nắng chói chang, gió Lào hầm hập, bỏng rát. Mùa thu thường mưa to, gió lớn. Mùa đông gió từ biển thổi vào, giá lạnh rét buốt. Trước đây, người Đại Xá ngoài nghề nông, còn có thêm nghề làm muối. Nhưng sau này, vì làm nghề muối thu nhập thấp, lại quá ư vất vả, nên đã bỏ. Là vùng thuần nông, bao đời nay người dân nơi đây quanh năm lam lũ làm ăn mà vẫn quanh năm đói nghèo.

Theo lịch sử các dòng họ (gia phả), các chứng tích, có thể  Đại Xá hình thành muộn hơn so với các làng lân cận. Thuở ban đầu, Đại Xá chắc chỉ là một cái ấp nhỏ, do các cụ tổ của các dòng họ: Lê Văn, Nguyễn Văn, Nguyễn Gia, Phan Ngọc, Nguyễn Đình, Thạch Quang, Nguyễn Trọng, Nguyễn Kế, Hoàng Văn…khăn gói từ các vùng quê khác đến lập cơ nghiệp, sinh con đẻ cái. Tính đến nay, gia phả của các dòng họ trong làng cũng mới ghi được trên dưới 10 đời.

Đền thờ Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí ở  xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Ông tổ của họ Lê Văn là Cụ Lê Văn Diệu, nguyên quán ở một làng quê bên bờ sông Mã thuộc huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), có thể là hậu duệ của Nhà Lê, vào làm ăn ở Đại Xá đã hơn 300 năm. Ông tổ của họ Nguyễn Văn là Cụ Nguyễn Văn Tín, hậu duệ của Chi nghè 5 họ Nguyễn Công thần (tức họ Nguyễn Xí). Xuất xứ của Cụ Tín về lập nghiệp ở Đại Xá vẫn tồn nghi hai giả thiết khác nhau: Một là, từ làng Hưng Vận (xã Nghi Hưng bây giờ). Hai là, từ làng Lập Thạch (xã Nghi Thạch bây giờ). Mong mỏi tìm về cội nguồn, những năm đầu thế kỷ 20, các thành viên chủ chốt họ Nguyễn Văn là: Nguyễn Văn Điền, Nguyễn Văn Hiềng, Nguyễn Văn Tước, Nguyễn Văn Oanh đã sang tận làng Hưng Vận và làng Lập Thạch để nhận họ mà chưa xác minh được. Bởi thế, đến nay, giả phả gốc của họ Nguyễn Văn bị thất lạc. Từ đời Cụ Tín trở về trước là chưa chắp nối được. Tính ra, thất bản mất khoảng 8 đời.

Họ Nguyễn Văn và họ Lê Văn là bà con nội ngoại. Cách đây khoảng 200 năm, có người con gái họ Nguyễn Văn là Cụ bà Nguyễn Thị Thu (còn gọi là Khán) lấy người con trai họ Lê Văn là Cụ Lê Văn Trường (tức Can Siêu). Vì họ Lê Văn từ trước đến đời Can Siêu là độc đinh, nên có thể nói, toàn bộ họ Lê Văn bây giờ là hậu duệ của cuộc hôn nhân đó. Về sau, vào một thời điểm, anh em nội ngoại có chuyện bất hòa. Chuyện kể rằng, khi chia ruộng hương hỏa (sau này gọi là ruộng Họ), ông bố họ Nguyễn Văn chia cho con trai phần lớn và một phần nhỏ hơn chia cho con gái lấy chồng họ Lê Văn. Mấy đời sau, hậu duệ họ Lê Văn tu chí làm ăn phát đạt; hậu duệ họ Nguyễn Văn ham chơi cờ bạc dẫn đến đói nghèo. Tộc trưởng họ Nguyễn Văn là cụ Nguyễn Văn Quảng đã bán độ phần ruộng hương hỏa cho tộc trưởng họ Lê Văn. Đến đời con cháu khá lên, có tiền muốn chuộc lại ruộng, thì phía họ Lê Văn không đồng thuận. Mâu thuẫn đến đỉnh điểm. Mọi việc cùng thì tắc biến, biến tắc thông. Sự tranh giành phải đụng đến vũ lực mới xong. Thế là, vào mùa hè năm Mậu Thìn (1928), hai họ “dàn trận”. Kịch bản là: ban đầu tạo cớ khiêu khích, rồi từng bước tung dần lực lượng tranh giành gay gắt, cuối cùng dùng gậy gộc đánh nhau quyết liệt. Ngày "xung trận", từng họ còn cho trai tráng lực điền uống rượu để kích thích tính liều. Lý trưởng và các công sai của xã phải đứng ra can ngăn và mời quan huyện về xử. Khi xét xử, chứng cứ họ Nguyễn Văn đưa ra là trước đây các cụ “bán độ” chứ không phải là “bán đoạn”. Nhờ vậy, họ Nguyễn Văn thắng kiện, chuộc lại được phần ruộng đã cầm cố. Thế đấy, từ bao đời nay, vì lợi ích miếng cơm manh áo, để giành giật ruộng đất làm ăn, người nông dân sẵn sàng choảng nhau đến sứt đầu mẻ trán - kể cả với họ hàng ruột thịt. "Cuộc chiến" giữa hai họ, nếu tính từ khi chuẩn bị đến khi kết thúc, chỉ diễn ra vỏn vẹn một buổi sáng. Hậu quả là có mấy người bị chấn thương nhẹ, không ai bị chết. Ấy vậy mà, hơn 80 năm nay, qua nhiều thế hệ, sự kiện đó thi thoảng gợn lên như một vết thương lòng trong quan hệ vẫn thuận hòa giữa con dân hai họ.

Đất không rộng, người không đông, lại nghèo, nhưng xưa nay qua mọi thời kỳ lịch sử, dân làng Đại Xá luôn tỏ ra tự tôn, tự hào. Làm gì, ở đâu, người Đại Xá vẫn cố vươn lên, không bao giờ chịu lép vế người làng khác, vùng khác. Các cụ đời trước kể lại: Mấy năm đầu thế kỷ 20, làng tiến hành xây đền và lập chùa. Đền thờ Thành Hoàng. Khi đặt móng dựng đền, có người ở làng khác đến xem, có thể vì tức khí mà khích bác nói với thầy cúng: Người Đại Xá ghê gớm lắm. Thầy phải đặt bùa yếm kiểu gì đó để người làng này bớt đi tính hiếu thắng, tự đại. Nghe thấy vậy, các cụ lập tức đáp lại: Thách đấy! Điều đó là không thể! Đến bao giờ, ai chặt ngang một cây chuối rồi đem trồng mà sống được, thì làng Đại Xá mới hết người cương cường.

Như mọi vùng quê xứ Nghệ, sau Cách mạng Tháng 8/1945 và tiếp đó là sau kháng chiến chống Pháp, tháng 7/1954, đền chùa, miếu mạo ở Đại Xá đều bị triệt phá. Có thể coi đó là một tai họa do sự ấu trĩ tả khuynh của một thời, để lại hậu quả to lớn, lâu dài.


Từ xưa đến nay, nói chung, tính cách người làng Đại Xá là cương trực, cần cù, hiếu học, tiết kiệm và đoàn kết. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có khá nhiều trường hợp thái quá trên một số mặt: Cương trực đến mức nóng nẩy. Thẳng thắn đến mức thô tháp. Tự tin đến mức chủ quan. Tiết kiệm đến mức hạ tiện. Đùm bọc nhau đến mức cục bộ. Chịu khổ mà không chịu khó. Khí khái chẳng lụy bất cứ ai, với bất kỳ việc gì. Tất cả những đặc trưng đó đã thấm vào xương tủy, máu thịt, truyền từ đời này sang đời khác. Xét đến cùng, những điều đó là do điều kiện địa lý, kinh tế, lịch sử, văn hóa hun đúc nên. Âu đó cũng là truyền thống, là qui luật. Xưa nay, người Đại Xá đi ra thiên hạ mà hòa nhập, thích nghi và từng bước khẳng định được mình, là do biết chủ động khắc phục ba nhược điểm tiềm ẩn trong tính cách: hiếu thắng, cục bộ, hạ tiện (hà tiện). Tuy nhiên, ở đời, bất cứ ai, sửa đổi tính cách là việc khó vô cùng. Người xưa từng nói: "Giang sơn dị đảo, bản tính nan di ". Nghĩa là, sông núi có thể chuyển đổi được, nhưng bản chất, tính cách con người là khó thay đổi.

Thời phong kiến, trong xưng hô thường đặt chức vụ hoặc học hàm, phẩm hàm trước tên gọi nên dễ phân biệt và dễ nhớ.
 Về nghiệp binh, Đại Xá có người tham gia quân đội Nam triều giữ chức Cai là cụ Cai Thực ( tức là Nguyễn Văn Thực, con trai cụ Pho). So với bây giờ, Cai là chức vụ ngang Tiểu đội trưởng. Vào khoảng năm 1935, thực dân Pháp mộ lính lê dương đi các thuộc địa ở Châu Phi. Cả xã Thượng Xá đi khám tuyển rất đông mà chỉ trúng được 2 người đều là trai Đại Xá: Nguyễn Văn Được và Nguyễn Văn Lưu. Vì sợ con trai chết trận, gia đình đã bố trí cho Nguyễn Văn Được trốn lính.

Về chính quyền, người  Đại Xá có cụ Phó Khơng, tức là Lê Văn Khơng giữ chức Phó Chánh tổng Tổng Thượng Xá. Tổng là đơn vị hành chính thời trước, có qui mô dưới cấp huyện, nhưng to hơn cấp xã. Có hai người làng đã từng giữ chức lý trưởng, tức là cựu lý: Cụ cựu Sĩ (Nguyễn Văn Sĩ) và cụ cựu Kiêng (Lê Văn Kiêng). Cụ cựu Sĩ là cụ nội của ông Nguyễn Văn Vường sau này. Cụ Lê Văn Kiêng là thân phụ của ông Lê Văn Sâm, lão thành Cách mạng và ông Lê Văn Lẫm, Anh hùng LLVT. Nghe kể, có lần quan Tây đi thị sát vùng đập ở cuối xã, người dân để vật liệu ngổn ngang cản trở xe không qua được. Quan Tây cho triệu lý trưởng đến quát mắng thậm tệ. Uất quá, cụ Lê Văn Kiêng đã cự lại. Tức thì, quan Tây lệnh cho tri huyện Nghi Lộc cách chức lý trưởng đối với cụ Kiêng. Lại nói chuyện đánh Tây. Các cụ kể rằng, trong thời kỳ Pháp thuộc, dân Đại Xá đã đánh Tây. Sự thể là, có lần mấy người dân làm muối của làng Đại Xá gồm các ông: Lê Văn Tụy, Nguyễn Văn Đờn, Nguyễn Văn Tần, Nguyễn Văn Phùng, Hoàng Văn Ổn, chỉ bằng tay không và đòn gánh đã dũng cảm đánh nhau với mấy thằng Tây đoan có vũ khí. Tây đoan là người Pháp chuyên lo việc thu thuế của dân trong vùng.

Người làng Đại Xá phần đông có tư chất khá thông minh, nhưng vì quá nghèo, không được đi học. Thời phong kiến đỗ đạt khoa bảng của huyện Nghi Lộc có đến hàng trăm người, có nhà mấy đời, nhưng không có ai là người làng Đại Xá. Duy chỉ có cụ Nguyễn Gia Thống không biết đỗ đạt đến mức nào mà đảm chức Tổng giáo nên gọi là Tổng giáo Thống. Xã Thượng Xá hồi trước có hai người đậu tú tài Hán học, được phong tước Hàn lâm Viện đại chiểu, đó là:  Cụ Hàn Xán, còn gọi là Hàn Cả ( tức Cụ Nguyễn Huy Côn, thân phụ Giáo sư Nguyễn Đình Chú) người làng Kỳ Sơn và Cụ Hàn Hai (thân phụ ông Nguyễn Trương Khoát, nguyên Bí thư tỉnh ủy Nghệ An) người làng Nại.
Thời nào cũng vậy, sự thành đạt trong việc học, việc làm của mỗi con người thường bắt nguồn từ mấy yếu tố: Tư chất thông minh, đức tính chuyên cần, thể chất khỏe mạnh và các điều kiện bảo đảm của gia đình, xã hội. Cũng dòng máu  Đại Xá, hậu thế có nhiều người học hành giỏi giang trở thành tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, bác sĩ, cán bộ quản lý,... Và nhiều người phấn đấu thành đạt, đảm trách nhiều cương vị quan trọng trong xã hội. Nhưng đó là chuyện của các thế hệ sau này.

Trước Cách mạng 1945, nói chung dân làng Đại Xá đều nghèo. Toàn là nhà tranh vách nứa. Cả làng có chưa đầy mười cái nhà ngói - trong đó có nhà kiêm luôn từ đường của Họ. Người giàu nhất làng, cũng có thể nhất nhì xã Thượng Xá, là Chánh dũng Xoan - tức Nguyễn Gia Xoan. Chánh dũng là một chức tước trong làng. Giàu hồi đó là dạng phú ông, với ruộng đất nhiều, trâu bò lắm. Ngoài số tá điền làm thuê theo mùa vụ khá đông, trong nhà Chánh dũng Xoan bao giờ cũng có đến chục gia nhân, đày tớ. Nghe nói, có lần mấy dãy nhà Chánh dũng Xoan bị cháy.  Sợ người nghèo mượn cớ chữa cháy, tràn vào hôi của, nên dù nhà cháy đang cháy to, Chánh dũng Xoan vẫn bắt gia nhân đóng chặt các cổng. Do đó, gia sản không bị mắt cắp nhưng bị thiêu trụi khá nhiều. Hòm đựng tiền bị cháy, tiền đồng, tiền chinh tung tóe, vung vãi. Mấy hôm sau có người đến xem, nhặt được nhiều đồng tiền bị lửa nung đổi mầu. Là nhà giàu nhưng mấy người con trai của Chánh dũng Xoan chẳng được đi học. Họ vẫn tham gia lao động chân lấm tay bùn như mọi nông dân khác.

Trong phong trào Xô viết Nghệ An (1930 - 1931), làng Đại Xá đã có Chi bộ Cộng sản với các đảng viên: Lê Văn Sâm, Lê Văn Tời và Nguyễn Văn Oanh. Quần chúng trung kiên của phong trào thì nhiều. Các cụ kể lại rằng, năm Cộng sản (xưa  nay người ở đây vẫn gọi vậy), Đảng phát động quần chúng biểu tình vây đánh đồn Cồn Thông của Pháp ở cuối xã. Lực lượng tấn công chỉ có giáo mác, gậy gộc, thậm chí có người chỉ tay không. Khi quân Pháp ở trong đồn dùng súng bắn ra dữ dội, phản kích trở lại, quần chúng bị thương vong nhiều, phải rút lui. Năm đó, cụ cựu Kiêng (Lê Văn Kiêng) mặc dù rất căm thù giặc Pháp, nhưng không tin vào thắng lợi của lớp con cháu. Cụ cựu Kiêng đã nói với con trai là Lê Văn Sâm rằng: Không được đâu! Nếu các con thắng được Pháp, thì cha sẽ đi xách dép cho. Khi cách mạng thoái trào, thực dân Pháp và tay sai ráo riết lùng bắt các chiến sĩ Cộng sản và những quần chúng trung kiên. Ông Nguyễn Văn Oanh bị địch bắt đày đi Lao Bảo rồi Kon Tum. Nghe nói, ông Oanh là người cao to, quắc thước, lại có học nên khi bắt được, kẻ địch tuyên truyền đã bắt được lãnh tụ Cộng sản. Ông Oanh hy sinh trong nhà tù thực dân. Đến nay con cháu rất cố gắng mà vẫn chưa biết được phần mộ.

Sau Cách mạng Tháng 8 - 1945, giặc Pháp gây hấn ở Nam Bộ. Có hai thanh niên Đại Xá tòng quân đợt đầu tiên, lên tàu hỏa cùng đơn vị đi Nam tiến chiến đấu, đó là: Nguyễn Văn Hòa và Lê Văn Hòa. Đợt nhập ngũ vào Giải phóng quân tiếp theo vào tháng 4/1946 có ba người là: Nguyễn Văn Được, Lê Văn Chưu và Lê Văn Lẫm. Lúc ấy, ông Lê Văn Lẫm tròn 20 tuổi - là người trẻ nhất. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông Lê Văn Lẫm giữ chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn pháo cao xạ bảo vệ Đường Chiến lược 559, bị hy sinh năm 1972 trong một trận chiến đấu quyết liệt với máy bay Mỹ, được Nhà nước truy tặng Danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Đại Xá có ông Lê Văn Cần được tổ chức tin tưởng chọn lựa trực tiếp phục vụ Bác Hồ từ trong kháng chiến chống Pháp cho tận đến ngày Bác Hồ từ trần. Tên thật ông là Lê Văn Nhợng, khi lên Việt Bắc, được Bác Hồ đặt tên mới: Lê Văn Cần. Ông là người đứng đầu bảng trong tổ phục vụ Bác Hồ: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Sau khi Bác Hồ mất, ông Cần được Phủ Chủ tịch giao nhiệm vụ tiếp tục lưu giữ, bảo quản những kỷ vật trở thành di tích của Bác. Mãi hơn 70 tuổi ông mới được nghỉ hưu.  Được biết, với đạo đức thanh liêm, giản dị, sinh thời Bác Hồ chỉ có mấy bộ quần áo kaki sờn cũ. Để thay số quần áo cũ, nhiều lần cơ quan Văn phòng Phủ Chủ tịch đã dấu Bác giao cho ông Cần là người đóng thế Bác đo may quần áo. Vì số đo của ông Cần bằng số đo của Bác Hồ. Khi quần áo may xong, ông Cần lẳng lặng đặt vào tủ thay quần áo cũ. Tuy cùng kiểu, cùng mầu, nhưng Bác Hồ phát hiện được. Có lần Bác đã phê bình: Quần áo đang dùng được mà đã thay bộ mới là gây lãng phí công quĩ. Năm 1957 và năm 1961, Bác Hồ về thăm Nghệ An, ông Cần cùng đi nhưng tạt về Đại Xá thăm nhà kết hợp mua ít khoai lang và cà pháo mang ra Hà Nội. Đây là hai thứ "đặc sản" của quê nhà mà Bác Hồ vẫn thích.

Cũng như bao làng quê Việt Nam, trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo về Tổ quốc và làm Nghĩa vụ quốc tế, nghe theo tiếng gọi non sông, lớp lớp trai tráng Đại Xá nối tiếp nhau lên đường chiến đấu trên các chiến trường. Trong đó có nhiều trai làng Đại mới qua tuổi thiếu niên, khai tăng tuổi để được tòng quân đánh giặc. Trước họa xâm lăng, cả nước lên đường, âu chuyện đó đâu có là hy hữu.  Trong cuộc chiến đấu cam go, quyết liệt với kẻ thù trên các chiến trường, nhiều người đã anh dũng hy sinh khi tuổi xuân còn phơi phới và nhiều người mang đầy thương tích, bệnh tật ngày trở về.

Liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp là: Nguyễn Văn Oanh, Nguyễn Văn Ưu, Nguyễn Văn Ký, Nguyễn Văn Kiên, Lê Văn Thống, Nguyễn Đình Vị, Phan Ngọc Cường,…Thương binh trong kháng chiến chống Pháp là hai người con trai của Liệt sĩ Nguyễn Văn Oanh: Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Văn Bá. Ngẫu nhiên trùng hợp là hai anh em đều bị cụt cánh tay phải. Nguyễn Văn Hòa bỏ lại cánh tay trong một trận chiến đấu với giặc Pháp ở chiến trường Nam Trung bộ. Nguyễn Văn Bá là dân quân bỏ lại cánh tay trên mảnh đất quê hương. Đó là lần ông Bá xung phong ném thử lựu đạn, chuẩn bị chặn đánh địch đổ bộ lên Cửa Lò. Khi dang tay ném thì lựu đạn nổ.

Liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, từ chiến trường Trị Thiên đến chiến trường Nam Bộ, là : Lê Văn Minh, Lê Văn Lẫm, Lê Văn Ưng, Lê Văn Năm, Lê Văn Tư, Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Quốc Thái,…Liệt sĩ hy sinh trong làm Nghĩa vụ quốc tế ở Cămpuchia có Lê Văn Quang,...

Đại Xá là một làng quê bé nhỏ, chỉ mấy trăm hộ dân. Thế mới biết, với cả nước, cái giá phải trả cho Độc lập Tự do của Tổ quốc, cho cuộc sống thanh bình của nhân dân là vô cùng to lớn. 
Trong kháng chiến chống Pháp trên đất Đại Xá là yên lành. Không có người nào bị thương vong tại quê nhà. Năm 1953, ông Hương Danh (Nguyễn Gia Danh) gửi thư tay cho con trai là Nguyễn Gia Quang đang chiến đấu ngoài mặt trận có đoạn: “ Xóm làng ta vẫn bình yên mạnh khỏe. Riêng ông Thạch Quang Nhưng - tức Phợi - bị tàu bay xạ tệ tại Cồn Dê ”. Cồn Dê cạnh đường quốc lộ 1A, cách làng Đại Xá khoảng 5 cây số, bị máy bay Pháp oanh tạc năm 1953. Bây giờ đây là nơi tiếp giáp giữa ba xã: Nghi Long, Nghi Xá, Nghi Thuận.

Mặc dù Khu 4 là trọng điểm đánh phá của không quân và hải quân Mỹ trong chiến tranh phá hoại, nhưng tại làng Đại Xá vẫn không ai hề hấn gì. Duy chỉ có một lần, năm 1968, máy bay Mỹ ném một quả bom trúng vườn ông Châu (Nguyễn Đình Mợi) nhưng lại chui sâu xuống lòng đất không nổ. Đến bây giờ nơi ấy là nhà bà Nhiên đang ở, chưa ai khai quật quả bom lên, chắc đã tịt ngòi.
                                                *
                                              *  *
Dọc theo thời gian, qua từng thế cuộc thăng trầm, Đại Xá - một làng quê bé nhỏ, nghèo khó, bình dị mà rất đỗi ấm áp, yêu thương. Trên mảnh đất này, còn có rất nhiều điều để kể về biết bao cuộc đời, biết bao số phận. Là quê cha đất tổ, nơi chôn rau cắt rốn, vườn ươm đầu đời trên nhiều phương diện của nhiều thế hệ. Chắc chắn rằng, làng Đại Xá là niềm tự hào, là điểm nhớ trong suốt cuộc đời của mỗi một người sinh ra ở đó. Và rồi cả con cháu họ nữa.  Nhà thơ Giáp Văn Thạch và Nhạc sĩ Đỗ Trung Quân thật đúng khi viết ca từ: “Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi. Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người…”.

                                Mỹ Đình, áp Tết Nhâm Thìn 2012 
                                       NMĐ                       

   
 Tản văn                                   HỌP


Trong chế độ làm việc của mọi tổ chức - dù nhỏ dù lớn - bao giờ cũng có một loại hình được sử dụng nhiều nhất, với nhiều tên gọi khác nhau: hội nghị, giao ban, hội thảo, tập huấn,... Tựu trung lại có thể gọi chung một từ là: Họp.
Trên thực tế, diễn ra rất nhiều các loại họp. Họp để phổ biến chủ trương, chính sách, nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên. Họp để nghe báo cáo của cấp dưới. Họp để nghiên cứu xây dựng một qui chế, chính sách mới. Họp để bàn biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn về một nội dung cụ thể. Họp để triển khai việc thực hiện nhiệm vụ. Họp để nghiên cứu một chuyên đề khoa học, thực tiễn. Họp để bàn bạc xử lý một số vấn đề nổi cộm, bức xúc. Họp để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua; xác định chủ trương, nội dung và giải pháp thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới. Họp để sơ kết, tổng kết,..v.v.. Có cuộc họp bàn chuyên đề và có cuộc họp bàn nhiều nội dung.
Trước hết, phải khẳng định rằng, bất cứ ở đâu, cấp nào, họp là một tất yếu khách quan, không thể thiếu trong sự điều hành hoạt động của mọi tổ chức.


Tuy nhiên, ở đời, mọi điều thái quá đều bất cập. Có lúc, có nơi xuất hiện sự lạm dụng họp. Có thể nói là loạn họp. Có nhiều cán bộ chủ trì, suốt một thời gian dài, trong chương trình công tác hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng được phủ kín bằng các cuộc họp. Cán bộ kiêm nghiệm nhiều chức danh càng “phải” họp triền miên hơn. “Đâu có họp là ta cứ đi” trở thành hành khúc của họ. Với những cán bộ này, trong chức trách nhiệm vụ có lẽ chỉ ghi hai chữ “đi họp” là vừa đủ. Cũng không thể hiểu được, những cán bộ đó lấy thời gian vào lúc nào để có thể nghiên cứu chuẩn bị thấu đáo cho nội dung họp và tiêu hóa được hết những điều thu hoạch được sau họp. Thôi thì, có cán bộ vừa chân ướt chân ráo đi họp ở cấp trên về, chưa kịp phổ biến triển khai ở cấp mình những nội dung đã lĩnh hội được, lại phải khăn gói lên đường tham dự cuộc họp khác. Thành ra, rất có thể, nhiều nội dung rất đúng nhưng không được thực hiện kịp thời trong thực tiễn, bởi còn nằm yên trên giấy. Đó là chưa nói đến, cán bộ các cấp, bất cứ là ai, đều còn phải dành thời gian để: xử lý công việc theo thẩm quyền; nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ năng lực và đi thực tế thâm nhập cơ sở, nắm bắt hơi thở của cuộc sống.
Việc chuẩn bị nội dung họp giữ một vai trò rất quan trọng. Cơ quan chủ trì cần phải chuẩn bị thật kỹ, đúng qui trình và nói chung là nên thông báo trước nội dung cho các thành viên dự họp. Tốt hơn là tài liệu được gửi trước để nghiên cứu chuẩn bị. Đến khi vào họp không nhất thiết phải đọc lại tài liệu. Chỉ cần tóm tắt nội dung và nêu lên những vấn đề then chốt. Dành thời gian cho thảo luận được nhiều hơn. Tránh tình trạng có những cuộc họp, người chủ trì (hoặc cơ quan soạn thảo báo cáo) đọc tràng giang đại hải cả tập tài liệu dày, lại còn kèm theo phụ lục, chiếm mất rất nhiều thời gian.
Thành phần dự họp cần phải đúng như giấy triệu tập. Trong nhiều trường hợp, vì không đủ người đi họp, phải cử người đại diện. Mà đã là đại diện thì nói chung vừa không đủ thẩm quyền, vừa không đủ năng lực, thiếu các thông tin tư liệu theo phạm vi chức năng của cơ quan, đơn vị. Bởi vậy, lắm lúc có người dự họp cho đủ ban bệ nhưng tựa như quan sát viên, không tham gia được vấn đề gì. 
          Trong cuộc họp cần tập trung sự chú ý mới kịp nắm bắt nội dung thông tin. Tuy nhiên, ở nhiều cuộc họp, nội dung trình bày cũng như bàn thảo không có gì mới; không tạo được sự hấp dẫn cần thiết, và nhất là không thiết thực, hữu ích . Vì vậy, người thuyết trình cứ thao thao thuyết trình, người dự họp cứ thầm thì nói chuyện riêng hoặc lẳng lặng chăm chú làm một việc gì đó. Thậm chí có người gật gù ngủ, ngáy vang đều. Có người khác, nhìn bề ngoài thì nghiêm chỉnh, nhưng đầu óc lại lơ đễnh lang thang về một nơi xa xăm hay đang để tâm vào một chủ đề khác.
Người chủ trì là trung tâm của cuộc họp. Đó là người xứng tầm, hội đủ các yêu cầu về: pháp, thế, thuật. Người chủ trì phải điều hành cuộc họp theo đúng qui chế, đúng cương vị, đủ tín nhiệm, phải nắm chắc, làm chủ được nội dung và có phương pháp điều hành hợp lý, khoa học. Tuy nhiên, có một hiện tượng không nhiều lắm là, người chủ trì có cương vị thật oách, nhưng không nắm được nội dung. Bởi vậy, khi điều hành không đi sâu vào nội dung, cứ niềm nở, nói vòng vo chung chung những điều không có gì mới, vô thưởng vô phạt. Đặt các thành viên cuộc họp vào trạng thái tâm lý mệt mỏi “ biết rồi, khổ lắm, nói mãi”! Vì không hiểu đầy đủ, thấu đáo, không tiếp thu được những ý kiến tham gia rất xác đáng, nên khi kết luận, người chủ trì không cập nhật thông tin trong cuộc họp, mà lấy bản chuẩn bị sẵn của cơ quan để đọc. Nhiều lúc lạc lõng, chẳng ăn nhập gì. Nguồn gốc sâu xa và nguyên nhân trực tiếp là để những cán bộ đó "ngồi nhầm ghế"!
Lại có những cuộc họp không giải quyết được vấn đề đặt ra. Ý kiến qua lại thì nhiều, tranh luận khá sôi nổi. Có nhiều ý kiến trái chiều, gay gắt, người chủ trì không kết luận được, hoặc kết luận trung dung, " đầu Ngô, mình Sở ". Để rồi, ai nghe cũng thuận tai vì trong đó có sự hiện diện một vài ý tham gia của mình mà người chủ trì hội nghị (hoặc thư ký) đã nhặt nhạnh được. Đó là cách làm theo kiểu "đẽo cày giữa đường". 
         Nghe nói, có địa phương đang lúc hạn hán kéo dài, đồng khô cây héo, lãnh đạo tổ chức một cuộc họp với đủ thành phần để bàn biện pháp chống hạn. Trong khi cuộc họp kéo dài lê thê đến mấy ngày, nhiều ý kiến khác nhau chưa ngã ngũ, thì bỗng nhiên trời đổ mưa to. Từ cuộc họp bàn chống hạn lại quay sang cuộc họp bàn chống lũ lụt! 
           Được biết, ông T Chủ tịch tỉnh N, có một câu nói khá hay, đại ý rằng: Đã là cán bộ chủ trì thì phải quyết đoán. Sau khi đã nghiên cứu kỹ, xét thấy cái gì có lợi cho dân, cho nước, thì dám làm và dám chịu trách nhiệm. Còn cái gì, tự mình xét thấy không có lợi, không nên làm, thì tốt nhất đưa ra họp, xin ý kiến. Và điều chắc chắn là sẽ không phải làm. Nghĩ kỹ, thấy ông ấy nói có lý! 
Chưa ai thống kê đầy đủ sự tốn kém, lãng phí về công sức và tiền bạc (tiền đi lại, tiền ăn ở, lại còn phong bì hoặc tiền công tác phí nữa) sẽ là bao nhiêu đối với những cuộc họp hiệu quả thấp, vô bổ. Nhưng chắc chắn số lượng là không nhỏ. Có người coi việc đi họp như một nguồn thu nhập phụ. Thêm nữa, họp nhiều thì phải xây dựng lắm hội trường. Cơ quan, đơn vị nào cũng muốn có hội trường riêng. Nguồn gốc các khoản tiền đó là công quĩ, là tiền của dân. Xót!

         Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, thiết nghĩ, nhiều vấn đề không nhất thiết phải họp cũng có thể giải quyết được. Ví như: việc phổ biến một số chủ trương, chính sách; việc thông báo tình hình; việc báo cáo; việc lấy ý kiến,…Tóm lại là thông tin và xử lý thông tin giữa các chiều, có nhất thiết phải họp chăng?!
Cách đây hơn 90 năm, Maiacốpski - nhà thơ lớn của nước Nga Xô viết - có một câu thơ nổi tiếng: “Tôi ước ao có một cuộc họp / Để không còn những cuộc họp vô bổ ở trên đời”. Đến nay đọc lại, câu thơ đó vẫn còn tính thời sự./. 


                                                                       NMĐ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét