Menu ngang

Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

VỀ VỚI ĐỀN THIÊNG DIÊN CỜ



            Mấy chục năm qua, một phần do chiến tranh, phần chủ yếu do nhận thức tư tưởng ấu trĩ tả khuynh cực đoan của con người, hầu như mọi đền chùa miếu mạo - cơ sở truyền thống văn hóa tín ngưỡng tâm linh - ở Nghệ An đều bị tàn phá, hủy hoại. Nhiều nơi không còn dấu tích. Đền Diên Cờ ở làng Đông Chử, xã Nghi Trường cũng chỉ còn lại như một phế tích hoang tàn. Có thể nói, tỉnh Nghệ An là quán quân của cả nước trong việc phá bỏ các công trình văn hóa tâm linh. 
           Từ làng Đại Xá xã Nghi Hợp quê tôi lên làng Đông Chử chừng 5 cây số. Thuở nhỏ, tôi được nhiều người truyền tụng sự linh thiêng của đền Diên Cờ. Có người nói rằng, hễ có người nhà bị ốm đau, thì lên xin hái lá cây ở đền Diên Cờ về sắc uống sẽ khỏi.
        Nhằm suy tôn, tri ân những vị thần có công với nước, với làng; cùng tấm lòng chí nghĩa nhiệt thành với quê hương xứ sở, gia đình cụ Nguyễn Đăng Cẩn mà chủ trì là Đại tá AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp- người con cả- đã đứng ra vận động thuyết phục, đầu tư tái thiết phục dựng đền Diên Cờ. Điều chắc chắn rằng, để xây dựng một Công trình hoành tráng, bề thế như thế, công sức tiền bạc bỏ ra là rất lớn. Nhưng theo tôi, trong nghĩa cử cao đẹp này, cái lớn hơn tiền bạc công sức đó là cái Tâm, cái Đức của nhà đầu tư. Trên cơ sở Tâm - Đức hợp đạo lý, hợp thời thế, hợp lòng người, nhà đầu tư đã có một tầm nhìn vượt trội. Tin chắc rằng, Di tích Lịch sử Văn hóa đền Diên Cờ sẽ có sức lan tỏa trong đời sống văn hóa tâm linh theo thời gian và vượt qua không gian một miền quê Xứ Nghệ.       
Tháng 8 năm 2012, anh Nguyễn Đăng Giáp mời tôi (với tư cách Trưởng ban Liên lạc Hội đồng hương huyện Nghi Lộc tại Hà Nội) về dự Lễ khánh thành Đền Diên Cờ. Lễ khánh thành do Đảng ủy, UBND xã Nghi Trường phối hợp với Tổng Công ty 36 / Bộ Quốc phòng cùng gia đình Cụ Nguyễn Đăng Cẩn tổ chức trọng thể vào ngày 31 tháng 8 năm 2012 -  đúng vào ngày Tết Vu Lan rằm Tháng 7 năm Nhâm Thìn.
Tới dự buổi Lễ có Bí thư huyện ủy, Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, đại diện các ban ngành liên quan của tỉnh Nghệ An và huyện Nghi Lộc; Đảng ủy, UBND, các ban ngành đoàn thể xã Nghi Trường, đại diện lãnh đạo Tổng Công ty 36/BQP và đại diện lãnh đạo của những xã bạn. Đặc biệt là, giữa một ngày trời nắng chói chang, gió Lào hầm hập thổi, không khí oi nồng, thế mà có đến hàng mấy ngàn bà con ở xã Nghi Trường cùng các xã trong vùng tề tựu về dự Lễ với tâm thế phấn khởi, trang nghiêm, thành kính. Buổi Lễ khánh thành diễn ra trọng thể, hoành tráng, có ý nghĩa tình cảm và tâm linh sâu sắc.
Tôi vinh dự được thay mặt bà con đồng hương huyện Nghi Lộc ở Hà Nội về dự Lễ. Chiều hôm trước tôi đi qua nhiều cửa hàng văn hóa phẩm ở thành phố Vinh tìm mua kỷ vật lưu niệm để trân trọng trao tặng trong buổi Lễ.  Có người khái quát kinh nghiệm về tặng kỷ vật là: “ Nhất chữ, nhị tranh, tam sành, tứ gỗ”. Dĩ nhiên, tôi lấy phương thức tặng chữ. Cửa hàng bày bán nhiều loại chữ: Tâm, Nhẫn, Tín, Tài, Lộc, Phúc, Đức,…Mỗi chữ hàm chứa một nội dung ý nghĩa sâu sắc. Sau khi cân nhắc giữa chữ Tâm và chữ Đức, tôi quyết định chọn chữ Đức là phù hợp nhất.
Theo truyền thống tín ngưỡng, tâm linh, Lễ hô Thần nhập tượng được tiến hành vào đêm trước ngày Lễ  khánh thành. Khoảng hơn 9 giờ tối, đang ở quê, tôi được anh Nguyễn Đăng Giáp gọi điện : “ Anh ơi! Vì công việc đột xuất ở Hà Nội, tôi không thể về dự Lễ được. Đề nghị anh đến tham dự Lễ hô Thần nhập tượng với bà con. Tiến hành từ 10 giờ đêm nay ”. Tôi lập tức lên đền Diên Cờ dự Lễ.
Đêm 14 tháng 7 trời cao xanh lồng lộng không một gợn mây, trăng sáng vằng vặc, gió nồm từ biển thổi vào dịu mát. Theo lối rẽ vào làng Đông Chử, từng tốp người từ các ngả đường kéo đến, trong đó có cả những cụ già và nhiều cháu nhỏ. Sân đền Diên Cờ rộng lớn , đô hội, rộn ràng âm thanh, chan hòa ánh sáng. Dưới ánh trăng vàng bát ngát và lung linh ánh điện, đền Diên Cờ lừng lững theo thế chữ TAM, với cả ba tòa Hạ điện, Trung điện và Thượng điện ngói đỏ tươi, kiểu dáng kiến trúc cổ kính, lộng lẫy, sơn son thếp vàng đẹp đẽ, tọa lạc trên một khuôn viên rộng mênh mông. Cảnh quan vừa đẹp vừa thâm nghiêm.
Đúng 10 giờ đêm, Lễ hô Thần nhập tượng bắt đầu. Pháp sư Phùng Bá Vinh - một Pháp sư có tên tuổi ở thành phố Vinh là người chủ trì buổi Lễ. Tham dự buổi Lễ có ông Nguyễn Đình Thống, Chủ tịch UBND xã Nghi Trường, đại diện một số ban ngành ở địa phương, cụ Nguyễn Đăng Cẩn cùng con trai là Nguyễn Đăng Ngọ… Hơn chục người chúng tôi được xếp ở hàng đầu, bắt đầu quỳ lạy chiêm bái trước bát hương rất lớn ở sân Hạ điện.
Tôi được biết, theo văn hóa tâm linh tín ngưỡng Phương Đông, môt bức tượng, một vật thể nếu được gọi đúng tên, đúng lúc thì sự linh thiêng sẽ ứng nghiệm. Sự ứng nghiệm không phải là ngẫu nhiên mà các bức tượng đó đã được các Pháp sư làm cho trở nên linh vật, huyền bí. Việc khai mở một vật từ vô tri trở nên linh thiêng, phải có những vị thầy biết được mật mã để khai mở. Thực chất của Lễ hô Thần nhập tượng là việc cung cấp cho vật thờ cúng một năng lượng ban đầu và sau này trong quá trình thờ cúng, năng lượng đó không ngừng tăng trưởng, khiến cho độ linh thiêng ngày càng cao. Hô Thần nhập tượng ( khai quang , điểm nhãn ) là tăng thêm linh khí cho pho tượng trước khi thờ cúng.
Khi mọi người yên vị, Pháp sư Phùng Bá Vinh đọc Thần chú, dùng Linh phù mượn Sắc lệnh Ngọc Hoàng Thượng Đế, làm Phép trấn Thần vào bát hương và các bức tượng mới được thỉnh về, tẩy các vong linh hỗn tạp tá túc. Sau đó, Pháp sư  dùng Thần chú để gia trì vào tượng, vào bát hương. Và cuối cùng dùng Sắc lệnh Ngọc Hoàng để hô Thần nhập tượng.
Lễ hô thần nhập tượng bắt đầu từ Hạ điện, qua Trung điện và cuối cùng là Thượng điện, kéo dài từ 10 giờ đêm đến 2 giờ sáng. Mặc dù thời gian dài, thời tiết khí hậu nóng bức oi ả, lại cần phải có sự tập trung, nhưng trong suốt thời gian chiêm bái, tinh thần mọi người vẫn rất sảng khoái.
Trong thời khắc thiêng liêng, khói hương nghi ngút, không khí trang nghiêm, sự tập trung cao độ, giọng đọc Thần chú của Pháp sư nghe vang ấm, truyền cảm và đầy sự thần bí thuyết phục. Giữa những người cùng chiêm bái, lắng lòng trong khói hương, tôi như đang được đắm mình vào thế giới tâm linh, nghe như tiếng vọng xa xăm hồn cốt anh linh của các vị thần từ ngàn xưa đang hiện hữu với chúng sinh giữa cõi trần. Tôi như cảm thấy sự giao thoa, giao hòa lắng đọng dịu êm giữa: Người - Thần - Thiên nhiên.
Từ ngàn xưa qua, mọi thời đại, câu ca dao : “Thương dân, dân lập đền thờ…” là triết lý nhân sinh sâu sắc trong đời sống tâm linh của người Việt chúng ta. Thần được thờ ở đền Diên Cờ là Cao Sơn, Cao Các, Tam tòa Thánh Mẫu, các nhân thần có công với làng, với nước : Đỗ Văn Sỹ, Lê Văn Vận, Đinh Văn Sung và Lê Văn Tần. Sự tích của các vị thần được phụng thờ ở Đền đã được các tác giả giải thích trong cuốn sách này.
 Đức Thánh Trần và Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí được phối tế ở Đền Diên Cờ. Quả thật, đây là sự lựa chọn vô cùng sáng suốt. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là vị anh hùng bậc nhất của dân tộc, là danh tướng tiêu biểu nhất của lịch sử Việt Nam. Trần Hưng Đạo được nhân dân muôn đời phong Thánh và thờ phụng ở nhiều vùng trong cả nước để suy tôn và tri ân  công lao vĩ đại, tài năng và đức độ vô song của Ngài. Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí - vị tướng kiệt xuất trong cuộc kháng chiến 10 năm chống quân Minh; đại thần suốt 4 triều Hậu Lê, người có công đầu phò lập vua  Lê Thánh Tông, một triều đại vẻ vang, hưng thịnh nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí được vinh danh là: “ Người hai lần khai quốc” theo câu đối của vua Lê Thánh Tông ban tặng: “ Bình Ngô khai quốc / Tịnh nạn trung hưng”. Quê hương Nguyễn Xí ở làng Thượng Xá ( nay là xã Nghi Hợp) cách làng Đồng Chử chừng 3 cây số theo đường chim bay. Đền thờ Nguyễn Xí là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia. Theo tộc phả Đại tôn Nguyễn Đình, vào năm 1445, Tướng quân Nguyễn Xí được vua Lê Thánh Tông giao cầm quân chinh phạt quân Chiêm Thành lấn chiếm biên giới phía Nam. Trên đường đi đã dừng quân tập kết ở làng Đông Chử. Hiện nay còn dấu tích hồ Bạch Tượng (ao voi nẹp). Tương truyền, tên Diên Cờ là nói lên một sự tích : Ở Diên ( giáp - đơn vị hành chính) này có cờ xí rợp trời của đại quân Nguyễn Xí khi dừng chân, luyện quân trước ngày ra trận.
Sự linh thiêng hội tụ hồn cốt anh linh của các vị thần được thờ phụng và kiến trúc hoành tráng nguy nga tráng lệ, đền Diên Cờ xứng đáng với danh hiệu được tôn vinh : Di tích Lịch sử Văn hóa. Trong niềm vui chung, chúng tôi tin tưởng và ước ao rằng: Cùng với thời gian, nơi đây là một địa chỉ tín ngưỡng tin cậy trong đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân, là điểm đến trong các cuộc du lịch tâm linh của quí khách thập phương khi hành hương về Xứ Nghệ - một miền quê giàu truyền thống lịch sử văn hóa.
Xin được nhiệt liệt hoan nghênh gia đình cụ Nguyễn Đăng Cẩn, những người con của cụ, đứng đầu là Nguyễn Đăng Giáp chủ trì, cùng sự nhiệt thành của các nhà tài trợ, đã tái thiết phục dựng ngôi đền thiêng Diên Cờ. Đây là một công trình Lịch sử Văn hóa đồ sộ, có ý nghĩa tâm linh sâu sắc - là một món quà lớn của nhà đầu tư trao tặng quê hương xứ sở, cho ngày nay và cho hậu thế mai sau.

                                                        Mỹ Đình, Trung Thu năm Nhâm Thìn

                                                                                 NMĐ

       



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét