Menu ngang

Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

Người Việt ồn ào và cách người Nhật dạy trẻ
Có thể nói giáo dục lòng tự trọng là nguồn gốc và nền tảng cho mọi phẩm chất cá nhân trong nền giáo dục nhân văn nhấn mạnh vào dạy làm người.
LTS: Ngày nay, các bậc phụ huynh Việt Nam thường rơi vào trạng thái hoang mang khi phải đối mặt với một môi trường đầy ắp thông tin nhiều chiều, cùng những thay đổi liên tục về chương trình, chính sách giáo dục. Và hơn cả, họ phải đối mặt với nỗi lo những xô lệch, xuống cấp về đạo đức xã hội, khủng hoảng giá trị... tác động đến con cái họ ra sao.
Trong bối cảnh đó, Tuần Việt Nam xin giới thiệu loạt bài viết về giáo dục, định hình nhân cách và bản lĩnh sống cho trẻ của tác giả Nguyễn Tuấn Hải.

Bài 1: Giáo dục lòng tự trọng
Một số vấn đề xảy ra trong lòng xã hội Việt Nam hiện nay đang cho thấy tầm quan trọng của việc tạo dựng, bồi đắp lòng tự trọng.Các sự kiện đám đông chen lấn giành giật trong các lễ hội và các sự kiện dẫn đến tai nạn, hoảng loạn thậm chí là đánh nhau ác liệt... đã trở nên ngày càng nhức nhối, làm nhói đau trong tim của những con người tử tế.
Chẳng hạn, chỉ mới vừa đây, báo chí đưa tin, tại TP HCM và Hà Nội, trong những ngày nghỉ lễ xảy ra hàng trăm vụ đánh nhau dẫn đến nhập viện. Đáng buồn nữa là, theo một bác sĩ trực lãnh đạo BV Chợ Rẫy xác nhận: “Nhiều trường hợp đâm chém ở lứa tuổi thanh thiếu niên với hành vi rất nguy hiểm, dùng dao, mã tấu chém đối thương trọng thương...”.
Cái ác và cái xấu sẽ được cổ vũ một cách vô tình bởi sự im lặng của chính những người tử tế. Cho nên những người làm giáo dục chính là những người cần góp không chỉ tiếng nói thức tỉnh và thay đổi hành vi của xã hội, mà còn cần thúc đẩy các hành động tử tế một cách mạnh mẽ hơn.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn đưa ra một giải pháp:Giáo dục lòng tự trọng cho trẻ em. Bởi chúng tôi coi đây là nguồn gốc và nền tảng cho mọi phẩm chất cá nhân trong nền giáo dục nhân văn nhấn mạnh vào dạy làm người, thay vì nền giáo dục "cơ bắp", nhấn mạnh vào dạy kiến thức và kĩ thuật làm bài tập như hiện nay của chúng ta.
Lòng tự trọng (self - esteem trong tiếng Anh) không phải là thứ tự sinh ra ở mỗi cá nhân. Nó là một phẩm chất mà chúng tôi gọi mang tính thành quả. Dạy kiến thức cho trẻ đã khó. Dạy kĩ năng còn khó hơn. Và rèn phẩm chất cho trẻ mới là cực khó. Cả 3 thứ này: kiến thức (knowledge); kĩ năng (skill) và phẩm chất (quality) đều được người Anh dùng chữ ACQUIRE trong ngôn ngữ của họ khi diễn tả việc đạt được các thứ đó.
Chữ ACQUIRE có nghĩa là đạt được/giành được một cái gì đó không phải thông qua một hành động tức thời mà qua một quá trình rèn rũa. 
Chúng tôi xin được đưa ra dưới đây các cách thức được dày công nghiên cứu và tổng kết trong các nền giáo dục tiến bộ thế giới nhằm hướng trực tiếp tới việc hình thành và rèn luyện lòng tự trọng cho trẻ em.
1. Dạy trẻ tìm ra 1 đặc điểm cá nhân bất kỳ tại một thời điểm hay một thành tích bất kỳ sau một quá trình để trẻ tự hào về bản thân mình.
Đặc điểm cá nhân độc đáo của trẻ là thứ mà một khi ý thức được các em sẽ thấy được sự khác biệt của mình.
Thành tích cá nhân là một con dao hai lưỡi trong giáo dục trẻ. Quá trình làm việc và phấn đấu của trẻ được đánh dấu bằng các thành tích như vậy. Đó không chỉ là thứ mà trẻ cần được dạy cách tự hào để thấy mình tự tin về những gì mình đã làm được và có thể làm được, mà còn trân trọng chúng như những kỷ niệm đẹp.
Chúng tôi muốn nhấn mạnh thành tích cá nhân ở đây là sự vượt lên chính mình của cá nhân đứa trẻ, chứ không phải sự cạnh tranh và dẫm đạp lên người khác.
Chúng ta hãy xem Nhật Bản đã dạy học trò tiểu học của họ thế nào trong việc rèn luyện tính tự tôn trọng cá nhân mình:
- Dạy trẻ rằng ước mơ quan trọng hơn tất cả.
- Nhắm vào việc rèn tâm hồn phong phú cho đứa trẻ
- Dạy trẻ tự vượt qua chính mình bằng cách đặt ra các mục tiêu cho cá nhân vào đầu năm học và nỗ lực thực hiện các tiểu mục đó.
2. Dạy trẻ tôn trọng người khác cả về khả năng, tính cách và nhất là sự riêng tư.
Đứa trẻ không chỉ cần nhận thức được sự khác biệt của mình, mà còn cần nhận biết được sự khác biệt của người khác, đặc biệt là bạn bè cùng trang lứa là những người đang chia sẻ nhiều thứ chung với nhau. Và các em phải được dạy tôn trọng sự khác biệt và biết được sự đa dạng làm nên sự hấp dẫn của môi trường sống và học tập của chính mình. 
Chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây một phẩm cách đặc biệt và có tính chất văn hóa ứng xử ở bậc cao: đó là tôn trọng tính cá nhân và không gây ồn hay làm phiền người khác.
Người châu Á, trong đó người Việt Nam, Trung Quốc vốn vẫn rất "mang tiếng" ồn ào, nhất là khi họ đi theo đám đông. Đặc tính này cũng khiến chúng ta đôi khi rơi vào những trường hợp chẳng hạn như bị các thực khách châu Âu tránh né trong các nhà hàng sang trọng. Đó là vấn đề chúng ta phải thực sự suy ngẫm.
3. Tạo điều kiện và khuyến khích trẻ theo đuổi đam mê cá nhân. 
Tại Việt Nam khi trẻ em bộc lộ ý thích của chúng mà theo cha mẹ là không có lợi ích thực dụng trong việc học hành và tương lai tài chính, thường chúng sẽ không được khuyến khích và thậm chí bị ngăn cản.
Một khi đứa trẻ không được sống với đam mê để có thể sống hết mình cho ngọn lửa cháy trong mình và qua đó tận hiến cho cộng đồng, chúng sẽ không thấy cá nhân mình có ý nghĩa.
Được là mình là nhu cầu quan trọng nhất của trẻ em. Chúng sẽ trân trọng mình và trân trọng người. Chúng sẽ thấy nếu lấy đồ, sáng kiến, công sức... của người khác làm của mình là hành động xấu xa bậc nhất.
Và đó là cơ sở giúp trẻ em có những ý thức đầu tiên ươm mầm cho lòng tự trọng cho chúng trong tương lai trên con đường học để làm người trước tiên.

Kỹ năng quan trọng của thế giới, ta lại yếu nhất

Làm việc nhóm có thể nói là kỹ năng yếu nhất của học sinh Việt Nam và thật đáng tiếc đây lại là kỹ năng quan trọng sốmột, quyết định sự thành bại của quá trình làm việc khi trưởng thành. 

Thành công là một con đường không bao giờ là của một người. Đó mới là đích đến sâu xa nhất của nhận thức và ý thức của cá nhân, thông qua đức khiêm nhường.

Chúc mừng con đã biết bơi!
Một hôm, có cậu bé học trò một trường quốc tế tại Hà Nội nhận được giấy khen của nhà trường với nội dung sau:
'Chúc mừng con đã biết bơi’
Một nội dung tưởng tương đối đơn giản, nhưng ẩn chứa một  triết lý giáo dục rất nhân văn gửi gắm đằng sau.
Câu chuyện của cậu bé như sau: cậu là người cuối cùng trong lớp không biết bơi và sau nhiều nỗ lực tập luyện thì cuối cùng cậu đã biết bơi. Khi cậu chưa biết bơi và các bạn trong lớp thi bơi ở hồ bơi, cậu vẫn vui vẻ, hồn nhiên chạy trên thành bể cổ vũ cho các. Cậu đã không cảm thấy việc mình thua kém các bạn ở lĩnh vực không phải thế mạnh của mình.
Giấy khen của trường cậu bé nhấn mạnh vào việc con người cần phải vượt qua được chính mình. Và đó là thành tựu lớn nhất mà một người cần hướng tới, chứ không phải việc phải vượt qua và thắng được người khác bằng mọi cách.
Ở đây, triết lý giáo dục của ngôi trường cậu bé học có hai điểm chính:
1. Cậu bé đã học được cách tôn trọng chính mình.
2. Cậu đã học được cách tôn trọng sự khác biệt về khả năng và hoàn cảnh giữa các cá nhân.
Với góc nhìn của nhà giáo dục, tôi coi đây là hai tiền đề cho sự khiêm nhường mà một đứa trẻ cần phải có được trong một nền giáo dục vừa nhân văn vừa hiện đại.
Nếu nhìn xa hơn, những tiền đề này sẽ chuẩn bị cho trẻ những kỹ năng và phát triển các phẩm chất cần có để chuẩn bị cho hành trình tương lai:
1.Không bao giờ chê bai người khác.
2. Học làm việc nhóm ngay từ khi còn nhỏ.
3. Học cách thảo luận và tranh luận (debate) khi bước vào cấp 2 (THCS) và cấp 3 (THPT hay High School). 
Không chê bai người khác có hai hàm ý, vừa là tôn trọng sự khác biệt và đa dạng; vừa là tôn trọng cái tôi cái cá nhân của chính bản thân mình, đây là cơ sở để giúp trẻ tiến tới việc hình thành 2 kĩ năng số 2 và số 3. Trong giáo dục phổ thông, việc yêu cầu các em mặc đồng phục khi tới trường chỉ giải quyết được bề nổi mang tính hình thức của việc này.
Làm việc nhóm có thể nói là kỹ năng yếu nhất của học sinh Việt Nam và thật đáng tiếc đây lại là kỹ năng quan trọng số một, quyết định sự thành bại của quá trình làm việc khi trưởng thành. 
Trẻ em của chúng ta đi học chỉ cốt lo điểm số của mình sao cho cao nhất có thể. Các em không quan tâm và không được dạy cách tương tác với người khác: các em không thực hiện việc tìm kiếm sự giúp đỡ cũng như không mang sự trợ giúp của mình cho bạn bè. Học thầy không tày học bạn hóa ra lại vẫn là chuyện nói suông ở các trường học của chúng ta. 
Tính cá nhân và việc chỉ dựa vào cá nhân mình để tiến tới sự thành công cả trong học tập và làm việc được tiếp tục thể hiện trong việc các em không quan tâm tới sự gắn mình với cộng đồng, với các hoạt động xã hội vì mục đích không tư lợi. Các em lớn lên với rất ít ý thức cống hiến cho cộng đồng và xã hội, nhất là với nơi mình sống và cộng đồng ngay tại đó.

Hãy thảo luận, đừng dùng bạo lực


Nền giáo dục của chúng ta hiện chưa tạo được điều kiện cần thiết cho tranh cãi và thảo luận (debate). Trong khi debate là một phần cấu thành quan trọng bậc nhất trong nền giáo dục tiền đại học. Qua đây các em học sinh sẽ học được từ nhau rất nhiều và biến đổi bản thân để vượt qua và hoàn thiện bản thân mình ở cấp độ cao.
Ở các nước tiên tiến, từ trong trường học cho tới xã hội, những người làm giáo dục luôn cố gắng tạo ra không gian thảo luận (debate room) để không chỉ giúp học sinh phát triển, mà còn qua đó (chứ không phải bài kiểm tra hay điểm số hay giải thưởng) phát hiện và lựa chọn các cá nhân đặc biệt để giúp các em phát triển đúng thiên hướng của từng cá nhân học sinh.
Chúng ta thường thấy những cá nhân thành công đích thực (cả trong học tập và sự nghiệp) lại rất giản dị và khiêm nhường! Tại sao lại như thế trong khi họ rất thành công và tài giỏi? 
Câu trả lời đơn giản là họ được giáo dục từ bé đức khiêm nhường. Và đặc biệt là khi họ thành công và đứng từ trên cao nhìn xuống họ sẽ thấy mình sao nhỏ bé. Họ thấy để lên được đỉnh cao thành công họ đã phải đi cùng với nhiều người, nhận được sự hỗ trợ từ nhiều người tài năng thậm chí còn hơn họ.
Họ biết thành công là không chỉ của cá nhân họ. Thành công là mộtcon đường đi không bao giờ là của một người cả.
Đó mới là đích đến sâu xa nhất của nhận thức và ý thức của cá nhân, thông qua đức khiêm nhường.

Người Việt ưa khoe mẽ, chứng tỏ hơn thua

Nhiều người Việt ưa khoe mẽ để chứng tỏ sự hơn người khác của chính mình. Tính khoe mẽ này thường dẫn đến thói háo danh và hiếu thắng.
Gần đây, có một thực tế đáng lo ngại là cái ác và bạo lực đang có dấu hiệu gia tăng trong trường học nói riêng và xã hội nói chung. Có những mâu thuẫn hay va chạm rất nhỏ cũng được người Việt giải quyết bằng bạo lực.
Câu hỏi “Vì sao?” đã trở thành xưa cũ đến mức không cần phải bàn thêm về nó nữa. Vì có quá nhiều bài viết trên báo chí, và cả mạng xã hội đã bàn về nó chính thức và không chính thức.
Giáo dục chính là con đường ngắn nhất để tiếp nhận văn minh, nhận thức cái tốt, cái xấu để từ đó xây dựng tính hướng hiện trong mỗi con người. Có như vậy mới thức tỉnh được sự tử tế trong mỗi con người và giúp họ tránh xa bạo lực.
Để được như vậy, sẽ có rất nhiều việc phải làm. Ở đây chúng tôi chỉ xin đưa ra những gợi ý ban đầu:
Dạy trẻ tính giản dị
Người Việt ưa khoe mẽ để chứng tỏ sự hơn người khác của chính mình. Tính khoe mẽ này dẫn đến thói háo danh, hiếu thắng. Và khi hai thói xấu trên thấm vào giáo dục thì một cách vô hình, chúng cùng nhau tạo ra cách thức cạnh tranh hoang dại nhất: chỉ biết tới thắng lợi của cá nhân.
Nếu chúng ta coi mỗi cá nhân là một cái cây và quá trình phát triển chính là việc cái cây đó lớn lên một cách thẳng đứng để cho các cây khác xung quanh có cả không gian để vươn lên và có cả ánh sáng để trưởng thành. Các cây trong thiên nhiên luôn biết nương vào nhau để lớn, nhất là tán lá của chúng luôn biết cách đan xen nhường nhịn nhau. Và các cá nhân con người cũng vậy.
Dạy cho trẻ em biết hài lòng và trân quý những gì chúng đang có. Các em cần nhận thức được rằng của cải hay thành tựu của các cá nhân khác không phải là của mình. Các nhà khoa học chân chính đều thể hiện sự giản dị trong lối sống cũng bởi vì lý do này.
Dạy trẻ yêu lao động
Cách thức duy nhất để giáo dục trẻ tình yêu lao động là tạo điều kiện cho trẻ làm việc nhà. Từ bé là tốt nhất và điều này không hề là khó khăn nếu cả cha mẹ và con cái đều hiểu được bản chất của vấn đề.
Cha mẹ Việt thường yêu thương con bằng việc làm thay con các công việc thậm chí là của riêng chúng.
Ngoài việc thiếu lòng kiên nhẫn ra thì chúng ta còn thiếu cả thời gian dành cho con cái nữa: chúng ta không làm việc cùng con cái, chúng ta không chơi cùng con cái, chúng ta không tham gia các hoạt động cùng con như cách cha mẹ Nhật hay các nước tiên tiến hay làm. Đó là làm việc để xây dựng hai đức tính: độc lập và yêu lao động. Một đứa trẻ nhỏ mới tập đi cầu thang cũng được họ kiên nhẫn chờ đợi thay vì bế con lên đi cho nhanh.
Vì vậy hãy cùng con và giúp con luyện tập tính kiên trì.
Dạy trẻ giải quyết xung đột
Cơ sở lý luận của các cách thức hướng tới mục tiêu này nằm ở mấy chữ sau: "làm mềm tâm hồn". Tức là phải dạy cho trẻ biết cảm xúc trước nỗi đau của người khác để cho chúng thấy việc gây đau đớn về thể xác cho người khác là việc không thể chấp nhận được.
Hãy cho trẻ tiếp xúc với sách vở từ bé. Kể cho chúng nghe các câu chuyện nhân văn và cho chúng đọc những câu chuyện như thế.
Nếu chúng không được học cách biết xúc cảm thì trẻ em không bao giờ học được cách kiểm soát cảm xúc của chúng: nền tảng để cho chúng không lựa chọn bạo lực để giải quyết xung đột.
Dạy trẻ biết cho thay vì chỉ biết nhận
Đã có cha mẹ Việt nào dám nghĩ rằng: "Ăn hết thì lấy gì mà cho" thay vì: "Cho hết thì lấy gì mà ăn" chưa?
Hãy nói với con bạn câu của Đức Phật ở trên và cha mẹ trước tiên hãy là tấm gương để con cái noi theo. Chỉ khi cùng con bước đi trên con đường đúng đắn, cùng nhau cảm nhận sự bao dung và nhân ái thì những đứa trẻ sẽ dễ dàng hiểu vì sao không chỉ biết nhận mà còn phải biết cho đi.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét