Dân ngụ cư
Dân xóm Mít đã bao đời sống trong những ngôi nhà cấp bốn ba gian lụp xụp, giờ nghe nói nhà Phố xây nhà cao tầng kiên cố thì không khỏi tò mò chạy ra đứng túm tụm nhau xầm xì: "Vợ chồng nhà hắn làm gì mà lắm tiền thế không biết?".
Một chị bĩu môi: "Í giời! Vợ làm kế toán, chồng chạy vật tư, khác gì chuột sa chĩnh gạo. Nó xây đến trăm tầng cũng chẳng hết tiền". Một chị chép miệng: "Thế mà nhà mình thì cứ quanh năm dúi dó, dụi dọ vì miếng ăn. Đến bao giờ mới xây được nhà nhỉ!". Tự nhiên gương mặt người nào cũng chùng xuống buồn buồn. Một nỗi buồn vô cớ, nhức nhối, thẳm sâu mà không ai muốn nói ra.
Vợ chồng Lạng cũng thế, cũng muốn ra ngoài để góp chuyện, nhưng còn ngại, sợ vợ chồng nhà Phố lại bảo tò mò ghen ăn, tức ở nên chỉ đứng trong nhà mình nhìn sang.
*
Vợ chồng Phố đến xóm Mít ngụ cư đã ngót mười năm. Xóm Mít là một vùng ngoại ô cách trung tâm thành phố quãng mười cây số. Nơi đây làng không ra làng, phố cũng chưa ra phố. Đa số là nông dân, nhà cửa còn tuềnh toàng, đường sá chật hẹp, mà nhà nào cũng nuôi chó thả rông. Chúng ỉa đái đầy đường. Có lần họp tổ dân phố, Phố đã góp ý kiến: "Đề nghị nhà ai nuôi chó thì xích lại. Nếu thả ra ngoài phải đeo rọ mõm…". Chưa nói hết câu thì phòng họp đã xôn xao: "Dân ngụ cư biết gì mà nói". Thế là Phố im thít. Người khó, chó dữ nên vợ chồng Phố ngụ cư đã lâu mà vẫn chưa quen thân được ai.
Nhà Phố chung bờ rào với ba anh hàng xóm. Một anh bên phải tên là Chả thì lúc nào cũng thấy lướt khướt. Uống rượu vào là chửi vợ, mắng con. Có hôm mượn rượu chửi cạnh khóe cả nhà Phố vì nghi cho Phố bắt mèo nhà mình. Anh bên trái làm nghề xe ôm tên là Hãy sắm được bộ giàn đài Sony Nhật có hai loa thùng công suất tới ba trăm oát. Khi vắng nhà thì thôi, về đến nhà là mở đài vặn hết chiết áp. Hai loa thùng đập bùm bụp như đánh trống, điếc cả tai, Phố phải đóng chặt các cánh cửa lại. Nhưng tiếng bùm bụp, chan chát vẫn không buông tha. Nó vẫn chui qua các khe cửa đập vào màng nhĩ. Vợ chồng Phố phải lấy bông bịt chặt hai lỗ tai.
Có lần Phố muốn làm quen sang nhà Chả. Chả hỏi: "Cần gì không?", Phố bảo: "Em sang chơi thôi". "Rỗi nhỉ, tôi thì bận bỏ bố ra đây". Phố lủi thủi đi sang nhà anh Hãy. Hãy đang ngồi uống trà ngoài hiên nhìn thấy Phố vội đi vào nhà. Phố đứng ngoài chờ mãi chẳng thấy ra. Ngượng quá, Phố phải thũng thẵng đi về. Từ đấy Phố không dám sang nhà ai chơi nữa. Tuy vậy gặp ai ngoài đường dù già hay trẻ, vợ chồng Phố cũng chào đon đả. Họ chỉ gật đầu, nhếch mép. Nếu không chào trước thì sát mặt họ cũng tỉnh bơ.
Anh hàng xóm ở phía sau, chồng tên là Lạng, vợ tên là Mền mới thật là khó chịu. Hồi Phố mới đến, bức rào ngăn cách giữa nhà Phố và nhà Lạng bằng những cây tre rừng rào chéo cánh sẻ. Lạng trồng một dãy chuối dọc bờ rào. Giống chuối lá mắn đẻ và lớn nhanh. Có những cây chuối con mọc chui qua bờ rào sang đất nhà Phố. Những năm ấy đất rẻ không ai nghĩ đến chuyện bán đất.
Vợ chồng Phố chỉ trồng dây khoai lang nuôi lợn. Nhưng nuôi lợn lời lãi chẳng đáng bao nhiêu mà hôi thối mất vệ sinh. Với lại vợ chồng Phố còn mải mê công việc ở cơ quan, xí nghiệp nên không quan tâm đến vườn tược để lau le, cỏ dại mọc um tùm. Chỉ chờ có thế, vợ chồng Lạng cứ thấy cây chuối con nào mọc sang đất nhà Phố đến đâu thì rào sang đến đó. Vợ Phố tức lắm. Lần thứ nhất còn nể. Lần thứ hai trở đi, hễ thấy cây chuối con nào mọc sang là cầm dao chặt béng đến tận gốc. Vậy mà chỉ hai ngày sau, ngay nơi bị chém, ngọn chuối con khác đã trồi lên. Vợ Phố lại chặt! Nhưng chặt cây này nó lại mọc cây khác y như tướng giặc Phạm Nhan có phép tàng hình: "Trận chiến thắng oanh liệt trên Bạch Đằng Giang, quân ta bắt sống hắn. Hưng Đạo Vương sai quân lính chém đầu. Nhưng chém đầu này, hắn lại mọc đầu khác. Ngài phải sai quân phóng uế vào lưỡi gươm. Sau đó mới chém rụng được đầu hắn".
Nhớ chuyện xưa, vợ Phố phải đổ mấy thùng nước giải vào gốc chuối, cứ tưởng chúng sẽ tiệt giống. Thế mà chỉ vài ngày sau cái ngọn chuối xanh nõn đã phất cờ nhô lên. Nhưng đấy mới chỉ là biện pháp tình thế. Còn cái bờ rào bằng cây róc chỉ vài tháng là mục chân đổ rạp. Phố chưa có thì giờ rào lại thì Lạng đã xăm xắn mua tre róc về rào. Lạng cứ để nguyên bờ rào đổ, rồi cắm từng cây róc mới ra phía ngoài hàng rào cũ. Mỗi lần như thế, bờ rào mới lại nhích dần sang đất nhà Phố được vài phân.
Minh họa: Đỗ Dũng. |
Sống bên cạnh anh hàng xóm tham lam, xấu tính như thế thì hiền như đất cũng không chịu được. Giá như ngôi nhà là con thuyền thì Phố đã đẩy đi đậu bến khác từ lâu rồi. Có người khuyên Phố sao không chuyển nhà lên trung tâm thành phố mà ở cho sướng? Một phần vì không đủ tiền, một phần vì Phố nghĩ ở nơi này dù sao vẫn yên tĩnh hơn, đỡ bụi bặm. Hơn nữa còn có đất vườn trồng rau sạch, trồng vài luống hoa, đặt vài chậu cảnh, trước nhà treo vài giò phong lan quí. Đứng trước hoa ai mà không cảm thấy như mình trẻ lại, dịu nỗi u phiền, xua tan mệt nhọc. Tâm con người cũng trở nên trong sáng. Nghĩ thế nên Phố không đi đâu nữa. Có an cư mới lạc nghiệp. Vợ chồng Phố quyết định xây nhà.
*
Dân xóm Mít xôn xao, nháo nhác suốt mấy tháng trời sống trong tiếng ồn. Với vợ chồng nhà Lạng thì đầu óc như quả bóng bơm căng. Lạng ghét nhất là tiếng xe công nông. Mỗi khi vào ngõ là gào lên tành tạch như hổ gầm, voi đú.
Đáng ghét nữa là tiếng máy khoan, suốt ngày "xoèn xoẹt! Xóe xóe!". Người bị rối loạn tiền đình, tim yếu, huyết áp cao nghe tiếng máy khoan phải chạy cho xa. Hai thứ âm thanh khó chịu ấy xoắn bện với nhau làm rung chuyển nhà đất, rung chuyển cây cối đường đi, làm méo cả tiếng tivi, cát sét.
Con người ta khi đã ghét nhau, ganh đua với nhau từng tí một thì không bao giờ nhìn thấy cái đẹp, cái hay của nhau cả. Mọi cái của họ đều trở nên xấu xí. Khi ngôi nhà của vợ chồng Phố xây xong, Lạng cũng chẳng thèm nhìn kĩ xem nó xấu đẹp thế nào mà những người đi đường ngang qua ai cũng ngửa cổ lên tấm tắc khen: "Ôi cái nhà đẹp thế!". Đợi một hôm vợ chồng Phố đi vắng, Lạng mới ra đường ngắm trước, ngắm sau cố tìm ra những nét không hợp lí hay sự vụng về của thợ xây để có cớ mà chê bai. Thế mà Lạng phải gật đầu khen thầm trong bụng.
Lần đầu tiên xóm Mít có một ngôi nhà cao những bốn tầng, một tum. Nó lại lù lù trước mặt che chắn hết gió nồm nam, che chắn hết sinh khí bay vào nhà Lạng mới tức chứ. Đã bao năm dân xóm Mít an phận sống trong những ngôi nhà lụp xụp giống nhau. Nhà khá lắm thì hiên tây, máng thượng, còn hầu hết là mái xuôi lổm ngổm như những cái bát úp. Giờ mới có cái để mà so sánh. Lạng đứng gần rồi lại đứng xa ngắm kĩ nhà Phố. Rồi ngắm kĩ nhà mình mới thấy nực cười. Nó đã thấp lại bé.
Rêu phong cũ kĩ, nền móng sụt lún làm cho tường nhà có chỗ đã rạn nứt. Nếu ví những ngôi nhà của xóm Mít như cái bát úp thì ngôi nhà của Lạng là cái bát úp mẻ, là anh nông dân đứng bên anh công tử hàng phố. Lạng còn muốn đi vòng ra đằng sau ngắm nữa thì nghe tiếng xe máy "roẻn roẻn!". Vợ chồng Phố đã về. Lạng vội vã vào nhà đóng sập cửa lại, ngả người trên đi văng.
Trước đây Lạng không quan tâm mấy đến sự sinh hoạt bên nhà Phố. Giờ thì mọi chuyện bên nhà Phố, Lạng đều thông tỏ. Cả cái việc sáng sớm tinh mơ, vợ chồng Phố đã ra ban công tập thể dục. Chồng vận quần đùi, áo may ô trắng toát, vợ thì mặc quần soóc đỏ, áo thun đen ba lỗ khoe cặp đùi thon. Phố ưỡn người, vặn mình sang trái, ngoẹo mình sang phải kêu răng rắc. Hai cánh tay Phố quay tròn như chong chóng khởi động bài tập thể dục. Vợ Phố thì hai tay chống nạnh lắc lư cái mông như người lắc vòng. Lại còn hát nữa: "Em đứng trên tầng cao, trời mây non nước đẹp xiết bao…".
Vợ Lạng đứng dưới nhìn lên bĩu môi: "Í giời! Nó lại còn xuyên tạc bài hát của người ta: "Em đứng trên Đèo Nai thì nó lại xuyên tạc là em đứng trên tầng cao. Mới xây được cái nhà đã vênh váo, sĩ tượng! Nhìn ngứa cả mắt".
Lạng cú nhất là mỗi lần nhìn lên, cảm giác như bọn chúng đang đứng trên đầu mình. Thế tức là cái giường ngủ của hai vợ chồng nó cũng ở trên đầu mình. Sự thua kém càng nhiều thì nỗi hận trong người Lạng càng lớn. Có lúc Lạng tự hỏi: Tại sao những dân ngụ cư đến xóm Mít sinh sống chỉ vài năm là xây được nhà cao tầng. Có nhà còn rục rịch sắm xe con? Thế thì đủ biết nơi này đất lành chim đậu. Có thể do dân xóm Mít mình đã ít học lại lười nhác. Quanh năm chỉ biết cấy lúa trồng rau. Rỗi rãi một tí là đi ngồi vào chiếu bạc, hoặc chơi cờ tướng ăn tiền, hoặc quán sá rượu bia lướt khướt. Con cái thì biếng học, lêu lổng, chẳng có đứa nào thi được vào đại học. Lạng cũng có một đứa con gái học chưa hết lớp mười hai đã yêu đương nhắng nhít, rồi bĩnh bụng ra. Vợ Lạng phải nói như van xin mãi họ mới cưới cho, còn thằng con trai thì hết đầu xanh, lại đầu đỏ. Nhiều hôm bỏ học chơi game. Lạng nói mãi, chửi mãi vẫn như nước đổ đầu vịt.
Có tiếng nói léo xéo bên ngoài, rồi có tiếng người hỏi: "Bác Lạng có nhà không nhỉ?". Lạng đẩy cửa ra ngoài thấy bà Thảnh đang hớt hải đi vào. Hình như bà có việc gì hệ trọng lắm mà gương mặt xị ra như cái bánh đúc.
- Bác Lạng biết gì chưa?
Lạng hồi hộp:
- Chuyện gì vậy?
- Nhà Phố nó mới đưa về bộ sa lông minh đào đẹp lắm cơ. Cả chiếc giường gỗ hương với chiếc tủ đứng ba buồng gỗ lát hoa nữa nhá, kinh không?
Tưởng chuyện gì, Lạng chặc lưỡi:
- Nó có tiền thì nó mua.
- Đành rằng thế. Nhưng mà nó mới xây nhà xong…
- Thì cũng kệ nó. Nó mua ôtô, máy bay hay mua cả ông trời thì cũng kệ nó.
Thấy Lạng không hào hứng với chủ đề cần nói, bà Thảnh định trở ra thì vợ Lạng cùng chị Thìn, chị Lự, bà Ngỡi đi vào góp chuyện. Chị Thìn ướm hỏi:
- Các chị nhìn xem kìa! Hình như cái nhà của hắn bị ngoẹo sang Tây đến năm xăng-ti. Bọn thợ này xây ẩu. Xấu!
Chị Lự nheo mắt ngắm rồi nói:
- Tôi nhìn nó lại lả sang đông tám xăng-ti cơ.
Vợ Lạng bảo:
- Các chị, các bà thế nào chứ tôi là tôi chúa ghét cái nhà ống. Trông nó cứ như cái bao diêm trẻ con nhốt dế trọi í.
Bà Ngỡi hưởng ứng:
- Tôi lại ghét nhất cái mái chữ A kia. Chòng chành ba cái góc nhọn nhô ra, nhìn nhức cả mắt.
Đồng tâm chê bai cũng góp phần làm giảm giá trị ngôi nhà của vợ chồng Phố, mọi người mới hỉ hả ra về. Cái sự rấm rức trong mỗi người cũng theo hơi thở bay ra tan trong không khí. Vợ chồng Lạng cũng thế. Nhẹ nhõm được phần nào. Tuy nhiên, nó cũng chỉ vơi đi trong chốc lát mà thôi. Hằng ngày ngôi nhà của vợ chồng Phố vẫn như cái gai bồ kết chọc vào mắt khiến Lạng nhức nhối. Lạng nghĩ mình cũng phải xây một ngôi nhà cho vợ chồng nhà Phố và thiên hạ khỏi khinh. Nhưng làm thế nào để có tiền xây nhà thì Lạng chưa nghĩ ra.
Một hôm Lạng lóe ra một ý: hay là xuống Quảng Ninh hùn vốn với cậu em vợ nuôi cá lồng bè. Lạng nghĩ ra ý tưởng đó là do tháng trước Lạng được đi du lịch ké với hội cựu chiến binh của làng đi thăm vịnh Hạ Long. Cậu em vợ nghe tin anh xuống đến đón về Vụng Đèn nơi cậu nuôi cá lồng bè. Hôm ấy cậu chiêu đãi Lạng một bữa hải sản có tôm he, ghẹ hoa, cá song, con nào cũng béo hú, ăn ngập chân răng, đã bổ lại lành. Thảo nào hồi còn ở nhà cậu em đi làm phu hồ người đen cháy, gầy nhom. Bây giờ thì đẫy đà, khỏe khoắn.
Lạng hỏi: "Có được ăn không?". Cậu em bảo: "Bình quân mỗi tháng lãi vài chục triệu. Anh về bảo chị tìm nguồn vốn rồi xuống làm với em đi". Lạng chưa muốn nói với vợ điều này vì tiếng thế chứ làm nghề nuôi cá lồng bè nghe người ta nói cũng nhiều rủi ro lắm. Không may có trận bão lớn tràn qua, lồng vỡ, cá ra thì toi hết vốn. Dứt ra khỏi mạch nghĩ vì vợ Lạng đã đi chợ bán rau về. Đặt quang gánh giữa sân, Mền tất tả bước lên thềm khoe:
- Anh ơi mình cũng sắp xây được nhà rồi!
Còn đang bức xúc, Lạng lừ mắt:
- Cô đùa đấy à? Đang móc tĩ bẩy ngày không thấy thối còn đòi xây nhà ư? Có mà xây nhà táng!
- Thì đấy! Em vừa gặp chị Nháng con bác Suất, cán bộ phòng tổ chức công ti thủy lợi nói với em là chị được phân một suất đi lao động Hàn Quốc. Nếu em muốn đi thì chỉ nộp trăm triệu đồng thôi.
Lạng nửa tin, nửa ngờ hỏi:
- Có thật không?
- Em mà nói dối thì em là con chó. Em tính rồi. Bán hết nhẫn cưới với vay ông bà ngoại và các cô, các bác trả lãi. Em sẽ gửi tiền về. Lo gì, cháo nóng húp xung quanh, công nợ trả dần, một năm là hết veo. Vợ chồng mình sẽ xây một ngôi nhà cao, to, đẹp hơn cho vợ chồng nhà Phố biết mặt.
Hôm tiễn vợ ra sân bay, Lạng đứng đợi cho đến khi máy bay cất cánh cao tít trên tầng xanh, xa dần, nhỏ dần như một cánh chim cô lẻ, Lạng mới thấy lòng mình trống vắng hẫng hụt.
Vợ Lạng sang Hàn làm cho một công ti chế tạo ôtô có tiếng tăm của nước bạn được hơn một năm thì cùng mấy cô bạn bỏ ra ngoài làm công việc nạo vét cống rãnh. Tuy bẩn thỉu, hôi hám nhưng thu nhập cao hơn. Mấy tháng đầu vợ Lạng gửi tiền về đều đều. Nợ trả chưa hết thì bỗng một hôm Mền điện thoại: "Dạo này làm ăn khó khăn lắm. Cảnh sát Hàn lùng sục ngày đêm tìm người Việt phá hợp đồng ra làm ngoài. Họ bắt được sẽ đuổi về nước ngay. Có lẽ em cũng phải trở về nước nay mai thôi anh ạ!".
Lạng lại còn nghe nói láo pháo: "Đàn bà xa xứ đã mấy ai giữ được mình, mà vợ Lạng thì vẫn còn phây phây ra thế". Thì đấy! Cái cô Lài con nhà bác Đĩ Nhớn cũng đi lao động bên Hàn. Nhưng đi thì một, về thì hai. Hôm bế đứa con hai tuổi về quê trông lếch tha, lếch thếch rõ là dơ! Nghĩ về nhà, lo về vợ, người Lạng hốc hác bơ phờ.
Lạng đi làm phu hồ cho một tốp thợ nề. Lương phu hồ ba cọc ba đồng. Nghỉ ngày nào là không có lương ngày ấy. Đã hơn một tuần rồi, Lạng phải nghỉ việc vì trời mưa liên miên. Sáng nay, Lạng một mình ngồi nghe gió quất trên tàu chuối rách tươm. Gió táp trên mái ngói ràn rạt. Nước mưa chảy tong tong xuống nhà, Lạng phải vơ quần áo treo trên mắc để xuống giường rồi cuộn chiếu lên, chỗ nào dột thì lấy chậu hứng. Đúng là trăm cái khổ không cái khổ nào giống cái khổ nào. Mỗi cơn gió đến Lạng còn lo sập nhà nữa. Lạng hé cánh cửa nhìn sang nhà Phố.
Phố cũng đang ở nhà ngồi trước màn hình vi tính. Thỉnh thoảng Phố cũng hé cửa nhìn sang nhà Lạng, ái ngại, lo lắng. Ngoài kia mưa đã ngập trắng xóa cánh đồng. Nước duềnh lên cả đường đi. Lũ trẻ con đi học về xắn quần lội lõm bõm như lũ vịt. Phố nghĩ cứ cái đà này xóm Mít sẽ lụt đến nơi. Và điều phải đến đã đến. Mọi người nháo nhác đưa các ông bà già, con trẻ đến các đình chùa, nhà văn hoa, các nhà cao tầng xin trú nhờ. Lúc này thì chạy lụt cũng như chạy giặc. Không ai còn thì giờ nghĩ đến riêng tư, nghĩ đến sĩ diện đố kị, hận thù, tỵ nạnh, mà chỉ còn lại là tình thương yêu đùm bọc lá lành đùm lá rách.
Vợ chồng Phố xắn quần, đội mưa chạy sang nhà Lạng đưa các đồ đạc, vật dụng cần thiết sang nhà mình để trên tầng ba, rồi dọn dẹp cho bố con Lạng một phòng. Hai cánh cửa nhà Phố mở rộng đón vợ chồng, con cái nhà Hãy, nhà Chả lên ở tầng tư. Hằng ngày vợ Phố nấu cơm chung cho mọi người cùng ăn. Vợ Phố nấu cơm thật khéo. Cơm chín tới dẻo, thơm. Đĩa cá ruội khô om chua, cay, ngòn ngọt thơm phức. Đĩa thịt lợn ba chỉ thái phay, rán xém cạnh, lại có cả đĩa cà pháo muối, đĩa rau khoai lang luộc, toàn những thứ vợ Phố chuẩn bị phòng chống lũ lụt từ mấy hôm trước. Bữa cơm đơn giản mà ngon.
Lạng vừa ăn, vừa nghĩ. Chén rượu đã cạn vẫn cầm trên tay. Đôi mắt xa xăm. Phố biết ý cầm chai rượu rót đầy vào chén Lạng, rồi chén anh Hãy, chén anh Chả… Ngoài kia mưa vẫn rơi và nước lũ đang lên.
Truyện ngắn của Tiến LuậnTheo : VNCA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét