Menu ngang

Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014



Thơ tình thời con gái của các nhà thơ nữ




"Thời con gái như một thiên đường vừa qua đi". Một người bạn gái từng bùi ngùi nói... Chị đọc một bài thơ tình. Lời mộc, tính hồn hậu... Và, chị kể về lần yêu thứ nhất... Tôi bỗng nghĩ đến những bài thơ tình của thời con gái ... Có biết bao nhiêu người con gái đã yêu. Họ có những nét giống nhau của mối tình đầu. Nhưng đã bao nhiêu người đến được với hạnh phúc, còn bao nhiêu người dang dở?
 


Thơ tình của chính người nữ viết ra, hẳn có nhiều điều khác biệt. Bởi khi yêu, với thời con gái rực rỡ nhất, hình như phái đẹp kiêu sa hơn, nhưng cũng mềm yếu hơn. Nhiều người đẹp từng đến với hạnh phúc nhưng đồng thời, bởi đẹp, nên cũng choàng vào mình những bi kịch. Những gam bậc của những người con gái khi yêu đều có những nét khác nhau, do cá tính, do quan niệm, do hoàn cảnh... Biết bao nhiêu dáng vẻ ... Nhớ đến kỷ niệm đẹp về một tình yêu. 

Ý Nhi viết trong bài Dẫu chỉ là cơn mưa

Anh có còn luôn nhớ 
Mùa đông mưa trắng đồi... 
Hoa lau phơ phất gió 
Dốc dài và suối đôi. 

Hay chỉ mình em thôi, 
Tháng năm dài vẫn nhớ 
Như nhớ về đống lửa 
Như nhớ về mặt trời 
Chắc bền và rực rõ 
Thân gần và xa xôi... 

Có khi đó là một tình yêu đẹp, chang chói, người nữ định xoà tay đón, nhưng cái chốc lát ấy, không hiểu nguyên cớ gì (chỉ người trong cuộc mới biết) đã đẩy nó đi để rồi nuối tiếc. Đoàn Thị Ký viết: 

Nửa vòng bông gạo 

Có lần sợi bông gạo bay, 
Như chiếc chong chóng xoay xoay nửa vòng 
Tôi đưa tay đón và mong, 
Đâu ngờ gió tự trong lòng đẩy ra 
Thế là bông gạo bay xa 
Nửa vào chong chóng đã hoà thinh không 
Một mai ngọn gió thổi nồng 
Vẫn còn bông gạo nửa vòng bay bay. . . 

Còn Phi Tuyết Ba, đến với người yêu, thì bên cửa trong nhà đã có một tình huống xảy ra: 

Điều anh không biết 

Riêng điều ấy, không bao giờ anh biết, 
Có một lần em lỡ hẹn với anh 
Chiều vàng xanh nơi góc phố xanh 
Em đến gần cánh cửa xanh hé mở 

Bên bậc cửa có một đôi guốc đỏ 
Đôi chân em sao khó bước qua 
Chỉ một bước thôi là hết cách xa 
Anh gần lắm... phía bên kia đôi guốc 

Chẳng biết vì sao chân em lui bước 
Chiều đương xanh bên cánh cửa xanh. 
Có lẽ nào em lỡ hẹn cùng anh, 
Đôi guốc đỏ biệt rằng em đã tới. 

Tế nhị và tự trọng, nhưng đằng sau đó, cái tâm trạng kín đáo của Phi Tuyết Ba ai mà đoán nổi. Và cái điều anh không biết ấy, đến bao giờ mới nói được ra! 

Những mối tình đã đến với họ. Có những mối tình trong chiến đấu thật đằm thắm, thật hết mình như "Sợi nhớ, sợi thương" của Thuý Bắc... Nhưng cũng có người đã vấp phải những dang dở, cách xa dù đó là một tình yêu thật khó quên. Bùi Kim Anh viết: 

Một tình yêu tha thiết chẳng hẹn hò 
Em với anh chỉ là mộng ước 
Một giấc mơ gần mà không thực 
Rất mặn nồng mà trống trải cô đơn. 

Sẽ chẳng bao giờ đến được cùng anh 
Chỉ một lần thôi là tất cả 
Để cứ đến rồi đi trên đường cúc nở 
Không mùi hương mà vãn nhớ âm thầm.

Thơ tình của phái nữ, có lúc có vẻ như kiêu sa. Bích Ngọc viết: 

Đừng kiếm tìm ta, 
Khi tim ta đang tắt dần ngọn lửa 
Đừng kiếm tìm ta 
Con đường qua lấp đầy cát bụi 
Bàn chân ta không quen quay ngược lại 

Đừng kiếm tìm ta 
Mong manh lắm chạm vào dễ vỡ 
Tìm nơi đâu cho ta sống thật mình. 
Có lúc bồn chồn, nghi hoặc, 

Chiêu Hoa viết: 

Hạt mưa rơi xuống vườn hồng, 
Thời gian rơi xuống nhớ mong đợi chờ. 
Sao trời rơi xuống giấc mơ, 
Trái yêu lơ lửng, bao giờ mới rơi? 

(Không đề) 

Nói vậy thế thôi, những người con gái khi yêu thường đắm đuối, lắm lúc có thể nói quá là "mê" đi trong yêu. Nguyễn Thị Đạo Tĩnh đã thú nhận cái mê của mình, sau một lần trải nghiệm: 

Cám dỗ 

Mảnh vườn hoang - mắt anh 
Đầy bóng mát đưa chân em lạc bước 
Mải dong chơi, 
Ngày lá biếc 
Gót trần quên đường ra 
Khi mặt đất say no 
Vườn hoang màu nắng tắt 
Giật mình 
Em tỉnh giấc 
Cửa vườn anh 
Lá khép lối về. . . 

Hình như phái yếu khi đã yêu cũng có nhiều những nét khác đám con trai. Cái sợ nhất của người nữ chính là sự cô đơn, xa cách. 

Thu Nguyệt viết: 

Em ngồi hoá đá thành thơ 
Trả anh ngày tháng anh đưa qua cầu. 
Em ngồi hoá đá thành chiều 
Trả anh cái nụ hôn liều ngày xưa. . .

Tôn Nữ Trà Mỹ viết: 

Đợi anh chiều thứ bảy 
Hoa mưa nở đầy trời. . . 
... Hay là em sẽ khóc 
Vì không thấy anh sang 

Hoa không nở một cành. 
Chim không đậu một mình 
Ai ơi: đừng phụ tình 
Lẽ nào em xa anh... 

(Hoa mưa)

Nguyễn Thị Hồng Ngát, khi xa người yêu mới thấy hết nỗi cồn cào của thương nhớ. Cái nhớ mà ca dao xưa nói: "Nhớ ai bổi hổi, bồi hồi. Như đứng đống lửa như ngồi đống than", đã được chị cụ thể hoá trong thời gian và công việc khi xa cách trong bài thơ "Em mới hiểu"... Còn Xuân Quỳnh tả sự thớ thương gắn bó khi yêu giữa người con trai và người con gái nồng hậu thắm thiết trong bài thơ nổii tiếng của chị "Thuyền và Biển". Nhưng lớp trẻ, những nhà thơ trẻ, xuất hiện gần đây, tả sự yêu thương gắn bó đã theo những ấn tượng khá hiện đại mà dư âm của tình yêu không phải đã kém phần mê đắm. Vũ Thị Huyền viết: 

Nếu có thể 

Nếu có thể 
Sương tan vào cỏ 
Thì em tin cỏ sẽ rất xanh 
Nếu có thể 
Em tan vào anh 
Thì em tin 
Anh cũng xanh như cỏ. . . 

Nguyễn Bảo Chân có một mảnh trời thu để gửi gắm tình yêu cho người mình thương nhớ: 

Với bao nhiêu lá 
Thì mùa thu đi 
Tàn bao nhiêu nắng 
Thì gió đông về 

... Mắt em đánh đắm 
Mảnh nào trời thu 
Anh về nơi ấy 
Có tìm bâng quơ 

Anh về nơi ấy 
Nắng vàng không anh? 
Với bao nhiêu lá 
Thì còn lại em! 

(Thì còn lại em)

Nhưng điều mà trong Thơ tình thời con gái(*) quan tâm nhiều nhất, đó là hạnh phúc. Không ai muốn khi yêu lại không tiến đền hạnh phúc. Hạnh phúc là điều gì rất cần thiết cho nhau, đáp ứng những đòi hỏi không thể thiếu được, như muốn cần cho cơ thể. Dã Hương nói: 

Vàng và muối 

Nếu không có vàng 
Cùng lắm 
Anh chi là kẻ nghèo 

Còn nếu không có muối 
Thì giầu đến như vàng 
Cũng sẽ lăn ra chết 

Đừng vì một lẽ gì 
Phản bội muối 
Đừng vì một lẽ gì 
Phản bội máu 

Dòng máu 
Đỏ vì máu 
Không đỏ vì vàng... 

Bài thơ đầy tính tượng trưng về tình yêu, nhưng cũng đầy bản lĩnh và tính thuyết phục. Có khi, hạnh phúc là một điều chợt đến, nhưng đó là một tình yêu cảm nhận được, là một tình yêu chân chính, một tình yêu trước đây mình chưa hình dung được, bỗng một hôm, nó đến thật dung dị, thật thân gần: 

Em có một tình yêu 
Mỏng manh như nhánh lá, 
Anh bất ngờ như bể 
Đến lặng thinh như tờ... 

Mười năm anh ở rừng 
Em còn là "con nhỏ" 
ở khoảng giữa đôi ta 
ầm ì bom đạn nổ... 

Đang ăn cơm bỗng hát 
Giữa giấc ngủ mỉm cười 
Em bất thường lạ thật 
Bắt đền anh, anh ơi! 

(Khi tình yêu đến)

Nguyễn Kim Anh thì cho rằng, với một người phụ nữ thà rằng như que diêm loé sáng một lần, và được cháy hết mình cho tình yêu: 

Nhưng em sẵn sàng làm chiếc que 
Dám đốt cả trái tim diêm sinh bé xíu 
Cháy đến tận cùng của thân tăm trắng trẻo 
Dù kiếp tàn nhưng hiểu: đã được yêu. 

Nói vậy thôi, chứ tình yêu, thật ra phải là cho cả một đời người và người thơ đã rất có duyên và có lý khi viết: 

Nếu muôn suốt đời ở mãi bên nhau, 
Thì câu ví kia xin người rút lại. 
Bởi cái ngắn ngủi khác xa cái còn mãi mãi 
Mà tình yêu cần đi suốt cuộc đời. 

(Diêm) 

Nhưng có lẽ, hạnh phúc có khi là phút giản dị trong một ngày lao động vất vả. Bài thơ Bên cửa sổ của Song Hảo, một tình yêu hồn hậu, tươi trẻ của một anh lính từ một vùng mặt trận trở về, đến với một cô thợ trẻ tan ca . . . Bỏ lại tất cả những bộn bề vừa trải qua, họ hôn nhau bên cửa sổ và thương yêu tràn đầy đến nỗi tình yêu làm đẹp thêm cho cả phố phường và vầng trăng khuya đêm ấy 

Nhưng, tình yêu có chăng lúc nào cũng chờ ở bên ngoài bậc cửa. Có những cuộc tình trắc trở, bao nhiêu lý do, bao nhiêu buồn tủi, chán nản vây bọc những cuộc tình. Ngang trái có khi ở phía này, ở phía kia, nhưng người con gái, bao giờ cũng thường chịu phần thua thiệt. Có khi là thanh sắc nhạt phai, thời gian đổ xuống vai họ những điều tàn nhẫn. Phan Thị Thanh Nhàn, từng có bài Hương thầm nổi tiếng thời trẻ, đến nay đã phải nói thẳng đến một sự thật phũ phàng: 

Con đường

Nếu anh đi với người yêu 
Chỉ mong anh nhớ một điều nhỏ thôi 
Con đường ta đã dạo chơi 
Xin đừng đi với một người khác em. 
Hàng cây này đã lớn lên 
Vươn cành để lá êm đềm chạm nhau . 
Hai ta ai biết vì đâu 
Hai con đường đó xa nhau, xa hoài. 

Nếu cùng người mới dạo chơi 
Xin anh tránh nẻo đường vui ban đầu. 

Đoàn Thị Lam Luyến, đã công khai nói cái hạnh phúc mà như là nhận lại từ một người đàn bà khác. Đó là một điều chua chát chăng? Chưa hẳn thế... Trong cái muộn mằn "Cái giần vục phải cái sàng. Xui cho hai đứa nhỡ nhàng gặp nhau". "Nhặt lại" hạnh phúc, nhưng là hạnh phúc thật! Cho nên: 

Chị thản nhiên mối tình đầu 
Thản nhiên em nhận bã trầu về têm... 

(Chồng chị, chồng em) 

Nói là vậy thôi, cứng cáp vậy, nhưng từ ngoài bài thơ, hình như cũng có một nỗi buồn, một sa sót. Có khi là tình yêu một phía. Biết là người tình không đến, nhưng vẫn cứ chờ, vẫn khắc khoải, vẫn yêu, không thể nào khác được. Vũ Thị Hương viết: 

Em chờ 

Chắc gì anh đến hôm nay 
Mà em cứ đợi tàn ngày, trắng đêm 
Hết đi ra cửa ngóng nhìn 
Vào nhà ngồi xuống, đứng lên thẫn thờ 
Chắc gì anh đến bây giờ 
Trà pha để nguội, nhạt mờ vị hương 
Chắc gì? 
Mà dạ cứ thương 
Cứ day dứt nỗi vấn vương trong lòng 
Đã yêu, yêu đến tận cùng 
Đã thương, thương đến nát lòng vì nhau. 
Chắc gì? 
Đã chắc gì đâu? 
Hôm nay, cả những ngày sau 
Em chờ... 

Làm sao dẫn ra cho hết những tâm trạng, những mối tình thiên hình vạn trạng của thời con gái! Nói như Phạm Thị Ngọc Liên trong bài Một mình trong chiều

Mối tình anh như mái ngói đầy rêu 
Nỗi buồn đóng thành băng 
Em dẫm vào trượt ngã 
Vết nhói đau đến lạ 
Như lời tình ca cũ đã xanh rêu... 

Chẳng có thuốc trường sinh nào 
giữ được tuổi trẻ em 
Chẳng như loài hoa bất tử 
Cứ lóng lánh trong hoàng hôn của mình 

Con chim sẻ bay đi còn lại những dấu chân phiền muộn 

Trên mái ngói đầy rêu 
Như danh thiếp một mối tình đi vắng 
Em ngã trong nỗi buồn thầm lặng 
Già nua 
Mệt nhoài. . . 
Giá như anh có một lần biết được 
Em như con chim sẻ kia 
Bay đi 
Bay đi 
Dù không đến mặt trời. . . 

Thơ tình thời con gái chính là điều chân thành, tâm huyết nhất của những nhà thơ nữ. 

Nguồn : Thi Đàn Trầm Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét