Menu ngang

Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

Nhìn và đối chiếu với Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau 40 năm kháng chiến thắng lợi

  •   MẠCH QUANG THẮNG
  •  tăng kích thước chữ
Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất TƯ Đảng  đọc diếu văn tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh [Hà Nội 9.9.1969]Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất TƯ Đảng đọc diếu văn tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh [Hà Nội 9.9.1969]
Những dòng trăn trở trong Di chúc
Tại ngôi nhà sàn tọa lạc ở khu khuôn viên rộng của Phủ Chủ tịch (Hà Nội), khi nắng đã rải lên từng ngọn cây, mái nhà, “nhân dịp mừng 75 tuổi”[1]của mình (tr.611), Hồ Chí Minh viết một bức thư rất đặc biệt gửi lại cho hậu thế. Ao cá dầm chân những cây bụt mọc hắt chéo những tia nắng loang lên nhà sàn với cái nóng oi ả của đất trời Thủ đô. Tiếng ve râm ran dưới tán lá cây xà cừ cổ thụ và trên những cành phượng vĩ trĩu hoa đỏ chườm tràn sang những lối đi.
 Cuối bức thư, Hồ Chí Minh đề ngày 15-5-1965. Đây là bản tự tay Hồ Chí Minh đánh máy trên chiếc máy chữ Hermes baby. Từ đó đến năm 1969, là cái năm cuối cùng của cuộc đời mình, cứ vào dịp tháng Năm của đất trời Hà Nội đó, Hồ Chí Minh lại sửa chữa, bổ sung vào bức thư, năm nhiều, năm ít bằng viết tay, rồi sửa lại, thêm hoặc bớt bằng cả mực đỏ. Bức thư ấy, kể cả những đoạn sửa chữa, bổ sung các năm sau 1965 đến tháng 9 năm 1969, khi Hồ Chí Minh về Trời, và như chính bản thân Hồ Chí Minh viết trong thư là “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác” (tr.621), được Đảng Lao động Việt Nam gọi là Di chúc. Gọi là di chúc thì nói chung không sai về ý nghĩa, nhưng xét trên phương diện pháp lý thì không đúng. Hơn nữa, theo truyền thống ở Việt Nam, khi đã gọi là di chúc thì nó có ý nghĩa thiêng liêng lắm, không thể không thực hiện những lời để lại trong đó.
Xét về mặt văn bản học thì bức thư được công bố năm 1969 ngay sau khi Hồ Chí Minh qua đời là bản không đầy đủ. Mãi đến 20 năm sau, tức là năm 1989, toàn bộ những lời viết trong thư của Hồ Chí Minh từ năm 1965 đến năm 1969 mới được công bố một cách đầy đủ, có in cả bút tích. Lý do tại sao như vậy thì trong Thông báo của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI, số 151/TB-TW, ngày 19-8-1989, về một số vấn đề liên quan đến Di chúcvà ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nêu một số điểm[2]. Trong Thông báo này, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI “khẳng định bản Di chúc đã công bố (năm 1969) bảo đảm trung thành với bản gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”[3], đồng thời nêu thời gian mất của Hồ Chí Minh là ngày 3-9-1969 chứ không phải là ngày 2-9-1969; nêu những lý do cụ thể tại sao năm 1969 lại cho công bố bản di chúc chưa đầy đủ. Thực ra, tôi cho đó mới chỉ là một ý kiến. Còn ý kiến đó có sức thuyết phục được người đọc được hay không thì lại là một chuyện khác.
Trong bản đánh máy năm 1965, Hồ Chí Minh cho rằng: “Năm nay, tôi đã 75 tuổi. Tinh thần vẫn rất sáng suốt, thân thể vẫn mạnh khỏe” (tr.611). Nhưng, những năm sau, chắc chắn sức khỏe của Hồ Chí Minh có vấn đề. Chẳng hạn, trong đoạn bổ sung năm 1968, Hồ Chí Minh viết: “Năm nay, tôi vừa 78 tuổi, vào lớp những người “trung thọ”. Tinh thần vẫn sáng suốt tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây” (tr.615). Như vậy, tôi nhấn mạnh rằng, tuy thân thể của Hồ Chí Minh có yếu đi, nhưng tinh thần không ảnh hưởng lắm, nghĩa là Hồ Chí Minh viết thư này trong trạng thái tinh thần bình thường, sáng suốt.
Xem lại bút tích thư của Hồ Chí Minh và nhất là những đoạn sửa chữa, bổ sung, thì thấy rằng, Hồ Chí Minh viết với tâm trạng ngổn ngang đầy ưu tư. Về điểm này, trong Thông báo số 151/TB-TW ngày 19-8-1989 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI cũng cho rằng, “có một số câu Bác viết rồi lại xóa, hình như Bác đang cân nhắc, chưa coi là đã xong hẳn, chưa thật rõ ý Bác là thế nào”[4]. Tháng 5 năm 1968, Hồ Chí Minh xem lại và sửa chữa, bổ sung, có viết xen vào bằng mực đỏ giữa các dòng của phần về “Công việc đối với con người”, rồi lại gạch chéo để bỏ đi, không rõ bỏ đoạn viết cũ hay là bỏ đoạn viết mực đỏ (Sau này công bố năm 1989, để nguyên, không bỏ đoạn nào cả, nghĩa là lấy cả đoạn mực đen và lấy cả đoạn mực đỏ, lấy cả đoạn bị gạch chéo). Trong hồi ký của mình, Vũ Kỳ cho rằng, trong gần cuối phần Hồ Chí Minh viết về một số công việc sau chiến tranh thì “có một đoạn viết xong Bác đóng khung bên cạnh, không hiểu Bác muốn bỏ đoạn ấy hay muốn nhấn mạnh để người đọc chú ý”[5]. Trong những năm 1966 và 1967, Hồ Chí Minh không viết thêm những đoạn bổ sung như năm 1968 và năm 1969, có chăng chỉ thêm một câu hoặc sửa chữa chút ít, hoặc không viết gì thêm như Vũ Kỳ kể lại trong hồi ký của mình: “Có lúc, Bác đã cầm bút lên, rồi lại đặt xuống”[6].
Tôi cho rằng, khi viết những dòng thư đó, Hồ Chí Minh đầy trăn trở, suy tư thì dễ hiểu thôi. Bởi vì, lúc này cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đang diễn ra với mức độ gay go, ác liệt nhất, đặc biệt là sau Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đang phản công làm cho lực lượng cách mạng tổn thất lớn. Thêm nữa, tình hình phong trào cộng sản quốc tế, nhất là giữa Liên Xô và Trung Quốc, có sự bất đồng một cách nặng nề, gay gắt chưa từng có. Có thể thêm nữa rằng, trong Đảng Lao động Việt Nam đang có một số vấn đề nội bộ giải quyết rất phức tạp, nhất là qua sự kiện Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hànhTrung ương Đảng khóa III tháng 12 năm 1963 (có nội dung về chủ nghĩa xét lại) rồi sau đó qua việc xử lý cái gọi là “Nhóm chống Đảng”. Những năm nóng bỏng chiến tranh 1966-1967 đó đã diễn ra những trận giao tranh chiến sự ác liệt ở vùng đất phía nam Tổ quốc; hàng đàn máy bay Mỹ hằng ngày “leo thang” ném bom, bắn phá miền Bắc và đã ném bom xuống cả Thủ đô Hà Nội. Đó là những ngày thật sự căng thẳng cả trong và ngoài nước. Hồ Chí Minh có lúc ngồi xe có ngụy trang che mắt máy bay Mỹ để đến ngôi đền Côn Sơn (tỉnh Hải Dương) đọc bia Nguyễn Trãi rồi về nhà sàn ở Hà Nội viết Lời kêu gọi ngày 16-6-1966 truyền quyết tâm hừng hực khí thế chống Mỹ, cứu nước cho cả một dân tộc, đưa thêm tín hiệu cho thế giới biết rằng: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”[7].
Đã có rất nhiều sách và bài viết công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả những bài viết trên nhiều tạp chí khoa học chuyên ngành ở Việt Nam, liên quan đến thư/di chúc Hồ Chí Minh và việc thực hiện di chúc Hồ Chí Minh thời hậu chiến, nhất là đợt kỷ niệm 35 năm (2004), 40 năm (2009), và gần đây nhất là dịp 45 năm thực hiện di chúc Hồ Chí Minh (2014). Qua theo dõi, tôi thấy hầu hết những sách và bài đó đều viết về những mặt tốt, chưa đề cập những mặt chưa tốt trong quá trình thực hiện thư/di chúc Hồ Chí Minh. Như vậy là không công bằng. Nêu lên cái tốt để phát huy, nhưng cũng rất cần nêu lên những mặt chưa được để khắc phục. Một căn bệnh trầm kha của người Việt Nam hiện nay vẫn là “bệnh thành tích”. Viết và nói về những ưu điểm thì dễ lọt cái lỗ tai, và thậm chí có nói quá đi nữa thì vẫn chẳng sao. Nhưng, hễ nói và viết về những hạn chế, những sai lầm, khuyết điểm của Đảng, Nhà nước thì rất ngại, thậm chí còn bị “truy chụp” rất vô lối. Khen và chê không đúng danh và không đúng mức thì đều là những dấu trừ cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Thậm chí khen mà “bốc” lên thì đừng tưởng là làm lợi, trái lại chỉ làm hại Đảng mà thôi. Tôi nghĩ rằng, Đảng Cộng sản, Nhà nước và nhân dân Việt Nam cũng cần nhận rõ cả những sai lầm, khuyết điểm của mình để thúc đẩy sự nghiệp cách mạng Việt Nam phát triển chứ không thể cứ nói nhiều đến thành tích.
Thời gian đã trải…
1. Thống kê
Thư của Hồ Chí Minh ken dày những vấn đề hậu chiến. Hồ Chí Minh nêu lên nhiều nhóm vấn đề với nhiều cấp độ: có lúc thì “tin rằng”, có lúc thì nêu “mong muốn”,  nêu “ý định”,  nêu “cần phải”, nêu “yêu cầu”…
Ngoài việc nêu lên “điều mong muốn cuối cùng” của mình là “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[8](tr.624), Hồ Chí Minh nêu tập trung vào bảy vấn đề lớn mà toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam phải giải quyết [9]:
(i) Cuộc chống Mỹ, cứu nước.
(ii) Vấn đề khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh.
(iii) Vấn đề nâng cao đời sống cho nhân dân; miễn thuế nông nghiệp.
(iv) Vấn đề giải quyết công việc đầu tiên là đối với con người.
(v) Vấn đề chỉnh đốn Đảng.
(vi) Vấn đề đoàn kết quốc tế.
(vii) Về việc riêng, thực chất là thi hài Hồ Chí Minh.
2. Ngược thời gian
Trong bảy vấn đề mà Hồ Chí Minh nêu trong thư mà tôi thống kê ở trên đây, có một số vấn đề được Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam thực hiện tốt, thậm chí có vấn đề được thực hiện một cách xuất sắc. Nhưng có một số vấn đề lại được thực hiện một cách chậm chạp, thực hiện chưa tốt, thậm chí có vấn đề không thể thực hiện được hoặc có chủ ý ngay từ đầu là không thực hiện.
Về mặt chủ trương, với trách nhiệm là lực lượng lãnh đạo đất nước, Đảng có một số chỉ đạo thực hiện thư của Hồ Chí Minh. Chẳng hạn, ngày 29-9-1969, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 173-CT/TW về đợt sinh hoạt chính trị “Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch”[10]. Hội đồng Chính phủ cũng đã ra Nghị quyết hướng dẫn đợt “Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch” và đợt vận động “Mọi người làm việc, làm việc với năng suất lao động và hiệu suất công tác cao”[11]. Nhưng, chủ yếu đó mới chỉ nặng về nghiên cứu học tập di chúc và rồi các cuộc vận động thi đua yêu nước chưa đạt kết quả như chủ trương đề ra. Những công việc đặt ra thời hậu chiến quả là bộn bề, khó khăn, phức tạp như Hồ Chí Minh đã nêu trong thư. Có đoạn viết sau đây trong thư của Hồ Chí Minh rất đặc sắc nói lên điều đó: “Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân” (tr.617).
2.1. Cuộc chống Mỹ, cứu nước
Trong thư, Hồ Chí Minh tin rằng cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam chắc chắn sẽ thắng lợi hoàn toàn. Trong bản năm 1968, Hồ Chí Minh viết: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của nhiều người. Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.
Còn non, còn nước, còn người,
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!
Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà” (tr.612). Đến bản bổ sung ngày 10-5-1969, Hồ Chí Minh khẳng định lại: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn” (tr.618).
Thực tế lịch sử cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đã diễn ra đúng như dự đoán của Hồ Chí Minh. Nhân dân Việt Nam, do Đảng Lao động Việt Nam lãnh đạo, đã biến niềm tin của Hồ Chí Minh thành thực tế, đã biến cái có thể trở thành hiện thực, đã hoàn thành một cách xuất sắc lời mong muốn của Hồ Chí Minh với cái mốc lớn là thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc vào 11:30 ngày 30-4-1975.
Nhân đây, tôi muốn muốn bình luận một chút về cuộc chiến ở Việt Nam 1954-1975.
Cuộc chiến tranh đến năm 1975 mà chiến thắng thuộc về Đảng cộng sản Việt Nam được ghi dấu ấn đậm nét vào lịch sử dân tộc thì đến nay đã có lớp bụi phủ của 40 năm. Gọi tên cuộc chiến tranh này là gì đây? Đảng Cộng sản Việt Nam và rất nhiều người Việt Nam gọi đó là “Cuộc chống Mỹ, cứu nước”. Hồ Chí Minh cũng gọi như vậy trong thư cuối cùng của mình để lại cho “toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng…, các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế” (tr.624). Một số người lại cho rằng, đó là “Cuộc nội chiến”, với cái nghĩa là chiến tranh huynh đệ tương tàn, là nồi da nấu thịt, là người Việt Nam đánh người Việt Nam.
Có phải đó là cuộc nội chiến?
Thoạt nhìn bề ngoài thì thấy rằng, gọi đó là cuộc nội chiến – không sai. Thì đó. Có hai chế độ chính trị khác nhau ở hai miền Nam, Bắc. Và trong Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương thì sau hai năm, tức là đến tháng 7 năm 1956, hai miền phải tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Việc không thành. Hai phía đổ lỗi cho nhau. Mỹ và chính quyền Sài Gòn đại diện cho hai trong chín bên ký vào bản Hiệp định đình chiến của Hội nghị Giơnevơ năm 1954 nhưng lại không tán thành bản Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị đó. Chiến tranh đã xẩy ra[12]. Nhưng, ở đây một số người gọi đó là cuộc nội chiến với ý là: đó là cuộc chiến của một bên là của chính quyền Sài Gòn với sự giúp sức của Mỹ, với một bên là của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được sự giúp sức của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Cái kết cục ngày 30-4-1975 cho đến nay, thì một bên hằng năm kỷ niệm một cách long trọng, thậm chí có một số năm chẵn còn mít tinh, duyệt binh, diễu binh, diễu hành, bắn pháo hoa…, thường lấy ngày đó gộp liền vào ngày 1-5 làm thành chuỗi ngày nghỉ lễ. Một số người khác thì lấy đó là ngày “quốc hận”, tâm lý này có cả ở một số cộng đồng người gốc Việt Nam xa xứ. Ngày đó đã xác nhận một tâm lý dân tộc, như ông Võ Văn Kiệt – cố Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, cố Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người có vợ và các con bị bom đạn Mỹ giết hại, có một con trai là liệt sĩ chống Mỹ – đã nói, là có hàng triệu người vui và hàng triệu người buồn. Không ở đâu trên thế giới này như ở đất nước Việt Nam, tâm trạng giằng xé đó lại hiện diện trong nhiều gia đình, nghĩa là trong cùng một nhà mà vừa có người tham gia phía cách mạng và vừa có người tham gia phía chính quyền Sài Gòn. Tôi đã chứng kiến vào năm 1974 ở vùng “da báo” Quảng Trị sau Hiệp định Pari. Ở đó, có những cuộc chơi bóng chuyền mà người của cả hai bên đều chơi chung một trận: bên Quân Giải phóng và bên Quân đội Sài Gòn. Chơi để mà chơi, giành thắng lợi theo đúng tinh thần thể thao Ôlimpíc, không cay cú. Tôi nhìn cảnh đó thấy thật đẹp nhưng có cái cảm giác quá đau. Người cùng một làng đấy! Có khi lại còn có quan hệ họ hàng nữa. Lúc đánh bóng chuyền thì thành một khối của cuộc chơi, nhưng bên trong sâu thẳm thì là một trời một vực, là hai chiến tuyến, một mất một còn.
Tôi cho rằng, không phải là cuộc nội chiến.
Đúng là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến hành cuộc chống Mỹ được sự giúp sức của Liên Xô, Trung Quốc và các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, nhưng thực sự đó là cuộc chiến đấu của chính bản thân nhân dân Việt Nam, không có sự tham gia trực tiếp của người nước ngoài nào. Đường lối chính trị, quân sự, kế hoạch tác chiến…đều là của Đảng Lao động Việt Nam. Còn chính quyền Sài Gòn thì lại khác, thực chất cuộc chiến là của Mỹ, quân Mỹ trực tiếp tham chiến với sự tham gia của quân đội Sài Gòn (và cả quân của một số nước khác nữa). Chính quyền Sài Gòn là chính quyền bị phụ thuộc vì Mỹ mới là người điều khiển cuộc chiến tranh xâm lược. Cho nên, về nghĩa nào đó, không sai khi gọi đó là “chính quyền tay sai”. Chẳng thế mà năm 1963 khi Tổng thống chính quyền Sài Gòn Ngô Đình Diệm không hợp với chính phủ Mỹ nữa thì Mỹ đã bật đèn xanh cho cuộc đảo chính giết chết anh em Ngô Đình Diệm-Ngô Đình Nhu để dựng nên một chính phủ khác. Về mặt pháp lý, khi ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27-1-1973, là bốn bên ký: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng hòa, Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Bốn bên nhưng hình thù hai bên đều lộ rõ: bên cách mạng Việt Nam và bên Hoa Kỳ có sự giúp sức của phía Sài Gòn, chứ không phải hai bên theo nghĩa nội chiến: bên Việt Cộng và bên chính quyền Sài Gòn.
Chỉ có điều là cuộc chiến tranh này đã lùi xa 4 thập niên, song những nỗi đau vẫn còn đó, cả nỗi đau về vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc. Cái tinh thần “đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà” (tr.623) được Hồ Chí Minh nêu trong bức thư cuối cùng, tuy hai miền đã được thống nhất, nhưng tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc hình như còn một số vấn đề vẫn ở phía trước. Những người hay tìm hiểu, nghiên cứu về con người Hồ Chí Minh thì đều biết chữ hòa của Hồ Chí Minh, đều biết tư tưởng hòa hiếu, bao dung, nhân ái của Hồ Chí Minh. Trong cái ý tưởng, lòng tin “đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà” sau khi kết thúc cuộc chống Mỹ, cứu nước đó, chắc chắn có chỗ đứng xứng đáng cho sự hòa hợp, hòa giải dân tộc (Tôi sẽ trở lại vấn đề này ở mục sau của bài viết).
2.2. Vấn đề khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh
Đây là một nhiệm vụ đặt ra cho bất cứ thời hậu chiến nào của một quốc gia nhưng ở Việt Nam những năm tháng sau 30-4-1975 lại chậm được thực hiện. Chậm là bởi vì những điều Hồ Chí Minh dặn lại và mong muốn nhưng sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, Đảng không thực hiện ngay như hàn gắn những vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra, nói rộng ra là khôi phục kinh tế, văn hóa-xã hội sau chiến tranh. Trước đây, trong thời kỳ 1954-1957, Đảng đã có hẳn chủ trương lớn là tiến hành khôi phục kinh tế-văn hóa sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc Việt Nam. Với hơn 3 năm thực hiện chủ trương khôi phục kinh tế, văn hóa, miền Bắc đã được củng cố và phát triển về nhiều mặt, khắc phục được những hậu quả của chiến tranh tàn phá. Lần này, sau thắng lợi 30-4-1975, những chủ trương, biện pháp khôi phục kinh tế, văn hóa, hàn gắn các vết thương chiến tranh cũng có nhưng chưa thực sự đủ độ quan trọng như tinh thần của những năm 1954-1957 ở miền Bắc trước đây. Đã thế, Đảng còn áp dụng những biện pháp máy móc, rập khuôn hình mẫu miền bắc vào trong việc cải tạo công thương nghiệp tư bản và hợp tác hóa nông nghiệp cho miền nam. Cũng nên nhấn mạnh rằng, những vết thương chiến tranh do đế quốc Mỹ gây nên cho Việt Nam là quá nặng nếu so với những vết thương do thực dân Pháp trước đây gây ra.
Giải thích cho điều này thì có thể nêu lên là bởi tư tưởng chưa nhạy bén, kịp thời của Đảng khi chuyển giai đoạn; là bởi tư tưởng chủ quan, nóng vội, duy ý chí cho rằng thắng lợi rồi thì chuyển thật nhanh lên chủ nghĩa xã hội; là bởi nhận thức chưa đúng, chưa tôn trọng quy luật khách quan (mà đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng tháng 12-1986 đã nghiêm khắc chỉ ra). Chiến tranh đã làm hỏng nhiều thứ: thiệt hại về người và của, di chứng cho nhiều thế hệ, nhưng cái cần chú ý là chiến tranh cũng để lại những hệ lụy về tư duy mà một số cán bộ lãnh đạo, quản lý của đất nước không thoát được nhanh. Đã bao nhiêu năm, khói lửa chiến tranh trùm lên đất nước, quy luật nghiệt ngã của chiến tranh phối lên tất cả những hoạt động chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa-xã hội, quân sự, an ninh, đối ngoại. Nhưng, khi tiếng súng đã dứt, quy luật vận hành của một chế độ chính trị, một xã hội thời bình đã khác mà ở Việt Nam lại chuyển chưa kịp để tương thích với nó.
Đó là về mặt chủ quan. Về mặt khách quan cho chúng ta hiểu rõ thêm nguyên nhân của tình hình đó. Ngay sau 30-4-1975, sự viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên Xô, Trung Quốc đã cắt giảm đột ngột và cắt giảm quá nhiều. Tình hình thế giới phức tạp có nhiều điểm bất lợi cho cách mạng Việt Nam: Mỹ bao vây, cấm vận; chiến tranh ở biên giới Tây-nam do bè lũ diệt chủng Khmer đỏ được các thế lực bành trướng Trung Quốc tiếp sức gây ra; đồng thời ở biên giới phía bắc, Việt Nam phải trực tiếp chiến đấu bảo vệ đất nước trước sự xâm lăng với cái tính ngạo mạn, cuồng chiến và ngang ngược của Trung Quốc, v.v.
Tất cả những nguyên nhân đó, mà nguyên nhân từ chủ quan là chủ yếu, đã dẫn tới khủng hoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng ở Việt Nam trong khoảng 15 năm sau chiến tranh (1975-1990).
2.3. Vấn đề nâng cao đời sống cho nhân dân; việc miễn thuế nông nghiệp
Trong thư, bản tự đánh máy năm 1965, Hồ Chí Minh viết: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng” (tr.612).
Hồ Chí Minh không phải là người đầu tiên phát hiện ra sức mạnh vĩ đại của nhân dân, nhưng là người nâng vấn đề ấy lên ở tầm nhận thức mới. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh thì dân đứng ở vị trí tối thư­ợng trong cấu tạo hệ thống quyền lực của đất nư­ớc. Hồ Chí Minh có quan điểm nhất quán: mọi quyền hạn đều của dân; chính quyền từ cơ sở đến trung­ ương đều do dân cử ra. Điều này hoàn toàn phù hợp với cấu trúc xã hội hiện đại. Tất cả mọi hoạt động của hệ thống chính trị đều phải nhằm vào lợi ích của dân. Đây là quan điểm mà Hồ Chí Minh nói và viết rất nhiều trong tất cả các thời kỳ của cách mạng (Chẳng hạn, những câu nh­ư: việc gì có lợi cho dân, dù nhỏ cũng cố gắng làm, việc gì có hại cho dân dù nhỏ cũng phải hết sức tránh; phải làm cho dân có ăn, phải làm cho dân có mặc, phải làm cho dân được học hành; Đảng không có mục đích nào khác là vì lợi ích của nhân dân; nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi; Đảng và Chính phủ phải lo tương cà mắm muối cho nhân dân, v.v.). Trong suốt những năm làm Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh luôn luôn ý thức được chức Chủ tịch của mình do đâu mà có và sử dụng quyền lực đó cho ích quốc lợi dân. Hồ Chí Minh hay nói đến vị trí, quan hệ của cán bộ, đảng viên đối với dân, đặt cán bộ vào vị trí vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân, thậm chí còn coi Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên là “trâu ngựa”[13]của dân.
Đặc biệt, Hồ Chí Minh đề cập đến một khối cư dân đông đảo trong một đất nước nông nghiệp, một đội quân cùng với giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức làm nên cốt lõi và chủ lực của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đó là nông dân: “Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất” (tr.617).
Thực ra, số lượng kinh phí thu được từ thuế nông nghiệp đóng cho ngân sách nhà nước hằng năm bởi các hợp tác xã nông nghiệp ở miền Bắc Việt Nam không lớn. Có lẽ đây chỉ là quan điểm của Hồ Chí Minh học từ truyền thống đẹp của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam trước đây đề ra và thực thi chính sách nới sức dân, an dân sau những năm tháng nhân dân phải đóng góp nhiều sức người sức của cho cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Thế nhưng, đáng tiếc là điều này lại được thực hiện rất muộn, mãi năm 1989, tức là sau 20 năm công bố thư của Hồ Chí Minh. Đã gọi thư của Hồ Chí Minh là di chúc, như trên tôi đã đề cập, là mang cả ý nghĩa rất thiêng liêng – không thể không thực hiện và phải được chấp hành một cách tuyệt đối. Trong Thông báo số 151/TB-TW ngày 19-8-1989 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, có lời giải thích: “Về việc miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp, trước đây chưa có điều kiện thực hiện. Nay mặc dù tình hình kinh tế-xã hội nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VI) thấy cần có kế hoạch thực hiện điều mong muốn ấy của Bác. Bộ Chính trị giao cho Hội đồng Bộ trưởng trình Quốc hội thực hiện việc này”[14]. Giải thích như thế có sức thuyết phục?
Là một người suốt đời lo cho nước, cho dân, cuối đời, trong bức thư cuối cùng để lại, Hồ Chí Minh tiếp tục nhấn mạnh: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân” (tr.612). Hồ Chí Minh lưu ý thực hiện những nhiệm vụ của thời hậu chiến, tức là sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước đã giành được thắng lợi, đó là “Đầu tiên là công việc đối với con người” (tr.616). Đây là những lời dặn dò thể hiện tình nhân ái bao la, chủ nghĩa nhân văn trong sáng của Hồ Chí Minh, sự biểu cảm của tư duy người cách mạng suốt đời hết lòng hết sức chăm lo đến đời sống của tất cả mọi người, đặc biệt là đối với những người thuộc vào loại dễ bị tổn thương.
Hồ Chí Minh cho rằng, đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Hồ Chí Minh còn căn dặn một cách cụ thể hơn nữa: đối với cha mẹ, vợ con của thương binh và liệt sĩ thiếu sức lao động mà túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ đói rét. Vẫn mạch tư duy thấm đượm chủ nghĩa nhân văn, Hồ Chí Minh viết tiếp trong thư: những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc, vì đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Đối với phụ nữ, Hồ Chí Minh viết: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ” (tr.617). Còn đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu, v.v. thì Nhà nước vừa phải dùng giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện.
Trong thư, Hồ Chí Minh căn dặn về kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh; khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế; phát triển công tác vệ sinh, y tế; sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân; củng cố quốc phòng, chuẩn bị mọi việc để thống nhất Tổ quốc.
Ngay từ năm 1945, khi nước nhà vừa mới giành được độc lập, Hồ Chí Minh nêu lên một quan điểm bất hủ: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[15]. Hồ Chí Minh còn nói rõ thêm cho quan điểm này: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”[16]. Việt Nam là một nước chịu hậu quả vô cùng nặng nề của chiến tranh khốc liệt. Để giành được cành nguyệt quế trong chiến tranh giải phóng, nhân dân Việt Nam đã chịu cảnh núi xương sông máu. Hàng triệu chiến sĩ đã ngã xuống trên khắp các chiến trường, trong đó còn rất nhiều người chưa tìm thấy hài cốt[17]; hàng triệu người dân bị chết, bị thương, bị chịu hậu quả chất độc điôxin; hàng loạt thành phố, làng bản, cơ sở kinh tế, văn hóa bị tàn phá, v.v. Sau cuộc chiến đấu chống Mỹ xâm lược, đất nước Việt Nam tưởng được bình yên và rất xứng đáng được hưởng nền hòa bình, nhưng trớ trêu thay, lại không như vậy. Quân và dân Việt Nam lại buộc phải cầm vũ khí và buộc phải hy sinh cho cuộc chiến đấu chống xâm lược ở biên giới phía Tây-nam và biên giới phía bắc với quân Khme đỏ và với quân bành trướng Trung Quốc.
Cuộc “chiến đấu khổng lồ” như Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong bức thư đã hiện diện ngày càng rõ hơn ở mức độ và tính chất phức tạp của nó. Trong hoàn cảnh đó, hơn 40 năm qua, Việt Nam đã tiến những bước dài về chăm lo cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân. Mức sống cả về vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Điều đáng chú ý nhất ở một nước nông nghiệp là lo lương thực, thực phẩm cho khoảng 90 triệu con người, thì từ chỗ thiếu ăn, Việt Nam đã vươn lên bảo đảm được, không những thế còn đứng vào những “cường quốc” xuất khẩu gạo trên thế giới. Việt Nam được Liên hợp quốc và các cộng đồng quốc tế khác đánh giá cao trong việc đạt được nhiều mục tiêu thiên niên kỷ, đặc biệt là có hiệu quả tốt đối với xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh coi trọng tăng trưởng kinh tế, Việt Nam luôn nhấn mạnh sự phát triển bền vững, trong đó có việc tăng trưởng đi đôi với sự tiến bộ và công bằng xã hội, với thực thi những chính sách xã hội, chăm lo đến sự phát triển con người.
Cả nước đã thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ về việc ghi nhớ công lao của các thế hệ cha ông trong các cuộc kháng chiến và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đất nước Việt Nam trải qua những năm tháng cam go của chiến tranh, mà có thể nói rằng, hầu như không gia đình nào là không có sự hy sinh mất mát. Việc phong tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng”; những nghĩa trang liệt sĩ được xây dựng, tôn tạo; những cuộc quy tập mộ liệt sĩ trong những năm qua chính là sự tri ân của các thế hệ người Việt Nam đối với những người đã cống hiến sức lực, trí tuệ, tính mạng cho sự phát triển của dân tộc.
Đất nước năng động bước vào công cuộc xây dựng Tổ quốc, thực hiện lời mong muốn của Hồ Chí Minh trong thư:
Còn non, còn nước, còn người,
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay” (tr.612)
Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đổi mới, hội nhập quốc tế…đã đưa Việt Nam thoát khỏi nhóm các nước nghèo để bước vào nhóm các nước phát triển trung bình. Tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ ngày càng lớn; nông thôn, nông nghiệp, nông dân là mặt trận mà cả hệ thống chính trị đất nước đang chăm lo phát triển, đặc biệt là việc xây dựng nông thôn mới làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần tích cực cải thiện đời sống cho nông dân. Ngoài phát triển kinh tế, sự nghiệp văn hóa-xã hội phát triển mạnh; sự nghiệp giáo dục, chăm lo sức khỏe cho con người được chú ý và có sự tiến bộ vượt bậc; nhiều giá trị mới tích cực, tiến bộ trong những giai đoạn, thời kỳ cách mạng mới đã hình thành và phát huy tác dụng thúc đẩy đất nước phát triển. Sự phát triển của đất nước trong những năm qua vừa nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, vừa góp phần quan trọng vào việc nâng cao tiểm lực quốc phòng, an ninh cho đất nước để đáp ứng yêu cầu ngày cao cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Song, tốc độ phát triển của Việt Nam còn quá chậm, tụt hậu không còn ở mức nguy cơ nữa mà là hiện hữu rồi. Đời sống của nhân dân được cải thiện nhưng vẫn chậm, nhất là những bộ phận nhân dân ở vùng núi, vùng xa, vùng có nhiều thiên tai. Nhiều giá trị văn hóa tinh thần, đạo đức, lối sống tốt đẹp bị làm hoen ố. Không đơn thuần so sánh với chính bản thân mình, mà so với một số nước trong khu vực Đông Nam Á có cùng mức độ phát triển kinh tế với Việt Nam ở những năm 50-60-70 của thế kỷ XX thì đến nay nhiều nước đó đã có những bước phát triển vượt bậc, bỏ khá xa Việt Nam. Vẫn còn đó những hạn chế, khuyết điểm. Đó là những khó khăn do tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới, và cũng cần nhắc lại khó khăn nữa, đó là tác hại vô cùng lâu dài và khắc nghiệt của chiến tranh, bởi vì nếu không có sự xâm lược của đế quốc, thực dân thì Việt Nam đã có thể sánh vai với các cường quốc năm châu từ lâu rồi. Vẫn còn đó bốn nguy cơ mà Đảng nhận rõ năm 1994 trong Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Đại hội VII (Nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn về kinh tế; nguy cơ về “diễn biến hòa bình”; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nguy cơ tham nhũng, tiêu cực).
2.4. Vấn đề giải quyết công việc đầu tiên là đối với con người
Trong 40 năm, đất nước Việt Nam đã giải quyết tương đối tốt việc đền ơn đáp nghĩa. Trên thực tế, các “gia đình chính sách”, các thương binh, các bà mẹ Việt Nam anh hùng đã nhận được sự quan tâm từ các tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội cùng toàn thể nhân dân. Nói theo cách nói hiện nay thì đã được “xã hội hóa”. Việc giải quyết đưa đi học nghề, tạo việc làm cho những người tham gia chiến tranh cũng đã được chú ý, tuy kết quả không thật lớn, nhiều người thời hậu chiến vẫn gặp nhiều khó khăn.
Thời hậu chiến dễ tạo ra cho những người chiến thắng tâm lý chủ quan. Thường là kẻ chiến thắng hay dùng chiến dịch “tắm máu”. Ở đây, trên mảnh đất Việt Nam này sau 30-4-1975, may thay, cũng giống như ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, không có điều đó. Song, vẫn còn một số biện pháp sai lầm, không phù hợp. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ở Việt Nam không có những đợt buộc người “ở phía bên kia” đi học tập, cải tạo. Nhưng, sau 30-4-1975 thì lại có. Lịch sử lùi xa, lớp bụi của thời gian có thể phủ mờ những điều gì đó nhưng lại làm sáng rõ nhiều điều về nhận thức, về tư duy của nhiều người lãnh đạo. Lịch sử 40 năm đã minh chứng cho một điều rằng, không nên đưa những người thuộc “phía bên kia” đi cải tạo như cái cách đã làm. Trong một số năm, sai lầm này góp phần làm một số vết thương chiến tranh không những không sớm được chữa trị cho lành lặn mà còn làm cho lở loét thêm; cái hố hòa hợp, hòa giải dân tộc bị làm cho rộng ra và bị sâu hơn; dòng người di tản khỏi đất nước bị cuộn dài hơn, bị dai dẳng hơn.
2.5. Vấn đề chỉnh đốn Đảng
Mỗi khi đất nước có thành tựu và cả khi đất nước có khó khăn thì Đảng đều thấy rõ nhân tố tác động của chính bản thân mình. Lúc đó, Đảng nhận thành tích về mình và nhận cả trách nhiệm sai lầm, khuyết điểm của bản thân mình. Và, trong quá khứ, Đảng đã có một số cuộc chỉnh đốn bản thân mình. Lần này, với dự đoán tình hình chuyển bước ngoặt sau thắng lợi của cuộc chống Mỹ, cứu nước, Hồ Chí Minh viết trong thư: “Trước hết nói về Đảng” (tr.611), “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng” (tr.616). Mãi mấy chục năm sau, Đảng mới khẳng định trong các văn kiện của mình ý nghĩa quan trọng của vấn đề xây dựng Đảng với cụm từ “xây dựng Đảng là then chốt”. Rồi sau này, trong mỗi nhiệm kỳ, Đảng cũng đã có nhiều nghị quyết chuyên về công tác xây dựng Đảng, nổi bật nhất là Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) năm 1999 khóa VIII và Nghị quyết Trung ương 4 năm 2012 khóa XI nêu một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng. Như vậy, nhận thức trong tư duy và trong hành động về chỉnh đốn Đảng là có chậm so với mong muốn của Hồ Chí Minh khi viết trong thư.
Trong thư, Hồ Chí Minh đề cập vấn đề đoàn kết trong Đảng; vấn đề thực hành dân chủ rộng rãi; vấn đề thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; vấn đề đạo đức cách mạng của đảng viên và cán bộ; vấn đề sự trong sạch của Đảng, xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân; vấn đề Đảng phải chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; vấn đề trách nhiệm của Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Tôi cho rằng, những vấn đề của nỗi niềm trăn trở mà Hồ Chí Minh thường trực canh cánh bên lòng khi đề cập vấn đề chỉnh đốn Đảng là những vấn đề cấp bách, cực kỳ thiết thực.
Trong thực tế, việc thực hiện điều mà Hồ Chí Minh mong muốn về chỉnh đốn Đảng trong thư chưa thật sự đáp ứng yêu cầu.
Sau lời thề tại Lễ truy điệu Hồ Chí Minh sáng ngày 9-9-1969 thể hiện trong Điếu văn do Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn đọc “Hết lòng hết sức giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, làm hạt nhân cho khối đoàn kết toàn dân, bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam hoàn toàn thắng lợi”[18]là một số chủ trương triển khai công tác xây dựng Đảng.
Có thể nêu lên một số:
- Chỉ thị của Bộ Chính trị số 173/CT-TW ngày 29-9-1969 về đợt sinh hoạt chính trị “Học tập và làm theo Di chúccủa Hồ Chủ tịch”.
- Chỉ thị của Thường vụ C69 (tức là của Trung ương Cục miền Nam) số 126/CTNT ngày 20-10-1969 mở đợt phát động “Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch”.
- Công văn của Ban Bí thư Trung ương Đảng số 36/CT-TW ngày 4-11-1969 gửi các ban, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, khu, thành, tỉnh ủy về việc triển khai các đợt sinh hoạt chính trị.
- Nghị quyết của Bộ Chính trị số 195/NQ-TW ngày 6-3-1970 về cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên và kết nạp đảng viên Lớp Hồ Chí Minh”.
- Chỉ thị của Ban Bí thư số 175/CT-TW ngày 14-4-1970 hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên và kết nạp đảng viên Lớp Hồ Chí Minh.
- Chỉ thị của Ban Bí thư số 192/CT-TW ngày 26-10-1971 về việc đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng trong cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên và kết nạp đảng viên Lớp Hồ Chí Minh.
Những vấn đề trên đây có thể nói là phần nào liên quan đến chỉnh đốn Đảng, nhưng thực ra để thực hiện cho tốt những điều viết về Đảng trong thư của Hồ Chí Minh thì còn chưa đạt yêu cầu. Công tác đổi mới và chỉnh đốn Đảng, hay là công tác xây dựng Đảng nói chung theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có việc thực hiện những điều cụ thể nêu trong thư của Hồ Chí Minh, vẫn còn ở phía trước. Đang còn đó những vấn đề như đoàn kết trong Đảng, vấn đề tự phê bình và phê bình, vấn đề “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” (tr.622), vấn đề làm trong sạch Đảng, vấn đề phẩm chất và năng lực, đạo đức cách mạng của đảng viên và cán bộ, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ cán bộ cách mạng, vấn đề trách nhiệm của một Đảng cầm quyền đối với đời sống của nhân dân. “Giặc nội xâm” theo cách gọi của Hồ Chí Minh, không những chưa được dẹp bỏ được bao nhiêu mà còn nghiêm trọng hơn, v.v. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống vẫn còn nhiều năm nay mà chưa khắc phục được. Sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn hiện nay và nhìn xa khoảng 10 năm, 20 năm tới, việc xây dựng Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn rất cần có sự nhận thức thêm và cần có sự thực hiện một cách tích cực hơn, mạnh mẽ hơn theo những quan điểm của Hồ Chí Minh để chặn được quá trình suy thoái của Đảng.
2.6. Vấn đề đoàn kết quốc tế
Sau khi Hồ Chí Minh qua đời, tình đoàn kết trong phong trào cộng sản quốc tế vốn bị sứt mẻ nghiêm trọng từ trước vẫn không được cải thiện. Đặc biệt là mâu thuẫn Liên Xô-Trung Quốc đã lên tới đỉnh điểm vì có sự đụng độ quân sự ở biên giới hai nước đó. Việc này có nhiều lý do, do nhiều hoàn cảnh khác nhau, mà Đảng không thể thực hiện được như trong thư Hồ Chí Minh viết năm 1965: “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em! Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình. Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại” (tr.613).
Niềm "tin chắc” của Hồ Chí Minh đã không hiện hữu thời hậu chiến khi hàng loạt sự kiện xấu sau đấy xảy ra trong phong trào cộng sản quốc tế. Đó là: Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn mâu thuẫn gay gắt; một số quái thai mới tiếp tục nảy sinh trong phong trào cộng sản; hệ thống xã hội chủ nghĩa bắt đầu bước vào những giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng.
Đặc biệt là Trung Quốc bộc lộ một cách công khai thái độ thù địch với Việt Nam, thậm chí cho quân xâm lược Việt Nam; hiện nay vẫn tiếp tục với thái độ như vậy, tuy nhiên núp dưới lời lẽ rất mỹ miều. Một “Giấc mơ châu Á - Thái Bình Dương” của Trung Quốc tưởng là đem lại hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển nhưng lại là đang đe dọa chính những điều đó đối với khu vực và thế giới.
Máu của người Việt Nam đã thấm đỏ ở Hoàng Sa năm 1974 trước hành động ăn cướp của Trung Quốc. Máu của các chiến sĩ Việt Nam chống quân xâm lược Trung Quốc đã thấm đượm ở mảnh đất vùng biên cương phía bắc năm 1979 và các năm sau đó, đặc biệt là ở Vị Xuyên của tỉnh Hà Giang năm 1984. Tháng 3-1988, Trung Quốc xâm lược các bãi cạn trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam (các bãi Châu Viên, Chữ Thập, Gạc Ma, Gaven, Tư Nghĩa, Subi) và máu của 64 chiến sĩ Gạc Ma trên tàu HQ 604 đã hòa vào nước biển mặn mòi quê hương trước khi đảo ngầm rơi vào tay quân xâm lược Trung Quốc. Ngày 7-5-2009, Trung Quốc tuyên bố về yêu sách đường chữ U (đường "lưỡi bò") chín đoạn chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông. Ngày 25-6-2011, Trung Quốc dùng tàu hải giám quấy nhiễu và cắt cáp ngầm của tàu Bình Minh 2 đang hoạt động thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tháng 6-2012, Trung Quốc ngang nhiên mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trung Quốc luôn luôn cản trở hoạt động hợp tác khai thác dầu khí của Việt Nam với các công ty nước ngoài. Ngày 22-6-2012, Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ngày 1-5-2014, Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tháng 6-2014, Trung Quốc đưa vào hệ thống đăng ký quyền sử dụng đất đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 26-6-2014, Trung Quốc vẽ lại bản đồ quốc gia theo khổ dọc với đường 10 đoạn chiếm hơn 90% diện tích Biển Đông. Biển Đông đang trở thành một điểm nhấn của giấc mơ với "đường lưỡi bò" như cái ao nhà của Trung Quốc. Cú lừa-cái bẫy "Châu Á của người châu Á" và “Con đường tơ lụa trên biển” đang dăng ra. Trung Quốc muốn dọn đường tơ lụa bằng cách đã ăn cướp các đảo của Việt Nam ở Trường Sa rồi cải tạo bằng cách đổ thêm đất đá, bê tông xây sân bay ở đó, hành động này còn nguy hiểm hơn nhiều so với hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Và, coi chừng đến lúc nào đó, Trung Quốc sẽ còn lập khu nhận dạng phòng không ADIZ ở Biển Đông như Trung Quốc đã tuyên bố lập ngày 23-11-2013 bao trùm lên cả quần đảo Điếu Ngư/Senkaku mà Trung Quốc tuyên bố có tranh chấp chủ quyền vớiNhật Bản và bãi đá ngầm Socotra mà Trung Quốc tranh chấp với Hàn Quốc[19]. Được như thế thì Trung Quốc sẽ có khả năng chiếm trọn Biển Đông cả vùng biển, vùng trời, thềm lục địa, vùng đặc khu kinh tế.
Cái điều mà Hồ Chí Minh viết trong thư với cụm từ “các đảng anh em” với nghĩa là cùng một ý thức hệ, thì Trung Quốc đã không coi trọng.
Khoảng gần 20 năm sau khi Hồ Chí Minh qua đời, hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới bị cuốn vào những trận cuồng phong chính trị dữ dội chưa từng có trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Các đảng cộng sản cầm quyền ở các nước Đông Âu tan rã, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới không còn. Đến nay, ai là người lạc quan nhất về phong trào cộng sản quốc tế thì vẫn còn rất e dè để nói về tình hình sáng sủa của phong trào đó. Sự mong muốn và niềm tin của Hồ Chí Minh nêu lên trong thư vẫn còn treo lại. Đảng Cộng sản Việt Nam, do hoàn cảnh, không thể nào thực hiện được những lời “mong” và “tin chắc” của Hồ Chí Minh ghi trong thư.
2.7. Về việc riêng, thực chất là thi hài của Hồ Chí Minh
Trong thư, Hồ Chí Minh viết nhiều về việc riêng. Riêng, nhưng lại mang ý nghĩa đại sự, là cái chung cho nhân cách, cho hậu thế, mà hiện nay toàn Đảng Cộng sản Việt Nam đang cố gắng học tập. Không biết đã có nhiều đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay đã đạt được cái điều như Hồ Chí Minh bày tỏ chưa. Hồ Chí Minh viết đoạn bổ sung năm 1968 trong thư: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa” (tr.615). Hối hận thì không hối hận, nhưng tiếc thì có. Tiếc không phải là tiếc chưa được ăn ngon, mặc đẹp, chưa được sở hữu nhà lầu, xe hơi, chưa có vợ đẹp con khôn…mà tiếc là tiếc không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Đó là sự tiếc của bậc đại nhân, đại trí, đại dũng, là xử sự của nhân vật kiệt xuất Hồ Chí Minh.
Không phải là ngẫu nhiên khi đề cập việc riêng, trong đó có vấn đề liên quan đến thi hài của mình khi qua đời, Hồ Chí Minh cứ bổ sung nhiều lần. Suy đoán thì vẫn là suy đoán. Có thể bản thân Hồ Chí Minh dự đoán rằng, có khi hậu thế sẽ ứng xử với thi hài của bản thân mình không như những người bình thường khác. Và quả nhiên như vậy. Thông báo của Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa III số 14 ngày 4-12-1969 cho biết: Trong phiên họp sáng ngày 29-11-1969, Bộ Chính trị đã bàn và quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng lăng mộ của Người. Cố gắng làm nhanh, làm tốt và sớm xây dựng xong lăng mộ để đồng bào ta có thể viếng và chiêm ngưỡng Hồ Chủ tịch trong năm 1971”[20]. Thông báo của Ban Bí thư sau đó nêu lên ý kiến của Bộ Chính trị nhiều điểm rất chi tiết liên quan đến việc này.
Cho đến nay, đã có ý kiến cho rằng, việc đó không đúng với tinh thần và mong muốn của Hồ Chí Minh và cũng không phù hợp với truyền thống tâm linh của người Việt Nam. Khi viết những lời trong thư về việc xử lý thi hài của mình, Hồ Chí Minh dùng hai chữ “yêu cầu”, đó là mức độ đòi hỏi rất cao chứ không phải ở mức độ là “đề nghị” và càng không phải là mức độ “mong muốn”. Hơn nữa, sau này Đảng gọi đó bản Di chúc thiêng liêng v.v..
*
*      *
Năm qua đi. Tháng qua đi. Đất nước Việt Nam đã tiến những bước dài trên con đường phát triển. Không ai có thể đoán trước được một cách chính xác những điều gì sẽ xảy ra đối với dân tộc Việt Nam, một dân tộc không may mắn vì phải trải qua những cuộc chiến tranh liên miên, một dân tộc quả cảm, đầy năng động. 40 năm hậu chiến là quãng thời gian không dài so với lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc, nhưng đó là quãng thời gian đầy biến động của thế giới và của đất nước. 40 năm hậu chiến đó cũng có thể coi là sự mở đầu cho những chặng đường cam go phía trước mà giới tinh hoa của đất Việt cần phải rút ra nhiều kinh nghiệm xử trí. Chưa bao giờ sự phát triển của Việt Nam lại bị thử thách nghiệt ngã như giai đoạn hiện nay. Cũng chưa bao giờ tâm lý của con người Việt Nam lại bị kích cứa bởi cái ý chí phát triển nhanh, bền vững để sánh vai với các cường quốc năm châu như giai đoạn hiện nay. Cái cường khí xung năng cần lắm cho Việt Nam sau 40 năm hậu chiến. “Tiến nhanh và bền vững hay là chết!” – có thể coi đây là khẩu hiệu hành động của nhân dân Việt Nam hiện nay./.
..................................................................................................
[1]Những câu, những đoạn được trích trong bài viết này là từ Di chúc của Hồ Chí Minh, in trong Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T.15. Cho nên, trong bài viết này, có những câu, những đoạn trích mà không có chú thích xuất xứ nguồn thì xin chỉ chú dẫn trang, mà không ghi xuất xứ sách và tập nữa.
[2]Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H, 2007, T.49, tr.704-709.
[3]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H, 2007, T.49, tr.707.
[4]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H, 2007, T.49, tr.708.
[5]“Bác Hồ viết Di chúc” trong cuốn 35 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, H,2004, tr.176.
[6]Như trên, tr.158.
[7]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2001, T.15, tr.131.
[8]Một số người cho rằng, trong đoạn văn nêu mong muốn cuối cùng của Hồ Chí Minh trên đây, không thấy Hồ Chí Minh nêu lên việc phải xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa; rằng, điều đó làm cho người đọc có quyền nghi ngờ là Hồ Chí Minh không chú trọng đến thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam sau khi chống Mỹ, cứu nước thắng lợi. Tôi cho không phải như vậy. Việc xây dựng một nước Việt Nam theo thể chế xã hội chủ nghĩa là điều nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Đúng là đoạn văn nêu mong muốn cuối cùng của Hồ Chí Minh trên đây không có những chữ “xã hội chủ nghĩa” nhưng tinh thần đoạn văn lại toát lên nội dung đó, giống như hiện nay Đảng Cộng sản Việt Nam nêu mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” cũng không có những chữ “xã hội chủ nghĩa” nhưng đó lại là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Hơn nữa, trong thư của Hồ Chí Minh, khi viết về thanh niên, phụ nữ thì Hồ Chí Minh có viết đến những chữ “xã hội chủ nghĩa”.
[9]Sự sắp xếp theo thứ tự trên đây là của riêng tôi, và sự sắp xếp đó không phản ánh thứ tự ưu tiên của từng vấn đề.
[10]Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H, 2004, T.30, tr.283-289.
[11]Xem báo Nhân Dân ngày 27-10-1969.
[12]Phía cách mạng Việt Nam đãkêu gọi các đồng chủ tịch Hội nghị Giơnevơ, lưu ý phíaPháp về trách nhiệm đối với việc thống nhất hai miềnđất nướcViệt Nam thông qua tổng tuyển cửtự dotheo đúng tinh thần của bản Tuyên bố cuối cùng tại Hội nghị Giơnevơ. Tháng 6-1955, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố sẵn sàng mở hội nghị hiệp thương vớichính quyền Sài Gòn nhưng không được đáp ứng. Tháng 7-1956, sau khi yêu cầu đàm phán không được chính quyền Ngô Đình Diệm trả lời, thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đãyêu cầu các đồng chủ tịch Hội nghị Giơnevơtổ chức một cuộc hội nghị mới. Yêu cầu này đượcChính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp tục nêulại vào tháng 8-1955. Các yêu cầu đàm phán với Chính phủ Ngô Đình Diệm tiếp tục đượcphía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiên trì nêu tại các thời điểm: Tháng 6 và 7-1957, tháng 3 và tháng 12-1958, tháng 7-1959, vàtháng 7-1960, nhưng đều bị từ chối. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn muốn thiết lậpquan hệ thương mại giữa haimiền, nhưngchính quyền Việt Nam Cộng hòacũng khước từ.
[13]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, T.7, tr.50.
[14]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H, 2007, T.49, tr.708.
[15]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, T.4, tr.64.
[16]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, T.4, tr.175.
[17]Trong đó có một người anh ruột của tôi mà trong giấy báo tử gửi về cho cha mẹ tôi chỉ ghi là “Hy sinh ở chiến trường miền Nam năm 1970”.
[18]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H,2004, T.30, tr.277.
[19]Nhận dạng phòng không ADIZ là: (i) Nhận dạng bằng kế hoạch bay: các máy bay phải cung cấp kế hoạch bay cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc hoặc Tổng cục Hàng không dân dụng Trung Quốc; (ii) Nhận dạng bằng sóng vô tuyến: các máy bay phải giữ thông tin vô tuyến trực tuyến hai chiều, trả lời trong thời gian sớm nhất và chính xác nhất đối với các yêu cầu nhận dạng của cơ quan quản lý hành chính của vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông hoặc đơn vị được cơ quan này cho phép, (iii) Nhận dạng bằng bộ phát đáp: các máy bay có trang bị bộ phát đáp rađa thứ cấp phải giữ bộ phát đáp hoạt động trong suốt chuyến bay; (iv) Nhận dạng bằng biểu trưng (logo): các máy bay phải thể hiện rõ ràng quốc tịch và biểu trưng nhận dạng đăng ký theo các hiệp ước quốc tế có liên quan.
[20]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H,2004, T.30, tr.281.

Theo : VHNA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét