Menu ngang

Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

CHỖ DỰA, NIỀM TIN CỦA CÁN BỘ, CHIẾN SĨ TRONG QUÂN ĐỘI

          
                      CHỖ DỰA NIỀM TIN CỦA CÁN BỘ, 
                            CHIẾN SĨ TRONG QUÂN ĐỘI

      Đầu tháng sáu năm nay, Đại tá Hồ Thủy, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng có thư mời tôi viết bài đăng số đầu tiên của “ Thông tin công tác bảo hiểm xã hội trong quân đội”. Tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì được anh chị em quí mến, tin tưởng đặt bài viết. Lo vì chưa biết viết gì đây, khi tôi đã rời ngành chính sách chẵn 10 năm. Quãng thời gian đó có nhiều điều thay đổi.
Ngẫm lại, trong tôi tái hiện về miền ký ức chưa xa lắm. Tôi không phải là người cao niên, trưởng lão trong ngành chính sách Quân đội. So với lớp trước, tôi mới xứng là học trò – một học trò chăm chỉ và có phần may mắn, đúng theo nguyên nghĩa của từ này. Nhưng so với lớp trẻ, thì tôi có lợi thế là đến với ngành chính sách thời gian lâu hơn. Bằng thực tế của mình, tôi xin hệ thống lại một đôi điều cảm nghĩ, với mục đích là cung cấp thông tin.
Bảo hiểm xã hội là gì; trong quân đội bắt đầu từ lúc nào; nội dung chính sách ban đầu, cơ chế triển khai và sự phát triển của nội dung chính sách cũng như cơ quan trực tiếp tổ chức thực hiện chính sách BHXH trong quân đội…Nhiều câu hỏi đặt ra, tôi nghĩ rằng, hồi tưởng lại để có sự trả lời thấu đáo trong một bài bảo quả là không dễ.
Bản thân tên gọi CON NGƯỜI đã nói lên hai thành tố: sinh học, xã hội. Chỉ bằng hai chữ thôi mà chứa đựng một nội hàm rộng lớn, phong phú. Khi nói đến con người là phải đặt nó trong mối quan hệ xã hội. Từ ngàn xưa là thế và Các Mác cũng đã từng nói: “Trong tính hiện thực của nó, con người là tổng hòa các quan hệ xã hội”. Bảo hiểm xã hội là sự bảo hiểm của xã hôi, của Nhà nước đối với người lao động nhằm bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của họ khi bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng góp vào Quĩ bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội là thể hiện tư tưởng dân chủ, công bằng, nhân văn; bảo đảm an toàn cho người lao động. Và từ đó góp phần ổn định xã hội. Bởi vậy, có thể nói, Bảo hiểm xã hội là một cột mốc trong sự phát triển trên con đường văn minh của nhân loại.
Chính sách đối với quân đội là một bộ phận trong hệ thống chính sách của Đảng, Nhà nước. Đó là chính sách đãi ngộ nhằm đáp ứng những nhu cầu hợp lý, tất yếu, khách quan của quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng khi phục vụ tại ngũ cũng như khi ốm đau, tai nạn, bệnh nghề nghiệp, mất sức lao động, nghỉ hưu. Từ đó, chính sách góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Trong hệ thống chính sách đối với quân đội, có chính sách Bảo hiểm xã hội đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng. Xét đến cùng, mọi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội đều là đối tượng của chính sách Bảo hiểm xã hội.
Thực ra, cụm từ Bảo hiểm xã hội đối với quân nhân mới xuất hiện sau này. Đó là sự phát triển ngôn ngữ cho phù hợp với khái niệm và nội hàm chính sách.
Ngay từ khi chúng tôi mới đặt chân về Cục Chính sách, được các lớp bậc chú, bậc anh hướng dẫn thấu đáo, tỉ mỉ. Tôi được biết, chính lớp cán bộ đó là những người đã nghiên cứu xây dựng Đề án Điều lệ đãi ngộ tạm thời đối với quân nhân khi ốm đau, bị thương, mất sức lao động, về hưu hoặc chết; nữ quân nhân khi có thai và khi đẻ; quân nhân dự bị và dân quân tự vệ ốm đau, bị thương hoặc chết trong khi làm nhiệm vụ quân sự; giúp Bộ Quốc phòng trình Chính phủ ban hành Nghị định 161/CP ngày 30 tháng 10 năm 1964. Đã 46 năm kể từ ngày ban hành, đến nay đọc lại, tôi phải thừa nhận rằng, đó là một văn bản chính sách chuẩn mực có nội dung đầy đủ, bố cục chặt chẽ, văn phong trong sáng. Mặc dù trong nội dung của Điều lệ tạm thời chứa đựng nhiều nội dung bảo hiểm xã hội nhưng trong toàn bộ văn bản không có cụm từ “bảo hiểm xã hội”. Có thể, hồi đó chủ định gộp tất cả chế độ đãi ngộ đối với quân nhân vào một văn bản qui phạm pháp luật nên quan niệm rằng, một số chế độ đãi ngộ đối với quân nhân có mang tính bảo hiểm chứ không hoàn toàn là bảo hiểm. Đối với quân nhân bị thương, hy sinh lại là một phạm trù khác, một kênh khác. Trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Đất nước, người lính tự nguyện chiến đấu hy sinh vì Độc lập – Tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, thì xương máu, tính mạng của họ là vô giá và không thể bảo hiểm được!
Để hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị định 161/CP của Hội đồng Chính phủ, ngày 12 tháng 4 năm 1965, Liên bộ Quốc phòng – Công an – Nội vụ ban hành Thông tư 104/LB. Trong đó qui định cơ chế tổ chức thực hiện: Các đơn vị thuộc quân đội, công an đảm bảo việc giải quyết chính sách đối với quân nhân khi phục vụ tại ngũ và bảo đảm các giấy tờ, hồ sơ cần thiết đối với quân nhân , công an nhân dân khi chuyển ra ngoài. Căn cứ vào giấy chứng nhận của các dơn vị quân đội và công an, ngành nội vụ (sau này là thương binh xã hội) ở các địa phương lập hồ sơ, thực hiện quản lý và giải quyết các chế độ, chính sách trợ cấp tuất, trợ cấp thương tật, trợ cấp hưu trí, mất sức lao động,…ở địa phương và hoàn toàn do ngân sách Nhà nước bảo đảm.
Ngày 19 tháng 8 năm 1985, cùng với việc ban hành Nghị định 235/HĐBT về cải tiến chế độ tiền lương của công nhân viên chức và lực lượng vũ trang, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định 236/HĐBT về việc bổ sung sửa đổi một số chế độ chính sách về thương binh xã hội. Theo đó, nội dung chính sách đối với người nghỉ hưu; trợ cấp thương tật; trợ cấp đối với bệnh binh và quân nhân phục viên;…đã được sửa đổi bổ sung. Nhưng về cơ chế tổ thức thực hiện vẫn như cũ.
Trong cơ chế bao cấp, ba chế độ cơ bản đối với con người: Lương, phụ cấp; Chính sách ưu đãi đối với thương binh liệt sĩ; Bảo hiểm xã hội, dù khác nhau về bản chất, nguyên tắc nhưng đều gộp lại bảo đảm từ nguồn ngân sách Nhà nước.Việc quản lý và tổ chức thực hiện các chế độ theo phương thức dự toán – cấp phát. Điều đó, xét cả về bản chất, nội dung và phương thức tổ chức thức hiện là không còn phù hợp với cơ chế nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.
Từ năm 1993, khi Nhà nước tiến hành cải cách chế độ chính sách Tiền lương, chính sách Bảo hiểm xã hội và chính sách Ưu đãi người có công, thì ba lĩnh vực đó mới tách ra độc lập cả về nguồn quĩ và cơ chế tổ chức quản lý, chi trả.
Dưới sự chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương - Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị; trên cơ sở vận dụng những qui định của Bộ Luật Lao động phù hợp với lao động quân sự; được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan trong và ngoài quân đội, Cục Chính sách – Tổng cục Chính trị đã chủ trì nghiên cứu giúp Bộ Quôc phòng trình Chính phủ ban hành Điều lệ Bảo hiểm xã hội kèm theo Nghị định 45/CP ngày 15 tháng 7 năn 1995 qui định chế độ BHXH đối với quân nhân. Theo đó, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp được áp dụng cả 5 chế độ BHXH: ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất. Hạ sĩ quqan, binh sĩ được hưởng hai chế độ: tai nạn lao động, bệnh ngề nghiệp; tử tuất. Nhìn chung, các chế độ BHXH đối với quân nhân đã có sự ưu đãi, phản ảnh được hoạt động và tính chất lao động đặc thù của quân đội; đồng thời, phân biệt rõ trách nhiệm, quyền hạn của Quỹ BHXH, sự độc lập của Quỹ BHXH với ngân sách Nhà nước, ngân sách Quốc phòng. Các chế độ BHXH đã thực sự góp phần hỗ trợ đời sống đối với bản thân quân nhân và gia đình. Các điều kiện nghỉ hưu đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp được phù hợp hơn và có sự kết hợp hài  hòa với các qui định về chính sách trong Luật Sĩ quan.
Cùng với việc đối mới nội dung, cơ chế tổ chức thực hiện chế độ BHXH trong quân đội cũng có sự thay đổi. Sau một thời gian nghiên cứu đề nghị, ngày 9 tháng 3 năm 1996, Phòng Bảo hiểm xã hội quân đội thuộc Cục Chính sách được thành lập. Trước đó, việc nghiên cứu đề đạt nội dung cũng như việc hướng dẫn thực hiện các chế độ BHXH do Phòng Nghiên cứu Tổng hợp giúp Cục Chính sách thực hiện. Trong Phòng Nghiên cứu Tổng hợp phân công anh Đinh Mạnh Toan và chị Hồ Thủy đảm nhiệm. Phòng Bảo hiểm xã hội quân đội – Cục Chính sách ra đời với nhiệm vụ chủ trì giúp Cục Chính sách nghiên cứu, đề xuất, xây dựng các chế độ chính sách BHXH đối với LLVT và tham gia nghiên cứu các chính sách có liên quan; đồng thời trực tiếp, chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện các chế độ BHXH đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng khi phục vụ tại ngũ và trước khi  chuyển ra ngoài. Từ đó, việc lập sổ hưu và các hồ sơ bảo hiểm khác đối với quân nhân , công nhân viên chức quốc phòng đều do Phòng Bảo hiểm xã hội quân đội – Cục Chính sách đảm nhiệm.
Để có căn cứ pháp lý cho việc thực hiện chế độ chính sách, theo qui định hiện hành của Nhà nước, trong quân đội đã tiến hành lập Sổ BHXH cho hàng mấy chục vạn người (bao gồm: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng). Đây là một việc làm rất công phu, cơ bản, với khối lượng rất lớn, trải ra trên diện rộng. Thông qua việc lập Sổ BHXH là một dịp chấn chỉnh, kiện toàn lại toàn bộ hồ sơ lý lịch của cán bộ, nhân viên, không ít trường hợp không đúng về thủ tục, nguyên tắc do hoàn cảnh khách quan. Cục Chính sách mà trực tiếp là Phòng BHXH quân đội đã tích cực triển khai chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện đúng tiến độ, đạt kết quả tốt.
 Phòng BHXH quân đội khi mới thành lập do anh Nguyễn Bá Bồng phụ trách. Một thời gian sau, Trưởng phòng là anh Đỗ Văn Sử, tiếp đến là chị Hồ Thủy.
Căn cứ vào Luật BHXH đước Quốc hội thông qua năm 2006; để phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp BHXH trong quân đội trước tình hình mới; theo đề nghị của Tổng cục Chính trị và Bộ Tổng Tham mưu, ngày 29 tháng 5 năm 2008, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng tương đương cấp Cục trực thuộc Bộ. Đây là sự kiện đánh dấu một bước phát triển mới về chức năng, nhiệm vụ và qui mô tổ chức của Bảo hiểm xã hội trong quân đội và cũng là khẳng định, thể hiện sự quan tâm của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đối với quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với toàn thể quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng trong quân đội và thân nhân quân nhân.
Bao giờ cũng vậy, biến quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng thành nội dung chính sách cụ thể và đưa nội dung chính sách đó vào cuộc sống, thành lợi ích thiết thực của đối tượng chính sách, phải thông quan hoạt động của tổ chức và những con người cụ thể. Tổ chức đó là Phòng Bảo hiểm xã hội – Cục Chính sách trước đây cũng như Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng ngày nay và hệ thống cơ quan các ngành, các cấp. Đó là lớp cán bộ Bảo hiểm xã hội ở cơ quan cấp chiến lược và cả hệ thống đến cơ sở - những con người vừa có năng lực, trí tuệ, có nghị lực phấn đấu, vừa có tấm lòng nhân nghĩa thủy chung với đồng đội, đồng chí, với đối tượng chính sách. Đó cũng là chỗ dựa, niềm tin vững chắc của cán bộ, chiến sỹ trong toàn quân ./.

                                                                              NMĐ
                                                                 







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét