Menu ngang

Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

Kỷ niệm 40 năm Thống nhất đất nước 30/4/1975-30/4/2015

Nhân đọc "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75"


1. Trả lời phỏng vấn của tạp chí Đức Spigel (Tấm gương) là vì sao các nhà văn thế hệ ông cứ viết mãi về đề tài chiến tranh, nhà văn Gunter Grass - Nobel văn học 1999 đã nói: “Đôi khi thắng lợi làm cho người ta hóa ngu ngốc. Tôi nghĩ rằng người thắng sẽ không còn nghĩ về chiến tranh và tìm cách rút ra bài học từ đó. Còn chúng tôi do sự thất bại và tất cả những cái đi liền với nó nên đã có một ưu thế nhỏ nhưng quan trọng: sau khi đã trải qua tất cả những cơn chấn động này, chúng tôi bắt đầu mọi việc từ trang giấy trắng, chúng tôi nhìn thấy một viễn cảnh khác. Chúng tôi có thể nhìn lại thế giới theo cách mới và thậm chí suy xét lại cái tưởng như phi nghĩa” (Phạm Xuân Nguyên dịch lại từ bản dịch tiếng Nga trên báo Văn hóa của Nga năm 2003).
Tôi cho đấy là một cách nói.
Chúng ta ai cũng biết con người là đối tượng của văn học. Những tác phẩm văn học kinh điển bao giờ cũng thấm đẫm chất nhân văn cho dù đó là đề tài chiến tranh- một đề tài mà ở đó người viết buộc phải tái hiện lại việc con người tìm mọi cách để hạ gục đối phương. Và ngòi bút của nhà văn bao giờ cũng hướng về con người. Tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình của Leb Tolstoi là một ví dụ. Cho nên sau chiến tranh ở Liên Xô có Số phận một con người viết về những thân phận mất mát cô đơn sau chiến tranh, có Người thứ 41 viết về tình người, tình yêu như một tất nhiên không thể khác dù đó là những con người của hai ý thức hệ đối địch. Liên Xô là nước chiến thắng trong đại chiến thế giới lần thứ hai nhưng nhiều nhà văn Xô viết vẫn chung thủy với đề tài này và những sáng tác của họ, tất nhiên, nằm trong sự vận động của thể loại và hoàn cảnh, nó có khác, khác nhiều so với những tác phẩm viết trong chiến tranh. Chưa nói đến Bác sỹ Zhivago dẫu ra đời vào thời điểm hào quang chiến thắng đang rạng ngời nhưng Paxtecnac lại viết về thân phận của một trí thức yêu tự do, khát khao được sống, được yêu và hạnh phúc, nổi nênh trong bão lửa của cuộc chiến tranh, thì Bình minh ở đây yên tĩnh, Sống mà nhớ lấy, Gắng sống đến bình minh, Lựa chọn cũng đều thấm đẫm chất nhân văn, đề cao nhân cách con người.

2. Trở lại với văn học Việt Nam
Chúng ta biết rằng chiến tranh là một trong những đề tài lớn trong văn học cách mạng. Trước đây hầu hết những tác phẩm văn học viết về chiến tranh đều mang âm hưởng sử thi. Thể hiện sự kiện hay con người, nhà văn thường ít khi viết cụ thể về hy sinh mất mát. Sau chiến tranh chất sử thi đã nhạt hơn. Thay vì miêu tả sự kiện, nhà văn đã lấy những thân phận con người khác nhau đặt trong bầu sinh quyển chung làm tâm điểm. Trước đây chúng ta thường nói: chiến tranh là một thứ thuốc thử mà đặt vào đó con người được tôi luyện để có được những phẩm chất đẹp đẽ. Nhà văn đã coi chiến tranh như một thứ thuốc đặc trị cho những nhân cách hèn nhát; còn thì tránh lối đi đến với con người đời thường nếu đó là nhân vật chính diện, áp đặt định kiến cái nhìn giai cấp lên nhân vật kẻ địch.
Hơn một chục năm nay, tiểu thuyết chiến tranh đã “hồi sinh” sau một thời gian khá dài chững lại. Sung sức nhất trong đội ngũ này là những nhà văn đã từng tham chiến và đặc biệt có người sinh ra khi chiến tranh sắp kết thúc. Có thể kể đến Khuất Quang Thụy với Những bức tường lửa, Đối chiến, Nguyễn Bảo với Thượng Đức, Đỉnh máu, Văn Lê với Mùa hè giá buốt, Phượng Hoàng, Đình Kính với Sóng chìm, Đỗ Kim Cuông với Phòng tuyến sông Bồ, Sau rừng là biển, Nguyễn Quang Hà vớiVùng lõm, Tôn Ái Nhân với Ký ức gã ăn mày, Trầm Hương với Đêm Sài Gòn không ngủ, Sương Nguyệt Minh với Miền Hoang, Nguyễn Bình Phương với Mình và họ, Nguyễn Đình Tú với Xác phàm, Đỗ Bích Thúy với Cánh chim kiêu hãnh… Những tác giả này đã tái tạo hiện thực chiến tranh dưới nhiều góc nhìn khác nhau, theo các biện pháp nghệ thuật khác nhau. Ngay việc dịch một số tác phẩm của nhà văn Mỹ như Chuyện của Paco của Heinerman Lary, tập truyện ngắn Những thứ họ mang của Tim O” Brien… cũng đã cho công chúng thấy diện mạo của cuộc chiến tranh đã được đa dạng hóa trong cách nhìn, cách tiếp cận. Chiến tranh không chỉ là nơi tôi luyện lòng dũng cảm của con người mà đó cũng là nơi con người bộc lộ bản chất. Đặc biệt là nhân vật kẻ địch không còn được xây dựng một cách méo mó, dị mọ như trước đây. Ngoài quan hệ gia đình như mọi con người bình thường, họ sống có lý tưởng riêng và cũng là những chiến binh trung thành với lý tưởng của mình.
Cũng là những năm đầu thế kỷ mới, rất nhiều nhật ký chiến tranh đã được xuất bản, trong đó có những cuốn đã trở thành “hiện tượng” trong đời sống xã hội như Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Mãi mãi tuổi hai mươi. Việc nhật ký của những người tham chiến được đông đảo bạn đọc đón nhận cho thấy tư liệu đã có chân trong đời sống văn học, tạo được những khoái cảm thẩm mỹ mới. Trong ý thức tôn trọng sự thật lịch sử và tinh thần chung của cuộc chiến, để tạo cho người đọc thấy được bản chất cuộc chiến tranh mà không bị mặc cảm giai cấp chi phối cảm xúc, nhà văn hướng đến việc lấy con người làm tâm điểm. Thực tế sáng tác cho thấy việc hướng đến con người đang càng ngày càng trở thành một xu hướng tất yếu của văn học viết về chiến tranh nói chung vàvăn học tư liệu nói riêng. Được người viết thổi hồn và ý thức việc gia tăng hư cấu, lựa chọn điểm nhìn, những tư liệu khô khan đã cất lên tiếng nói nghệ thuật, góp phần đa dạng hóa văn xuôi viết về chiến tranh.
 
Bìa cuốn Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 mới tái bản

3. Giải thưởng duy nhất về văn xuôi 2014 của Hội Nhà văn được trao cho Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của nhà báo Trần Mai Hạnh. Trước ngày trao giải có một số người băn khoăn: đây là tác phẩm văn chương hay là báo chí? Tôi còn nghe nói có một tờ báo nào đó đưa tin đây là cuốn truyện ký. Lâu nay, tác phẩm viết ra xếp thể loại nào chủ yếu là do nhà văn gọi tên. Có lẽ cuốn này anh Trần Mai Hạnh không đặt tên nên nhà báo nào đó gọi bừa như thế chăng? Theo ý kiến của các nhà chuyên môn và đã được thống nhất: đây là một cuốn tiểu thuyết đích thực nhưng là tiểu thuyết tư liệu - lịch sử.
Anh Trần Mai Hạnh vốn là một phóng viên chiến tranh, tác nghiệp ở chiến trường Quảng Nam- Đà Nẵng vào cuối những năm sáu mươi, đầu những năm bảy mươi, là một phóng viên tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh và có mặt ở Sài Gòn ngay hôm 30.4.1975. Trước khi bắt tay vào viết Biên bản chiến tranh1-2-3-4.75, anh đã có bốn đầu sách in riêng: Nắng Thu Bồn, Tình yêu và án tử hìnhTự thú và sụp đổ, Ngày tận thế. Nói điều này là tôi muốn nói đến tố chất văn chương của một người có dự định nghiệp bút lâu dài mà chắc anh đã ấp ủ từ thuở còn là sinh viên Văn khoa, Trường Đại học Tổng hợp. Trongthời gian tham gia chiến tranh, đặc biệt là sau khi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc, với “Giấy chứng nhận công tác đặc biệt” của một phóng viên Thông tấn xã, anh có ý thức cố gắng ghi chép thật nhiều khi tiếp cận với những tài liệu quý hiếm cũng như có thể đi lại tự do trong vùng đô thị Sài Gòn vừa giải phóng. Với kinh nghiệm và bản lĩnh của một người làm báo, viết văn, trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời cá nhân và những biến động xã hội, quãng thời gian ngót bốn mươi năm đủ giúp cho anh xử lý khối tư liệu khổng lồ để hôm nay chúng ta có một Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 đạt được sự đồng thuận cao của Ban Chấp hành Hội Nhà văn khi xét bình chọn Giải thưởng.
Làm thế nào để giữ được sự chân xác của lịch sử mà vẫn bảo đảm được tố chất văn chương cho tác phẩm. Đây là vấn đề không thật dễ bởi hư cấu không cẩn thận, người viết rất dễ sa chân vào cái hào sảng của kiểu bút pháp sử thi như trước đây- điều mà nếu xảy ra thì có thể coi như cầm chắcthất bạivới một người viết chưa thật có nhiều kinh nghiệm. Nhưng hư cấu như thế nào? Lời tác giả trong đầu sách đã ít nhiều cho ta thấy được điều này. Trên cơ sở của sáu nguồn tư liệu trong đó có Biên bản ghi lại những trả lời phỏng vấn, lời khai tường trình, những tài liệu nguyên bản của các nhân vật chủ chốt nhất trong quân lực và chính khách Việt Nam Cộng hòa, của Mỹ tham gia việc điều hành suốt thời gian chiến tranh, tác giả đã tái hiện lại thế trận của cuộc chiến trên chính từ những tư liệu đó. Mười chín chương sách đã tuần tự dẫn người đọc đi theo bước chân lịch sử với một sự hóa thân khách quan và điềm tĩnh của tác giả: bắt đầu bằng một lễ Giáng sinh cuối cùng đến với Sài Gòn muộn mằn, một cái Tết trong nơm nớp âu lo; lần lượt là Huế ngợp thở, Đà Nẵng điên loạn và sụp đổ, Nha Trang tắt thở, Sài Gòn bên bờ sụp đổ với cuộc phòng thủ sinh tử và kết thúc là Phút tắt thở của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Sài Gòn và chính thể Việt Nam Cộng hòa. Bắt đầu từ nước cờ định mệnh: Phước Long thất thủ, rút khỏi Buôn Mê Thuột, tiến đến mất Tây Nguyên, rồi lần lượt Quân đoàn 1, Quân đoàn 2 bị xóa sổ, vùng 1, vùng 2 rơi vào tay Cộng sản, và cuối cùng làThiệu cuốn gói, sự kháng cự cuối cùng bị nghiến nát… Trần Mai Hạnh đã diễn tả một cách khách quan thế trận lao dốc của chính quyền Sài Gòn. Trên cơ sở của những hệ thống tư liệu đó, anh đã tiểu thuyết hóa bằng cách đi vào từng con người cụ thể với từng cá tính trước những tình huống và cách nhận thức, xử lý vấn đề, đặt từng người trong mối quan hệ với nhiều người và công việc để làm bật lên như một cốt lõi: sụp đổ là tất yếu. Để tạo sự khách quan cho chân dung sự kiện, dường như anh không bình luận, không tỏ thái độ trực tiếp khi dựng lại bối cảnh. Điều quan tâm nhất với anh, qua tác phẩm, là cách xử lý các thông tin có được. Ở cuối nhiều chương, nhằm tạo độ tin cậy cho người đọc anh còn cho biết xuất xứ của nguồn tư liệu đã sử dụng. Sự sụp đổ ở đây xuất phát từ một trong những nguyên nhân chính đương nhiên là do ngân khố để nuôi chiến tranh teo tóp và bộ máy ăn theo bị ảnh hưởng không nhỏ. Mặt khác, tin tức không tốt lành từ chiến trường đã giáng đòn nặng nề vào dự cảm của phần đông tướng lĩnh và chính khách về triển vọng cuộc chiến. Bầu không khí Sài Gòn dịp Giáng sinh và Tết Ất Mão được Trần Mai Hạnh miêu tả đầy ảm đạm và nao núng. Anh cho thấy những cuộc tranh cãi về “cố thủ” hay “tiếp tục”, “rút lui” hay “phản công”,“đi” hay “ở” giữa các vị tướng tá và chính khách, thậm chí ở ngay trong một con người luôn diễn ra căng thẳng lúc âm thầm, lúc trực tiếp trước mỗi sự kiện mới. Mỗi vị tướng ở đây đều dầy mình kinh nghiệm và bản lĩnh, đều tìm mọi cách để duy trì chế độ và chính quyền nhưng đã không thể làm được gì khi sai lầm nối tiếp sai lầm trong chỉ đạo. Mỗi người có một kiểu bất lực, một nỗi đau xót khi mà chính quyền - nơi họ cống hiến, phụng sự và đưa lại cho họ rất nhiều bổng lộc, quyền lợi từ bao nhiêu năm qua đã sụp đổ tan tành trong khi dường như chưa mấy người kịp chuẩn bị tâm thế cho mình. Nhiều tướng lĩnh, chính khách bỗng chốc trở nên lúng túng, bỗng chốc trở nên hung hăng, bỗng chốc trở nên khác thường trước cơn địa chấn kinh hoàng đó. Ngô Quang Trưởng trước tình hình rã đám của Vùng 1 đã xin từ chức nhưng Thiệu không đồng ý nhưng rồi chính Thiệu cũng xin từ chức sau gần hai nhiệm kỳ yên vị ở ngôi Tổng thống bởi sức ép của cơn lốc đại thắng mùa xuân từ phía cộng sản sắp tràn đến Sài Gòn. Cho đến thời điểm đó quyền lực vẫn là ma lực đối với mỗi người. Trần Mai Hạnh đã xây dựng nên một Nguyễn Văn Thiệu vừa độc đoán - gian hùng, vừa quyết liệt, ham hố, vừa ươn hèn… Đặc biệt với bài phát biểu trước khi từ chức mà tác giả đưa vào phần Phụ lục, chúng ta nhận rõ hơn chân dung Nguyễn Văn Thiệu và nhân cách của ông ta. Trong những ngày cuối cùng đó, một số “khôn ngoan” lo liệu cho vợ con và của nả đi trước rồi đến phút chót khi mà những hy vọng về tương lai tắt ngấm, cũng kịp lên máy bay chuồn ra nước ngoài. Một số sĩ quan cao cấp khác của chính quyền sài Gòn đã chọn cho mình cách ứng xử khác. Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam nhắc nhở những người dưới quyền về trách nhiệm đối với sinh mạng binh sỹ và nhân dân, phải “ngừng bắn tại chỗ”, “chuyển giao trong vòng trật tự, ổn định và duy trì tối đa an ninh cho dân chúng”. Trước khi tự sát ,ông ta còn tới quân y viện thăm những thương binh nặng không thể di tản, “mắt đỏ hoe và nắm tay từng người”. Tướng Lê Nguyên Vỹ thì quyết định cho tất cả các đơn vị của sư đoàn 5 kéo ngay cờ trắng (đã được chuẩn bị trước) lên những chỗ cao nhất. Chuẩn tướng Lê Văn Hưng tự bắn vào tim mình tại nhà riêng. Tướng Lê Minh Đảo, đại tá Phạm Bá Hoa nghĩ đến thân phận lưu vong, quyết định không di tản mà ở lại rồi sau đó ra trình diện và đi cải tạo. Tướng Phạm Văn Phú thì chỉ xin cho vợ con đi di tản còn mình sẽ “ở lại đến phút cuối cùng”; sát ngày Sài Gòn thất thủ đã uống một liều thuốc độc cực mạnh. Đây là những phần mà tác giả đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn nhất tư liệu và tiểu thuyết: anh đã hóa thân vào nhân vật để thể hiện được nỗi ngậm ngùi đau xót cũng như lòng tự trọng ở tư cách người chịu phần nào trách nhiệm trước thất bại của cuộc chiến. Và Đại tướng Dương Văn Minh, người được các phe phái nhất trí đưa vào ghế Tổng thống, trước sự diễn biến nhanh chóng của thế trận đã tuyên bố trong cuộc họp nội các cuối cùng: “để tránh cho người dân Sài Gòn những tai họa xảy ra như tại Đà Nẵng, mà có thể còn tồi tệ hơn, tôi quyết định trao quyền cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”. Ông ta đã đến Đài phát thanh tuyên bố xin ngừng bắn và chờ bàn giao chính quyền cho cách mạng. Đây là một quyết định vô cùng quan trọng: với tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của người đứng đầu chính phủ, thành phố Sài Gòn đã không bị đổ nát dưới mưa bom bão đạn cũng như máu người cả hai bên không tiếp tục chảy…
Tác giả tiếp tục thể hiện sự hỗn loạn bất an của phố xá Sài Gòn: cuộc tháo chạy và cướp bóc của sĩ quan binh lính như một đám quân hồi vô phèng, sự hoảng loạn của những người giàu, những người có thân nhân làm việc cho chính quyền, sư bình tĩnh của một bộ phận dân chúng lâu nay chỉ lo việc làm ăn và nỗi vui mừng của người dân lao động, của người tham gia cách mạng… Ánh xạ từ những con người khác nhau đó đã cho thấy rõ hơn thế trận hoàn toàn nghiêng về cách mạng. Có thể nói Trần Mai Hạnh đã coi sự kiện này như một thứ thuốc thử màu. Muôn vẻ những tính cách, những tâm trạng khác nhau đã hiện lên trước một dấu mốc lịch sử quan trọng của đất nước vốn tác động trực tiếp lên sự nghiệp và số phận của mỗi người.
Phần vĩ thanh: thân phận, tình cảm và nhận thức về nhân dân, dân tộc, đối phương của các viên tướng Việt Nam Cộng hòa sau khi di tản sống cuộc đời lưu vong nơi đất khách được thu thập từ các nguồn tin khác nhau, như một sự bổ sung cần thiết: ngoài một bộ phận vẫn hung hăng tìm cách chống phá, một số thừa nhận những sai lầm, thất bại trong các hồi ký của mình; một số tìm đến với con đường hòa hợp dân tộc; một số sống ẩn dật tránh mọi cuộc tiếp xúc với báo giới; và như Ngô Quang Trưởng có nguyện vọng được mai táng hài cốt ở quê hương sau khi mất… Những chi tiết có tính tư liệu này càng làm rõ hơn chủ đề và tư tưởng của tác phẩm, càng cho thấy rõ hơn phần người vốn trước đó do bọc kín trong vỏ áo chính khách và quân phục lại bị cái nhìn mặc định giai cấp che chắn.

4. Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 là một tiểu thuyết đã kết hợp hài hòa yếu tố tư liệu và chất tiểu thuyết. Đây là một cuốn tiểu thuyết rất đáng đọc, nhất là vào thời điểm chúng ta kỷ niệm 40 năm Thống nhất đất nước. Tuy vẫn với âm hưởng sử thi nhưng từ một góc nhìn khác- góc nhìn từ tiếng nói của những tư liệu mật lâu nay còn “ngủ yên” trong các tủ hồ sơ, trong các thư viện, trong các sổ ghi chép, thậm chí cả trong ký ức, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 vừa tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo tài tình của Đảng trong cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập của dân tộc quy giang sơn về một mối, vừa cho thấy chúng ta hiểu hơn kẻ thù một thời của mình. Bằng thái độ điềm tĩnh trước chiến thắng từng trở thành một sự kiện chính trị mang tính toàn cầu vào thời điểm ấy, tác giả đứng ở góc nhìn của người trong cuộc của phía bên kia nhìn sâu vào tâm can họ để cắt nghĩa những điều họ nghĩ, những việc họ làm, sự sụp đổ của một thể chế vốn sống bằng viện trợ, cũng là thấm thía hơn nỗi đau của dân tộc trong cuộc chiến tranh. Anh đã hâm nóng lại lòng tự hào dân tộc theo cách của mình, không chỉ với người chiến thắng mà còn cho cả người thất bại. Điều này thật có ý nghĩa khi Đảng ta chủ trương xóa bỏ hận thù, mong muốn những người con của dân Việt cần sống trong sự hòa hợp để tái thiết đất nước sau bao nhiêu năm chiến tranh. Tôi nghĩ anh Trần Mai Hạnh đã viết Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 dưới ánh sáng của tư tưởng này. Và với một đề tài phần nào đã quá quen và không còn nóng, đặt vào bối cảnh văn hóa đọc đang bị văn hóa nghe nhìn lấn át, trong bối cảnh tiểu thuyết hư cấu đã có khá nhiều thành tựu thì một cuốn tiểu thuyết tư liệu viết về một thời lịch sử chưa xa vẫn có sức hấp dẫn, là một thành công của không chỉ riêng của tác giả. Nó mở ra một hướng đi mới cho văn học viết về chiến tranh./.
Tôn Phương Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét