SAO LẠI " ĐÀY ẢI" TIẾN SĨ, GIÁO SƯ LÀM...SẾP ?
Phải nói không chỉ gần đây, mà đã từ lâu dư luận không ngừng quan ngại về thực tế là việc ngày càng nhiều sinh viên, thậm chí cả cán bộ công chức, sau thời gian học ở nước ngoài đã không trở về nước làm việc. Điều đáng nói là phần lớn sinh viên này đi du học tại các nước có nền khoa học phát triển, theo những ngành mà trong nước đang rất cần nhân lực.
Đây là một trong những biểu hiện của cái gọi là “chảy máu chất xám” được nhắc đến trong suốt gần 1 thế kỉ qua. Công bằng mà nói, xu thế này là phổ biến, khó tránh khỏi, đã và đang diễn ra ở hầu hết các quốc gia thuộc nhóm đang phát triển như Việt Nam.
Khi tiền đạo “đói bóng”
Từ cuối những năm 1990 đến nay, bằng nhiều nguồn khác nhau, chúng ta đã gửi hàng nghìn người sang các quốc gia có nền khoa học phát triển để đào tạo và không ít người trở về làm việc trong các cơ quan nhà nước. Song từ quan sát cá nhân, tôi đồ rằng những đóng góp của họ vẫn khiêm tốn hơn nhiều so với tiềm năng, so với yêu cầu, kỳ vọng của xã hội.
Phải chăng chưa có đủ “đất diễn” để những con người này ứng dụng điều đã học được ở xứ người ngay trên quên hương mình? Nhiều người bạn của tôi từng phân ưu rằng họ ao ước có đủ nguồn lực để thực hiện các nghiên cứu theo hướng mới, triển khai những phương pháp cập nhật thay cho lối tiếp cận trước đây.
Đáng tiếc, những ấp ủ đó vẫn chỉ là dự định, bởi nhiều vấn đề họ đưa ra lại bị những người có khi chưa một lần ra nước ngoài coi là không phù hợp, không khả thi. Ngay cá nhân tác giả bài viết này cũng từng bị phê phán có lối viết, văn phong hay thậm chí cả cách đặt tiêu đề bài viết sao mà “tây” thế với một sự mỉa mai, định kiến nhất định. Lạ kì nhỉ, đồ dùng của “tây” thì thích, mà sao văn “tây” lại bài xích?
Phải chăng chúng ta vẫn giữ một cái nhìn “e dè” nào đó đối với những người tình nguyện trở về nước sau thời gian dài học tập ở nước ngoài? Sự e dè này dường như cũng nhiều cung bậc. Đó có thể là sự hoài nghi dẫn đến ngại hợp tác, ngại giao công việc. Đó cũng có thể là một sự giả định rằng những người đó thừa sức để tự họ đứng vững, tự tìm kiếm nguồn tài trợ nghiên cứu và vì thế, ngân sách nên ưu tiên cho những đối tượng khác. Đó cũng có thể là sự “vọng kì” rằng những người đó phải “cống hiến” thay vì được “tạo điều kiện” để phát huy, chia sẻ tri thức cóp nhặt từ xứ người.
Có không ít người có trong thời gian học ở nước ngoài, làm nghiên cứu cùng giáo sư hướng dẫn và các đồng nghiệp khác. Chuyên môn và tinh thần làm việc của họ được đánh giá cao nhưng sau khi về nước một thời gian, họ cứ chìm lặng dần vào nhưng lo toan cơm áo đời thường, bởi thu nhập từ hoạt động chuyên môn may ra chỉ đủ để cho con học bán trú. Họ phải gác lại những gì học được, xếp vào kí ức những đề án, ý tưởng nghiên cứu táo bạo để chạy theo sự mưu sinh như biết bao đồng nghiệp khác.
Thay vì dành phần lớn thời gian nghiên cứu, giảng dạy, nhiều người "ngập" trong họp hành thi đua. (Ảnh minh họa)
Tiền đạo giỏi trở thành thủ môn
Một sự lãng phí nữa là việc bố trí công tác cho những người có thành tích học tập tốt từ nước ngoài trở về. Ở nhiều cơ quan, chính sách ưu đãi cũng được vận dụng nhưng theo cách ít đem lại hiệu quả.
Đó là việc bổ nhiệm họ vào các vị trí quản lí hay bộ phận quản lí như một “phần thưởng”, như một cách để “chiêu hiền đãi sĩ”. Lập luận đưa ra là một khi đã là nhà khoa học, ở cương vị nào họ vẫn làm khoa học được. Điều bị lãng quên là công tác quản lí và nghiên cứu khoa học là 2 lĩnh vực khác nhau. Một tiến sĩ giỏi chưa chắc có kinh nghiệm, khả năng quản lí tốt bằng một cử nhân.
Hơn thế nữa, dù có bằng nguồn nào, phải mất nhiều tiền, công sức mới đào tạo nổi một tiến sĩ khoa học từ các nước phát triển. Thế mà khi họ trở về, thay vì dành phần lớn thời gian nghiên cứu, giảng dạy, họ lại ngập ngụa trong việc bàn giấy, hội họp thi đua, tổ chức.
Khá khôi hài là ngày càng có nhiều chức danh quản lí yêu cầu trình độ học vấn, chí ít cũng phải là thạc sĩ và không ít phải là tiến sĩ. Tôi cứ tự hỏi rằng có cần phải lãng phí đến thế không khi “đày ải” bao tiến sĩ, giáo sư với trách nhiệm quản lí ở những bộ phận không liên quan gì đến chuyên môn họ đào tạo. Trong khi đó nhiều trường đại học vẫn thiếu giảng viên có trình độ tiến sĩ, đến độ việc phải khai không đội ngũ giáo viên ở không ít trường như báo chí từng phản ánh?
Chiếc ghế hay phòng thí nghiệm?
Thay đổi bất cứ điều gì cũng khó và khó nhất có lẽ là thay đổi tư duy. Nhưng cũng cần phải nhìn nhận rằng khó có được thành tựu nhanh chóng, đột biến, hiệu quả nào nếu ta cữ mãi đi trên những lối mòn tiền nhân để lại. Một đội bóng đặt kì vọng ghi bàn trên hết vào tiền đạo. Một nền khoa học muốn phát triển trong bối cảnh hiện nay cần có những đầu tư đặc biệt, chính sách đặc thù cho đội ngũ khoa học nòng cốt.
Chính sách đó cần khiến phòng thí nghiệm, trường học, thư viện phải “hấp dẫn” họ hơn so với việc ngồi vào một chiếc ghế nào đó, chiếc ghế mà nếu có ngồi, họ cũng chỉ là vật trang trí, không hơn, không kém.
Nếu chưa đủ nguồn lực, thiết nghĩ thay vì cử hàng nghìn cán bộ đi du học, hãy tập trung đào tạo phân nửa rồi dùng số tiền dư ra lập quỹ nghiên cứu, để khi họ trở về, có điều kiện thi triển những gì đã học được? Có ích gì khi cử người đi học về tự động hóa rồi lúc trở về lại chỉ giao cho họ điều khiển đàn trâu, lầm lũi trên những cánh đồng của hàng vạn thửa ruộng mún manh?
Theo Nguyễn Công Thảo
Tuần Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét