Menu ngang

Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

Xứng danh Anh hùng

Xứng danh Anh hùng



    Vào đầu năm nay, trong một lần họp mặt Ban Liên lạc Hội đồng hương huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An tại Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Đình Chú có hỏi tôi: “ Gần đây, nhiều lần Truyền hình đưa tin về Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, quê ở xã Nghi Trường, Giám đốc Công ty 36 – Bộ Quốc phòng. Anh có biết Nguyễn Đăng Giáp không? Anh ấy là người thế nào? “. Tôi thưa lại: “ Cháu quen biết Nguyễn Đăng Giáp đã hơn 10 năm. Theo cháu, ngần ấy thời gian,  đủ để cháu có thể khẳng định một cách khái quát rằng: đó là một con người thông minh,“liều lĩnh” và nghĩa tình. Một thoáng suy nghĩ, thầy Chú nói lại : “ Được như vậy thì tốt quá! Ở đời, con người ta chỉ mong được thế!”.

Mặc dù là đồng hương huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, hai xã cách nhau chưa đầy 4 cây số, nhưng trước đây chúng tôi chưa quen biết nhau. Nguyễn Đăng Giáp thua tôi 6 tuổi, dĩ nhiên khi còn nhỏ là đi học sau. Nguyễn Đăng Giáp nhập ngũ sau tôi 8 năm. Trong kháng chiến chống Mỹ, chúng tôi không cùng chiến trường. Sau ngày Miền Nam giải phóng cũng không cùng đơn vị. Mãi đến ngày 20 tháng 4 năm 1998, qua giới thiệu của anh Hồ Sĩ Hậu, Cục trưởng Cục Kinh tế - Bộ Quốc phòng, tôi mới gặp và biết Nguyễn Đăng Giáp tại Cơ quan Thường trực của Tổng cục Chính trị ở Phía Nam, số 8 - Nguyễn Bỉnh Khiêm, thành phố Hồ Chí Minh. Bữa gặp hôm đó còn có anh Đặng Thọ Truật, phóng viên Báo Quân đội nhân dân và anh An Thuyên, nhạc sỹ, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội. Là đồng hương, chúng tôi dễ tiếp xúc, chia sẻ với nhau, chuyện trò vui vẻ, thoải mái trên nhiều chủ đề. Anh Đặng Thọ Truật, anh An Thuyên và tôi quen nhau từ trước. Anh Nguyễn Đăng Giáp mới gặp chúng tôi lần đầu. Ngày đó, anh Giáp chưa nổi tiếng như bây giờ. Từ lần gặp đầu tiên, qua tiếp xúc, tôi đọc được trong ánh mắt, nụ cười, giọng nói của anh; cảm nhận của tôi về Nguyễn Đăng Giáp là một con người hiểu biết, trải nghiệm nhiều, vốn sống phong phú, quan hệ rộng, tính cách cương nghị, bộc trực, nhìn thẳng, nói thẳng, nghĩ sao nói vậy. Cảm nhận ban đầu đó nguyên vẹn đến tận bây giờ.
Hơn 10 năm, do môi trường công tác khác nhau, mỗi năm gặp nhau chỉ mấy lần, nhưng do “có duyên nợ” với nhau, nên tôi đều biết được sự trưởng thành vượt bậc trên mọi bước thăng trầm, mọi cung  đường công tác của Nguyễn Đăng Giáp- nói rộng hơn là sự phát triển về qui mô, năng lực của Công ty 36.

Bằng sự gắn bó về tình cảm, tôi thực sự mừng vui, quí trọng trước sự thành đạt của Công ty 36 và của Giám đốc Nguyễn Đăng Giáp; ngược lại, cũng có lúc - ít thôi - tôi lo lắng, băn khoăn trước những khó khăn tưởng chừng như không thể qua khỏi, kể cả những ngáng trở do người khác dựng nên.
Sinh ra, lớn lên ở miền quê không được thiên nhiên ưu đãi, đồng ruộng phì nhiêu, mưa thuận gió hòa, mà là một vùng đất cát pha bạc mầu, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, đời sống kinh tế khó khăn. Phải chăng, từ miền quê đó, ngay từ thuở thiếu thời, Nguyễn Đăng Giáp đã từng bước được hun đúc một bản lĩnh gan góc, chịu thương, chịu khó. Học hết phổ thông Trung học, thi đậu và có giấy báo nhập trường Đại học, nhưng như nhiều thanh niên cùng thế hệ, theo tiếng gọi của non sông, Nguyễn Đăng Giáp xung phong gia nhập quân đội, đi chiến đấu ở chiến trường từ đầu năm 1972. Hơn 3 năm chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở Đại đội 20, Tiểu đoàn 781 Anh hùng, Binh trạm 14 thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Nguyến Đăng Giáp đã mưu trí, dũng cảm vượt qua gian khổ, ác liệt trên các chiến trường Miền Nam, Lào, Căm pu chia. Trong một lần chở hàng ra mặt trận, tháng 8 năm 1972, anh bị thương trên trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ - Đèo Cu Lai Nhích, Đường 20 Quyết thắng, Binh trạm 14. Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, theo yêu cầu nhiệm vụ, anh lại cùng đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ quốc tế  trọn 10 năm trên nước bạn Lào, ở các tỉnh Savanakhet, Viêng Chăn, Luôngphrabăng. Ngày trở về hòa nhập với cuộc sống mới của người lính sau chiến tranh, Nguyễn Đăng Giáp đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau. Nhưng ở đâu, lúc nào anh cũng hăng hái nhiệt tình, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
   Trong vòng gần 10 năm trở lại đây, Nguyễn Đăng Giáp gắn với thương hiệu Công ty 36 – Bộ Quốc phòng đã trở nên quá quen thuộc trên thị trường xây lắp và cả trên các phương tiện thông tin đại chúng. Rất nhiều cơ quan, đơn vị và cá nhân trong, ngoài quân đội đều biết đến tiếng tăm, uy tín của Công ty 36 và của Nguyễn Đăng Giáp.  Điều đó là hoàn toàn đúng. Các cụ xưa từng chỉ ra rằng : “Ở đời, mọi sự hữu xạ tự nhiên hương”.
Là Giám đốc, 6 năm qua, Nguyễn Đăng Giáp như người thuyền trưởng bươn chải chèo lái “con thuyền 36” vượt qua mọi thác ghềnh. Từ chỗ nợ nần 34 tỷ đồng (khi mới nhậm chức), sau đó năm 2008 lại “cõng” thêm Công ty 56 đã có quyết định phá sản, từng bước vươn lên, đến nay Công ty 36 đã có tài sản trị giá hơn 1.500 tỷ đồng, quy mô phát triển gấp 20 lần. Từ chỗ tài sản thiết bị còn rất nghèo nàn lạc hậu, đến nay đã có hàng trăm thiết bị, xe máy hiện đại vào bậc nhất đất nước. Công ty đã giải quyết việc làm cho 1.200 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng và hơn 7.000 người lao động, với mức lương bình quân hơn 4 triệu đồng/tháng. Giám đốc Nguyễn Đăng Giáp thực hiện phương pháp điều hành trực tuyến chặt chẽ, khoa học, đem lại hiệu quả cao, được nhiều người, nhiều doanh nghiệp tìm đến học hỏi.
Nguyễn Đăng Giáp là một người thông minh. Điều này không ai phủ nhận. Thực ra, anh không được đào tào một cách cơ bản, hệ thống về các chuyên ngành xây dựng, thủy lợi, điện lực, cũng chưa qua một lớp đào tạo chính qui về công tác chỉ huy, lãnh đạo trong quân đội. Ham học hỏi. Học trong sách vở. Học trong trường đời. Đặc biệt là biết mời, biết cộng tác và khai thác tri thức các chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực; biết khơi gợi, phát huy vai trò của các cơ quan chức năng tham mưu – thực ra là biết dùng người. Nhờ đó, Nguyễn Đăng Giáp đã có đủ năng lực xử lý kịp thời, chính xác mọi thông tin đa chiều trong các mối quan hệ; đáp ứng được yêu cầu rất đa dạng, phong phú, phức tạp của nhiệm vụ điều hành quản lý cả một guồng máy phức hợp, qui mô rộng lớn, với 26 ngành nghề kinh doanh. Tình cờ có một lần, gặp ông Nguyễn Thái Khải, ở Làng Gióng ( Bắc Ninh) là một người có khả năng xem nhân tướng, chỉ tiếp xúc Nguyễn Đăng Giáp trong vòng mấy phút, ông cả quyết phán rằng: “ Ông này chỉ có bằng đại học thôi, nhưng thực sự là tiến sỹ giỏi trong cuộc đời”. Ngẫm ra, ông ấy nói đúng!
Có một tố chất ở Giám đốc Nguyễn Đăng Giáp, theo tôi là người quả đoán. Quả đoán đến mức có khi cảm thấy như “liều lĩnh”. Dĩ nhiên, ở anh sự “liều lĩnh” luôn bắt nguồn từ một sự tính toán kỹ càng, thấu đáo có cơ sở khoa học. Trái tim nóng biết kết hợp với cái đầu lạnh. Trên cơ sở có tầm nhìn, anh xông xáo nhiệt tình, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước những việc lớn, việc khó, tưởng chừng như không thể làm được và cuối cùng giành thắng lợi. Ở Nguyễn Đăng Giáp nói là làm, có tính quyết đoán cao. Vậy đấy, xưa nay, thương trường cũng như chiến trường, đều không có chỗ đứng cho những người rụt rè, ngập ngừng chùn bước, không cả gan. Trong mọi hoàn cảnh, dù khó khăn đến đâu, anh vẫn luôn luôn hăng hái; bao năm nay chưa bao giờ thấy ở  anh sự than vãn, chán nản, mệt mỏi lùi bước trước công việc.
Là người lính từng một thời lăn lộn trên chiến trường gian khổ, ác liệt, Nguyễn Đăng Giáp luôn luôn có tình nghĩa sâu sắc với đồng chí, đồng đội và đồng bào. Trong ánh hào quang rạng rỡ của sự thành đạt, hạnh phúc, Nguyễn Đăng Giáp không bao giờ quên những đồng đội, bạn bè một thời trận mạc hiểm nguy, không quên những người bạn quê một thuở thiếu thời, gian khó. Tôi đã chứng kiến nhiều nghĩa cử cao đẹp của Nguyễn Đăng Giáp. Những lần Công ty 36 tổ chức khởi công một cách hoành tráng các đại công trình trên các khu vực, bao giờ cũng vậy, bên cạnh các quan khách từ Trung ương đến địa phương, các ngành, các cấp, là các cựu chiến binh - phần đông đã có tuổi - và nhiều bằng hữu một thời gắn bó. Một trong số đó, đã mấy lần tôi gặp anh Lương Văn Ngơi, đại tá, quê ở xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, hơn 70 tuổi, là cán bộ Thanh tra Quốc phòng, đã nghỉ hưu ở quê ngót chục năm trời. Hỏi ra mới biết, anh Ngơi vốn là Trung đoàn trưởng, Thủ trưởng trực tiếp của Nguyễn Đăng Giáp từ những ngày chiến đấu trên chiến trường Lào. Anh Giáp là vậy. Sống tình nghĩa thủy chung với dòng chí, đồng đội. Cũng chính vì vậy, trong cuộc sống và trong công tác, Nguyễn Đăng Giáp có rất nhiều bạn bè, chiến hữu, đủ mọi giai tầng, trên nhiều phương diện, cấp độ. Anh có mối quan hệ rất rộng với nhiều người, từ các cán bộ lãnh đạo cấp cao đến những con người bình dị. Anh sống đàng hoàng, thẳng thắn, nhân ái với mọi người và được mọi người quí mến anh.
  
 Khi nói về Nguyễn Đăng Giáp, nhiều người thừa nhận công lao, thành tích trong công tác. Nhưng cũng có người chưa thật hài lòng về phương pháp, nhất là về thái độ, khẩu khí của Nguyễn Đăng Giáp xử sự trong mọt số việc, trong các mối quan hệ. Họ cho rằng, có lúc, có nơi, Nguyễn Đăng Giáp chưa thật cẩn trọng trong nói năng. Với tôi, tôi cho rằng, nếu trong cách ứng xử của Nguyễn Đăng Giáp mà gạt bỏ cái cá tính thẳng băng, bạch thoại, đốp chát gai góc ấy đi, thì có khi không còn là Nguyễn Đăng Giáp nữa! Thử nghĩ, nếu mọi người đều vo tròn lại, đều giống nhau trong cách sống, giống nhau ở sự nhàn nhạt, bờn bợt, không góc cạnh, không cá tính, thì đời sống xã hội sẽ là thế nào nhỉ ?! Dưới một bông hồng đẹp thường có gai. “ Cái gai góc” sắc nhọn biết đâu đã góp phần nhỏ tạo nên một bông hoa đẹp Nguyễn Đăng Giáp trong vườn hoa những người Anh hùng.
Được tin Nguyễn Đăng Giáp được tuyên dương Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, chúng tôi – những đồng đội, đồng hương rất đỗi vui mừng. Chúng tôi mong rằng, Nguyễn Đăng Giáp tiếp tục phấn đấu, xứng danh Anh hùng./.
                                                                               
                                                                                  NMĐ

                                                                                                

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét