Menu ngang

Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

Nhà thơ Giang Nam:
Hoạt động cách mạng và làm thơ không tách rời nhau

QĐND - Nhiều người biết nhà thơ Giang Nam là tác giả bài thơ “Quê hương” nổi tiếng; nhưng ít người biết, nhà thơ Giang Nam còn là một cây bút sung sức ở các thể loại văn xuôi; ngoài ra, còn là một nhà lãnh đạo văn học nghệ thuật miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Giang Nam để nghe ông kể lại những kỷ niệm về năm tháng sống và viết ở chiến trường.
- Thưa ông, ông có thể khái quát chặng đường đầu đến với cách mạng, thơ ca của mình?
- Khi tôi học tại Trường Quốc học Quy Nhơn - một ngôi trường có truyền thống yêu nước và được đọc những tác phẩm văn học tiến bộ đã cho tôi nhận thức rõ ràng: Là một người trí thức thì phải có trách nhiệm với đất nước. Tôi còn nhớ có lần khi nghe một cô giáo người Việt giảng bài rằng: “Nước Pháp có công ơn khai hóa Việt Nam”. Ngay lập tức, một người bạn trong lớp đã đứng lên phản biện lại rằng: “Xin bà giải thích rõ nước Pháp đã có công ơn khai hóa Việt Nam như thế nào? Bà có biết bao nhiêu người Việt Nam đã chết dưới tay người Pháp không?”. Cô giáo này đã bật khóc và nói rằng: “Tôi chỉ giảng theo sách, còn các em muốn hiểu như thế nào thì tùy”. Ngày hôm sau, ông hiệu trưởng người Pháp đã cho gọi cả lớp chúng tôi lên họp và đuổi học người đã chất vấn “làm nhục” cô giáo... Tôi đã tiếp thu lý tưởng cách mạng từ những sự việc như thế.  
Nhà thơ Giang Nam (ngoài cùng, bên phải) cùng các nhà văn tại chiến trường năm 1970. Ảnh: Hồng Sến
Tôi đi học xa nhà, xa quê ngay từ bé nên vào các buổi chiều, tôi thường ra ga Quy Nhơn để nhìn mọi người về quê cho đỡ nhớ. Tôi cũng là một người mê thơ, mê sách nên tôi thường đọc rất nhiều tác phẩm của Huy Cận, Tế Hanh… Niềm đam mê và nỗi nhớ quê hương ấy đã đưa tôi đến với thơ ca để trải lòng mình. Có thể nói, thơ rất phù hợp với tâm hồn tôi và thơ là tâm hồn tôi. Nhưng nhờ cách mạng, thơ tôi mới đi sâu vào quần chúng. Có thể nói, hoạt động cách mạng và làm thơ không tách rời nhau.
- Xin ông kể lại một vài hồi ức thời còn sống và làm việc tại chiến trường?
- Trong điều kiện chiến tranh khốc liệt, để sáng tác được, tôi luôn mang theo bên mình một xấp giấy và một cây bút. Hồi đó, chúng tôi thường phải đi lấy muối ở xa, khi đến trạm nghỉ tôi lại lấy giấy bút ra để viết lại những xúc cảm. Trong trường hợp địch đánh, chúng tôi rút vào những nơi an toàn và phân công nhau gác để có thời gian viết. Trường hợp bị bao vây tứ phía, tôi tranh thủ viết dàn ý ngay trong hầm bằng ánh sáng của đèn pin.
Nhà thơ Giang Nam tên thật là Nguyễn Sung, sinh ngày 2-2-1929, quê quán tại xã Ninh Bình, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Sau năm 1954, ông được bố trí ở lại miền Nam hoạt động. Nhà thơ Giang Nam từng giữ chức Phó tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam, Ủy viên Tiểu ban Văn nghệ Trung ương Cục. Sau năm 1975, nhà thơ Giang Nam từng làm Tổng biên tập Báo Văn nghệ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đại biểu Quốc hội khóa VI... Nhà thơ Giang Nam đã giành được nhiều giải thưởng văn học, tiêu biểu là Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật 2001.
Cuối tháng 3-1975, tôi đang ở căn cứ tiền phương của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục thì được điện thoại của Văn phòng Ban Văn nghệ mời về họp gấp. Lúc này, tôi đã rời khu Sài Gòn - Gia Định về lại Tiểu ban Văn nghệ và Hội Văn nghệ Giải phóng. Quân ta vừa giải phóng Buôn Ma Thuột, đang triển khai mạnh mẽ việc cô lập Đà Nẵng và giải phóng các tỉnh miền Trung. Tôi hết sức hồi hộp và nghĩ chắc hẳn mình được biệt phái ra miền Trung theo bước chân thần tốc của bộ đội tiến về giải phóng quê hương mình. Nhưng hóa ra tôi lại được giao nhiệm vụ cùng nhà thơ Viễn Phương và Chim Trắng đi dự Hội nghị quốc tế về thơ nhân kỷ niệm 30 năm Chiến thắng phát xít. Tôi thấy làm tiếc bởi sau hơn 20 năm bám chiến trường, trải qua những thời kỳ ác liệt nhất để đón chờ ngày toàn thắng đến gần thì lại không có mặt. Tôi cố gắng xin ở lại nhưng không được. Ngày 26-3-1975, chúng tôi lên đường; đến ngày 9-4-1975 thì tới trạm cuối ở Vĩnh Linh. 4 ngày sau chúng tôi về đến cơ quan Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam ở 51 Trần Hưng Đạo, nơi có cơ quan Tiểu ban Văn nghệ miền Nam do anh Bảo Định Giang phụ trách. Sống những ngày cuối tháng 4-1975 ở Hà Nội mới thấy hết cái không khí sôi nổi, tất cả vì trận chiến đấu cuối cùng, mới thấm thía nguồn gốc sâu xa những thắng lợi của chúng ta. Ở Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, đèn sáng suốt đêm, anh chị em làm việc 24/24 giờ. Những gì cần thiết cho ngày giải phóng miền Nam (về mặt văn nghệ) đang được hình thành ở đây song song với ở chiến trường. Những bài thơ, bản nhạc, những tùy bút chính trị từng ngày, từng ngày được sáng tác, sửa chữa, bổ sung, dàn dựng. Bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên, chúng tôi được nghe trình bày trước ở đây.
Trưa 30-4-1975, tin Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đầu hàng được loan báo trên Đài Tiếng nói Việt Nam, cả Hà Nội đã đổ ra đường, hàng ngàn người đã khóc.
- Ông nổi tiếng với bài thơ “Quê hương”, xin ông cho biết thêm về hoàn cảnh ra đời của bài thơ?
 - Tôi viết bài thơ “Quê hương” ở chân núi Hòn Dù, cách phía tây TP Nha Trang 40km - nơi đóng căn cứ bí mật của Tỉnh ủy Khánh Hòa lúc bấy giờ. Trước đó, vào buổi chiều, tôi nhận được tin vợ và con gái tôi bị địch bắt trước đó hơn một năm đã bị chúng thủ tiêu, trong hoàn cảnh nào thì chưa xác minh được nhưng chắc chắn là không còn sống. Tôi choáng váng trước tin đột ngột ấy như trời vừa sập xuống đầu mình. Tôi không đủ can đảm hỏi thêm điều gì nữa. Những kỷ niệm cũ, tình yêu e ấp vụng dại, những giận hờn và buổi chia tay đầy nước mắt, cả hai mẹ con đều khóc… bỗng sống dậy xót xa, nhức nhối và rõ ràng như mới xảy ra hôm qua. Và tôi đã viết bài thơ trong tâm trạng đau đớn tột cùng ấy. Tôi ngồi trong căn chòi nhỏ của mình dưới tán lá rừng, trước mắt là ngọn đèn dầu lù mù được che kín cả ba mặt chỉ trừ một chút ánh sáng rọi trên trang giấy. Hầu như tôi viết một mạch không xóa sửa, hình ảnh cứ như được sắp xếp sẵn và hiện ra đầu ngọn bút. Từng đoạn, nước mắt tôi trào ra, nhất là ở hai câu cuối: “Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/ Có một phần xương thịt của em tôi”. Y như máu thịt của người tôi yêu đã hóa thành từng hạt bụi trộn vào mỗi hòn đất dù nhỏ nhất trên trái đất này.
- Có người nói, văn học thời chống Mỹ như một “binh chủng” đặc biệt, góp phần vào thắng lợi chung của toàn dân tộc. Ông có đồng tình với nhận định này?
- Tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định nêu trên. Theo tôi, giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã ghi nhận sự phong phú, đa dạng hóa các đề tài, nội dung, thể loại văn học; đồng thời chứng kiến sự trưởng thành của các cây bút qua thời kỳ kháng chiến chống Pháp cùng với sự xuất hiện của một thế hệ tác giả mới đầy nhiệt huyết. Hầu hết các tác phẩm từ thơ ca, truyện ngắn… thời kỳ này đều mở rộng phạm vi miêu tả, phản ánh chuyển biến của từng gian đoạn chiến đấu, đồng thời phản ánh đời sống gian khổ nhưng rất kiên cường của nhân dân miền Nam. Những sáng tác văn học thời kỳ này là nguồn cổ vũ lớn lao cho cả tiền tuyến và hậu phương, gợi lên những cảm xúc mãnh liệt về một thời hào hùng không thể nào quên.
- Xin cảm ơn nhà thơ Giang Nam về cuộc trò chuyện này!
Quê hương
Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:
"Ai bảo chăn trâu là khổ?"
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
Những ngày trốn học
Đuổi bướm cầu ao
Mẹ bắt được...
Chưa đánh roi nào đã khóc!
Có cô bé nhà bên
Nhìn tôi cười khúc khích...

