Menu ngang

Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

Đích tôn Nguyễn Quang Minh

     ĐÍCH TÔN NGUYỄN QUANG MINH




   Nguyễn Quang Minh tức Bim tên gọi thân mật ở nhà, là con trai đầu của Nguyễn Trần Quang và Nguyễn Thị Kim Thoa, sinh ngày 23 tháng 4 năm 2003. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên lý thú. Sinh nhật tôi, ông nội cháu,  là 17 / 10.  Sinh nhật Nguyễn Quang Minh, cháu đích tôn là 23 / 4. Sinh nhật cháu ngoại Đặng Nguyễn Thái là 25 / 11. Đem cộng ngày sinh tháng đẻ của từng người trong ba ông cháu tôi đều bằng 9. Trong số học, theo nghiên cứu của một số người, thì con số 9 có nhiều điều bí ẩn. Mà kể ra cũng lạ. Ví dụ: Lấy hai số bất kỳ có số sau nhỏ hơn số trước như: 61, 74, 85. Rồi lấy số đó trừ đi số ngược lại sẽ cho kết quả: 61 – 16 = 45; 74 – 47 = 27 ; 85 – 58 = 27. Hiệu số đó luôn chia hết cho 9. Hoặc là, đem cộng các con số của hiệu số đó thì kết quả cũng đều bằng 9. Đó mới chỉ là một ví dụ. Trên thực tế còn nhiều điều khó hiểu khác, nhưng không phải là chuyện bàn ở đây.
         Quang Minh sinh ở Viện Phụ Sản Hà Nội được 3,6 kg, bụ bẫm, xinh xắn. Là con đầu, cháu sớm, chắt sớm cả nhà mừng lắm -  nhất là Cố nội của cháu năm đó vừa mừng Đại thọ tròn 90 tuổi. Hồi đó, tôi đã 55 tuổi, đang công tác ở Trường Sĩ quan Lục quân 1 (nay là Trường Đại học Trần Quốc Tuấn). Ở Viện mấy ngày, mấy người gồm: tôi, bà nội cháu, bà Phượng, o Thùy Vinh đón cháu về nhà. Khi về nhà, có bà Nguyễn Thị Hải là bà ngoại và sau đó là ông ngoại cháu là Nguyễn Đình Thành ở thị trấn Lương Sơn - Hòa Bình xuống thăm chăm mẹ con cháu. Hồi đó, gia đình Quang - Thoa còn ở căn hộ cấp 4 thuộc khu tập thể Binh chủng thông tin, trong xã Cổ Nhuế - Từ Liêm.
Là cháu đích tôn nên từ khi sinh ra, Quang Minh được cả nhà yêu quí. Khi đặt tên cho cháu, có nhiều phương án. Cuối cùng thống nhất là Quang Minh. Bởi, theo ý nghĩa của chuỗi tên ba đời nối tiếp nhau Đẩu – Quang – Minh.
Người ta nói rằng, tính cách con người hình thành ngay từ khi còn bé, thậm chí ngay từ trong bụng mẹ. Tôi cho điều đó hoàn toàn đúng. Về già, tôi chiêm nghiệm lại, càng đúng. Nhiều người, tôi biết họ từ khi còn rất trẻ, tính cách hồi đó thế nào ( vui nhộn, hoạt náo, thông minh, bắng nhắng, cà trớn, tinh nghịch, láu lỉnh, nhanh ẩu đoảng; trầm tĩnh, hiền lành, điềm đạm, chỉn chu, chắc chắn,…), thì bây giờ về già, sắp trọn một cuộc đời rồi vẫn thế. Khác chăng, chỉ là mức độ, phạm vi và tính chất. Thường thì, những tật xấu theo con người ta đến suốt đời. Đó là nhược điểm cố hữu. Khuyết điểm thì có thể khắc phục được, nhưng không thể xóa được nhược điểm. Ở đời, trong mọi trường hợp, chữa được bệnh, không chữa được tật. Người xưa nói: Giang sơn dĩ đảo, bản tính nan di!
Ngay từ khi mới sinh, Nguyễn Quang Minh là đứa trẻ lành hiền, thông minh. Khi cháu mới được mấy tháng, tôi bỏ cháu vào xe đẩy, đưa cháu từ nhà bố mẹ cháu ở A8 Khu tập thể Nghĩa Tân về nhà tôi ở 1012 Hoàng Quốc Việt, cháu nằm yên không hề quấy khóc. Thỉnh thoảng, tôi mở tấm vải che ra nhìn thì cháu nhoẻn miệng cười rất thích thú. Lên 3 tháng cháu biết lẫy, lên 7 tháng cháu biết bò. Lúc cháu đã biết bò vẫn chưa có đồ chơi. Để dỗ cháu, tôi lấy một tấm thiếp mời màu đỏ đặt từ xa, cháu bò lại lấy. Cháu lấy xong, tôi lại đẩy tờ thiếp di chuyển sang chỗ khác, cháu lại bò tiếp. Cứ thế cháu chơi được cả buổi. Trời nóng, nhà dùng một chiếc quạt bàn cho cháu mát. Nhưng khi cháu biết trườn, thì sợ cháu chạm tay vào quạt điện nguy hiểm, tắt quạt đi, cháu tẩn mẩn biết bật công tắc cho quạt quay. Tôi rút điện ra, cháu bật mãi không thấy quạt quay, lại loay hoay lần đầu giây lấy phích cắm quạt nhưng tay với không được, khóc toáng lên, trông ngộ lắm. Khi cháu lên 8 tháng, bị viêm amidan, sốt và ho kéo dài. Hàng ngày, ở Sơn Tây gọi điện về nhà, tôi sốt ruột quá. Sợ dùng thuốc kháng sinh sớm quá không tốt cho cháu sau này, tôi hỏi kinh nghiệm dân gian của một số người. Được Cô Việt Hoa vợ Chú Nguyễn Đình Chức ở Trường Lục quân bày cho cách là mua vẩy con Tê Tê nướng lên cho uống với thuốc Bắc, thì khỏi. Tôi đi về Hà Nội đến Cửa hàng thuốc bắc Dương Lâm - Dương Viên ở gần Ngã Tư Sở mua cho cháu uống thấy đỡ nhiều. Thôi thì, khi cháu bị ốm, cả nhà lo lắng chăm ẵm thuốc men, ăn uống. Có lần, cháu bị viêm phế quản, phải đưa đi điều trị ở Bệnh viện Nhi Hà Nội. Tới nơi, sau khi khám xong, bác sĩ vừa cho cháu tiêm kháng sinh qua đường tĩnh mạch vừa cho thở khí rung. Nhìn cháu còn bé, gầy yếu, thở phì phò, khò khè, nhưng vẫn ngoan không quấy, bố mẹ, ông bà và cả nhà nội ngoại lo lắng và thương lắm.
Cháu Quang Minh biết nói sớm. Hơn 1 tuổi cháu đã nói được nhiều từ. Gần 2 tuổi cháu nói sõi. Có nhiều bữa cháu xem ti vi, hồi đó đang chiếu bộ phim chuyện, cháu nghe diễn viên rồi nói theo. Đang lúc mãi xem thì tè ra bỉm, cháu gọi tôi thay bỉm một cách ngây thơ :” Em ơi tình yêu, ông ơi bỉm”, làm cả nhà phì cười. Được làm bố mẹ, ông bà thật vui sướng nhường nào khi được nghe tiếng con trẻ bi bô gọi mình những tiếng đầu tiên trong đời. Cũng kể từ đó, mình được lên thiên chức mới. Có thể, khi nói thiên chức tức là chức trời ban cho. Với mọi người, việc có con, cháu là điều minh chứng cho sự hiện diện của mình giữa cuộc đời. Với một số rất ít người không may mắn được hưởng thiên chức làm bố, mẹ, ông, bà là một sự thiệt thòi lớn.
Gần 2 tuổi cháu được bố mẹ cho vào nhà trẻ Hoa Linh ở Làng Quốc tế Thăng Long rồi sau đó sang nhà trẻ Apollo đường Cầu Giấy. Ở các nhà trẻ cháu lành hiền, vui tươi, ngoan ngoãn, các cô nuôi dạy trẻ đều có thiện cảm. Đến mức, sau đó mấy tháng, cả nhà thấy chất lượng nhà trẻ tốt,  bà nội cháu là Trần Thanh Liễu đến liên hệ xin cho cháu Đặng Nguyễn Thái ( Bo ) -  con trai  của Thùy Vinh - vào học. Sau khi trò chuyện, xem xét, cô phụ trách nhà trẻ nói rằng, mặc dù nhà trẻ hết chỗ rồi, nhưng nếu là em của cháu Quang Minh, thì đồng ý nhận vậy.
Thỉnh thoảng, khi có dịp, tôi đến thăm và đón cháu về nhà. Đến lớp, nhìn cháu vui chơi với các bạn, tôi thật mừng. Tự nhiên trong tôi có nhiều liên tưởng về 30 năm trước, hằng ngày tôi vẫn lọc cọc xe đạp đưa bố cháu là Nguyễn Trần Quang từ 1A, Hoàng Văn Thụ đến Nhà trẻ 20-10 ở Phố Thợ Nhuộm. Hồi đó, Nhà trẻ 20 - 10 là nhà trẻ tốt nhất ở Hà Nội trong suốt thời bao cấp. Được biết, có nhiều chính khách nước ngoài đã đến tham quan tại đây và tỏ ra thiện cảm, khen ngợi.  
Đến năm 2006, được Cô Vũ Thị Kim Dung, Tiến sĩ, cán bộ giảng dạy ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - là người rất thân thiết của cả gia đình, bằng mối quan hệ trong ngành đã giới thiệu, bố mẹ gửi cháu sang Trường mầm non Ánh Sao. Hai anh em Quang Minh, Đặng Nguyễn Thái cùng học một lớp. Đúng như lời giới thiệu của Cô Dung, phải nói rằng, Ánh Sao là một trường mầm non kiểu mẫu của quận Cầu Giấy. Trường đẹp, rộng rãi, khang trang, tọa lạc gần hồ Nghĩa Tân. Các phòng học ngăn nắp, sạch sẽ, nhiều đồ chơi. Tại đây, các cô nuôi dạy trẻ được đào tạo cơ bản và được chọn lựa tốt. Đó là những con người vừa có kiến thức sư phạm vừa có trách nhiệm và tình cảm thương yêu các cháu. Các cháu thấy thích thú mỗi khi đến trường.
Khi học ở Trường mầm non Ánh Sao, cháu Quang Minh được chọn vào Đội văn nghệ của lớp. Cháu tham gia múa phụ họa các bài hát trông thật xinh. Có lần cháu bị sốt nhẹ phải nghỉ học, vậy mà đến ngày Hội diễn của Trường, các cô giáo của lớp cháu vẫn phải đề nghị bố mẹ đưa cháu đến Trường. Nếu không, trong kíp múa bị thiếu người, trống chỗ.
Khi mới sinh thì cháu bụ bẫm, nhưng từ năm lên 2 tuổi trở đi, thể trạng của Quang Minh không được khỏe. Răng lợi của cháu không tốt, bị sún gần hết. Bộ máy tiêu hóa yếu, có lúc cháu kêu đau bụng như thể bị ảnh hưởng dạ dày. Cháu vừa ăn chậm, vừa ăn ít, lại hấp thụ kém nên cháu là tạng người còi xương, suy dinh dưỡng, chậm lên cân. Thương quá, cả nhà bên nội, bên ngoại lo lắng chăm sóc cháu. Mong muốn cháu khỏe hơn nên có ai mách dùng thuốc nào tốt là mua. Mua cóc tươi róc lấy thịt xay nhỏ ra, rang lên thành bột cho cháu ăn với cơm. Rồi mua đông trùng hạ thảo dạng con, dạng nước, mua nước yến sào, mua các loại thuốc kích thích tiêu hóa ở các cửa hàng tân dược,…Nghe nói, ở Trung Quốc có loại thuốc bổ dạng bột dùng cho trẻ biếng ăn chậm lớn, tôi nhờ người gửi mua ở Bắc Kinh. Thôi thì đủ kiểu, nhưng cháu vẫn không cao, không mập lên được. May mắn, trộm vía, là cháu không hay ốm vặt. Sức khỏe yếu ảnh hưởng đến việc học tập trước mắt và cả đến tương lai lâu dài của cháu. Bố mẹ cháu và cả nhà lo lắng.
Dù sức khỏe không tốt, nhưng bù lại trí tuệ cháu phát triển sớm. Điều đặc biệt là, khi chưa đầy 3 tuổi cháu đã đọc được sách, báo. Cả nhà biết vậy nhưng không nói với ai. Biết rằng, trong nhiều trường hợp phô trương ồn ào là lợi bất cấp hại. Cách học của cháu cũng lạ lùng. Cháu không học theo cách thông thường ghép vần từng chữ cái, mà là đọc cả cụm chữ. Còn nhớ, tết nguyên đán Bính Tuất, năm 2006, Tổng cục Kỹ thuật có tổ chức buổi gặp mặt thân mật các gia đình Thủ trưởng Tổng cục tại Sở Chỉ huy  K2000. Khi tập trung ở Phòng giao ban số 1, từng cặp vợ chồng, không phân ngôi thứ, ý tứ ngồi vào hai dãy ghế hai bên. Thấy thế, cháu đến hỏi anh Trương Quang Khánh : “Ông ơi, ở đây không ai ngồi vào ghế chỉ huy à ?”. Mọi người cười ồ, hỏi lại: ”Sao cháu biết, thế ghế chỉ huy là ghế nào?”. Cháu cười, chỉ vào cái ghế phía đầu gần quân kỳ và nói: “ Ghế chỉ huy là chỗ ấy đấy. Ở lớp cháu cô giáo vẫn ngồi như chỗ ấy”. Mọi người lại cười ồ, hỏi: “ Thế cháu đã biết chữ chưa?”. “ Cháu biết rồi ạ. Và, cháu còn biết chơi gêm trên máy tính cơ”, cháu từ tốn trả lời. Nói rồi, khi mọi người vui vẻ chuyện trò, cháu mải mê trò chơi điện tử trên máy tính đặt ở phòng làm việc của tôi. Lần khác, vào đầu năm 2008, bà nội cháu bị ốm điều trị ở Viện Quân y 108, mấy người bạn đến nhà chơi biết chuyện vào viện thăm, tôi và cháu cùng đi. Dọc đường từ nhà xuống bệnh viện, ngồi trên ô tô cháu đọc tên phố, tên đường và cả một số biển hiệu một cách trôi chảy. Tôi thì biết rồi, nhưng mấy người cùng đi thấy lạ.
Quang Minh sống tình cảm. Cháu lễ phép, yêu quí mọi người và cũng  được mọi người yêu quí lại. Cháu dễ xúc động, hay tủi thân. Có lúc cháu nghịch dại, người lớn dùng roi nhỏ đét mấy cái, thì không khóc, nhưng chỉ cần giơ một ngón tay út lên tỏ dấu hiệu không chơi với, thì cháu mếu máo khóc thật to. Khi chơi với các em trai là Đặng Nguyễn Thái và Phúc Hưng, to khỏe hơn, nhưng cháu bao giờ cũng nhường nhịn theo tư thế người anh cả. Với em gái Thùy Anh (Cún), thì Quang Minh tỏ rõ sự cưng chiều, thân quí nhẹ nhàng tình cảm hơn. Bởi vậy, cháu được các em trong nhà tôn quí, dù là còn rất bé.
Ngày 17- 5 âm lịch năm 2008, Cố nội cháu - Cụ Nguyễn Văn Được từ trần. Là chắt đích tôn, cháu cùng mọi người trong gia đình về quê chịu tang cũng như các buổi lễ 3 ngày, 49 ngày, 100 ngày, rồi giỗ đầu, giỗ mãn tang nữa. Trong ngày lễ tang Cố nội, với vai trò là chắt, cháu chít chiếc khăn đỏ trên đầu. Dưới trời nắng chói chang, hầm hập, gió Lào cuồn cuộn rát bỏng như đổ lửa, cháu cầm thẻ hương giữa hai lòng bàn tay, lẳng lặng làm theo mọi người, chăm chú, nghiêm trang khấn niệm Cố nội, trông thật cảm động.
Hàng ngày, ngoài giờ học, cháu Quang Minh thích đọc sách, thích chơi gêm. Phải chăng vì thế mà cháu cận thị sớm. Đến khi đi học lớp 1 rồi lớp 2 ở Trường Tiểu học Nghĩa Tân, cháu đã phải mang kính cận. Cháu thích chơi cờ - cả cờ vua và cờ tướng. Khi thi đấu cờ vua ở Trường, cháu được giải. Có cán bộ phụ trách phát hiện cho cháu vào lớp mầm non Đội tuyển cờ của quận ngay từ bé để vừa học văn hóa vừa học cờ, nhưng cả nhà không đồng ý. Cháu cũng thích chơi đá bóng, nhất là những tháng hè ở Khu Đô thị Mỹ Đình, nhưng thể lực yếu lại mắt kém nữa nên cũng hạn chế.
Mặc dù khá thông minh, nhưng lực học của Quang Minh không thật xuất sắc, có thể vì có lúc cháu mải chơi. Con người ta, bất cứ ai, sự trưởng thành thường phải kết hợp hai yếu tố: thông minh và chuyên cần học tập, khổ luyện. Trong đó, sự thông minh - dù là nền tảng rất đáng quí - nhưng cũng chỉ đóng vai trò bổ trợ ; còn lại, chủ yếu là do sự nỗ lực học tập và kiên trì khổ luyện. Trên các đỉnh cao thành đạt của xã hội, không có dấu chân của người thông minh. Bởi lẽ, người thông minh thường hay chủ quan thỏa mãn với chính mình, không kiên trì trong mọi việc; thêm vào đó, người thông minh hay bị người khác đố kỵ, ghen ghét, cản đường. Trong cuộc sống, người thông minh thường đóng vai trò chuyên gia là chủ yếu. Biết được điều đó là để chủ động trong việc dạy con cháu đức tính chuyên cần, kiên trì, nhẫn nại ngay từ khi còn non thơ, bé nhỏ. Đợi đến khi lớn rồi, cứng cát rồi thì muộn quá, khó uốn nắn. Phải chủ động chuẩn bị những điều kiện cho tương lai con trẻ. Coi đó là phận sự, là nghĩa vụ trong cuộc đời của các bậc ông bà, bố mẹ.
Sức khỏe - Trí tuệ - Nhân cách là các đỉnh trong tam giác cuộc đời của mỗi con người. Để ba đỉnh của con cháu phát triển toàn diện vừa là mục tiêu vừa là động lực trong việc bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện thường xuyên của ông bà, bố mẹ.
Quá khứ, hiện tại, tương lai là một giòng chảy liên tục không ngơi nghỉ. Trong đó, quá khứ là kỷ niệm, tương lai là bức tranh lung linh sắc mầu, hiện tại là báu vật hiện hữu trời cho. Ông bà, trong buổi xế chiều của cuộc đời, thường hoài niệm, sống bằng quá khứ. Có quá khứ đẹp đẽ huy hoàng, nhưng cũng có quá khứ buồn - đó là những khoảng lặng trong cuộc đời. Bố mẹ vừa sống cho hiện tại, vừa sống cho tương lai. Con trẻ phải luôn hướng tới tương lai bằng việc không ngừng học tập.
Đích tôn Quang Minh yêu quí! Ngay từ bây giờ và mãi về sau, ông bà, bố mẹ cầu mong cho Nguyễn Quang Minh khỏe mạnh, học hành thành đạt, ngoan ngoãn để có được một tương lai tươi sáng, giành được những vinh quang đẹp đẽ trong cuộc đời, nhằm thỏa mãn nguyện ước khát khao của cả gia đình ta.
  
Bài viết trong tháng Sinh nhật lần thứ 8 của Nguyễn Quang Minh.
    
                                                  Mỹ Đình, ngày 7 tháng 4 năm 2011
                                                                  Ông nội, NMĐ




                                                                        


                                                        


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét