Menu ngang

Thứ Hai, 18 tháng 5, 2015

XỨ NGHỆ TRONG TÌNH YÊU 
BAO LA CỦA BÁC HỒ


     Nguyễn Đình Lương
Nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt - Mỹ 

Lịch sử hiện đại đã minh định:
Với nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh là "Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất" (Unesco). Người được nhân dân thế giới kính trọng, tôn vinh, Người được nhiều dân tộc tôn thờ như một tấm gương, như ngọn cờ xung trận, như người dẫn đường và thôi thúc họ đứng lên giải phóng cho mình, giành lại độc lập, tự do và phát triển…
Trong lịch sử thế giới, ít ai được như Hồ Chủ tịch. Tượng đài của Người đặt ở những nơi trang trọng trong Thủ đô nhiều nước, tên của Người được đặt cho nhiều công viên, đại lộ, đường phố, trường học… và hôm nay, thế giới bao đổi thay, Hồ Chủ tịch vẫn gần gũi, trìu mến, vẫn là nguồn cổ vũ của bao quốc gia, dân tộc.
Tờ báo Times-Hoa Kỳ, một tờ báo thuộc loại phổ biến rộng rãi nhất thế giới, xếp Bác Hồ là "người đã góp phần làm thay đổi diện mạo hành tinh chúng ta trong thế kỷ XX" là "một trong 10 tù nhân chính trị nổi bật, chiến đấu cho tự do, nổi tiếng nhất mọi thời đại".
Đối với non sông đất nước ta.
Hồ Chủ tịch là Người anh hùng dân tộc vĩ đại, Người đã làm rạng rỡ dân tộc ra, nhân dân ta và non sông đất nước ta. Cuộc đời Hồ Chủ tịch là cuộc đời trong sáng cao đẹp của một người cộng sản vĩ đại. Người đã đấu tranh không mệt mỏi và hiến dâng cả đời mình cho Tổ quốc Việt Nam. Người sẽ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta.
Sẽ không sai nếu chúng ta nói rằng, trước khi trở thành người Anh hùng dân tộc vĩ đại, người chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, nhà văn hóa kiệt xuất, Bác Hồ chúng ta đã là một người con hiếu nghĩa của các bậc sinh thành, của mảnh đất quê hương nghèo khó mà kiên cường bất khuất.
Người sinh ra trên mảnh đất địa linh nhân kiệt, hồn thiêng sông núi hợp tụ ở sông Lam, núi Hồng, đã hun đúc lên Người. Lời ru ngọt ngào thấm đậm tình thương của làn điệu dân ca ví dặm đã gieo vào tâm hồn Người một tình yêu bao la. Ý chí kiên cường bất khuất quy tụ ở mảnh đất giàu truyền thống cách mạng đã gieo vào Người một ý chí, niềm tin…
Những giá trị nhân văn cội nguồn đó là năng lượng, là hơi ấm không bao giờ nguội tắt, là mạch nước ngầm không bao giờ cạn, giúp Người bền chí vượt qua bao chặng đường gian lao tìm cho bằng được con đường giải phóng quê hương đất nước. Tình mẫu tử thiêng liêng với các bậc sinh thành, tình yêu nồng nàn với quê nghèo nhiều ân nghĩa lúc nào cũng canh cánh bên lòng. Dù bất cứ ở đâu, làm gì, Bác luôn tìm cách viết thư về thăm người cha thân yêu đang trong cảnh tha phương, thăm hỏi chị gái, anh trai đang bị đày ải trong nhà tù đế quốc thực dân gần hết cả cuộc đời. Bác luôn theo dõi nắm bắt tình hình đất nước, quê hương.
Sau bao năm bôn ba khắp Á, Âu, Mỹ, Phi, để tìm lý luận cách mạng, năm 1925 Bác về Quảng Châu-Trung Quốc, gần với Tổ quốc. Việc đầu tiên là Bác thành lập một tổ chức cách mạng người Việt.
Trên cơ sở tổ chức Tân Tâm xã của Nhà cách mạng Phan Bội Châu thành lập trước đó, Bác chọn lựa một "nhóm trung kiên" để thành lập "Thanh niên cách mạng đồng chí Hội", được coi là tổ chức cách mạng đầu tiên của Việt Nam. Nòng cốt trong Hội là những người con xứ Nghệ giàu lòng yêu nước như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Vương Thúc Oánh, Phùng Chí Kiên, Trương Văn Lĩnh, Trần Văn Cung,…
Sau khi đã có tổ chức, để chuẩn bị cho cách mạng lâu dài Bác đã gửi một số chiến sĩ về nước xây dựng phong trào và gửi một số sang Moskva, quê hương Cách mạng tháng 10 để đào tạo, trong đó có cả những người con xứ Nghệ như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai.v.v…
Được Bác và Đảng giáo dục rèn luyện, nhiều người trong số đó đã phấn đấu, rèn luyện để rồi trở thành những nhà lãnh đạo lỗi lạc của cách mạng Việt Nam.
Những năm hoạt động ở Quảng Châu, Bác tin và mạnh dạn cử người đồng hương Lê Thiết Hùng vào hoạt động trong lực lượng vũ trang của Tưởng Giới Thạch, Bác tin và ủng hộ việc cụ Hồ Học Lãm tiếp tục làm việc cho quân đội Tưởng để vừa thu thập thông tin phục vụ cách mạng, vừa làm nơi liên lạc an toàn cho các chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Cụ Hồ Học Lãm, Tướng Lê Thiết Hùng đã không phụ lòng tin của Bác, đã chiến đấu trọn đời cho cách mạng.
Năm 1927, Bác về Xiêm hoạt động, ở đây Bác liên kết, phối hợp với Nhà cách mạng Đặng Thúc Hứa, một người xứ Nghệ, cộng sự của Cụ Phan, xây dựng cơ sở cách mạng trong Việt kiều. Đã lập hội Việt kiều hướng về tổ quốc quê hương ở Bản Thầu (Trại Cày) và cả vùng đông bắc Thái Lan. Việt kiểu ở vùng này phần đông là người xứ Nghệ. Tình đồng bào, tỉnh cảm quê hương đã gắn bà con Việt kiều với Bác. Họ tin tưởng Bác, bảo vệ Bác, làm theo lời Bác. Ở đây cũng đã thành lập được chi hội Thanh niên cách mạng đồng chí Hội và sau này khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, chi bộ Đảng trong Việt kiều cũng được thành lập và hoạt động.
Những chiến sĩ quốc tế Việt Nam chiến đấu với quân phát xít Đức mùa đông năm 1941 ở cửa ngõ Moskva là những thanh niên Việt Nam được Bác Hồ chọn cử gửi đi từ Quảng Châu-Trung Quốc. Ba trong số đó đã anh dũng hy sinh là người cùng quê Kim Liên, Nam Đàn, đã được Bác đặt lại tên họ theo họ Lý Thụy của Bác lúc bấy giờ là Lý Anh Tạo, Lý Nam Thành, Lý Thục Chất. Những thanh niên xứ Nghệ này được Bác giáo dục bồi dưỡng cả tinh thần cách mạng yêu đất nước quê hương, cả tinh thần quốc tế vô sản, sẵn sàng hy sinh cho quê hương Cách mạng tháng 10. Họ đã được Nhà nước Liên Xô truy tặng Huân chương chiến tranh vệ quốc.
Khi cách mạng giành được chính quyền, nước nhà được độc lập, Bác quan tâm và chăm lo việc tập hợp tất cả những người trí thức có lòng yêu nước, giáo dục đào tạo càng đông càng tốt đội ngũ cán bộ cách mạng đi bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
May mắn, một số cán bộ người xứ Nghệ được gần Bác được Bác quan tâm dạy bảo, đã phấn đấu rèn luyện để rồi trở thành những người lãnh đạo tài đức, những nhà khoa học tài năng như: Nguyễn Duy Trinh, Trần Quốc Hoàn, Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt, Chu Huy Mân, Phan Anh, Tạ Quang Bửu, Trần Văn Quang.v.v… và họ đã thực sự xứng đáng là học trò của Bác, không phụ lòng tin của Bác.
Sau hơn 50 năm xa quê, một ngày hè năm 1957, Bác mới có cơ hội về thăm nơi chôn rau, cắt rốn. Về Vinh, Bác ở nhà khách Tỉnh ủy, giường không đệm, chỉ trải một chiếc chiếu cói, giản dị, đơn sơ như bao người dân xứ Nghệ sống thời đó. Buổi sáng, Bác thích bát cháo lòng đặc sản có phong vị riêng của đất thành Vinh, ngon nổi tiếng. Bữa cơm trưa, cơm chiều. Bác vẫn ưa món rau muống xào hay luộc chấm tương Nam Đàn, món cá kho có lá gừng và có cả món cà pháo trắng dòn của đất Nghi Lộc.
Về quê Bác vẫn chiếc áo ka ki đã sờn, đôi dép cao su đã vẹt gót, chiếc khăn mặt đã có chỗ vá khâu. Cuộc sống một vị Chủ tịch nước, một nguyên thủ quốc gia mà giản dị, gần gũi, làm ấm lòng người.
Ra đi từ lúc còn bé, nay trở về Bác vẫn còn nhớ như in: trong vườn chỗ nào là hàng cây râm bụt, chỗ nào là hàng rào mạn hảo, dãy 5 cây cau trĩu quả đứng ở đâu, vườn khoai lang dọc theo lối nào. Trong nhà cái bàn thờ bằng tre không có chân, treo bằng dây mây, nhà ngang 3 gian đứng ở góc nào…
Về Kim Liên, sau đó về quê ngoại Hoàng Trù, Bác còn nhớ và nhận ra ngay những người bạn thời ấu thơ, nào là bạn thân nhất là ông Thông hơn Bác khoảng 2 tuổi, thời đó nhà nghèo nhất làng, nào là ông Điền bạn cùng nhau thổi bễ lò rèn nhà cố Thỉu, nào là ông Luốc bạn đi hái củi và câu cá, mà có lần lưỡi câu ông Luốc mắc vào tai Bác, làm rách tai, nay còn vết sẹo. Bác vẫn nhớ như in tình làng nghĩa xóm, tình bạn tuổi thơ, nhớ mảnh đất quê hương nghèo mà giàu tình nghĩa.
Ra đi, Bác lại ân cần dặn dò đồng bào, đồng chí, từng việc cụ thể, Bác mong mọi người phải thi đua, để xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Cả dân tộc Việt Nam tự hào có Bác Hồ !
Người xứ Nghệ có quyền tự hào về Bác !
Để tưởng nhớ Bác, để không phụ công ơn và tình yêu của Bác đối với Tổ quốc, quê hương, bà con Nghệ An nguyện gương mẫu, thực hiện tốt hơn nữa Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét