Menu ngang

Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

CÚN ĐI NHÀ TRẺ

CÚN ĐI NHÀ TRẺ

    Cún là tên gọi thân mật trong nhà. Tên thật của Cún là Đặng Nguyễn Thùy Anh, sinh ngày 22 tháng 3 năm 2009. Tính ra, đến tháng 3 này, Cún vừa chẵn hai tuổi. Cách đây mấy tháng, nhiều hôm sau giờ làm việc buổi chiều, mẹ Cún là Nguyễn Trần Thùy Vinh dắt Cún đi tham quan tìm hiểu các nhà trẻ trong Khu Đô thị Mỹ Đình 1. Nào là Hoa Anh Đào, nào The Sun, Hưng Thịnh,…Có lần cùng đi còn có cả Bà ngoại Cún là Trần Thanh Liễu và các anh của Cún là Đặng Nguyễn Thái ( Bo ), Nguyễn Quang Minh ( Bim ), Nguyễn Phúc Hưng ( Nghé ). Đến chỗ nào cũng vậy, thấy các nhà trẻ lắm đồ chơi, bạn bè vui chơi thỏa thích, hồn nhiên, cả nhà đều thích. Có bữa Cún muốn ở lại chơi mãi, không về. Thế nhưng về nhà, quây quần trong các bữa cơm gia đình, khi bàn việc nên hay chưa nên cho Cún đi nhà trẻ, có hai luồng ý kiến khác nhau.

Một là, Cún còn non, hay ốm vặt, lại mới bập bẹ nói được mấy từ, đến nhà trẻ liệu đã ổn chưa, nhất là vào dịp tiết trời đầu Xuân mưa bụi lất phất, gió mùa đông bắc thường bất chợt tràn về, người già và trẻ nhỏ dễ bị ốm. Hơn nữa, ở nhà, ngoài Ông Bà ngoại đã nghỉ hưu rảnh rỗi, còn có Bà Oanh giúp việc. Những ba người lớn ở nhà sao không trông nổi mà bắt Cún phải đi nhà trẻ. Thôi thì, để Cún cứng cáp hơn, chẵn ba tuổi hãy đi trẻ vậy.
 Hai là, đã đến lúc nên cho Cún đi nhà trẻ rồi. Trước đây, thời bao cấp, mẹ Cún mới mấy tháng tuổi đã đi Nhà trẻ 20-10 cách nhà ở 1A- Hoàng Văn Thụ (bây giờ là khu Hoàng thành Thăng Long mới được khai quật) khoảng dăm cây số, hàng ngày bất kể nắng mưa, gió rét, Ông hoặc Bà ngoại cứ đèo xe đạp lọc cọc tới trường, mà có sao đâu. Đi nhà trẻ, trong môi trường giao tiếp bạn bè cùng trang lứa, vào khuôn khổ, Cún sẽ chóng khôn hơn, đặc biệt là sớm biết nói hơn. Thêm vào đó, từ sau Tết nguyên đán Tân Mão, Bà ngoại Cún luôn bị ốm khật khừ. Căn bệnh viêm khớp dạng thấp sau khi điều trị theo đơn của Giáo sư bác sĩ Trần Ngọc Ân đỡ được một thời gian khá dài, tưởng chừng đã khỏi hẳn, nay lại tái phát, gây biến chứng sang nhiều thứ khác. Tuổi tác càng cao, bệnh tật càng phát triển là qui luật của muôn đời. Bởi thế, không thể chăm được Cún, cũng không đủ sức xoay xở được những việc nhà lặt vặt ngổn ngang không tên.

Một việc không thể không bàn đến là khả năng ngân sách. Ở đời bất luận việc gì, dù nhỏ dù lớn, đều phải tính đến, đó là việc tiền đâu. Tiếng Việt ta hay thật, việc đầu tiên nói lái đi là việc tiền đâu. Chí phải! Dù chưa phải lâm vào thời gạo châu củi quế, nhưng rõ ràng trong cơn bão giá chóng mặt, nhất là từ khi giá xăng dầu và giá điện tăng lên thì giá cả mọi thứ khác dàn hàng ngang cùng tiến. Đời sống xuống cấp do đồng tiền mất giá nặng nề. Lạm phát quốc gia tác động trực tiếp đến từng mớ rau, con cá trong khẩu phần ăn hằng ngày của mỗi gia đình. Giá cả thị trường ngoảnh mặt với giá trị đồng lương còm cõi. Tiền lương hưu của Bà ngoại được 3,75 triệu đồng/ tháng, vừa đủ tiền mua thuốc chữa bệnh cho Bà. Là sĩ quan cấp úy nên lương bố Đặng Ngọc Thùy và mẹ Nguyễn Trần Thùy Vinh đều thấp. Trừ phần chi phí cho bản thân, số dư ra chẳng còn bao nhiêu. Học ở nhà trẻ tư nhân, tiền ăn và học phí mỗi cháu hằng tháng là 3 triệu đồng. Tính chi li, lương cả hai vợ chồng Thùy - Vinh gộp lại cũng vừa đủ nuôi hai đứa con ăn học. Không còn khả năng trang trải các khoản chi phí khác, dù là giản tiện.

Bàn đi tính lại mất mấy ngày, so sánh thiệt hơn, cuối cùng cả nhà, nhất là mẹ Cún, vẫn quyết tâm cho Cún đi nhà trẻ. Thôi thì, trong khó khăn chung, mọi người trong gia đình cố chắt bóp giảm phần chi tiêu trong sinh hoạt của bản thân mình và của cả nhà để dành tiền cho Cún đi nhà trẻ. Tất cả vì tương lai con cháu.
Đêm trước ngày Cún đi học, mẹ Thùy Vinh lo lắng sắp đặt mọi thứ thật cẩn thận. Quần áo mấy bộ, giày, dép, tất mấy đôi, mũ, khẩu trang,…thôi thì  đủ cả. Lại còn ba lô nữa. Mà trên ba lô phải có thẻ đề tên Đặng Nguyễn Thùy Anh bằng chữ in hoa thật đẹp, thật oách để khỏi nhầm với ba lô của các bạn khác ở lớp.
7 giờ 15 phút ngày 1 tháng 3 năm 2011, mẹ Thùy Vinh chở Cún đến nhà trẻ Hưng Thịnh ở chung cư An Lạc thuộc Khu đô thị Mỹ Đình 1 cách nhà khoảng 200 mét.
 Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, để quảng bá thương hiệu, giữ được chữ tín, nhà trẻ Hưng Thịnh có quay camera để phụ huynh theo dõi con cháu mình trong thời gian ở lớp. Vậy là, sau khi Cún đến lớp, cả nhà chăm chú dán mắt vào màn hình máy vi tính để nhìn hình ảnh Cún bé tý tẹo trong bộ áo hồng, áo đỏ đang tung tăng với bạn bè.
Chiều đến, lúc 5 giờ, cả nhà mừng rỡ đón Cún về. Cún xuất hiện với khuôn mặt khác, chẳng vui mà cũng chẳng buồn. Trên đầu Cún, cô giáo thắt hai túm tóc bằng mấy sợi giây chun, nên trông khuôn mặt Cún khác đi. Nhìn vào, dẫu có ngộ nghĩnh xinh hơn, nhưng lại thấy đanh đá hơn. Không nói được thành lời, nhưng qua gương mặt, ánh mắt, hình như Cún tỏ rõ sự trách cứ dỗi hờn:  mọi người được ở nhà mà bắt mình Cún đi nhà trẻ. Chỉ một ngày, tính ra chỉ gần 10 giờ đồng hồ thôi, vậy mà cả nhà xúm xít quanh Cún vừa ẵm bế, nâng niu vừa sờ nắn, tỏ ra lo lắng: Cún ăn có đủ no không, có bị lạnh không, buổi trưa có ngủ được không, có bị các bạn trong lớp bắt nạt, có dấu tích gì không, vì Cún bé nhất lớp mà. Nhìn một cách tổng thể, nghe ra, bước đầu mọi việc đều suôn sẻ. Các cô giáo trẻ đều yêu quí, chăm sóc Cún chu đáo, tận tình.
         Ở đời, mọi thứ hiếm đều quý. Là cháu gái duy nhất, sau khi trong nhà đã có ba cháu trai ( Nguyễn Quang Minh, 8 tuổi, và Nguyễn Phúc Hưng, 5 tuổi, con Cậu Nguyễn Trần Quang và Mợ Nguyễn Kim Thoa. Anh ruột của Cún  là Đặng Nguyễn Thái, 8 tuổi ), nên trong nhà thường thì Cún được yêu chiều hơn cả. Môi trường sống quyết định ý thức. Qui luật đó chẳng trừ ai; lúc nào, ở đâu cũng đúng. Dù còn rất bé, nhưng Cún cũng đã biết mình là quan trọng đối với mọi người trong nhà. Mẹ Thùy Vinh vẫn thường nói rằng, nhà mình, Cún mắc “bệnh ngôi sao” hơi sớm. Nhiều khi, Cún mở tủ quần áo ra lựa chọn từng bộ quần áo đẹp mặc vào người đi khoe khắp cả nhà. Cún trở thành người biểu diễn thời trang của gia đình. Nhưng khi đến nhà trẻ, mọi bé đều được đối xử công bằng như nhau. Bởi vậy, chắc chắn là, khi ở lớp, Cún sẽ không giữ vai trò “trung tâm” và không còn được chiều chuộng nữa. Chính điều đó làm cho cả nhà lo lắng, không biết Cún có chịu không - nhất là thời kỳ đầu đi trẻ.
Nhưng rồi mọi thứ cũng sẽ thích nghi. Qua một tuần, Cún đã quen dần với lớp học. Về nhà thấy Cún năng nổ hơn, hoạt bát hơn. Các buổi tối, cơm nước xong, Cún đã đứng ra giữa phòng, nghiêm trang đóng vai Cô giáo với cả nhà. Cún cầm roi bắt chước Cô giáo yêu cầu mọi người trật tự. Cún hướng dẫn ông bà, bố mẹ tập thể dục…một cách dõng dạc.
Mọi người trong gia đình đều tỏ ra mừng vì Cún học được nhiều điều ở nhà trẻ trong một thời gian rất ngắn. Mong sao, đây là những viên gạch tốt tạo nền móng ban đầu cho cuộc đời phong phú dài lâu trong tương lai đẹp đẽ của Cún - Đặng Nguyễn Thùy Anh, con gái cưng của Bố Mẹ, cháu gái yêu quý của Ông Bà.
 Năm tháng sẽ qua đi, dọc theo thời gian, 10 năm sau, 20 năm sau và sau đó nữa, trong suốt cuộc đời của mình, đương nhiên, Ông Bà, Bố Mẹ mong rằng, Đặng Nguyễn Thùy Anh sẽ còn may mắn bước lên nhiều cấp học cao hơn, nhiều cổng trường nguy nga tráng lệ, nhiều giảng đường lộng lẫy theo thang bậc cuộc đời và sự phát triển của xã hội, của đất nước. .Nhưng, có thể nói, đây là những bước chân non tơ chập chững đầu tiên đến trường của Cún - Đặng Nguyễn Thùy Anh.

                                                                 

                                          Mỹ Đình, ngày 10 - 3 – 2011
                                            Ông ngoại
  
                                               NMĐ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét