Menu ngang

Thứ Tư, 6 tháng 5, 2015

LÝ QUANG DIỆU: ANH HÙNG, DÂN TỘC 

VÀ THỜI ĐẠI


  •   BÙI MINH HÀO
  • giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ
Cố Thủ tướng Lý Quang DiệuCố Thủ tướng Lý Quang Diệu
Muốn hiểu lãnh tụ của một dân tộc vĩ đại như thế nào, hãy nhìn vào hiện tại và tương lai của dân tộc đó. Như vậy mà nói thì có thể xem Lý Quang Diệu là một ngôi sao sáng bậc nhất trên bầu trời chính trị Á Châu cũng như thế giới nửa sau thế kỷ XX. Những ảnh hưởng của ông sẽ còn kéo dài trong nhiều thập niên tới.
Cái gì đã làm cho con người đó trở nên vĩ đại như vậy? Thật khó để trả lời một câu hỏi ngắn gọn đó. Nhiều bài viết, nhiều cuốn sách đã cố gắng để diễn tả điều đó. Nhiều nhà nghiên cứu đã bỏ ra nhiều năm để đi tìm câu trả lời cho vấn đề này. Nhưng rút cuộc, câu trả lời có lẽ vẫn còn đâu đó trong tương lai của đất nước Singapore và cả thế giới. Ở một gốc độ nào đó, có thể lý giải Lý Quang Diệu vĩ đại bởi ông đã làm cho những người dân nghèo khổ, phụ thuộc với điểm xuất phát chưa đến 400 USD/năm lên thành những người dân giàu có bậc nhất thế giới với thu nhập hơn 50.000 USD/năm. Lý Quang Diệu vĩ đại bởi ông biến một hòn đảo với diện tích chỉ hơn 700 km2 là đất thuộc địa thành một quốc đảo độc lập với một nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới và có vị trí quan trọng trong khu vực. Với một trái tim nhiệt huyết, cái đầu tỉnh táo, luôn có cái nhìn bao quát, phân tích sâu rộng tình hình thế giới, khu vực và đất nước, Lý Quang Diệu đã làm được một cuộc cách mạng thần kỳ bậc nhất nửa sau thế kỷ XX đối với đất nước Singapore.
Trong quan điểm của kinh tế học cổ điển nhấn mạnh đến nguồn lực tài nguyên của cải và dân số thì thật khó để có thể tin rằng một đất nước nhỏ bé, nghèo tài nguyên thiên nhiên, dân số ít và phức tạp về mặt chủng tộc như Singapore có thể phát triển mạnh mẽ. Nhưng quan niệm đó không tồn tại trong con người Lý Quang Diệu. Những thứ tưởng chừng như khó khăn được ông biến thành tiềm lực để phát triển đất nước. Vị thế ở giữa nhiều đường giao thương vốn có nhiều kẻ thù nhòm ngó được ông xem là địa lợi để huy động các nguồn lực đầu tư từ nước ngoài. Sự đa dạng về chủng tộc và tôn giáo được ông vận hành thành tiềm lực con người và văn hóa để phát triển đất nước. Không chỉ bằng các lý thuyết để tuyên giáo, Lý Quang Diệu làm được tất cả những điều đó bằng thực tế phát triển của đất nước.
Yếu tố thành công đầu tiên mà Lý Quang Diệu thực hiện được là sau khi thoát khỏi chế độ thuộc địa của Anh, ông đã làm mọi cách để đất nước không phải trải qua các cuộc chiến tranh, một vấn đề mà nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á không làm được. Từ lúc tham gia chính trị ông đã nhận thấy hệ lụy vô cùng to lớn của các cuộc chiến tranh. Gần như các hoạt động chính trị của ông đều theo con đường phi bạo lực. Khi hoạt động trong Đảng Tiến bộ thân Anh đến khi tham gia thành lập Đảng Hành động Nhân dân, ông vẫn ủng hộ quan điểm đấu tranh chính trị phi bạo lực để giành độc lập dân tộc. Chính vì vậy mà trong lúc một số nước đang luẩn quẩn với chiến tranh thì Singapore đã có một thời gian để hoạch định các chính sách phát triển và cướp lấy cơ hội thời đại tạo ra để vươn lên.
Năm 1965, Singapore tách khỏi Liên bang Malaysia thành một quốc gia riêng, Lý Quang Diệu đã có những bước đi quan trọng trong việc lựa chọn chiến lược phát triển đất nước. Liên tiếp gần 3 thập kỷ lãnh đạo đất nước bé nhỏ này, Chính phủ của ông đặt ra ba vấn đề chiến lược cần giải quyết là an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội đang cấp bách [1].
Về vấn đề an ninh quốc phòng, ông chọn con đường hòa hợp trong quan hệ quốc tế. Trong bối cảnh các nước trong khu vực đang cố gắng đi tìm những đồng minh chiến lược theo hướng thể chế chính trị để tạo chỗ dựa và chạy đua vũ trang để giành lại vị thế thì Lý Quang Diệu lựa chọn con đường hòa hợp dân tộc, lấy kinh tế làm cơ sở để xây dựng đất nước. Về đối ngoại, bên cạnh đặt lại quan hệ hòa bình hợp tác với các nước trong khu vực, Singapore tìm đến những đồng minh chiến lược có thể tạo điều kiện cho họ phát triển. Với đầu óc tỉnh táo, phân tích được tiềm năng và nhìn thấy lợi ích khi hợp tác với Mỹ nên ông đã lựa chọn con đường thân Mỹ nhưng không đối đầu với nước lớn. Ông đã thành công trong việc tìm các đối tác phát triển khi chú trọng nhiều về tiềm lực kinh tế, văn hóa và khả năng hợp tác của các nước chứ không phải là hệ tư tưởng hay chế độ chính trị.
Một loạt các vấn đề xã hội đặt ra cho Chính phủ Singapore lúc đó là thất nghiệp, tham nhũng, xung đột sắc tộc... Dù là một nhà chính trị chủ trương phi bạo lực, nhưng ông lại rất quyết đoán trong việc thực hiện các chính sách pháp luật. Ông sẵn sàng dùng các biện pháp mạnh để đạt kết quả trong việc thực thi, tuy nhiên là các biện pháp được pháp luật thừa nhận. Trước hết, chấp nhận và tôn trọng sự đa chủng tộc, tôn trọng các nét văn hóa riêng, có phần còn cổ vũ cho sự đa dạng văn hóa. Có một điều đặc biệt là ông lấy Anh ngữ làm ngôn ngữ phổ thông để giao dịch trong các công sở. Có thể nói đây là một tầm nhìn văn hóa lâu dài khi đưa đất nước vào công cuộc toàn cầu hóa. Vậy nên khi phân tích chiến lược phát triển của Trung Quốc, ông xem ngôn ngữ Hán là một trở ngại cho quá trình phát triển của Trung Quốc, còn Singapore tránh được hạn chế này[2]. Theo ông giải thích thì việc ở giữa ngã ba đường, phải giao lưu được với các nền kinh tế và các nền văn hóa khác nhau nên cần một ngôn ngữ phổ biến và dễ học tập để hội nhập. Chính phủ của Lý cũng tạo được uy tín trong việc chống tham nhũng và hạn chế thất nghiệp, tạo được lòng tin cho nhân dân. Một trong những biện pháp chống tham nhũng mà ông vận dụng là tăng lương cao cho các cán bộ cao cấp, đồng thời nghiêm trị tội tham nhũng. Khi phân tích hạn chế của Trung Quốc và Ấn Độ, Lý Quang Diệu nhấn mạnh: “Tham nhũng khiến Ấn Độ và Trung Quốc điêu đứng...”[3].
Nhưng tất cả những chính sách trên của Chính phủ thực hiện là nhằm tạo cơ sở đề phát triển kinh tế. Muốn có độc lập giữa một vị trí trung chuyển mà không có nhiều nguồn lực khác thì quan trọng nhất là phải giàu. Vậy nên phát triển kinh tế là vấn đề quan trọng được xem là chìa khóa giải quyết các vấn đề khác. Từ đống đổ nát của nền kinh tế thuộc địa để lại, Lý Quang Diệu cho cải tạo lại những cơ sở kinh tế còn hoạt động được, dân sự hóa các cơ sở sản xuất quân sự trước đó thay vì hủy bỏ. Kêu gọi toàn dân xây dựng một môi trường sạch sẽ trên toàn đất nước làm điều kiện để kêu gọi đầu tư nước ngoài. Đặt ra các thiết chế quản lý kinh tế nghiêm ngặt, kiểm tra chặt chẽ các hoạt động kinh tế, đồng thời thực hiện chế độ ưu đãi cho vốn đầu tư nước ngoài, xây dựng chế độ lao động kỷ luật và coi trọng tay nghề chuyên môn. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như sân bay, cảng biển, đường sá, tăng cường chất lượng các dịch vụ du lịch, y tế... Đáng chú ý là Chính phủ Lý Quang Diệu rất đề cao xay dựng môi trường sạch để thu hút đầu tư bao gồm cả môi trường tự nhiên sạch và môi trường chính trị xã hội sạch, ít tham nhũng, cửa quyền.
Những chính sách của ông đưa ra đã đạt hiệu quả, trong gần 3 thập kỷ đã biến một hòn đảo thuộc địa nghèo nàn thành một con rồng của Châu Á, một nền kinh tế quan trọng của khu vực và thế giới, đưa mức sống của người dân lên cao không thua những quốc gia phát triển nhất hành tinh. Những thành tựu của ông, sau này, được tỷ phú Rupert Murdoch, Chủ tịch tập đoàn News Corporation đánh giá: “Hơn 40 năm trước, Lý Quang Diệu biến cả một thuộc địa nghèo nàn, tồi tàn thành một đại đô thị hiện đại, giàu có và rựa rỡ- nơi đây luôn luôn bị bao vây bởi những thế lực thù địch”[4].  
Để làm được những điều đó, cần phải thấy một điều đáng kính nể ở con người Lý Quang Diệu: đó là tầm nhìn xa, rộng và sự khái quát cao trong sự phân tích tình hình nhạy bén. Nếu nhiều nhà lãnh đạo khác cùng thời đi vào tư tưởng dân tộc hẹp hòi, hay bị che mờ bởi lớp sương mù của ý thức hệ và hệ tư tưởng chính trị, thì ông có cái nhìn toàn diện hơn về tình hình thế giới và các quan hệ quốc tế chi phối tình hình đó. Vừa tìm lại độc lập nhưng Singapore không đi tìm một đồng minh để bảo vệ mình mà tìm một đối tác để hợp tác và đem các lợi ích của nhiều quốc gia đặt lên đất nước mình để chính các quốc gia giàu mạnh sẽ bảo vệ đất nước họ cũng chính là bảo vệ lợi ích chung của các quốc gia. Đó là một tư duy chiến lược hoàn hảo cho một quốc gia nhỏ bé nằm giữa khu vực trung chuyển thế giới. Ở đây, cần nhận mạnh đến sự phân tích tiềm lực và đặc tính của Lý Quang Diệu về các quốc gia lớn có nhiều ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của Singapore. Với vốn ngôn ngữ cơ bản tiếng Anh, tiếng Hoa và tiếng Nhật cho phép ông tiếp xúc và tiếp cận thông tin về các quốc gia trên thế giới một cách trực tiếp hơn để đưa ra những nhận định hợp lý. Khi phân tích tình hình nước Mỹ để tìm đường hợp tác, ông chú trọng ngay đến nền văn hóa doanh nghiệp phổ biến của Mỹ mà ông xem đó là sức mạnh hiện hữu của nền kinh tế Mỹ: “Những gì làm cho nền kinh tế Mỹ trở nên nổi trội chính là nền văn hóa doanh nghiệp của họ... Các doanh nghiệp và nhà đầu tư đều nhìn nhận những rủi ro và thất bại chính là bản chất và điều rất cần cho thành công. Khi họ thất bại, họ đứng dậy và làm lại từ đầu”[5]. Cũng từ đó, ông nhận thấy sức mạnh của kinh tế và văn hóa Mỹ chính là sự năng động của các tổ chức kinh tế, xã hội trong việc đổi mới, phát minh ra những kỹ thuật mới. Sự tôn trọng lợi ích cá nhân và theo đuổi lợi ích cá nhân cũng tạo nên động lực và sự sắc bén trong cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ. Vậy nên khi hợp tác với Mỹ, ông có chính sách điều chỉnh để cho phép các doanh nghiệp có độ linh động khi tiếp cận thị trường. Khi phân tích về Trung Quốc, ông xem đây là một “người khổng lồ”, dù ở trạng thái nào thì cũng không thể xem thường Trung Quốc. Ông nhận thức được việc Trung Quốc trỗi dậy là một điều tất yếu và tương lai họ sẽ là nền kinh tế lớn nhất thế giới bởi họ sở hữu 1,3 tỷ con người và một nền văn hóa mấy ngàn năm. Nhưng Trung Quốc chưa thể so sánh được với Mỹ về mặt năng lực sáng tạo, sức mạnh quân sự hay khoa học công nghệ, nên Trung Quốc chưa thể thay thế vị trí của Mỹ trong tương lai gần. Lý Quang Diệu cũng nhấn mạnh thêm rằng việc nhận thức về Trung Quốc để hoạch định đường lối phát triển đất nước cho hợp lý chứ không phải để cạnh tranh ngôi vị hay chống lại xu hướng tất yếu đó: “Ý định của Trung Quốc là trở thành cường quốc lớn nhất thế giới. Các chính sách của mọi chính phủ đối với Trung Quốc, đặc biệt các nước láng giềng, đều phải tính đến vấn đề này. Các chính phủ ấy phải xác định lại vị thế của chính họ bởi vì họ biết rằng sẽ có nhiều hậu quả nếu họ ngăn trở Trung Quốc khi lợi ích cốt lõi của quốc gia đó bị đe dọa”[6]. Hay phân tích mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Lý Quang Diệu nhận định: “Khác với mối quan hệ giữa Hoa Kỳ-Liên Xô trong chiến tranh lạnh, không hề có xung đột ý thức hệ khó hòa hợp giữa Hoa Kỳ và một Trung Quốc đang nhiệt tình tiếp cận thị trường... Quan hệ Trung-Mỹ vừa mang tính hợp tác vừa mang tính cạnh tranh”[7] ... “Hoa Kỳ không thể ngăn được sự trỗi dậy của Trung Quốc. Họ phải sống chung với một Trung Quốc lớn hơn, hoàn toàn mới lạ với Hoa Kỳ, vì chưa có một quốc gia nào đủ lớn để thách thức vị trí này. Trung Quốc có thể làm như vậy trong vòng 20 năm đến 30 năm nữa”[8]. Bên cạnh đó, Lý Quang Diệu cũng có những phân tích sâu sắc về sức mạnh của các nền kinh tế lớn như Ấn Độ, Châu Âu, hay quan hệ giữa hai cường quốc châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ; phân tích tiềm lực và mối quan hệ của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á; hay trình bày những quan điểm về tương lai của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, về tương lai nền dân chủ hay về vấn đề chính trị thời đại toàn cầu hóa. Ở các vấn đề, ông đều đưa ra những nhận định xác đáng được nhiều người quan tâm.
Quá trình lãnh đạo đất nước Singapore vượt qua khó khăn và phát triển thần kỳ trong nửa thế kỷ qua cảu Lý Quang Diệu được các lãnh đạo nhiều nước và các nhà hoạch định chính sách kính nể. Những phân tích về các cường quốc, quan hệ quốc tế hay các vấn đề quan trọng trong thời đại mới của ông vẫn còn được các chính khách ghi nhớ và tiếp tục suy nghĩ. Và cũng như mọi con người bình thường, sáng ngày 23/3/2015, trái tim của con người vĩ đại đó đã ngừng đập. Nhân sự kiện này, xin được nhắc lại một số lời đánh giá của các chính khách lớn dành cho ông: Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói “Lý Quang Diệu là một trong những nhân vật huyền thoại của châu Á trong thế kỷ 20 và 21. Ông là người giúp khởi động phép màu kinh tế châu Á”. Một Tổng thống khác của Hoa Kỳ là George H. W. Bush đánh giá: “Suốt cuộc đời phục vụ nhân dân của mình, tôi đã gặp rất nhiều nhân vật xuất sắc. Không ai tạo ấn tượng mạnh mẽ hơn Lý Quang Diệu”. Hay Margaret Thatcher, cựu Thủ tướng Anh đánh giá: “Khi còn đương nhiệm, tôi đọc và phân tích mọi phát biểu của Lý Quang Diệu. Ông ấy có cách thức thâm nhập vào lĩnh vực tuyên truyền và diễn đạt các vấn đề của thời đại chúng ta một cách đặc biệt sáng sủa cũng như cách giải quyết chúng”[9].  Còn với Henry Kissinger, một nhà ngoại giao của Mỹ thì: “Lý Quang Diệu không chỉ là một trong những thủ lĩnh có ảnh hưởng mạnh mẽ ở thời đại chúng ta, mà còn là một nhà tư tưởng được thừa nhận nhờ sự nhạy bén chiến lược đặc biệt của ông”[10].
Dù có nhiều vấn đề, nhiều quyết sách của Lý Quang Diệu đến nay vẫn còn bị nhiều người phê phán, nhiều hành động của ông còn đang được xem xét về tính nhân đạo hay văn hóa... Nhưng cũng phải công nhận những di sản ông để lại cho đất nước Singapore là rất lớn. Những ý kiến đánh giá của các chính trị gia trên đều không sai, nhưng chẳng có đánh giá, bình luận nào về tầm vóc của Lý Quang Diệu xác đáng, đanh thép bằng cách hãy nhìn vào đất nước Singapore trong nửa thế kỷ qua từ nghèo đói, thuộc địa vươn lên thành một nước giàu có, rực rỡ. Đó là một bằng chứng thép, một sự thừa nhận hiển nhiên cho sự vĩ đại của Lý Quang Diệu. Ông là một người anh hùng thật sự. Một lãnh tụ đưa một dân tộc giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh cũng là một anh hùng tài giỏi. Nhưng một lãnh tụ đưa một dân tộc tránh được các cuộc chiến tranh để phát triển, đưa người dân ngày càng giàu có, ấm no hạnh phúc thì đó là một anh hùng vĩ đại./


[1]Tham khảo thêm thông tin về Lý Quang Diệu trên wikipedia.org: http://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%BD_Quang_Di%E1%BB%87u.
[2]Xem G. Allison, R.D. Blackwill, A. Wyne: “Tương lai Trung Quốc” trong cuốn  “Lý Quang Diệu bàn về Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới”. Nxb Thế giới, 2013.

[3]Xem G. Allison, R.D. Blackwill, A. Wyne: “Tương lai Ấn Độ” trong cuốn  “Lý Quang Diệu bàn về Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới”. Nxb Thế giới, 2013. Trang 77.
[4]Lời bình cho cuốn “Prom Third World to First: The Singapore Story: 1965-2000 của Lý Quang Diệu. Dẫn theo G. Allison, R.D. Blackwill, A. Wyne: “Lý Quang Diệu bàn về Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới”. Nxb Thế giới, 2013, trang xviii.
[5]Xem G. Allison, R.D. Blackwill, A. Wyne: “Tương lai Hoa Kỳ” trong cuốn  “Lý Quang Diệu bàn về Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới”. Nxb Thế giới, 2013. Tran.g 29
[6]Xem G. Allison, R.D. Blackwill, A. Wyne: “Tương lai Trung Quốc” trong cuốn  “Lý Quang Diệu bàn về Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới”. Nxb Thế giới, 2013. Trang 3.
[7]Xem G. Allison, R.D. Blackwill, A. Wyne: “Tương lai quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ” trong cuốn  “Lý Quang Diệu bàn về Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới”. Nxb Thế giới, 2013. Trang 51.
[8]Tổng hợp trò chuyện giữa Lý Quang Diệu và John Thomson tại Diễn đàn Toàn cầu Future China, Singapore, ngày 11/7/2011. Trích theo G. Allison, R.D. Blackwill, A. Wyne: “Lý Quang Diệu bàn về Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới”. Nxb Thế giới, 2013. Trang 56.
[9]Các đánh giá này dẫn theo G. Allison, R.D. Blackwill, A. Wyne: “Lý Quang Diệu bàn về Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới”. Nxb Thế giới, 2013, trang xix và xvi.
[10]Lời giới thiệu cho cuốn sách của G. Allison, R.D. Blackwill, A. Wyne: “Lý Quang Diệu bàn về Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới”. Nxb Thế giới, 2013, trang x. 

Theo : VHNA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét