Menu ngang

Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012


TRANG SÁCH – CUỘC ĐỜI
        (Một vài cảm nhận về cuốn hồi ký “Trung đoàn - Một thời chiến trận của Đại tá Hồ Hữu Lạn)



 Tôi biết anh Hồ Hữu Lạn lần đầu tiên từ tháng 8 năm 1966, khi đơn vị chúng tôi vừa làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Lào về Hương Khê (Hà Tĩnh) củng cố, huấn luyện để chuẩn bị đi chiến trường Miền Nam. Trong thời gian huấn luyện, anh Hồ Hữu Lạn là Thiếu úy, Trợ lý Công binh được Thủ trưởng Trung đoàn giao nhiệm vụ xuống Tiểu đoàn chúng tôi hướng dẫn kỹ thuật công binh (cài đặt mìn ĐH10, mìn bay, phá rào,…) trong các loại hình chiến thuật.
Ngày đó, trong mắt chúng tôi, anh Hồ Hữu Lạn là một sĩ quan trẻ, gương mặt đẹp, da trắng hồng, mắt đen láy, lông mày rậm, râu quai nón, giọng nói rõ ràng, đĩnh đạc. Lại được biết, anh là cán bộ được đào tạo cơ bản ở Trường Sĩ quan Công binh, đã trải qua chiến đấu, nên chúng tôi thán phục, có phần ngưỡng mộ. Rồi chúng tôi cùng đơn vị vào chiến đấu ở chiến trường Miền Nam từ cuối năm 1966 mãi đến ngày tôi bị thương nặng phải chuyển ra Miền Bắc điều trị (tháng 3/1971). Lần cuối chúng tôi xa nhau là một buổi chiều tôi cùng anh lên Chỉ huy sở Trung đoàn nhận nhiệm vụ phối hợp tác chiến tấn công Lữ đoàn Thủy quân lục chiến 147 của quân ngụy ở cao điểm 550 trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Lúc đó anh Lạn là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9 bộ binh, còn tôi là Chính trị viên Đại đội 20 đặc công. Sau này, dù không cùng đơn vị, nhưng tôi vẫn được biết từng chặng công tác của anh Lạn.

Ngần ấy năm cùng chiến đấu trong đội hình của trung đoàn trên chiến trường Trị Thiên - một chiến trường vô cùng ác liệt, khó khăn - rồi nữa, lại được nghe các đồng đội cũ kể về chiến công của anh trên cương vị là Trung đoàn trưởng qua các chiến dịch lớn sau này, tôi thực sự cảm phục anh Hồ Hữu Lạn. Trong cảm nhận của tôi, anh Hồ Hữu Lạn là người chỉ huy chiến đấu dũng cảm, quyết đoán, mưu trí, chủ động, sáng tạo. Đồng thời, anh là một người lãnh đạo có phẩm chất tốt, vừa xứng tầm, vừa có tâm. Trong đời sống sinh hoạt, anh có phong thái trầm tĩnh, chắc chắn, đĩnh đạc mà sâu sắc, trào lộng, luôn luôn chan hòa với mọi người. Bởi vậy, trên các cương vị công tác, anh đều được cấp trên tin tưởng, cấp dưới kính trọng. Anh Lạn thuộc lớp đàn anh của chúng tôi. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nếu không cùng yếu tố. Nhưng quả thực, khi soi rọi vào, tôi thấy mình và chắc rằng nhiều người cùng trang lứa nữa, còn thua kém anh Lạn nhiều điều, nhất là độ dài và chiều dày chỉ huy chiến đấu.
Quá trình chiến đấu của anh Hồ Hữu Lạn trên những nẻo đường chiến trận là rất phong phú, đầy đặn với biết bao chiến tích, sự kiện. Trong đó có nhiều chiến tích của đơn vị do anh chỉ huy có ý nghĩa là bài học chiến thuật, nghệ thuật chiến dịch trong các bước ngoặt chiến lược trên chiến trường. Có trận đánh, có chiến dịch anh tham gia đã trở thành sử chiến của Quân đội ta. Chính vì cảm nhận điều đó, nhiều lần tôi đề nghị và động viên anh Lạn nên viết hồi ký. Ban đầu anh đắn đo, ngập ngừng có nên không, viết thế nào, viết cho ai đọc, viết về cái gì, để làm gì… Biết bao điều đặt ra, quả là không đơn giản, khi mà cuộc chiến đã lùi xa ngót bốn chục năm trời, khi mà sự quan tâm trong cuộc sống của người đời đã sang trang khác.  
Và rồi anh đặt bút viết hồi ký. Anh nói với tôi rằng, khi chưa viết thì ái ngại lắm, nhưng khi bắt tay vào thì các sự kiện trong các miền ký ức xa xăm ùa ập về. Cứ thế, tái hiện lên trong đầu anh: Những gương mặt thân thương quí mến của đồng đội một thời trận mạc - mà trong số đó đã có rất nhiều người đã anh dũng hy sinh hoặc trên mình mang đầy thương tích ngày trở về. Những cánh rừng trụi lá xác xơ do bom đạn, do chất độc hóa học. Những vùng đất một thời loang lổ đạn bom cày xới. Rồi, những trận sốt rét rừng làm hy sinh hàng trăm đồng đội. Những cơn đói quặt, đói quẹo, bủn rủn đến lả người do thiếu cơm, nhạt muối trên các chặng đường chiến dịch. Hơn hết là, những trận chiến đấu cam go quyết liệt, vượt qua biết bao hy sinh để giành thắng lợi.
 Lạ thế, đã qua mấy chục năm rồi, với biết bao biến cố trong cuộc đời, những tưởng tất cả những điều đó đã bị bụi thời gian phủ dày, quên lãng. Ngờ đâu nay được khơi dậy, hiện về tươi nguyên như mới diễn ra. Mọi điều được rút ra từ bộ nhớ để rồi trải dài ra đầy ắp trên mấy trăm trang hồi ký của anh.
Là nhân chứng của một thời đoạn cùng chiến đấu với anh, tôi đã nghiền ngẫm từ những trang bản thảo mộc mạc đầu tiên cho đến khi hoàn chỉnh biên tập. Tôi nhận ra rằng, đây là một tập hồi ký đúng theo nguyên nghĩa của từ này. Với 13 chương, hơn 400 trang sách, cuốn hồi ký “Trung đoàn- Một thời chiến trận” của anh Hồ Hữu Lạn ngồn ngộn những sự kiện trong cuộc đời tác giả. Mà phần chủ yếu là phản ánh những kỷ niệm đẹp đẽ nhất trong cuộc đời binh nghiệp, những năm tháng chiến đấu trên chiến trường với biết bao gian khổ, ác liệt mà chứa đầy vinh quang, từ Lào về Trị Thiên, lên Tây Nguyên, vào Thượng Đức - Quảng Nam. Đó là những trang viết đặc sắc và tâm huyết, là minh chứng hùng hồn, kì vĩ cho khí phách của thế hệ thanh niên sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Với cách thể hiện trung thực, dung dị của tác giả trong khi phản ảnh các sự kiện, càng làm hấp dẫn người đọc chân nhận về sự thật lịch sử. Thêm vào đó, trong cuốn hồi ký của anh Lạn còn đưa ra nhiều điều tổng kết kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn chiến đấu, những bài học quí về chiến thuật quân sự. Cuốn hồi ký như là bản trích ngang lý lịch bằng văn của một con người, nhưng qua đó, chúng ta nhận ra những trang biên niên sử chiến quyết liệt, sinh động của một đơn vị Quân đội -  Đó là Trung đoàn 3 anh hùng thuộc Sư đoàn 324 anh hùng. Và hơn thế, trên một chừng mực nhất định, chúng ta thấy được bóng dáng lịch sử của Quân đội, của Đất nước ta ở một thời hào hùng, oanh liệt.
Tôi đã được đọc nhiều tập hồi ký rất bổ ích, có ý nghĩa trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, cũng có một số rất ít hồi ký mà người viết đã vấp phải một trong hai trường hợp cực đoan, phiến diện: Hoặc là, quá nhấn mạnh cái tôi, lấy cái tôi làm trung tâm, thậm chí có người thiếu trung thực khi phản ánh các sự kiện - và điều này là không thể chấp nhận. Hoặc là, không hề thấy bóng dáng của con người tác giả trong từng trang viết, hồi ký như là bản chép lại lịch sử của một đơn vị cụ thể mà tác giả chỉ là một nhân chứng nhạt nhòa. Với tôi, tôi quan niệm hồi ký phải được thể hiện một cách trung thực, không được hư cấu, trong đó tác giả vừa là người dẫn chuyện, vừa là nhân vật chính. Là người dẫn chuyện, tác giả tự đặt mình trong dòng chảy chung, lấy đơn vị làm cái phông chung, phản ánh khá đầy đủ, chân thực, sinh động về các hoạt động, các chiến công của đơn vị, về thành tích của bạn bè, đồng đội. Đồng thời, là nhân vật chính, tác giả phải thể hiện được phần đóng góp xứng đáng của mình trong từng thời kỳ, từng sự kiện, từng trận đánh. Không nói về bản thân tác giả thì không phải là hồi ký! Theo tôi, anh Hồ Hữu Lạn đã tránh được cả hai loại trường hợp kể trên. Những trang hồi ký với cuộc đời thật của anh là một thể thống nhất. Hồi ký của anh đã chân thực ghi lại những sự kiện, những kỷ niệm hào hùng về một thời hoa lửa. Đó là cảm nhận, là tiếng nói của người trong cuộc. Ở nhiều trang viết anh đã dành sự tưởng nhớ, tri ân về đồng đội một thời trận mạc, trong đó có người mất, người còn.
Xét đến cùng, tập thể đơn vị, sự hy sinh quả cảm của chiến binh, là tác giả đích thực của mọi chiến công. Nhưng ở đâu và bao giờ cũng vậy, người chỉ huy lãnh đạo giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đơn vị. Nguyên tắc và thực tiễn đã khẳng định: Trong mọi trường hợp, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, cá nhân người chỉ huy đóng vai trò quyết định sự thành, bại của đơn vị. Anh Lạn có nói rằng, không có tập thể, thì mình anh không làm được gì cả. Đúng! Nhưng khách quan, phải thừa nhận rằng, Hồ Hữu Lạn - mà đỉnh cao là thời kỳ làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3/ Sư đoàn 324 - là người có công rất lớn, chưa nói là người có công đầu.
Khi đọc xong cuốn hồi ký này, có thể, có người băn khoăn: dường như  anh Hồ Hữu Lạn chưa được đãi ngộ tương xứng với năng lực, đức độ và sự cống hiến. Điều đó có phần đúng. Thực ra, không chỉ là người đọc hồi ký, mà nhiều  chiến hữu cùng thời với anh trong lớp lứa chúng tôi, đều có chung suy nghĩ đó. Song, tôi cho rằng, phần thưởng lớn nhất, cao quí nhất, xứng đáng nhất đến với anh Lạn là  được hưởng cuộc sống hạnh phúc trong sự khâm phục, kính quí của đồng đội, của mọi người.
Người xưa nói, ở đời con người ta, dù lớn, dù bé đều có ba việc phải làm: Lập Đức, Lập Công và Lập Ngôn. Anh Hồ Hữu Lạn đã Lập Đức, đã Lập Công và cũng đã Lập Ngôn. Cuốn hồi ký “Trung đoàn - Một thời chiến trận” là một trong những điều Lập Ngôn của Đại tá  Hồ Hữu Lạn.


                                      Mỹ Đình, ngày 20 tháng 11 năm 2011
                                                                 NMĐ
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét