Menu ngang

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012


                                     CHỊ  HÒE


Chị Hòe sinh năm Quí Mùi (1943), là con cả của cha mẹ tôi. Khi mới 5 tuổi, như nhiều đứa trẻ ở quê, chị đã biết trông em. Lớn lên thêm mấy tuổi, chị Hòe đã phụ giúp được nhiều việc nhà. Năm 13 tuổi, chị biết tráng bánh cuốn và gánh bánh đi chợ Sơn bán. Thuở bé, do được chiều chuộng, cưng nựng quá, tôi thành đứa trẻ nghịch ngộ. Mẹ và chị Hòe khổ với tôi nhiều bận. Mẹ vì thương chiều con trai nên hầu như không bao giờ  đánh đòn tôi. Chị Hòe thì sợ mẹ cũng không dám đánh. Do đó, tôi bắt noi, được thể làm liều. Sau này lớn lên, nghĩ lại, tôi có nhiều điều ân hận với mẹ, với chị.
Quê tôi đất chật, người đông, ruộng bạc mầu, đời sống khó khăn. Những năm 60 của thế kỷ trước, Nhà nước có chủ trương giãn dân bằng hai cách: Thành lập các Nông trường Quốc doanh ở miền tây của tỉnh, đưa nam nữ thanh niên lên rừng khai hoang, phục hóa. Thành lập các làng mới ở vùng bán sơn địa phía tây của huyện, đưa nông dân lên khai phá làm ăn.
Năm 1960, như nhiều bạn bè địa phương cùng trang lứa, chị Hòe đi làm công nhân Nông trường quốc doanh Bãi Phủ (Con Cuông – Nghệ An), cách nhà hơn trăm cây số. Thời đó, lên miền tây xây dựng kinh tế trở thành một phong trào rầm rộ trong thanh niên Miền Bắc. Nhà thơ Bùi Minh Quốc đã viết bài thơ LÊN MIỀN TÂY :
          " Xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi 
             Lên miền tây vời vợi nghìn trùng 
             Lên miền tây ta làm bạn với núi rừng 
            Ôi, miền tây, ở dưới xuôi sao nghe nói ngại ngùng 
            Mà lúc ra đi lửa trong lòng vẫn cháy 
            Cái tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy
            Thì xa xôi gấp mấy cũng lên đường 
            Sống ở Thủ đô mà dạ để mười phương 
            Nghìn khát vọng chất chồng mơ ước lớn".
                  Bài thơ đó thật hay, được tuyên truyền rộng rãi. Hầu như thanh niên thời đó đều thuộc. Bài thơ đã nói lên được tâm trạng sôi nổi, hồ hởi của một thế hệ thanh niên phấn đấu vì lý tưởng trong sáng. Ấy vậy mà, mấy chục năm sau, có người tự trách mình vì hăng hái xung phong lên miền tây theo phong trào, rồi bị kẹt lại trên đó, khổ một đời. Nghe nói, có nhiều người con gái rất xinh đẹp mà không lấy được chồng. Và có nhiều người cảm thấy lạc lõng ngày trở về.
                  Từ nhỏ đến lớn, chị Hòe có tính hay tự ti, xấu hổ. Năm 1961, lần đầu tiên được về phép thăm nhà sau một năm thoát ly. Chị xách chiếc va li về tới cánh đồng đầu làng lúc mặt trời ghé núi. Vậy mà, sợ gặp người quen xấu hổ, chị chui vào ngồi giữa ruộng sắn, chờ đến tối mịt mới lặng lẽ về nhà. Năm 1963, chị về phép lần thứ hai. Hồi đó, mẹ tôi đã 44 tuổi đang có mang em Phượng. Ngày mẹ tôi chuyển dạ vào Nhà hộ sinh của xã, chị cắp va li đi lên Vinh chơi, dẫu chưa hết phép. Chẳng phải chị ngại ngần tránh việc phụ giúp mẹ khi sinh nở. Mà chắc rằng, chị xấu hổ với bạn bè, vì đã tròn 20 tuổi, sắp lấy chồng, mẹ còn sinh em bé.
Từ 17 tuổi đến trọn đời lúc nghỉ hưu, chị tôi gửi phận mình nơi rừng xanh, núi đỏ. Ngày nối ngày, vào rừng, lên đồi vỡ hoang, khai hóa, gieo trồng, chăm bón, thu hoạch các loại cam, chè, cà phê, cao su. Cũng trồng lúa và chăn nuôi trâu bò. Mọi thứ đều làm bằng thủ công, không khác gì nông dân. Đời sống vật chất ở nông trường chẳng cải thiện hơn quê tôi. Về giao lưu văn hóa, vì xa các trung tâm, nên chắc còn kém hơn. Mấy chục năm thoát ly, chị tôi chẳng khác là bao. Thậm chí, trong lối sống hàng ngày, từ giọng nói và cách hành xử, ít nhiều còn chịu ảnh hưởng của người miền ngược. Cả một đời chị không biết đi xe đạp. Lúc trẻ không có xe để tập. Lớn lên thì xấu hổ, ngại ngùng, không tập nữa. Bây giờ về già thì thôi hẳn. Đi đâu đã có con cháu chở bằng xe máy.
Năm 1965, chị xây dựng gia đình. Chồng chị là anh Nguyễn Hữu Hùng, quê ở xã Viên Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), cũng là công nhân nông trường. Hè năm 1964, chị Hòe dẫn anh Hùng về ra mắt cha mẹ tôi và họ hàng. Hồi đó, cha tôi đang tham gia khai hoang ở xã Nghi Kiều, cách nhà 30 cây số. Tôi dùng xe đạp của anh Tần đi đón ông về. Cha thì nặng, tôi thì bé nhỏ, thành ra tay lái không vững. Tôi chở cha theo Đường 34. Khi mới về đến Trại Anh (xã Nghi Phương), tránh ô tô, trượt ổ gà, xe đạp lao xuống ruộng đất mới cày vỡ. Cha con ngã sõng soài. Cái tai hồng bánh xe sau đâm vào bắp chân phải cha tôi khá sâu, máu chảy lênh láng. Tôi phải lấy thuốc lào rịt vào, lấy khăn mui soa cột chặt lại mới cầm được máu. Mãi quá trưa, giữa trời nắng chói chang, bụng đói meo, hoa cả mắt, cha con tập tễnh dắt díu nhau về đến nhà. Anh chị ở chơi mấy ngày rồi đi. Anh Hùng đẹp trai, người tầm thước, hiền lành, cha mẹ tôi và bà con nội ngoại đều thích. Cuối năm 1965, anh chị sinh con đầu lòng là cháu Nguyễn Thị Quế.
Năm 1969, anh Hùng nhập ngũ vào đơn vị cao xạ chiến đấu ở Quảng Trị và hy sinh cuối năm đó. Sau này, năm 1988, cháu Quế lúc đó còn công tác ở Phòng Cơ yếu - Tổng cục Kỹ thuật vào Nghĩa trang Vĩnh Linh bốc mộ bố về quê.
Năm 1972, chị tôi đi bước nữa. Chồng sau là anh Nguyễn Văn Thắng, quê ở xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu ( Nghệ An ). Anh Thắng chất phác hiền lành, siêng năng. Ở anh luôn toát lên sự đôn hậu, hồn nhiên, vô tư, đơn giản và dí dỏm. Anh chị có 5 người con. Đến nay anh chị nghỉ hưu đã lâu, các cháu đều đã lập gia đình. Mấy năm gần đây, dẫu tuổi già sức yếu, hằng năm, chị Hòe vẫn khăn gói lặn lội lên xe, về quê giỗ cha mẹ.

Trong mọi gia đình, chị cả là mạ em út. Nhưng với chị Hòe là khó. Chúng tôi hiểu, do hoàn cảnh ở xa, nhiều năm trong chiến tranh, lại phải xoay xở việc mưu sinh và lo toan việc gia đình riêng, nên dù có muốn thì chị cũng ít có điều kiện chăm chút các em. Các em đều thông cảm và coi đó là điều bất khả kháng. Những năm về già, ở xa, qua điện thoại, chị Hòe thường xuyên thăm hỏi sức khỏe và gia cảnh của mấy đứa em - nhất là khi có người bị đau yếu. Tôi cảm nhận được rằng, đó là sự thương nhớ chân thành được thốt ra từ trong sâu thẳm của tình máu mủ ruột thịt mà chị dành cho các em ./.

                                            Mỹ Đình, Mồng 8 Tết Nhâm Thìn
                                                                NMĐ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét