Làm chủ hay làm thuê không phải do muốn hay không...!
Làm thuê có tư cách, đáng đồng tiền bát gạo thì vẫn được tôn trọng, vì nể, thậm chí còn được trải thảm chào mới.
Tiến lên được nữa thì làm chủ có đâu xa. Ngược lại thì kiếm được bát cơm cũng khó và nhiều khi còn nhục nhã.
Không ai bỏ tiền ra xây nhà máy, tuyển công nhân để làm phúc
Một quốc gia có dân số trẻ, chưa kịp đào tạo nghề nghiệp chuyên môn, kinh tế phát triển thấp, việc làm ít nên nhân công rẻ mạt. Tất nhiên phải tìm cách làm thuê cho nước ngoài như thế nào đó để có công ăn việc làm, ổn định xã hội.
Làm thuê cho người ngoài ngay tại nước mình thì giá tất phải rẻ, lương phải thấp. Nhưng đây là “thuận mua vừa bán”, không ai bắt ép ai. Nhà nước chỉ làm chức năng điều tiết và bảo vệ quyền công dân và quyền kinh doanh của cả hai phía mà thôi.
Ra nước ngoài làm thuê thì lương cao, chóng đổi đời. Nhưng đâu có dễ. Không thể bắt một ông chủ người Anh, người Nhật học nói tiếng Việt mới thuê được mình mà ngược lại, mình phải học tiếng Anh hay tiếng Nhật, kỹ thuật nữa, thậm chí phải am hiểu cả văn hóa để “được” làm thuê cho họ.
Nhân tiện đây xin bà con nghĩ lại khái niệm về hai từ “bóc lột”.
Cũng vẫn là chuyện “thuận mua vừa bán”. Chỉ có ông Thánh (mà làm gì có ông Thánh) mới bỏ vốn, bỏ tiền ra xây nhà máy, tuyển công nhân để làm phúc, không thu đồng xu lợi nhuận (giá trị thặng dư) nào. Đấy chính là ông “Thánh bao cấp” mà chúng ta đã nếm đủ mùi thảm bại.
Tuổi trẻ cần có khát vọng
Khi ai đó khuyên con cái “nên” chọn làm thuê không phải người cha muốn con mình hèn kém, không cần khát vọng. Mà muốn nói tình trạng kinh doanh của các ông chủ trong kinh tế thị trường chưa hoàn chỉnh hiện nay không suôn sẻ như những xã hội hoàn thiện khác.
Quả thật làm ông chủ ăn sung mặc sướng hơn nhưng khó hơn làm thuê, đương nhiên. Và cũng nguy hiểm hơn, có thể vào tù ra tội, cũng đương nhiên!
Tuy thế, nguy cơ ấy đâu có làm nhụt chí những người say mê làm chủ?
Xin yên tâm, làm chủ hay làm thuê không phải do muốn hay không mà do các điều kiện luôn luôn phát sinh, luôn luôn mất đi của mỗi người.
Nói chung con cái sẽ làm theo chỉ dẫn của số phận chúng chứ không răm rắp nghe “lời mẹ dạy” đâu. Đó là hiện thực cuộc đời.
Theo : Một Thế Giới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét