Ông Bí thư “gàn”
Trước khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) vào 7.1997, ông Trương Đình Tuyển từng làm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu (Petrolimex). Tháng 8.2002, ông Tuyển lại được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Thương mại thay cho ông Vũ Khoan được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng và ông đã đóng vai trò quan trọng, có nhiều đóng góp trong quá trình đàm phán để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2006, đánh dấu mốc kết thúc 11 năm với trên 200 cuộc đàm phán và 28 đối tác đàm phán song phương của Việt Nam.
So với 2 nhiệm kỳ bộ trưởng thì thời gian ông làm Bí thư tỉnh ủy Nghệ An (từ tháng 2. 2000 đến tháng 8.2002) là ngắn nhất, nhưng theo nhiều người, thì đây lại là quãng thời gian để lại dấu ấn đậm nét nhất về con người Trương Đình Tuyển. Có lần tôi đưa ra nhận xét này, ông Tuyển bảo: “Làm Bí thư Nghệ An mình được toàn quyền quyết về công tác nhân sự, nên mọi việc đi theo ý mình”.
Đầu tháng 2.2000, khi đang đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thương mại, Bộ Chính trị điều ông Tuyển về quê Nghệ An làm Bí thư tỉnh ủy thay ông Nguyễn Bá. “Khi biết tôi được điều về Nghệ An làm Bí thư tỉnh ủy, ngồi ăn cơm với mấy đứa em tôi, chúng nó bảo: “Anh về quê làm gì, ở lại Trung ương làm Bộ trưởng có sướng hơn không”, rồi một đứa đọc mấy câu vè: “Muốn làm giàu thì vào Nam/ Muốn làm quan thì ra Bắc/ Muốn nghe thắc mắc thì về Nghệ An”. Hôm lên nhận nhiệm vụ để đi Nghệ An, tôi đem mấy câu này đọc nguyên si cho Thủ tướng Phan Văn Khải nghe. “Đúng là như vậy. Thực ra không phải chỉ có Nghệ An mới thắc mắc. Nhưng vì đây là mảnh đất có truyền thống cách mạng, nên các đồng chí lão thành cách mạng thì thường “hỏi han”. Cho nên lãnh đạo Nghệ An khó lắm” - Thủ tướng nói vậy và tôi cũng thấy đúng là như thế. Cũng may, khi về, tôi làm hết sức và rất chịu khó nghiên cứu tìm hiểu thực tiễn để đề ra những chủ trương giải pháp đúng. Rốt cuộc thì tôi cũng được đồng bào Nghệ An đánh giá cao” - ông Tuyển kể.
Tôi còn nhớ đầu tháng 8.2000, nhân chuyến công tác Nghệ An, tôi và một đồng nghiệp được ông Trương Đình Tuyển mời tới chơi. Ông hẹn chúng tôi 4h chiều. Chủ nhật. Nắng vàng hoe. Khuôn viên Trụ sở tỉnh ủy rộng và vắng lặng đến không ngờ. Ông xuống sân vẫy tay lia lịa khi nhìn thấy chúng tôi. Ông vận quần pizama nhầu cũ, áo ba lỗ bỏ ngoài quần, trông khác xa một ông Bộ trưởng comlê, sơ mi trắng, ca vạt đỏ rất đúng mốt, oai phong đĩnh đạc trong các chuyến công du nước ngoài. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, ông cười: “Thế này cho nó tiện”. Ông đưa chúng tôi lên tầng 2 khu nhà ở phía cuối khuôn viên. Căn phòng sực nức mùi cá khô. Cái nồi cơm điện vứt chỏng chơ trên chiếc ghế nhỏ ở góc nhà. Bên cạnh đó là cái rổ để bát đũa, muôi, thìa… Tôi mở cái nồi cơm điện ra. Mấy con cá khô chỏng chơ hấp trên đó. “Sáng dậy vo gạo, cắm phích, cơm chín, cho thêm mấy con cá khô vào thành bữa sáng. Trưa, tối về cắm cho nóng lên thành bữa trưa, tối. Rất tiện!”- ông nói. Sau này chúng tôi còn được anh em cán bộ Văn phòng tỉnh uỷ Nghệ An kể, Văn phòng tỉnh uỷ trang bị cho ông cái tủ lạnh, nhưng ông nhất định không chịu. Ông chỉ đề nghị mua cái bình gas, hết bao nhiêu tiền ông trả.
Ông Tuyển là người thẳng thắn và liêm khiết, rất tiết kiệm của công. Lãnh đạo tỉnh bàn nhau định phân phối đám đất và xây nhà cho ông theo tiêu chuẩn chung. Khi hỏi ông, ông bảo: “Tôi đã có nhà ở Hà Nội rồi!”.
Một lần, dịp Đại hội Đảng bộ các huyện, Văn phòng tỉnh uỷ bố trí xe con cho Bí thư, các Phó bí thư, các Trưởng ban. Còn anh em chuyên viên thì đi chung xe 16 chỗ. Đó là thông lệ xưa nay, nên họ không cần hỏi ý kiến Bí thư mới. Đến giờ xuất phát, thấy xe con, xe ca đỗ san sát trong sân, ông Tuyển ngạc nhiên hỏi: “Xe đi đâu mà nhiều thế này?”. Một ông văn phòng báo cáo: “Thưa anh, xe đi Đại hội huyện”. Ông nghiêm mặt nói: “Các xe con về. Còn tất cả lên xe ca. Tiền đâu mà xe cộ rầm rầm thế”.
Một lần lên dự Đại hội Đảng bộ một huyên miền núi, sau khi bầu bán xong, kết thúc hội nghị, huyện uỷ chiêu đãi rất thịnh soạn. Cuối bữa tiệc, Bí thư tỉnh uỷ hỏi Bí thư huyện uỷ mới được bầu: “Ông làm sao có nhiều tiền mà chiêu đãi nhiều người thịnh soạn thế này?”. Ông Bí thư huyện tái mặt: “Dạ thưa anh, bốn năm năm mới có một lần”. Ông Tuyển nói: “Tiền là tiền thuế của dân, miền núi lại nghèo, dân đang đói, ông không xót sao?”. Về nhà, nằm trằn trọc một mình, nửa đêm ông thức dậy, viết:
Hãy từ bỏ những của chùa phung phí
Những lai rai bia bọt vơi đầy
Đất nước còn đang nghèo vậy
Lẻ nào ngật ngưỡng mà say.
(Thơ Trương Đình Tuyển)
Còn những lần đi dự đại hội xã, họp xong là ông chuồn, vì ngại xã phải mời cơm. Rủ anh em cùng đi về dọc đường ăn quán. Khi ăn quán ông thường giành “quyền” trả tiền vì “Lương tôi cao hơn các cậu”. Bà con tiểu thương bán thực phẩm chợ Vinh do xem tivi nên biết mặt ông Tuyển. Khi mua rau, cá, ông hỏi bà con “có bán đắt không đấy?”. Bà con trả lời ngay: “Làm Bí thư tỉnh uỷ mà tự đi chợ nấu ăn, là bà con biết “loại” người nào rồi. Bà con thương lắm, tin lắm, không bán đắt mô”.
Ông Tuyển là người rất hay đi thị sát. Ông về làm Bí thư Nghệ An chưa trọn nhiệm kỳ, mà có huyện miền núi như Tân Kỳ ông đi tới 3 lần. Ông đi cơ sở không bao giờ báo trước. Không bao giờ để huyện hay nông trường, nhà máy lo chỗ ngủ, đãi đằng cơm nước.
Đó là những câu chuyện thật đã thành giai thoại về Trương Đình Tuyển mà người dân và các lão thành cách mạng Nghệ An rất hay kể.
“Cúi đầu dâng một chút men say nồng”
Nhắc đến Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, không ít người vẫn nhớ hình ảnh ông tại những phiên đàm phán gia nhập WTO, những phiên trả lời chất vấn trực tiếp tại các kỳ họp hàng năm của Quốc hội khi ông đang là đại biểu. Ông nói về việc nước, việc đại sự mà làu làu như việc nhà. Ông bao giờ cũng trực diện, thẳng thắn không rào đón, nói năng rất hào hứng. Nắm và phân tích sâu sắc tình hình thương mại đất nước và quốc tế vanh vách với các số liệu dẫn chứng thuyết phục. “Không làm quan chức nữa, anh em người ta mời thì đi nói chuyện” - có lần ông Tuyển bảo với tôi như vậy. Ông Tuyển thường xuyên tham gia các diễn đàn, hội thảo hoặc đi giảng bài về kinh tế, thương mại, về WTO, về TPP... Vẫn là ông Tuyển của 10 - 20 năm về trước, vẫn nói vo, vẫn sắc sảo và trích dẫn các con số không cần ghi chép...
Tuy nhiên, kể từ khi rời chính trường cái con người thi sĩ của ông mới bộc lộ hết. Ông có thời gian chăm chút cho “nàng thơ” hơn. Trong kho tàng thơ ca của mình Trương Đình Tuyển dành một phần đậm nét cho tình yêu:
Hồn nhiên em đến rồi đi
Ngẩn ngơ anh cứ mê si một mình
Trời cho em nét xinh xinh
Lại cho anh thói đa tình đó em.
(Vô đề 2)
Trong những áng thơ tình si đó Trương Đình Tuyển vẫn để một một chỗ đặc biệt cho người bạn đời của mình: “Cùng nhau trọn nữa kiếp người / Anh chưa ngấm hết nỗi đời đó em”. Ông biết ơn người vợ của mình vì bà một mình vò võ chăm lo cho cuộc sống riêng để ông đi làm cán bộ: “Con đau, mẹ yếu mấy phen / Một mình em với ngọn đèn đêm thâu / Người đời sướng khổ có nhau / Anh thì biền biệt đâu đâu chưa về”.
Quen biết ông Tuyển lâu năm, tôi có thể khẳng định rằng, cuộc đời của ông Trương Đình Tuyển sẽ không được viên mãn như hiện nay nếu không có bàn tay của người bạn đời của ông. Ông hiểu và ghi tâm khắc cốt điều đó: “Em lo gió giật mưa dề/ Anh như lãng tử hành nghề phiêu diêu”. Biết cái nghề của mình, cái tính khí của mình là “phiêu diêu” nên ông nợ bà nhiều lắm và cái nợ ấy ông chỉ biết: “Chắp tay tạ tội cùng em / Cúi đầu dâng một chút men say nồng”.
Vâng, ông Trương Đình Tuyển là con người như vậy: Với việc nước ông đã vậy, với việc nhà ông vẫn vậy!