***

Cách mạng bùng lên
Rồi kháng chiến trường kỳ
Quê tôi đầy bóng giặc
Từ biệt mẹ tôi đi
Cô bé nhà bên - (có ai ngờ!)
Cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)
Giữa cuộc hành quân không nói được một lời
Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại...
Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi...

***

Hòa bình tôi trở về đây
Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày
Lại gặp em
Thẹn thùng nép sau cánh cửa...
Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ
Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi!)
Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi
Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng...

Hôm nay nhận được tin em
Không tin được dù đó là sự thật
Giặc bắn em rồi quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích, em ơi!
Đau xé lòng anh, chết nửa con người!

Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi...
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi

1960

Thức giữa mùa xuân
Gửi em trên miền Bắc

Một sáng xuân năm nào
Trước hòa bình lập lại
Theo má về quê ngoại
Xanh biếc những hàng cau

Em, chị nắm tay nhau
Chạy trên đường đá sỏi
Em ngắt chùm hoa dại
Mừng tuổi chị đầu năm...
Chị tặng em chiếc khăn
Có thêu dòng tên nhỏ...

Quê ngoại bên kia sông
Hoa ô môi nở tím
Ngồi đợi đò qua bến
Chị hát cho em nghe
Những câu hát ngày thơ
Má thường ru em ngủ
Đôi môi em mọng đỏ
Uống từng hớp ngọt ngào

Trời xanh cao rất cao
Vút một đàn chim én...

***

Sáng nay xuân lại đến
Đò không còn qua bến
Mộ má chôn giữa đồng
Hoa ô môi phủ kín

Quê ngoại bên kia sông
Một vùng đất trống không
Thỉnh thoảng lô cốt địch
Quét sang vệt lửa hồng

Bao giờ em với chị
Cùng trở lại thăm quê
Chị sẽ hát em nghe
Câu hát ngày thơ trước

Đêm nay chị thao thức
Đếm từng bước xuân về
Trong rào thép lưỡi lê
Chị cười và chị khóc...

Con vẫn sống
Gởi con

Hai năm dài bỗng nhận được tin con
Ba mừng lắm, biết rằng con vẫn sống

Đôi mắt con chưa biết trời cao rộng
Có chim ca và mây trắng, nắng hồng
Trên đường dài, đôi gót nhỏ màu son
Chưa đi trọn một vòng quanh khám!
Sau cửa xà lim khát từng tia nắng
Thân con vàng võ, héo hon

Ba muốn viết bài thơ có biển rộng trăng ngàn
Dành để tặng con, người ba yêu nhất
Năm, mười năm sau, lật từng trang sách
Con sẽ mỉm cười tự hỏi: Ai đây?
Ba viết cho mình hay cho cả tương lai?

Ở đâu có đàn em nhỏ
Tóc thắt nơ hồng, rộn ràng ca múa?
Ở đâu có cô bảo mẫu hiền từ
Lo cho con từng miếng cá, cọng rau?
Dạy con nét gạch đầu trên cát trắng
Khóc khi con ngã đau, cười khi con ngủ ấm
Con biếng ăn đã lo sợ cuống cuồng
(Ôi những nàng tiên của lứa tuổi măng non!)

Ở đâu có cô giáo trẻ
Biết rất nhiều chuyện hay trong sách vở
Thường kể: "Ngày xửa ngày xưa..."
Cả lớp ngồi nghe mê mải say sưa
Giúp con cắt móng tay, dạy con trồng rau cải
Dắt con qua đường, bắt xe ngừng chạy
Lau mồ hôi trên đôi má phính hồng
Những chiều mưa nhường áo khoác cho con?

Ở đâu quý từng hơi thở
Nâng niu từng lời ca, điệu múa
Cô y tá đầu giường thức trọn năm canh
Nghe tiếng con ho, nhói cả ngực mình?

Ở đâu chú công an, bộ đội
Đêm rừng rậm hùm beo, ngày sương mù hải đảo
Cắn răng cầm súng đứng canh
Giữ cho con giấc ngủ ngon lành?

Ở đâu chắp đôi hài cho cuộc sống?
Ở đâu giày xéo tuổi thơ?
Con ơi, trời cao lồng lộng
Vẫn thiếu cho con từng tia nắng nhạt mờ!

Không, con ơi, hãy vững lòng tin tưởng
Ngày mai tất cả sẽ về con
Cô giáo trẻ với mái trường xinh xắn
Và chú công an, bộ đội biên phòng
Sẽ về con những ông sao xanh, đỏ
Đêm trung thu vườn trẻ sáng muôn trăng
Xung quanh con, sóng gầm và bão tố
Xà lim đen đang từng phút rạn dần!

Tóc con thắt nơ hồng như bướm đậu
Sau giờ làm, ba má đến tìm con
Con xin phép cô chạy vù ra ngõ
Vòi ba mang tập sách học vần

Rồi tung tăng, đôi mắt cười rạng rỡ
Bàn tay con dắt tay má, tay ba
Ba mơ rồi! Con ơi, loài quỷ dữ
Mấy năm dài đã nhốt nửa tim ba

Càng thương nhớ con, càng hăng chiến đấu
Rút ngắn đường cho mơ ước tương lai
Con nhen mãi trong lòng ba ngọn lửa
Đốt cháy kẻ thù và đêm tối chông gai

Trước giờ chiến đấu

Một đêm nữa rồi mai ra chiến đấu
Sao lòng anh bỗng hồi hộp trăm chiều
Nằm bên em, nghe hơi thở đều đều
Cả thôn xóm đang âm thầm chuẩn bị...

Dưới mái lều xiêu, bếp còn âm ỉ
Cơm nắm rồi, cất kỹ vẫn còn lo!
Hai đứa gối chung một mảnh sao cờ
Mát dịu, thơm thơm như mùi áo mới

Gà gáy rồi sao mà trời vẫn tối
Muốn gọi em, bỗng dừng lại, tần ngần
Thương em nhiều, con mọn nách bên lưng
Tù tội, khảo tra, vẫn theo cách mạng!

Ngủ đi em! Ngày mai khi trời sáng
Ta sẽ xông lên: Chiến đấu mới bắt đầu
Chúng nó: Súng, lê, máy chém, nhà tù
Không ngăn nổi bàn chân ta bước tới

Ngủ đi em! Ngày mai bước vào trận mới
Cùng bà con, hãy sẻ khổ chia đau!
Hãy ôm ghì, hãy níu chặt lấy nhau
Đừng để kẻ thù dập vùi, chia cắt!

Mẹ có ngã dưới làn roi độc ác
Em hãy lăn vào đỡ mẹ đứng lên!
Con của chúng ta dù khát sữa cổ khan
Đã có bên em trăm bầu sữa mẹ!

Ta sẽ thắng vì sức ta trời bể
Bịt họng ca-nông, chặn đứng xe thù!
Chiến thắng về, anh sẽ bế con thơ
Hát cho em nghe như buổi đầu mới gặp

***

Em thức giấc rồi... cứ ngủ nữa đi em
Đã có anh canh chừng giờ chiến đấu
GIANG NAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét