Bài học lớn trong cuốn sổ nhỏ
GIAO HƯỞNG
Ông Trần Vân
Nam 74 tuổi đời 54 tuổi Đảng, từng giảng dạy Triết học Mác-Lê nin cho các thế
hệ sinh viên khoa Văn, khoa Sử trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH Quốc gia
Việt Nam). Đã 10 năm lão giả an tri tại quê xã Phúc Thọ, Nghi Lộc, Nghệ An, ông
bảo không bất ngờ trước Trung Quốc (TQ) ngang ngược mang tàu to, súng lớn vào
trong vùng biển VN. Theo ông, bản chất bành trướng nói một đằng làm một nẻo xưa
nay đã thâm căn cố đế trong giới cầm quyền TQ, đó là nguyên nhân tạo nên hành
động không bình thường, không ngang tầm nước lớn, và khi mưu thâm kế hiểm bộc lộ bằng hành động thì cũng là lúc
mộng bá quyền “lạy ông tôi ở bụi này”.
Ông Trần Vân Nam |
Ông Nam lục giá sách mang ra cuốn sổ
nhỏ cho tôi xem những trang lược ghi cuộc
Hội nghị khoa học và bài nói của đồng chí Hồng Chương-Tổng biên tập Tạp chí
Cộng sản. Hai cuộc tiến hành tại trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, diễn ra cách nhau 5
ngày cùng một chủ đề không cũ suốt mấy ngàn năm. Biết tôi chú ý cuộc Hội nghị
khoa học CHỐNG CHỦ NGHĨA BÁ QUYỀN TRUNG
QUỐC tổ chức ngày 22.5.1979, ông chậm
rãi: Người nhỏ mắt to, Hội nghị do ĐH Tổng hợp HN tổ chức trong 1 ngày nhưng
nội dung lại mang tầm quốc gia, Đảng ủy trường phân công ông Nam-Trưởng bộ môn
Triết học Mac-Lênin tham gia Ban tổ chức. Hội nghị thu hút 30 đoàn đại biểu các
cơ quan lý luận Trung ương, trường Đảng, trường Đại học, các ban ngành Trung
ương tại HN.
GS Ngụy Như Kon Tum-Hiệu trưởng trường ĐH Tổng hợp HN
đọc diễn văn khai mạc. Trong mấy chục báo cáo khoa học có 18 báo cáo của các
“đa, đề” thuộc Khoa Văn, Khoa Sử ĐH Tổng hợp HN, giới nghiên cứu tập trung vạch
rõ bản chất của CHỦ NGHĨA BÁ QUYỀN TRUNG
QUỐC, dứt khoát trong nhiệm vụ CHỐNG lại chủ
nghĩa bá quyền cực kỳ nguy hiểm với VN và toàn thế giới.
Gói gọn 1 ngày nên Ban tổ chức rất khó trong việc chọn
ra 12 bản báo cáo mang tính đại diện để trình bày tại diễn đàn Hội nghị: 1/ Hơn hai ngàn năm đấu tranh chống bành
trướng Trung Quốc-GS Phan Huy Lê. 2/ Mấy ý kiến về cội nguồn
lịch sử của chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc bá quyền nước lớn phương Bắc-GS Trần
Quốc Vượng. 3/ Nho pháp tính dụng và con đường bành trướng thiên triều-GS
Trần Đình Hượu. 4/ Đường lối
chính trị của pháp gia và mưu đồ TQ đề cao pháp gia-GS Nguyễn Gia Phu. 5/ Tính chất cực kỳ phản động của nền pháp luật
TQ hiện nay-Nguyễn Niên. 6/ Bành
trướng TQ phạm tội ác xâm lược chống hòa bình an ninh quốc tế-GS Nguyễn
Ngọc Minh 7/ Chủ nghĩa bành trướng Bắc Kinh và quan hệ quốc tế đối ngoại-Đào Văn Tập. 8/ Cuộc chiến tranh xâm
lược VN và chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc bá quyền nước lớn TQ-GS Phạm
Như Cương. 9/ Một số đề nghị về
đấu tranh của văn nghệ ta chống chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc TQ-GS Hoàng Xuân Nhị 10/ Những truyền thống
đấu tranh chống bá quyền trong văn học Đại Việt. GS-Đinh Gia Khánh. 11/ Những
biểu hiện của chính sách đồng hóa ngôn ngữ của bọn bành trướng TQ nằm trong âm
mưu lâu dài thôn tính nước ta-Nguyễn Xuân
Hòa . 12/ Thử tìm hiểu về bài thơ Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt-GS
Nguyễn Tài Cẩn.
Qua tiêu đề của 12 bản báo cáo giúp ta
cảm nhận, tiên lượng được sự đa dạng, chuyên sâu của một Hội nghị khoa học xã
hội nhân văn tại trung tâm đào tạo lớn nhất nước. Ngày ấy nghiên cứu khoa học
trong điều kiện muôn vàn thiếu thốn, không có ghi âm không có photocopy, đồng
thời cũng muôn vàn khó khăn trong việc phổ biến quảng bá những kiến thức bị coi
là “nhạy cảm”, suốt Hội nghị những người thính tai nhanh tay “siêu tốc ký” mới
có được những trang gạch đầu dòng thành tài liệu lưu giữ lâu dài. Còn các vị
thức giả chỉ mang đến Hội nghị 1 bản báo cáo đánh máy giấy than, các vị trình
bày xong nộp báo cáo cho Ban tổ chức, kết thúc Hội nghị Ban tổ chức nộp mấy
chục báo cáo khoa học cho lạnh đạo trường ĐH Tổng hợp.
Mấy chục tác gia có báo cáo khoa học đến nay hầu hết đã
phiêu du trên chốn bồng lai, ông Nam cũng không biết số phận của mấy
chục báo cáo khoa học chống bá quyền TQ trôi dạt bến bờ nào. Cầu Trời cầu Phật đừng
để mấy chục báo cáo ấy chung số phận với các công trình nghiên cứu về TQ của GS
Trần Đình Hượu (1927-1995). Từ năm 1965 thầy Hượu khoa Ngữ Văn ĐH Tổng hợp HN
là một trong ít tác gia công bố kết quả nghiên cứu mang tính quy luật về
TQ-lĩnh vực treo biển “nhạy cảm”. Từ những kết quả nghiên cứu của mình, thầy
Hượu hệ thống thành giáo trình và truyền thụ cho các thế hệ sinh viên Ngữ Văn
ĐH Tổng hợp HN. Buồn là những kết quả nghiên cứu của thầy Hượu ra đời giai đoạn
“đỉnh cao muôn trượng” (chữ thơ Tố Hữu), thế mà cũng phải trầy mang trợt vảy,
thậm chí có cái bị người ta “trảm” không cho biết lý do. Các công trình nghiên
cứu của thầy không được xuất bản phát hành rộng rãi, chỉ cho phép in rôniô tại
xí nghiệp in ĐH Tổng hợp, lưu hành nội bộ, phục vụ đối tượng là giảng viên sinh
viên Ngữ văn ĐH Tổng hợp, đến Thư viện khoa mượn đọc tại chỗ không mang ra khỏi
phòng. Kiên định vì khoa học, mười mấy năm kể từ 1965, lương của thầy Hượu
không lên được bậc nào. Sau ngày thầy quy tiên, toàn bộ những bài viết bài nói
làm thành giáo trình của thầy về “chuyên ngành nhảy cảm”, đã được các đồng
nghiệp, các thế hệ học trò phối hợp với gia đình thầy xuất bản phát hành rộng
rãi.
*
* *
Một TQ đầy tham
vọng đang trỗi dậy. Một TQ không muốn
cùng các nước láng giềng tôn trọng những giá trị mang tính phổ quát của
nhân loại. Một TQ đã đang đi ngược nguyên
tắc chung sống hòa bình, thương yêu nhau, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ, lãnh
hải thiêng liêng bất khả xâm phạm. Chẳng phải
tới khi giàn khoan HD 981 găm 4 chân xuống khu vực thềm lục địa VN chúng ta mới nhìn
ra bản chất của ông láng giềng kinh niên xấu bụng. Từ khi VN thống nhất đến nay, TQ ngày càng ngang ngược tráo trờ. Thông qua hợp tác, đầu tư, trao đổi
“biên mậu”, TQ áp đặt “luật” cá lớn nuốt cá bé, từ 20-25 năm trước đã thấy những
“giàn khoan” madein China gian-tham-hiểm-độc tràn vào VN, biến thương trường VN
thành chiến trường không tiếng súng chảy máu ngầm. Nhìn nhận đúng-đủ hậu quả do các kiểu gian-tham TQ để lại trong các
lĩnh vực kinh tế-văn hóa-xã hội VN thì không bao giờ là muộn. Chúng ta có nhìn nhận đúng mới trả lời trúng câu hỏi:
Nhật, Đài, Hàn, Sing cũng như VN, trong quá khứ đều chịu ảnh hưởng văn hóa
Trung Hoa, vì sao hiện nay kinh tế các nước này không bị động, không lệ thuộc kinh
tế TQ ?
Trong muôn vàn bài học tôn đắp nên tâm thế tư thế của một dân tộc, thì
ngọt, bùi, cay, đắng cả dân tộc từng trải trong dài sâu lịch sử, là bài học văn
hóa vĩ đại nhất để dân tộc ấy lớn lên. Là người Việt không được quên: Bắt đầu từ năm 111 trước Công nguyên, đến năm 938 anh hùng Ngô Quyền lạnh
đạo dân tộc Việt chôn vùi 1049 năm Bắc
thuộc. Từ năm 938 đã“Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, cho đến nay (2014) tất cả các đế vương TQ đều
nuôi mộng thôn tính, đưa VN trở về thời Bắc thuộc.
Dưới triều “bác Mao” đã ngót nghét chục lần TQ nổ súng “giải
phóng” biển, đảo, đất đai của VN. Năm 1956 lợi dụng Pháp rút khỏi VN, TQ đánh
chiếm nhóm đảo phía Đông thuộc Hoàng Sa do chính quyền VNCH quản lý. Năm 1959 lính TQ giả dạng ngư dân đột nhập lên
nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa, quân lực VNCH đánh đuổi bắt sống 82 “ngư dân”. Tháng 01.1974 sau khi đi đêm với Mỹ, TQ đánh chiếm toàn bộ quần
đảo Hoàng Sa từ chính quyền VNCH. Tháng 3.1988
VN đang lo cái ăn cái mặc TQ đánh chiếm đảo Gạc Ma và
6 bãi đá ở khu vực Trường Sa. Thế mà bản Bị vong lục ngày
12.5.1988 của Bộ Ngoại giao TQ vẫn trơ tráo rằng “xâm lược không thể sinh ra
chủ quyền”.
Đỉnh cao của một TQ tráo trở phơi bày ở hành động ngày 17.02.1979, Thống lĩnh Đặng Tiểu Bình xua 60 vạn quân tấn công toàn tuyến biên giới Trung-Việt. Cuộc chiến
biên giới vô cùng khốc liệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kêu gọi toàn dân toàn
quân đứng lên đánh đuổi quân xâm lược. Bài kêu gọi này với tiêu đề NHÂN DÂN VN NHẤT
ĐỊNH THẮNG LỢI GIẶC TQ XÂM LƯỢC NHẤT ĐỊNH THẤT BẠI, đăng
trên Tạp chí Cộng sản số 3/1979 (trích mở đầu):
“Cuộc kháng chiến cứu nước thần thánh
chống giặc TQ xâm lược, bảo vệ Tổ quốc VN XHCN đang diễn ra quyết liệt ở các
tỉnh biên giới phía Bắc của nước ta. Ngày 17.2.1979, bọn cầm quyền phản động
Bắc Kinh đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn chống nước CHXHCN
VN. Từ những ngày đầu, quân và dân ta ở các tỉnh biên giới, từ Lai Châu, Hoàng
Liên Sơn, đến Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh đã nêu cao tinh thần quyết chiến
quyết thắng, chiến đấu cực kỳ anh dũng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ
quốc, gây cho quân giặc những tổn thất nặng nề… Chủ tịch nước CHXHCN VN đã công
bố lệnh tổng động viên trong cả nước để bảo vệ tổ quốc VN XHCN…đánh thắng hoàn
toàn cuộc chiến tranh xâm lược của bọn bành trướng và bá quyền TQ”.
Đã 35 năm, lời kêu gọi ấy vẫn nóng hổi thời sự.
Lịch sử không lặp lại, nhưng thất bại xâm lăng từ trong lịch sử có thể
lặp lại. “Giấc mơ Trung Hoa” là mộng bá chủ toàn cầu, là độc chiếm Biển Đông,
là mở rộng lãnh thổ từng được 46 triều đại phong kiến Trung Hoa ấp ủ suốt mấy
ngàn năm, song mộng vẫn mộng mị mà thôi. Việc TQ cắm giàn khoan trong vùng biển
VN, tương tự với việc năm 1938 Hitler khởi binh cưỡng chiếm rồi sáp nhập nước
Áo vào nước Đức. Việc Hitler chiếm đóng nước Áo khởi đầu cho cuộc chinh phục
châu Âu và cả thế giới. Hai sự kiện nêu trên giống nhau ở chỗ, trước khi phát
động xâm chiếm người đứng đầu đều nói rất hay về hòa bình nhằm ru ngủ đối phương
mất cảnh giác, tê liệt. Đang khi VN cùng nhiều nước phản đối mạnh mẽ hành động
gây hấn của TQ trên Biển Đông, thì tại thủ đô nước Anh, ông Lý Khắc Cường-Thủ
tướng TQ dương đông kích tây lời có đuôi có cánh: Người TQ vốn dĩ yêu hòa bình. Khổng Tử từng
dạy “điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác”, điều này đã in dấu
trong ADN của dân tộc chúng tôi …Bành trướng không có trong ADN
người TQ và chúng tôi không thể chấp nhận nguyên lý cho rằng một quốc gia mạnh
nhất định phải trở thành bá quyền… (báo Thanh niên
20.6.2014).
Một số câu ông Tập Cận Bình nói về hòa bình:
“Cả hai nước TQ
và VN phải hành xử trên tinh thần trách nhiệm đối với lịch sử và nhân dân mình,
phải đặt tình hữu nghị Việt-Trung và mối quan hệ phát triển song phương lên
hàng đầu, cùng nhau thúc đẩy một giải pháp cho vấn đề Biển Đông và không để vấn
đề đó ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa hai quốc gia” (Ngày 19.6.2013 trong
buổi đón Chủ tịch VN Trương Tấn Sang).
“TQ luôn yêu chuộng hòa bình, luôn theo đuổi cũng như truyền lại cho thế
hệ sau niềm tin vững chắc vào hòa bình, hữu nghị và hòa hợp…
Lịch sử ôn hòa của người Bắc Kinh là
minh chứng rõ ràng nhất cho sự yêu chuộng hòa bình của TQ. Trong máu của người
TQ không có gen xâm lược nước khác hay thồng trị thế giới…”. (Ngày 15.5.2014, trong cuộc mít-tinh kỷ
niệm 60 năm Hiệp hội Hữu nghị TQ với nước ngoài)
“Chúng tôi chỉ
muốn duy trì mối quan hệ hòa bình với các nước trong khu vực. Trải qua rất
nhiều thăng trầm thời hiện đại, chúng tôi nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng
của sự phát triển và giá trị của hòa bình” (Ngày 20-9-2012 gặp các nhà lãnh đạo Đông Nam Á).
Thế nên người dân VN yêu nước khó tin đó là sự thật!
7.2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét