Menu ngang

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2015

   Ngày 11/5/2015, tức ngày 23/3 năm Ất Mùi, Hội đồng gia tộc Đại tôn Nguyễn Đình tiến hành Lễ Khánh thành Lầu bia tưởng niệm Thái phó Nghiêm Quận Công Nguyễn Biện tại Quần thể Lăng mộ của Đình Quận Công Nguyễn Hội, Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí và Phò mã Thái úy Quận công Nguyễn Sư Hồi ( con trai cả Nguyễn Xí ) … ở xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
                  Toàn văn Văn bia :
  
                                    BÁ TỔ THÁI PHÓ
                  NGHIÊM QUẬN CÔNG NGUYỄN BIỆN
                                    ( 1394 – 1419 )

          Bá Tổ Nguyễn Biện sinh năm 1394, tại làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc, nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An; là trưởng nam Khải Tổ Nguyễn Hội và Khải Tổ Tỉ Vũ Thị Hạch; anh Thủy Tổ Nguyễn Xí.
         Thời niên thiếu, Bá Tổ Nguyễn Biện là người thông minh, khỏe mạnh, có chí khí.  Năm 12 tuổi đã cùng thân phụ đưa muối ra bán ở Lam Sơn,Thanh Hóa. Duyên Trời định, Bá Tổ Nguyễn Biện được Đức Lê Lợi - bấy giờ là một vị hào mục nổi tiếng - nhận làm gia nhân.
          Năm 1405, không may gặp gia biến: Đêm 23 / 3 ( âm lịch ), thân phụ tử nạn do hổ vồ nhầm rồi hổ đưa đi an táng - thành mộ Thiên táng (mộ Trời cho). Ngày 7 / 5 ( âm lịch ), thân mẫu cũng qua đời. Bá Tổ Nguyễn Biện đưa em trai Nguyễn Xí, lên 9 tuổi, ra Lam Sơn cùng làm gia nhân Đức Lê Lợi.
         Năm 1416, Đức Lê Lợi chủ xướng mở Hội thề Lũng Nhai cùng nhiều anh hùng hào kiệt nguyện trừ giặc Minh xâm lược. Năm 1418, Đức Lê Lợi xưng Bình Định Vương, phát động khởi nghĩa Lam Sơn. Anh em Nguyễn Biện, Nguyễn Xí trở thành dũng sĩ, dũng tướng xông pha dưới cờ đại nghĩa.
          Năm 1419, Nghĩa quân Lam Sơn gặp muôn vàn gian nguy, phải rút về núi Chí Linh cố thủ trong hoàn cảnh “ hơn 10 ngày ăn củ nâu, mật ong, người ngựa đều khốn đốn”( Theo Lam Sơn Thực Lục). Trước tình thế nguy nan, để bảo toàn Nghĩa quân, Bình Định Vương Lê Lợi đã họp các tướng, hiệu triệu lực lượng cảm tử phá vòng vây đánh thắng vào  trại quân Minh. Ngài Lê Lai xung phong lãnh trọng trách cải trang là Bình Định Vương Lê Lợi, chỉ huy đội quân cảm tử 500 nghĩa sĩ - trong đó có Bá Tổ Nguyễn Biện – đánh vào trại quân giặc. Trận chiến đó, phần lớn nghĩa sĩ anh dũng hy sinh. Bá Tổ Nguyễn Biện bị giặc bắt tra tấn và hành quyết vào ngày 27 / 8 (âm lịch) năm 1419. Đến nay, phần mộ của Bá Tổ Nguyễn Biện ở đâu chưa rõ.
           “Lê Lai liều mình cứu Chúa”  - với sự tham gia của Bá Tổ Nguyễn Biện - là sự kiện phi thường, cao cả trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Chính nhờ sự kiện đó, khởi nghĩa Lam Sơn vượt qua sự đàn áp khủng khiếp của giặc Minh; bảo toàn và phát triển lực lượng; liên tục giành chiến thắng - cuối cùng toàn thắng, chấm dứt 20 năm đô hộ của giặc Minh tàn bạo, để thiên tài Nguyễn Trãi viết nên “ Thiên cổ hùng văn” Bình Ngô đại cáo " vang dội đến muôn đời; mở ra triều đại Hậu Lê, giữ cho Đất nước hơn 350 năm vắng bóng ngoại xâm.
Bá Tổ Nguyễn Biện sớm anh dũng hy sinh, không còn cơ hội tiếp tục chiến đấu lập công như em trai Nguyễn Xí về sau thành danh tướng, danh thần - được tôn vinh là : “Người hai lần khai quốc”, “Bình Ngô khai quốc, tịnh nạn trung hưng”.
            Với công lao và hy sinh cao cả, Bá Tổ Nguyễn Biện được Minh đế Lê Thánh Tông truy phong: Thái phó, Nghiêm Quận Công.
            Năm 1467, Minh đế Lê Thánh Tông cho xây dựng “Cương Quốc Công từ”, theo chế độ “quốc tạo, quốc tế” thờ : Khải Tổ Thái bảo Đình Quận Công Nguyễn Hội, Quận phu nhân Vũ Thị Hạch; Bá Tổ Thái phó Nghiêm Quận Công Nguyễn Biện; Thủy Tổ Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí và Quốc phu nhân Lê Thị Ngọc Lân. Suốt mấy trăm năm chưa một ngày vắng hương khói.
 Tiếp tục đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, Hội đồng gia tộc Đại tôn Nguyễn Đình kính cẩn tân lập Lầu bia Bá Tổ Thái phó Nghiêm Quận Công Nguyễn Biện để muôn đời con cháu và mọi người tri ân, tưởng niệm.
            Trên hai cột phía trước Lầu bia đắp nổi câu đối bằng chữ Hán :
            Phiên âm:  Huynh đệ huân công nhất gia sung hạo khí
                             Tử sinh đại nghiệp Bá Tổ mãn anh phong
Dịch nghĩa:  Anh em công lớn, một nhà bừng lên luồng khí ngút trời
                      Sống chết vì đại nghiệp, Bá Tổ sáng mãi anh hào rạng rỡ
          Hai từ “hạo khí”, “anh phong” được lấy từ câu đối của Minh đế Lê Thánh Tông ban tặng Cương Quốc Công từ, năm 1467.
              
                                                         Kính bái!
                                   Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
                                                Giáp Ngọ niên ( 2014)


                    HỘI ĐỒNG GIA TỘC ĐẠI TÔN NGUYỄN ĐÌNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét