Menu ngang

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012


       NĂM ĐÓI, CHA MẸ TÔI MUA CON NUÔI

Nạn đói năm 1945 ở quê tôi kinh khủng lắm. Người chết đói la liệt. Nhiều gia đình chết gần hết, không có người đem chôn. Nhiều gia đình, thậm chí có chi họ, bị tuyệt tự - không còn ai nối dõi tông đường. Cả vùng quê trĩu nặng, u uất một bầu không khí tang tóc, chết chóc. Người chết trong nhà. Người chết ngoài ngõ. Người chết bên vệ đường. Trong nhiều trường hợp, người chết ở đâu dập vùi ở đó. Không hòm ván. Không đào huyệt. Thậm chí không manh chiếu che thân.
Ở quê có cái cầu Trường. Khi tôi lớn lên vẫn đi qua. Được biết, cầu Trường do Thượng thư Đinh Văn Chấp (thân phụ của Ông Đinh Văn Nam - tức Hòa thượng Thích Minh Châu) trong triều đình Huế, khi vinh qui bái tổ, làm tặng quê hương. Cầu làm toàn bằng gỗ lim, giống như cầu Thê Húc ở Hồ Gươm, nhưng to hơn. Trên cầu có mái lợp ngói đỏ uốn cong theo thân cầu, soi bóng xuống dòng sông xanh, đẹp lắm. Hai bên thành cầu là hai dãy ghế ngồi tựa bằng gỗ. Đó là chỗ nghỉ chân của khách bộ hành. Nghe kể lại, năm đói, người hành khất thập phương đi xin ăn trong vùng về tụ tập trên cầu, chết đói nhiều lắm. Người chết rũ trên dãy ghế hai bên. Người đói lả rơi xuống sông chết đuối. Mãi tới sau này, dưới đáy sông, cạnh chân cầu, vẫn còn nhiều hài cốt.
Cũng nghèo khó nhưng gia đình tôi qua được nạn đói là nhờ đi buôn. Năm đó cha mẹ tôi xấp xỉ 30 tuổi.  Cha tôi kể, suốt ngày hai vợ chồng đòn gánh đè vai, xuôi ngược đông đoài. Hết buôn thứ này xoay sang thứ khác. Buôn gì cũng được, miễn là sinh lời. Buôn muối, buôn gà, buôn cam, buôn cám - thậm chí buôn cả chum, vại. Buôn chum, vại là khổ nhất vì gánh rất nặng. Nếu không may còn bị sứt vỡ, có khi mất cả vốn. Nhờ năng động đi buôn mới có tiền đong gạo chạy ăn qua ngày. Những người thuần nông quanh năm vất vả, một nắng hai sương, bán lưng cho trời bán mặt cho đất. Họ trực tiếp làm ra hạt gạo, củ khoai. Nhưng khi gặp nạn đói, lại là những người chết đầu tiên và nhiều nhất.
Giữa nạn đói năm 1945, một phiên chợ Sơn, sau khi đã bán hết hàng, cha mẹ tôi gặp nhiều nhà đem con đi bán - chủ yếu là con trai. Họ bán con để lấy tiền đong gạo, cứu cả nhà thoát chết đói. Cha mẹ tôi bàn với nhau, nhà mình mới có con gái - tức là chị Hòe - thôi thì bớt ăn, mua một đứa con trai về nuôi để chơi với con cho có đôi. Âu đó cũng là việc làm phúc ở đời. 
               Lượn qua một lượt, trông thấy một đứa trẻ trai độ 5 tuổi, mặt mày sáng sủa khôi ngô, nhưng đang lả đi, nhợt nhạt. Cha mẹ tôi thương quá bỏ tiền ra mua. Người bán là một đôi vợ chồng trẻ, ăn mặc rách rưới, mặt hiền lành chất phác, nghe giọng nói là người Đàng Ngoài. Thấy tội quá, hỏi bao nhiêu, trả bấy nhiêu, không mặc cả. Khi nhận tiền, hai vợ chồng ôm con khóc nức nở. Nghẹn ngào trao con, mếu máo nói lời chia tay, vừa như sự ký thác : “Thôi thì, cha mẹ có tội.  Có sinh mà không có dưỡng. Chẳng còn gì nuôi nổi con trong đận này. Hôm nay, con về làm con hai bác đây. May sao, qua được. Cầu Trời, khấn Phật phù hộ cho con!” . Dẫu yếu lắm rồi, nhưng đứa trẻ vẫn oằn mình, khóc giàn dụa, thảm thiết trong tay cha tôi.
Ôm chặt vào lòng, ra khỏi chợ, sợ đứa trẻ chết đói, cha tôi chạy vội về nhà với độ đường vài ba cây số, để kịp cho uống nước cháo. Thỉnh thoảng ngoái lại, trong một khoảng không xa, dưới trời nắng chói chang, cha tôi vẫn thấy mẹ đứa trẻ đi theo, đi theo mãi. Chị ta dõi nhìn theo với ánh mắt vừa đau khổ, vừa tội lỗi. Đến đầu làng tôi, chị ấy ngẹn ngào khóc, gạt nước mắt, quay đi.
Chỉ vài hôm được ăn, người con nuôi hồi sức rất nhanh. Cha tôi đặt tên cho anh ấy là Nuôi. Mấy ngày sau, anh Nuôi đã biết dắt chị Hòe đi chơi đầu ngõ. 
              Bất ngờ, điều không may ập đến. Sáu tháng sau, một lần cha mẹ tôi đi chợ vắng, đang dắt chị Hòe ra chơi ở cổng làng, thì anh Nuôi bị một người qua đường bắt mất. May là con gái, không thì chị Hòe cũng bị bắt nốt. Quá trưa vừa về đến nhà, biết tin, cha mẹ tôi khóc òa lên. Mới nửa năm thôi. Trong khó khăn túng đói kiệt quệ, cha mẹ tôi đã dành trọn cho anh tình thương yêu. Nuôi nấng, chăm sóc chẳng khác gì con đẻ. Mẹ tôi ôm chị Hòe thút thít, suýt xoa. Cha tôi đôn đáo đi tìm. Tìm ngược xuôi suốt cả ngày không thấy. Nghe chú Hòa, nhà bên cạnh nói lại, khoảng non trưa đi chợ về vẫn thấy hai anh em ngồi chơi trước cổng làng. Khi chú ấy quay ra, chỉ còn thấy chị Hòe. Cha mẹ tôi đoán định có thể xảy ra một trong hai khả năng : Hoặc là, cha mẹ đứa trẻ, khi đã qua được trận đói, nhớ thương con, tìm đến nhà tôi chuộc. Đến nơi không gặp ai, đã vội bế con về. Nếu được thế là còn may cho đứa trẻ. Hoặc là, có người thấy đứa trẻ kháu khỉnh, động lòng tham. Nhân lúc vắng người, bắt đứa trẻ đem ra chợ bán kiếm tiền. Thế thì khổ thân đứa trẻ.

Nếu còn sống, người con trai đó, tên cha mẹ tôi đặt cho lúc nhỏ là Nuôi, sinh năm Canh Thìn (1940), năm nay đã ngoài 70 tuổi. Nhưng chắc chắn rằng, anh ấy không biết chuyện này. Chính cha mẹ tôi, trong lúc cơ hàn gieo neo, với tấm lòng trắc ẩn, bằng tình thương đồng loại, đã cứu anh không bị chết trong nạn đói khủng khiếp năm 1945. Ôi ! Đó là những năm tháng mở đầu cho số phận một con người giữa dòng đời mải miết trôi ./.


                                     Mỹ Đình, Mồng 7 Tết Nhâm Thìn
                                                          NMĐ

                                              
                                                                   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét