Menu ngang

Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012


                                      BẠN  QUÊ


Những năm học ở Trường cấp II Nghi Khánh ( Nghi Lộc - Nghệ An ), tôi có 2 người bạn thân thiết nhất là Lương Đình Long và Nguyễn Đình Lương. Anh Long quê ở xã Nghi Xá, hơn tôi 4 tuổi. Anh Lương quê ở xã Nghi Khánh, là con dì ruột anh Long, hơn tôi 3 tuổi. 
              Đang tuổi thiếu niên, là học trò nghèo, ở một vùng quê xa các trung tâm văn hóa. Nhưng qua đọc sách, chúng tôi thuộc nhiều điển tích, ngưỡng mộ sự can trường, nghĩa hiệp của các nhân vật tiêu biểu trong các tiểu thuyết lịch sử cả ta lẫn Tàu. Có lần, vào mùa hè năm 1960, ba chúng tôi đi bộ lên Vinh chơi. Bắt chước 3 anh em Lưu, Quan, Trương trong Tam quốc diễn nghĩa, chúng tôi vào chùa Diệc, cắt máu ăn thề, thắp hương khấn vái, tuyên thệ kết nghĩa vườn đào. Dưới trời chang chang nắng, cả đi lẫn về ngót 40 cây số, trong túi chỉ vỏn vẹn mấy đồng bạc, ăn uống qua quít, về đến nhà, anh em đói lả, mệt nhoài. Tôi bé nhất và yếu nhất. Anh Long nói, cố lên các em, như vậy mới tốt, mới thiêng, mới là kỷ niệm. Mà quả thật, với tôi, đó là một trong những kỷ niệm đẹp không bao giờ quên sau hơn nửa thế kỷ.
Hồi đó, hàng ngày, chúng tôi đi học buổi sáng, buổi chiều đi làm đồng. Tất cả bài vở đều dồn vào buổi tối. Chong đèn ( trước là đèn dầu lạc, sau đó đèn dầu hỏa -  gọi là đèn Hoa Kỳ) từ tối đến tận 12 giờ đêm. Buổi sáng dậy từ 4 giờ sáng để học tiếp. Học bài lúc rạng sáng chóng thuộc lắm. Học xong, rửa mặt qua quít rồi nhịn đói, lật đật cắp sách tới trường. 
             Có một lần trên đường đi học, đến cầu Lùng, cách trường còn khoảng 300m, anh Long hỏi tôi, đã học thuộc bài thơ của Tố Hữu chưa? Tôi giật mình vì đêm qua mệt quá, quên chưa học. Thế là, trên quãng đường ngắn ngủi còn lại, tôi chăm chú học. Nhưng với thời gian quá ít ỏi, tôi cũng chỉ kịp thuộc được 4 câu khổ đầu : 
                   “Mắt chị Lý long lanh ánh sáng 
                     Như long lanh một mảng trời Nam 
                     Mắt từ cõi chết gian nan 
                     Bay theo ánh sáng sao vàng bay ra “.
             Không ngờ, đến giờ Văn, thầy Hoàng Văn Bàng kiểm tra bài, gọi tôi đầu tiên. Tôi bình tĩnh đứng dậy, trong bụng thì run mà ngoài mặt thì tỏ ra tự tin, đọc rất hào sảng, truyền cảm. May quá, tôi vừa đọc hết câu thứ 4, thầy bảo dừng lại, khen rất tốt và cho điểm cao nhất. Thật may mắn và hú vía. Khi tan học, anh Long vừa cười nói, trời ơi, hôm nay nếu thầy Bàng cứ để cậu đọc tiếp, chắc chắn là ăn điểm 2 rồi.  Đúng là may hơn khôn. Ở đời, có nhiều việc, vinh quang và thất bại cách nhau chỉ một chút xíu thôi.
Hè năm 1963, tôi cùng anh Long, anh Lương lên Vinh dự thi Trung cấp Mỹ thuật công nghiệp. Chúng tôi ăn nghỉ tại nhà chị Vy - chị ruột anh Long - ở khu tập thể Xí nghiệp dược phẩm. Ngày đó, anh Lê Xuân Thanh, chồng chị Vy, Thiếu úy, giáo viên Khoa Thông tin Trường Sĩ quan Lục quân cũng về phép. Anh chị mới có cháu Hải chưa đầy tuổi. Địa điểm thi của chúng tôi là Trường cấp III Huỳnh Thúc Kháng. Họa sĩ Tạ Thúc Bình và nhiều họa sĩ ở Hà Nội vào chấm thi. Cách tổ chức cuộc thi thật hay, thành 3 vòng, tựa như thi Hương, thi Hội, thi Đình thời phong kiến vậy. Ai qua được vòng 1 thì thi tiếp vòng 2. Ai qua được vòng 2 thì được thi tiếp vòng 3. Xong, các thầy mang bài thi vòng 3 về Hà Nội chấm. Trúng hay trượt phải đợi kết quả sau mấy tháng. Vòng 1 thi văn, cả 3 anh em đều qua được. Đến vòng 2, đề thi là : Bằng bút chì, em hãy vẽ chân dung một  người. Anh Long vẽ Lê Nin. Anh Lương thì vẽ Bác Hồ. Còn tôi, tôi vẽ một người bất kỳ, dưới đó tôi đề : “Chú Tư của tôi”. Sáng hôm sau công bố kết quả thi, tôi qua được vòng 2, còn anh Long và anh Lương đều trượt. Thực ra, các anh ấy có năng khiếu vẽ hơn tôi nhưng vì chọn sai đối tượng. Vẽ Lê Nin, vẽ Bác Hồ thì nhiều người làm được. Nhưng nếu vẽ không giống, không đẹp, lại dễ phát hiện. Còn tôi vẽ chú Tư, ai bảo là không giống?! Vì có ai biết chú Tư của tôi ngoài đời là thế nào đâu để mà so sánh. Quả thật, tôi cũng chẳng có chú Tư nào cả. Đó là một chân dung bất kỳ, tôi vẽ ra và tôi đặt tên. Dẫu qua được ba vòng, nhưng khi Trường Trung cấp Mỹ thuật công nghiệp yết bảng, anh Nguyễn Văn Tần (con bác ruột tôi) đang học ở Trường Đại học Kinh Tài đạp xe đến xem, thì không thấy có tên tôi.
Anh Long đi bộ đội năm 1965, chiến đấu từ Quảng Trị đến Tây Nguyên, vào cả Nam Bộ. Kết thúc chiến tranh, anh về quê theo chế độ thương - bệnh binh. Hầu như thế hệ chúng tôi đều thế. Số phận mỗi con người gắn với lịch sử đất nước: Lúc còn nhỏ cắp sách tới trường. Lớn lên gặp buổi chiến tranh lên đường chiến đấu. Người hy sinh nằm lại chiến trường khi tuổi xuân còn phơi phới. Người mang thương tích, bệnh tật ngày trở về, đối mặt với cuộc sống thường nhật chật vật khó khăn. Bao cấp hay thị trường đều vậy. Và một số, ít thôi, dành trọn cuộc đời trong làng quân ngũ cho đến tuổi mãn chiều xế bóng. 
            Anh Long là người chất phác, khiêm nhường, đôn hậu và ý nhị. Nhưng chẳng hiểu sao, đến bây giờ ngót 70 tuổi, anh sống độc thân, sau khi đã chia tay 3 bà vợ. Có lúc tôi tếu táo trêu đùa, kể ra anh "hơi bị tốn vợ" đấy. Nghe vậy anh cười hiền khô nói, tôi có thích thế đâu chú. Anh có 2 đứa con với bà vợ đầu. Các cháu đã trưởng thành. Ba bà vợ đều lần lượt ra đi trong sự yên bình, êm thắm. Chưa bao giờ tôi thấy anh trách cứ ai điều gì. Thế đấy, trong tổ ấm gia đình, chưa hẳn những người tốt sống cùng nhau đã là hợp hòa, hạnh phúc. 
            Nhiều lần về quê, tôi ghé thăm anh. Nhìn anh gầy yếu, thật thương. Là xạ thủ pháo phòng không, bị chấn thương do bom Mỹ nhiều lần, anh bị điếc đặc. Anh sắm điện thoại di động nhưng không dùng được nhiều. Anh không nghe được phía bên kia nói gì, thành ra cứ phỏng đoán mà trả lời theo tọa độ, lắm lúc lạc đề, trật khấc. Dù mang máy trợ thính, nhưng khi nói chuyện, tôi biết anh nghe lõm bõm câu được, câu chăng.
              Đợt về quê ngày áp Tết Nhâm Thìn, tôi đến thăm, ngoài sân chó sủa ầm ỹ, trong nhà anh vẫn ngồi lặng yên bên bàn. Thoáng sau, ra sân ngước nhìn thấy tôi, anh mới vồ vập cười nói rõ to, chú mới về à?  Sau một hồi chuyện trò, anh ra vườn nhổ đầy một tải cây cải trao tôi, anh nói, quà Tết chú đây, rau sạch đấy mang về Hà Nội nhé. Rồi anh vào nhà đem tặng tôi tập Thơ Quê do anh tuyển chọn 47 bài của 40 năm sáng tác. Tôi đã đọc nhiều lần, thơ anh có nhiều bài hay. Trong thơ vừa có tứ, có tình, vừa có cảnh, có vần, có nhạc điệu. Dân quê tôi nhiều người thích thơ và biết làm thơ. Các đám mừng thọ, mừng đám cưới, có nhiều người đọc thơ hoặc làm thơ tặng, vui lắm. Dĩ nhiên, làm nhà thơ đích thực thì khó và hiếm. Thơ là cảm xúc, là tiếng nói của lòng được chắt lọc, tinh chế qua ngôn ngữ. Thơ là một lĩnh vực trước hết thuộc về năng khiếu bẩm sinh, rồi mới tính đến học hành. Ở đời, mọi việc thành đạt đều do học hành rèn luyện. Nhưng không ai cố học để thành nhà thơ được. Có người rất giỏi nhưng nếu bảo làm một bài thơ, thì chịu.
Trong số ba anh em kết nghĩa, Nguyễn Đình Lương học giỏi nhất. Tôi biết anh có nhiều kỳ vọng đẹp. Năm 1965, đang học dở lớp 9, anh Lương xung phong đi bộ đội. Anh được biên chế vào Tiểu đoàn 927 biên phòng - Quân khu 4. Hè năm 1966, đơn vị tôi nhận bàn giao trận địa của Tiểu đoàn 927. Tôi được biết anh Lương là xạ thủ súng ĐKZ đã hy sinh trước đó tại chiến trường Trung Lào. Trong trận chiến đấu đó, cả khẩu đội của anh bị trúng một quả pháo, hy sinh hết. Được tin đồng đội của anh kể lại, tôi buồn lắm, bao kỷ niệm hiện về. Vậy là, 1 người trong 3 anh em kết nghĩa đã mất. Anh Lương là người cao to, đẹp trai, sống tình cảm. Không biết trước ngày hy sinh, anh đã có người yêu chưa. Năm đó anh tròn 20 tuổi. Với anh mãi mãi là thanh xuân. Sau này, mấy lần về quê lên thăm nhà anh Lương. Cả nhà anh đều nhìn tôi mà rưng rưng nước mắt. Mọi người thương nhớ anh Lương đến vô cùng.

Hơn 50 năm qua, những kỷ niệm đẹp của một thời vẫn đọng lại trong lòng tôi trên mọi nẻo đường đời. Đó là những tình cảm trong sáng, chân thực, ấm áp của những người bạn quê thân thương, quí mến ./.

                             Mỹ Đình, Mồng hai Tết Nhâm Thìn
                                                                NMĐ
                                                                                                                   


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét