Menu ngang

Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

MỌI CHÍNH SÁCH ĐỀU ...


MỌI CHÍNH SÁCH ĐỀU BẮT NGUỒN TỪ CUỘC SỐNG
                                                                                                                                                

Bảo hiểm xã hội là một chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Đó là chính sách trực tiếp đối với con người nhằm bảo đảm công bằng và ổn định xã hội. Với quan điểm chiến lược coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới, hệ thống chính sách xã hội giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Chính sách BHXH  - một bộ phận của chính sách xã hội - góp phần ổn định đời sống của người lao động và gia đình họ trong các trạng thái (hoàn cảnh), từ đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Qua 5 năm thực hiện, nhìn một cách tổng quát, chính sách theo qui định của Luật BHXH đã có những bước phát triển mới cả về nội dung cũng như phương thức tổ chức thực hiện, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong sự vận hành cơ chế thị trường định hướng XHCN của đất nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Luật BHXH, nhận thấy có một số hạn chế cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn.
I -Về nội dung chính sách đối với người tham gia BHXH

1- Cần nghiên cứu cách tính thống nhất chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp giữa công nhân viên chức quốc phòng và quân nhân. Tránh tình trạng cùng một vụ tai nạn, cùng tỷ lệ mất sức lao động, mà hai đối tượng này hưởng chế độ trợ cấp khác nhau, phát sinh mâu thuẫn không cần thiết.

2- Tuổi nghỉ hưu theo qui định Luật hiện hành (nam 60, nữ 55) trong khi tuổi thọ trung bình ngày càng tăng. Điều này đối với lao động xã hội, nói chung, là đúng. Nhưng, đem áp dụng đại trà với tất cả mọi người, thì nghe ra không hoàn toàn hợp lý. Đối với với một số đối tượng là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao, trí thức lớn, chuyên gia đầu ngành, cán bộ khoa học kỹ thuật giỏi, thì cần xem xét lại. Các đối tượng này, đến một độ tuổi nhất định mới đạt được sự tích lũy về kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm nghề nghiệp, tầm ảnh hưởng, “độ chín”. Với họ, nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi, nói chung, sức khỏe vẫn còn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Vì vậy, sẽ xẩy ra một trong hai trường hợp: Hoặc là, vận dụng kéo dài chưa cho nghỉ hưu, thì thực hiện Luật không nghiêm; Hoặc là ngược lại, nếu cứng nhắc thi hành Luật cho nghỉ hưu, thì lãng phí năng lực cán bộ và chi phí đào tạo. Trên thế giới, sẽ chẳng có những tên tuổi lớn, nếu họ buộc phải nghỉ hưu từ lúc 60 tuổi (nam), 55 tuổi ( nữ).
Khi giải quyết nghỉ hưu đối với lớp cán bộ đó, tất nhiên phải bố trí cán bộ khác thay thế. Và, như thế sẽ làm tăng thêm số người hưởng lương từ ngân sách và quỹ BHXH. Cán bộ nghỉ hưu sớm sẽ kéo dài thời gian hưởng lương hưu hàng tháng. Thêm vào đó, qui định về điều kiện giảm tuổi nghỉ hưu và nghỉ hưu trước tuổi quá rộng, dẫn đến mất cân đối thu - chi quĩ hưu trí thuộc quĩ BHXH trong một tương lai không xa. Quan niệm cho nghỉ hưu để giảm biên chế Nhà nước chưa hẳn là đúng. Thực tế ngược lại, nhìn một cách tổng thể thì số người hưởng chế độ từ nguồn ngân sách Nhà nước sẽ tăng lên. 
 Vì vậy, thời gian tới, đề nghị cần nghiên cứu tăng độ tuổi nghỉ hưu đối với một số đối tượng (giả thử 65 tuổi đối với với nam, 60 tuổi đối với nữ) là: lao động quản lý cấp cao, chuyên gia đầu ngành ngành khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo, y tế, văn học nghệ thuật ,…nhằm phát huy khả năng của họ, giảm thiểu các mặt hạn chế.

3- Trước đây, khoản tiền được lĩnh hàng tháng theo chế độ đối với người nghỉ hưu gọi là “trợ cấp hưu”. Đến năm 1995, khi sửa đổi, bổ sung chế độ hưu trí theo qui định mới, đổi lại gọi là “lương hưu”. Gọi lâu rồi thành quen, ít ai quan tâm xem lại. Thực ra, khi gọi là “trợ cấp”, thì ít nhiều có biểu hiện của sự bố thí, cửa quyền theo cơ chế xin - cho giữa Nhà nước - nhân viên Nhà nước - với người lao động, trái với nguyên tắc đóng - hưởng. Nhưng, gọi là “lương hưu”xem ra cũng không đúng. Đành rằng, khoản tiền đó là tích lũy sự đóng góp của người lao động (và của người sử dụng lao động) trong suốt quá trình lao động, nhưng không phải vì thế mà gọi là lương. Vì không ai nghỉ hưu rồi - nghĩa là không làm việc nữa - mà lại được hưởng lương. Chế độ tiền lương, tiền công chỉ áp dụng đối với người đang làm việc. Nếu đã gọi là “lương hưu” thì bản thân nó phải được đối xử như mọi chế độ tiền lương khác. Ví như, mỗi khi Nhà nước cải cách chế độ tiền lương hoặc tăng lương, thì “lương hưu” cũng phải tăng lên trên nền lương tổi thiểu như các thang, bảng lương khác trong hệ thống tiền lương, phụ cấp mới. Ở đây không phải chạy theo duy danh định nghĩa mà là nên đặt tên theo đúng khái niệm của nó. Nghiên cứu thấy rằng, ở các nước khác cũng không gọi là “lương hưu”mà gọi là nhận tiền từ chế độ hưu trí.
Từ cách đặt vấn đề như vậy, đề nghị nên chăng cần nghiên cứu sửa lại “lương hưu” thành “tiền hưu trí”.

4- Về chế độ BHXH một lần qui định tại khoản b của Điều 55 là : “Suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên mà không đủ hai mươi năm đóng BHXH”. Với đối tượng này, khi về già, tuổi càng cao càng yếu hơn, lại không còn được hưởng một khoản trợ cấp nào khác, và như vậy, về lâu dài sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội, trở ngại cho an sinh xã hội.
Cần nghiên cứu theo hướng: người lao động có thời gian đóng BHXH từ 15 năm đến dưới 20 năm, nếu mất sức lao động từ 61% trở lên, khi nghỉ việc được hưởng khoản trợ cấp hàng tháng. (Trước đây đối tượng này được gọi là “nghỉ mất sức” hoặc “hưu non”). Về nguyên tắc, mức trợ cấp này được tính trên nền tiền lương bình quân đóng BHXH và thời gian đóng BHXH của người lao động, nhưng thấp hơn tiền hưu trí hàng tháng một bậc đáng kể. Áp dụng chế độ đối với đối tượng này giống như chế độ đang thực hiện đối với bệnh binh mất sức lao động từ 61% trở lên.

5- Cần qui định : Đối với người có đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí mà mắc bệnh hiểm nghèo, nếu bản thân và gia đình tự nguyện đề nghị, thì giải quyết cho hưởng trợ cấp hưu trí một lần. Như vậy, vừa phù hợp với nguyên tắc đóng - hưởng, vừa thể hiện tính nhân văn của chính sách. 

6- Về qui định mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH để tính lương hưu (các điều 58, 59, 60), chia ra thành nhiều giai đoan (trước ngày 1 - 1- 1995; từ ngày 1 - 1- 1995 đến ngày Luật BHXH có hiệu lực ; từ ngày Luật BHXH có hiệu lực trở đi) trên thực tế là phức tạp, rối rắm, không cần thiết.
Đề nghị sửa đổi lại qui định chung là: Tiền lương bình quân tháng đóng BHXH làm căn cứ tính hưởng các chế độ BHXH là tính từ 1- 1- 1995 trở về sau cho tất cả các đối tượng tham gia BHXH.

7- Đối với người nghỉ hưu một thời gian ngắn rồi chết mà gia đình lại không có người thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng, thì rất thiệt thòi.
Để bảo đảm thực hiện công bằng theo nguyên tắc đóng - hưởng; đồng thời góp phần ổn định gia đình họ sau khi có người thân bị chết, cần nghiên cứu theo hướng: Hoặc là, để gia đình người nghỉ hưu tiếp tục hưởng lương hưu của người đã chết trong một thời gian nhất định (trên cơ sở xem xét thời gian đã hưởng lương hưu tương thích); Hoặc là, tính toán lại toàn bộ trợ cấp đối với người nghỉ hưu đã chết như đối với người thôi việc rồi trừ đi số tháng (hoặc số tiền) mà người nghỉ hưu đã hưởng, phần còn lại giao cho gia đình. Trường hợp số tiền lương hưu đã hưởng bằng hoặc cao hơn tiền trợ cấp thôi việc thì thôi. Kinh nghiệm các nước khác cũng tính toán theo hướng đó.

          II- Về tổ chức quản lý và thực hiện chế độ BHXH đối với
             quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng

 Hiện nay, theo qui định hiện hành, Bộ Quốc phòng (Bảo hiểm Bộ Quốc phòng) chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết chế độ BHXH đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng khi tại ngũ; đồng thời, bảo đảm cấp lập các loại hồ sơ cho quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng thuộc diện hưởng chế độ BHXH hàng thảng chuyển ra ngoài quân đội, về đăng ký và thực hiện các chế độ BHXH tại các địa phương.
Để quân đội thuận lợi trong việc tiếp tục theo dõi quản lý quân nhân, công nhân viên quốc phòng thuộc diện đã chuyển ra ngoài đáp ứng yêu cầu góp phần nắm chắc lực lượng dự bị động viên; tạo điều kiện kịp thời giải quyết những vướng mắc trở ngại trong quá trình xét duyệt và tổ chức thực hiện các chế độ BHXH; tham khảo kinh nghiệm quân đội các nước trên thế giới và trong khu vực, đề nghị thay đổi phương thức quản lý và thực hiện chế độ BHXH như sau :
Căn cứ và Luật BHXH và các văn bản qui định dưới luật của Chính phủ và    các bộ, ngành có liên quan, Bộ Quốc phòng tổ chức quản lý và thực hiện các chế độ BHXH đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng cả khi đang phục vụ tại ngũ cũng như khi đã chuyển ra ngoài quân đội.
Bộ Quốc phòng giao cho Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng phối hợp với các cơ quan có liên quan trong và ngoài quân đội, theo dõi quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn từ khâu lập hồ sơ thủ tục đến việc chi trả trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng.
 Mọi chính sách đều bắt nguồn từ cuộc sống. Thực tiễn là tấm gương phản ánh sự đúng, sai của chính sách. Và, sự vận động phát triển không ngừng của thực tiễn đòi hỏi chính sách cần có sự điều chỉnh phù hợp. Về nội dung cụ thể, không bao giờ có một chính sách luôn luôn đúng trong mọi thời gian, hoàn cảnh. Nghiên cứu phát hiện đề nghị sửa đổi, bổ sung nhằm không ngừng hoàn thiện chính sách là một việc làm thường xuyên, cần thiết. 5 năm triển khai tổ chức thực hiện Luật BHXH là khoảng thời gian cần và đủ để kiểm nghiệm, rút ra những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung về một chính sách lớn mà phạm vi của nó tác động trực tiếp đến hàng triệu con người trong xã hội. Mấy suy nghĩ nhỏ trên đây mới là ý kiến bước đầu của một người, chắc chắn là cần có sự nghiên cứu trao đổi./.


                                                                                                             NMĐ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét