Menu ngang

Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014



                                                         Cụ Nguyễn Khắc Niêm


  HOÀNG GIÁP NGUYỄN KHẮC NIÊM VÀ 16 CHỮ VÀNG



                                                                                                            Ngô Minh



  Cụ Nguyễn Khắc Niêm sinh năm 1889 ( Kỷ Sửu), quê làng Gôi Vị, nay là xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Cụ mất năm 1954 trong CCRĐ. Năm 1907, cụ thi đậu đệ nhị giáp tiến sĩ ( gọi là Hoàng Giáp. Thi đình do vua chủ khảo, chọn ra Hoàng Giáp, Thám hoa, Bảng nhỡn, Trạng nguyên), khoa thi đình năm Đinh Mùi tại Huế, khi 18 tuổi. Đó là học vị cao nhất thời đó mà cụ đã đỗ đạt lúc còn rất trẻ . Cụ Cao Xuân Dục (1843- 1923), một vị đại khoa, đại quan triều Nguyễn , học giả, nhà văn hóa, nhà văn Việt Nam đã nhận xét về Hoàng Giáp Nguyễn Quân ( Khắc Niêm) :” Người có đức thì lời văn thuần nhất, người có học vấn thì tri thức toàn diện, người có lý lẽ minh bạch thì sách luận khúc chiết. Ở Nguyễn Quân hội đủ tất cả những điều trên. Văn là người. Gọi Nguyễn Quân ( Khắc Niêm) là một trang thiếu  niên anh tuấn cũng đáng mà gọi là một bậc lão thành cũng không phải là không xứng”.
Cụ Hoàng Hương Sơn đã nhận nhiều trọng trách quan trọng trong triều đình Huế : Tư nghiệp Quốc Tử giám, Tham tri Bộ Hình , Tuần vũ Khánh Hòa, hai lần Phủ doãn Thừa Thiên, Bố chánh Nghệ An. Tháng 8-1941 ông giữ chức quyền Tổng đốc Thanh Hóa. Đến 2-1942, cụ xin nghỉ hưu về quê bốc thuộc chữa bệnh cho người nghèo. Chủ tịch Ủy ban nghiên cứu cải lương hương ước ở Huế.v.v..Cụ có tên trong bia tiến sĩ Văn Miếu Huế. Cuốn sách 256 trang gồm phần giới thiệu tiểu sử, những sáng tác thơ phú, hoành phi, câu đối của Cụ và phần bài nghiên cứu bình luận của các học giả Cao Xuân Dục, Sơn Tùng, Trà Sơn Phạm Quang Ái, Nguyễn Trọng Thư, Vũ Ngọc Khánh, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Khắc Dương...về đạo đức, nhân cách và chữ nghĩa của Cụ , cho ta hình dung ra Cụ Hoàng Hương Sơn là một ông quan phẩm tiết, chính trực,  liêm khiết và yêu nước.
Cụ Hoàng Nguyễn Khắc Niêm có 2 đời vợ, sinh được 15 người con, người nào cũng hay chữ và đi theo cách mạng, làm nhiều việc tốt cho đời. Trong đó có những người nổi tiếng như nhà văn hóa lớn Nguyễn Khắc Viện, con trai đầu; Nguyễn Khắc Dương, giáo sư thần học, Nguyễn Khắc Phi, giáo sư ngành văn học Trung Quốc.v.v..Nhà văn Nguyễn Khắc Phê là con thứ 13 của cụ Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm. Nhà văn Nguyễn Đắc Xuân viết : Cụ ở “những vị trí có thể hái ra tiền, nhưng Cụ luôn giữ được phẩm chất đạo dức , sống cuộc đời thanh bần, đạm bạc,... có ý muốn duy tân...”
. Cụ Nguyễn Khắc Niêm là người có tinh thần yêu nước, có khí phách, trọng đạo lý và lòng nhân ái, thích tự do, ghét xu nịnh, coi thường danh lợi và địa vị, luôn tôn sư trọng đạo và ghét bọn xâm lược, xin từ quan sớm về làng bốc thuốc chữa bệnh giúp người nghèo. Nhà văn Nguyễn Khắc Phê có lần kể rằng, khi Cụ Hoàng Giáp về quê bốc thuốc, mỗi lần đi dạo trong vườn, cụ đều đi đôi dép cắt từ mo cau “vừa mát chân, vừa đỡ tốn tiền”.  Đọc cuốn sách tôi càng thấm thía tính cách dân dã của một vị đại quan hay chữ. Cụ Thượng Hương Sơn dạy con cũng theo hướng “giỏi giang, tiết tháo, yêu nước, thương dân” như vậy. Trong thư gửi con trai cả là Nguyễn Khắc Viện thi đỗ, đi du học tại Pháp năm 1937, cụ kể cho con về chuyện theo Việt Minh của mình:”Thấy tuy rằng tuổi già, nhưng được trông thấy công cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc, và tin tưởng vào sự thắng lợi hoàn toàn đã gần tới , rất lấy làm vui thích , nên chi tinh thần khí lực vẫn mạnh luôn, lâu này có tham gia ít nhiều trong công cuộc kháng chiến như sung vào Hội đồng nhân dân xã, giúp việc Hội phụ lão Kháng chiến ở huyện...” Rồi cụ làm thơ “Lời khuyên cần kiệm”, “Khuyên đi khai khẩn”, “Khuyên học”... cổ võ bà con trong làng xã. Theo GS Nguyễn Khắc Phi, Cụ hai lần được Cụ Hồ  ký giấy mời ra Việt Bắc. Lần đầu tư do ông Trần Đăng Ninh  chuyển vào đầu năm 1948. Lầm thứ hai vào đầu năm 1951 dự hội nghị Toàn quoocvs thống nhất Việt Minh với tư cách mà một trí thức đương thời, giấy mời do Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ Phạm Khắc Hòe địch thân về Hương Sơn chuyển tận tay.   “Nhưng cụ bị ốm không đi được, và sau đó cuộc đấu tranh  “phát động quần chúng giảm tô” và “Cải cách ruộng đất” diễn ra...”. Sinh thời cụ Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm có bài thơ “Tự vịnh” , viết năm 1952, nói về cuộc sống thanh bạch của mình :
                               Ruộng nhiều nhà đẹp nhất trong làng
                               Lúa hết tiền không vẫn cứ sang
                               Ngày một bữa cơm tương nhút đủ
                               Tối thì cháo tấm sớm ngô rang
            Học giả nổi tiếng Hoàng Xuân Hãn năm 1927 là người đần tiên ở miền Trung đậu tú tài Tây trường Bưởi, cụ Nguyễn Khắc Niêm  mừng câu đối mà ông Hoàng Xuân Hãn cho là đã thành “lời sấm” :
         Hồng Lam chung dục, tự cổ đa tài, diễm đạo tân khoa  quy cựu phiệt.
         Âu Á văn minh, chí kim đồng hóa, giao tương xích xí dẫn thanh niên
     ( Hoàng Lam nung đúc, từ trước nhiều tài, vui nói tân khoa về cựu tộc.
      Âu Á văn minh, đến nay đồng hóa, hãy đen cờ đỏ dẫn thanh niên )
Hoàng Xuân Hãn viết tiếp:” Các cụ đã mê mải điển tích ( Cờ đỏ đây trỏ tích Hán Cao Tổ) mà quên tụi mật thám cho Pháp đang rình mò bên cạnh”... Con trai cụ  giáo sư Nguyễn Khắc Phi chú :”chỉ việc Hàn Tín đánh Triệu, dụ quân triệu ra khỏi thành, cho quân khinh kỵ đột nhập thành, nhổ cờ Triệu, cắm cờ Hán lên. Đọc câu đối mới thấy Cụ Hoàng chữ nghĩa mẫn tiệp , tinh nhạy như thế nào.

            Riêng với Huế, cụ Nguyễn Khắc Niêm nhiều năm sống và làm việc ở Huế với gia đình. Cụ làm Kiểm giáo, trợ giáo rồi Tư Nghiệp ( Hiệu phó) Trường Quốc Tử Giám, hai lần làm Phủ doãn Thừa Thiên ( 1935- 1939), rồi chức Thị Lang, Tham tri Bộ Hình. Ngoài các chức vụ hành chính cụ còn tham gia nhiều Hội đồng giám khảo các cuộc thi Hội ( thi chọn tiến sĩ) , thi cử nhân, thi chọn quan chức cho Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Chủ tịch Ban dịch thuật Luật Hình sự cho Chính phủ Nam Triều....Tức là cụ đã góp phần đào tạo và tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Làm bất cứ việc gì, ở bất cứ vị trí nào, Cụ đều nêu một tấm gương sáng về về sự học, sự vô tư, liêm chính đáng trọng. Ở Huế bây giờ còn lưu 4 câu đối  với nét chữ của cụ trên bốn cột trụ Thương Bạc bên bờ Sông Hương trước của Thượng Tứ, ở hai mặt cột ngoài và hai mặt cột giữa viết khắc gần trăm năm trước. Những câu đối ở Thương Bạc nói lên tình yêu Huế, tự hào về Huế đẹp và sự tài hoa chữ nghĩa của người đứng đầu  xứ Thừa Thiên lúc đó. Xin trích vài câu đối ( chữ Hán) đã dịch để bạn đọc thưởng thức:

                            Lâu đài mép nước, cỏ hoa ngóng ánh xuân tươi
                             Thuyền nôốc bến sông mê, xóm làng bủa đầy mặt đất
                                 ( Câu đối trên hai cột trụ ngoài phía sông Hương)
                              Trời vũ trụ thái hòa, ngọc bạch y thường thủ hội
                              Đất kinh sư đẹp đẽ, tiếng tăm văn vật đô này
                              ( Câu đối trên trên hai cột trụ giữa mặt phía Thượng Tứ)
         Thời kỳ làm Tổng đốc Thanh Hóa, cụ Nguyễn Khắc Niêm có đến thăm động Từ Thức còn gọi là Động Bích Đào, là một hệ thống hang động núi đá vôi với nhiều nhũ đá được gắn liền với truyền thuyết Từ Thức gặp tiên. Động nằm trên địa bàn xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cụ có bài thơ “Phỏng Từ Thức động” bằng chữ Hán rất nổi tiếng, người đời gọi là thơ thần. Bài thơ được nhiều học giả và nhà thơ có tiếng dịch ra thơ nôm, và gần đây đã được UBND tỉnh Thanh theo đề nghị của Sở Văn hóa – Thông tin cho khắc vào bia đặt trước cửa động. Bài thơ không chỉ mang giọng văn đại khoa mà còn là một tác phẩm của một tâm hồn thi sĩ đích thực.. Xin trích  khổ đầu chữ Hán :Phiêu phiêu tiên lữ phỏng đào nguyên / Khước thị trần gian vị liễu căn / Vinh lộc dĩ cam từ huyện ấn / Ái tình do tự lụy tiên hôn…Bản dịch được khắc trên tấm bia dựng trước cửa động là của Hồng Phi và Hương Nao, hai nhà nghiên cứu Hán Nôm có uy tín ở Thanh Hóa, trọn bài như sau :

 Lâng lâng nhẹ gót viếng Đào Nguyên
Mới rõ trần gian chửa dứt nguyền
Vinh lộc đã cam từ huyện ấn
Ái tình còn nặng lụy duyên tiên
Nghê thường mờ mịt chòm mây sớm
Thạch nhũ đầm đìa bóng nguyệt đêm
Hoạn lộ cười mình về quá muộn
Gặp nhau cửa động nói không nên

         Nhưng, có lẽ cái mà Cụ hoàng Hương Sơn Nguyễn Khắc Niêm để lại cho hậu thế giá trị nhất là “16 CHỮ VÀNG”, gọi là TỨ “TÔN” CHÂM :
                                    Tôn tộc đại quy
                                     Tôn lộc đại nguy
                                     Tôn tài đại thịnh
                                     Tôn nịnh đại suy
     Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đại Vinh ở Huế dịch :
                                   Tôn trọng nòi giống ắt đại hòa hợp
                                   Tôn trọng bổng lộc, ắt đại nguy nan
                                   Tôn trọng tài năng ắt đại phồn thịnh
                                   Tôn trọng siểm nịnh ắt đại suy vong
        Theo sách “ Cụ Hoàng Hương Sơn Nguyễn Khắc Niêm”, sau khi Cụ thi đỗ đại khoa, trong cuộc gặp gỡ với các tiến sĩ tân khoa, vua Thành Thái (vị Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn, tại vị từ 1889 đến 1907. Do chống Pháp nên ông, cùng với các vua Hàm Nghi và Duy Tân , bị thực dân Pháp đi đày tại ngoại quốc), đề nghị mỗi vị hãy góp kế sách để phục hưng quốc gia. Kế sách của cụ Nghè Niêm được cô đúc trong  bốn câu trên. Thế mới biết vị vua trẻ Thành Thái đã biết dùng trí thức như thế nào.  Càng hiểu thêm bản lĩnh Cụ Nguyễn Khắc Niêm, trước vua đã nói thẳng thắn những lời thông thái của mình, dù có thể  dễ bị xem là “khinh khi”. Con cháu cụ đã đặt cho bốn câu trên là “Tứ tôn châm”. Châm là răn. Bốn điều răn. Tôn là tôn trọng. Chỉ có  16 chữ thôi : 4 chữ TÔN, 4 chữ ĐẠI, 8 chữ còn lại đối nhau : TỘC, LỘC, TÀI, NỊNH đối với QUY, NGUY, THỊNH, SUY- là thành một châm ngôn ứng  xử của vua, của người lãnh đạo đất nước mọi thời đại, có thể phân tích giảng giải thành cả tập sách dày.

           Đây là phương châm “trị quốc”của bất cứ triều đại tiến bộ nào. Tôn tộc đại quy- là đề cao sự đoàn kết dân tộc. Tôn tộc tức mọi người phải quy về một mối là đặt Dân tộc, Tổ Quốc, nòi giống lên trên hết. Có được sự đồng lòng đó thì nhất định làm được mọi việc, chiến thắng mọi kẻ thù. Lịch sử dân tộc ta dã chứng minh hùng hồn chân lý mà Cụ Hoàng Hương Sơn đã nêu lên. Tôn lộc đại nguy- ý của Cụ Hoàng không phải xem thường sự phát triển đất nước giàu có, vì dân giàu nước nước mới mạnh , mà “tôn lộc” ở đây là nói người làm quan mà đặt lợi lộc của mình, “lợi ích nhóm“ mình lên trên lợi ích dân tộc , lợi ích cộng đồng , thì đó là lúc nguy nan đang đến với đất nước. Vì lúc đó lẽ công bằng bị vi phạm, tham nhũng hoành hành, bè phái, phe nhóm  trong chính quyền sinh sôi  nảy nở .  Tôn tài đại thịnh - vì  “hiền tài là nguyên khí của quốc gia- Đó là một chân lý vĩnh hằng. Coi thường trí thức, gạt tầng lớp trí thức ra ngoài hành trình của đất nước, nhất định đất nước suy vong. Trí thức thường là những người có cá tính, không phải loại người “gọi dạ, bảo vâng”, lại là những người hay nêu ý kiến phản biện ( không biết phản biện không  phải là trí thức ), nên hay làm cho lãnh đạo ghét. Người lãnh đạo giỏi là người biết trọng tài năng, tập hợp nhân tài phục vụ quốc gia, lúc đó đất nưóc mới vững mạnh lên được. Tôn nịnh đại suy - cũng là một chân lý lịch sử. Ở triều đình nào cũng có vô số người nịnh hót. Người lãnh đạo đa phần lại thích nghe bọn xum xoe nịnh bợ, biến phải thành trái, biến người tốt thành người xấu. Vì vậy người  lãnh đạo phải là người đủ cương trực, đủ trình độ, đủ nhạy cảm mới nhận ra kẻ nịnh để lánh xa, người trung để gần gũi.
           Cụ Nguyễn Khắc Niêm chỉ nêu phương châm phục hưng đất nước 16 chữ thôi, nhưng đó là mười sáu chữ được đức bằng vàng ròng và mãi tươi ròng tính thời sự


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét