Menu ngang

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

Nguyễn Phúc Hưng – cháu nội

  


  
     Hà Nội,  30 / 10 / 2006 là một ngày đẹp trời. Chiều hôm đó khi đang làm việc với ban lãnh đạo Nhà máy Z153 - Tổng cục Kỹ thuật, tôi nhận được điện thoại của con trai Nguyễn Trần Quang là: Nguyễn Thị Kim Thoa - con dâu chúng tôi - đã sinh cháu trai thứ hai tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Trước đó mấy tháng, đi siêu âm ở bệnh viện về, Thoa đã thông báo cả nhà biết là con trai, nhưng vẫn thấp thỏm. Khi nhận tin chính thức cháu sinh “mẹ tròn, con vuông”, chúng tôi mừng lắm.
Thông thường, khi đã có con trai đầu lòng, đối với mọi người thì việc sinh con tiếp sau là trai hay gái đều tốt. Cũng có nhà sinh con trai rồi, mong sinh được con gái để cho có nếp có tẻ - vả lại, trong quan hệ gia đình, con gái sống dịu dàng tình cảm hơn. Với Cố nội cháu, năm đó đã 93 tuổi, thì mừng rỡ thể hiện trên nét mặt. Bữa ấy, Cố vui vẻ nói với tôi rằng: “Biết tin cháu Thoa sinh thêm chắt trai nữa, Cha mừng lắm, cả đêm không ngủ được”.

Cháu sinh được ba ngày thì đón về nhà ở Khu Tập thể Nghĩa Tân. Dân gian đã từng tổng kết: “cháu bà nội, tội bà ngoại”. Đây như là một lẽ tự nhiên, tự nguyện, thể hiện sự quyện hòa giữa bản năng, tình cảm, quyền và trách nhiệm của người mẹ đối với con gái. Như lần trước sinh Nguyễn Quang Minh, lần này bà Hải (bà ngoại) cũng từ Lương Sơn (Hòa Bình) về Hà Nội chăm sóc chu đáo mẹ con cháu.
Ở nhà bố mẹ gọi cháu là Nghé. Tôi cũng không hiểu tại sao lại gọi thế. Thường thì, tiếng Việt nghé là con trâu con, nếu cháu đẻ năm Sửu đặt tên Nghé nghe ra còn có lý. Đằng này, cháu lại sinh năm Tuất. Nhưng không sao cả. Gọi lâu dần thành quen rồi thành hay. Thực ra, tên gọi thân mật ở nhà chẳng qua là ký hiệu ngôn ngữ đặc trưng để phân biệt người này với người khác. Về pháp lý, đến khi lập giấy khai sinh cho cháu thì phải đặt tên chính thức. Như mọi đứa cháu khác, lại một cuộc trưng cầu ý kiến của ông bà nội ngoại, bố mẹ và một số người thân trong gia đình. Cuối cùng, kết luận lại, đặt tên cháu là Nguyễn Phúc Hưng. Là từ Hán - Việt, tên đó nghe vừa hay, vừa có chiều sâu ý nghĩa.
Đối với mỗi con người, cái tên và chữ viết của họ quan trọng lắm. Nghe nói, có người xem tướng số chỉ cần nghe tên và đọc chữ viết - nhất là chữ ký - của một người nào đó, là đã có thể đoán được dáng dấp, tính cách, thậm chí là số phận của họ. Tôi cho rằng, điều ấy ít nhiều có phần đúng.  Xưa nay người đời đã từng nói " nét chữ nết người". Nhưng đó là khoa học, kinh nghiệm, trực giác hay là tâm linh, thì cũng chưa biết được.
              Phúc Hưng có thân hình chắc đậm, da bánh mật, chân tay to, mặt vuông, trán rộng, vành tai to, mắt đen to với hàng mi dài, mũi thon, răng đều, miệng đẹp, cười duyên và lại thích đùa. So với mấy đứa cháu trai trong nhà, Phúc Hưng có thể hình và gương mặt với đường nét đẹp, nam tính hơn. Cháu ăn ngủ tốt, do đó, bước đầu sức khỏe tốt hơn anh Quang Minh và em Đặng Nguyễn Thái. Thậm chí, từ hai tuổi trở đi, cháu ăn nhiều, tăng cân nhanh, bố mẹ cháu sợ mắc bệnh béo phì, nên  có lúc phải phanh lại, bằng cách cho ăn tăng rau và giảm dần chất đạm.
Ngay từ bé, Phúc Hưng đã bộc lộ cá tính mạnh mẽ, quả quyết, xông xáo nhưng lại vội vàng, cẩu thả, ẩu đoảng. Ở nhà hay ở lớp học mầm non cũng vậy, cháu đều không e dè trước ai, trước việc gì. Tính cháu tinh nghịch, hiếu kỳ, hiếu động, lại hay táy máy, bởi thế đã làm hỏng hóc không ít thứ trong nhà: điều khiển TV, quạt, đầu đĩa, rađiô và các thứ đồ chơi.
Còn nhớ, có lần vào giữa năm 2010, cháu theo ông bà nội vào làng Vạn Phúc (Hà Đông) mua quần áo lụa tơ tằm. Đến các nhà hàng, cháu đều xông đại vào, xem và lục bới mọi thứ, thật rầy rà quá. Lúc ông bà đang mải xem mua hàng, ngoảnh ra không thấy cháu ở đâu. Hoảng quá, sợ cháu bị lạc, gọi toáng lên, tiếng “dạ” của cháu nghe nhỏ và xa. Tìm mãi, ai ngờ cháu chui vào giữa các cuộn vải đủ các màu để phía trong gian hàng, cứ như chơi trò trốn tìm vậy. Mọi người vừa bực mình vừa buồn cười, đành xí xóa xin lỗi nhà hàng.
Lần khác, vào ngày Tết dương lịch (1/1/2012) , ông bà nội ngoại, bố mẹ và cả mọi người trong hai gia đình nội ngoại lên chơi ở huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình). Buổi trưa tất cả vào ăn cơm tại nhà hàng đặc sản. Bữa đó là ngày Tết, nhà hàng có nhiều thực khách ở Hà Nội lên. Khi mọi người đang vui vẻ ăn uống, thì cháu xin phép lần ra phía ngoài chơi. Cháu dùng que gõ chiếc đàn dân tộc làm bằng ống trúc nghe thật vui.  Chơi chán, cạnh đó có cái điếu cày hút thuốc lào dùng cho thực khách để bên bàn nước, cháu thấy lạ và tiện tay cầm dốc ngược ống điếu vào người. Tức thì toàn bộ nước điếu đặc quánh, đen ngòm, với mùi hôi hám nồng nặc chảy hết lên quần áo của cháu. Giữa trời giá rét căn cắt, phải dắt cháu ra vòi nước lạnh rứa ráy và mẹ cháu phải lập tức thay quần áo cho cháu trước khi lên xe về Hà Nội. Cả nhà vừa cười vừa cáu bực vì cháu.
Như một sự trái chiều, là đứa trẻ tinh nghịch, hoạt náo, nhưng Phúc Hưng lại lành hiền, tình cảm. Giữa năm 2008, Cố nội cháu bị ốm nặng, ngón chân cái bị hoại tử do biến chứng của bệnh tiểu đường giai đoạn cuối. Cố đau lắm, nhiều ngày liên tục phải dùng thuốc giảm đau. Hồi đó cháu Phúc Hưng chưa đầy hai tuổi. Khi bố mẹ cháu dẫn cháu sang thăm, thấy Cố nội kêu đau, Phúc Hưng hỏi: “Cố ơi, Cố bị đau lắm à, để con thổi cho”. Nói rồi, cháu cúi gập người sát bàn chân của Cố, phùng miệng thổi phì phò. Mọi người nhìn thấy cũng là lạ. Đang đau đến tái mặt, Cố cũng ráng dậy phì cười: “Cố đỡ rồi đấy, cám ơn chắt nhé”. Có thể coi đó như một liều thuốc tinh thần đối với người già khi ốm đau. Tuy khỏe hơn chúng bạn ở lớp, thậm chí sức vóc còn nhỉnh hơn anh Quang Minh, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ cháu đánh lộn. Vì cùng lứa tuổi, lại hợp nhau, trong nhà thì Phúc Hưng chơi rất thân và chiều chuộng  em gái Cún - Thùy Anh nhiều việc, thật là cảnh “thanh mai trúc mã”.
Đến lúc này, điều quan tâm lo lắng nhất của cả nhà là việc học hành của Nghé. Bởi lẽ bước đầu nhận ra Nghé có biểu hiện ít chăm chú tập trung vào việc học. Mãi hơn 5 tuổi rồi mà Nghé vẫn chưa biết chữ. Đã mấy lần thử bắt Nghé học thuộc bảng chữ cái, nhưng học khoảng một tiếng đồng hồ là Nghé đã kêu mỏi lắm rồi. Kiểm tra lại, thì Nghé vẫn chưa thuộc được bao nhiêu. Trong lúc ở tuổi đó, anh Quang Minh của cháu đã đọc thông, viết thạo. Biết làm sao được, cha mẹ sinh con, trời đất sinh tính. Nhưng với cháu, đây mới là thời kỳ chập chững ban đầu hình thành nhân cách. Chắc chắn rằng, theo thời gian, Phúc Hưng sẽ tiến bộ hơn nhiều. Tương lai cuộc đời cháu còn dài lắm. Ông bà, bố mẹ, cùng mọi người thân mong và tin rằng, sau này Phúc Hưng sẽ cố gắng học tập, rèn luyện không ngừng để có được: năng lực dồi dào, tình cảm sâu đậm và tâm hồn phong phú trong một cơ thể cường tráng ./.

                                                                                   Ngày 6 / 1 / 2012
                                                                        Ông nội, NMĐ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét