Chặn nguy cơ một 'xã hội chết'
Mặc dù xây dựng nền tảng đạo đức xã hội luôn là điều cốt yếu, nhưng cũng cần có những quy định pháp lý để chống bệnh vô cảm. Một xã hội vô cảm sẽ là một "xã hội chết".
Không khó nhận ra bệnh vô cảm, nhưng làm sao để chữa được bệnh thì không hề đơn giản. Sự mất lòng tin trong xã hội, sự ích kỷ, tính thực dụng trong lối sống của một bộ phận xã hội làm cho bệnh thêm nặng.
Tạo cho xã hội sức đề kháng
Để chữa trị căn bệnh "ung thư tâm hồn" này, cần phải kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết phải tạo cho xã hội một sức đề kháng. Đó chính là việc xây dựng và không ngừng nhân lên những yếu tố tích cực trong xã hội. Một môi trường xã hội tốt, lành mạnh sẽ tạo được sức đề kháng cao với căn bệnh này. Ngược lại, trong một môi trường xã hội xấu, nơi mà tiêu cực lấn át tích cực thì bệnh vô cảm sẽ lây lan.
Một xã hội vô cảm sẽ là một "xã hội chết"- cái chết trước hết từ trong tâm hồn.
|
Phải bền bỉ xây dựng văn hóa ứng xử, tạo đời sống tinh thần phong phú, mà ở đó các giá trị tinh thần, đạo đức của xã hội được xác lập rõ ràng, thể hiện mạnh mẽ, để ai làm những điều xấu cũng phải sợ, cũng phải ngại. Nếu cái tốt, cái thiện ở thế thượng phong, nếu ở đâu người tốt cũng biết đoàn kết, hợp lực tạo nên sức mạnh thì ở đó chắc chắn cái xấu, cái ác sẽ từng bước bị đẩy lùi, sự vô cảm sẽ mất dần đi.
Tất cả chúng ta đều phải day dứt trước câu hỏi: Bây giờ đời sống của người Việt Nam mình khấm khá hơn trước rất nhiều nhưng tại sao bệnh vô cảm lại nặng hơn? Như thế càng thấy rõ, không phải cứ nghèo là vô cảm, không phải cứ túng là làm liều.
Thuốc chữa bệnh vô cảm nằm ở sự truyền phổ sâu sắc những giá trị truyền thống của dân tộc, thẩm thấu vào trong đời sống xã hội. Xã hội càng hiện đại thì những giá trị đó lại càng cần nhân rộng, không được để cho những làn sóng lai tạp, xô bồ che lấp, lấn át những giá trị truyền thống.
Khi bệnh vô cảm trong xã hội càng lây lan thì sự gắn kết, tình người càng bị mai một. Xã hội cần có ngọn lửa nhân ái lan tỏa, những người hoạn nạn càng cần ngọn lửa nhân ái sưởi ấm họ. Đó chính là tiêu chí của một xã hội văn minh, một xã hội có đạo đức.
Cuộc chiến chống bệnh vô cảm cần được triển khai trong từng gia đình, trước hết là giáo dục con cháu bằng các hành vi ứng xử mẫu mực của ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi.
Tôi từng chứng kiến một việc đáng buồn: Hôm đó, chúng tôi đang đi trên một đường phố thì thấy một cụ già gầy guộc, quần áo cáu bẩn, ngồi bên vỉa hè chìa tay xin ăn. Một cháu bé chừng 8 tuổi đi cùng với bố mẹ liền đưa cho cụ già gói bánh cháu đang cầm trên tay. Cụ già nói, giọng thều thào: "Cảm ơn cháu". Lập tức, người mẹ sẵng giọng nói với cháu bé: "Ăn mày giả vờ đấy con ạ". Cháu bé ngơ ngác không hiểu mình đã làm sai điều gì.
Cần những quy định pháp lý
Cần những quy định pháp lý
Mặc dù xây dựng nền tảng đạo đức xã hội luôn là điều cốt yếu, nhưng cũng cần có những quy định pháp lý để chống bệnh vô cảm. Nếu thấy bệnh nhân nguy kịch mà nhân viên y tế từ chối việc cứu chữa thì dù với bất cứ lý do gì cũng phải bị xử lý nghiêm minh; nếu gặp người bị nạn trên đường mà không cứu sẽ bị truy cứu với những chế tài riêng.
Trách nhiệm công vụ thể hiện đạo đức công vụ, đạo đức xã hội. Đối với hệ thống công quyền, để trị bệnh vô cảm, cần cải cách hành chính một cách mạnh mẽ hơn, đưa ra những quy định khoa học, cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của từng người trong guồng máy công vụ để nếu một người không làm đúng chức trách của mình thì lập tức bị bật ra khỏi hệ thống. Nếu một nền hành chính được thực thi một cách khoa học thì sẽ dần dần sẽ tạo ra một thói quen, buộc những ai ở trong guồng máy cũng phải làm hết chức phận của mình.
Bên cạnh việc xây dựng một nền hành chính khoa học để quản trị tốt thì cần tăng cường giáo dục để cho những "công bộc" - những người ăn lương của nhà nước bằng tiền đóng thuế của dân - phải cảm thấy mình có trách nhiệm đạo đức trong việc phục vụ dân; trước những đòi hỏi, những bức bách, thậm chí những bất hạnh của người dân thì không thể làm quay mặt làm ngơ. Và cần tăng cường thanh tra công vụ thường xuyên, bất chợt, đột xuất dưới nhiều hình thức khác nhau để bắt bệnh thật chính xác, kịp thời, từ đó sẽ thưởng phạt nghiêm minh.
Không gì có thể thay thế việc khơi dậy lòng nhân ái và dũng khí trong mỗi con người, tinh thần trách nhiệm và dũng khí của các cơ quan chức năng trước những ngang trái và bất công.
Cần xây dựng một xã hội đồng cảm và chia sẻ. Các hoạt động nhân đạo, từ thiện được triển khai rộng khắp là hướng tới một xã hội như vậy.
Một xã hội vô cảm sẽ là một "xã hội chết"- cái chết trước hết từ trong tâm hồn.
Hồ Quang Lợi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét