Menu ngang

Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014


                               TỔNG CỤC KỸ THUẬT - 
                        NHỮNG NGÀY MỚI VỀ

              ( Bài đăng Tạp chí Kỹ thuật & Trang bị, số Kỷ niệm 40 năm
                          Ngày Truyền thống TCKT ( 10/9/1974 -10/9/2014)


Nguyễn Mạnh Đẩu và con trai: Nguyễn Trần Quang 

             Đang công tác ở Trường sĩ quan Lục quân 1, ngày 20 tháng 12 năm 2004, tôi được triệu tập về Bộ Quốc phòng nhận nhiệm vụ mới. Hôm đó, Thường vụ QUTW và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tổ chức trao quyết định thăng quân hàm cấp Tướng và quyết định bổ nhiệm chức vụ đối với một số cán bộ chủ trì các đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng. Bộ trưởng Phạm Văn Trà trao quyết định số 1396/QĐ-Ttg ngày 18/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm tôi giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục về Chính trị Tổng cục Kỹ thuật.(Từ tháng 5/2006 là Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật).

Rời Sở Chỉ huy Bộ Quốc phòng, tôi được anh Lê Văn Dũng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị mời sang Tổng cục Chính trị giao nhiệm vụ cụ thể. Anh nêu khái quát về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục Kỹ thuật - cả trong chỉ đạo ngành kỹ thuật toàn quân và trong quản lý lãnh đạo chỉ huy các đơn vị thuộc quyền. Đồng thời, anh nêu lên một số vấn đề chính tình hình Tổng cục Kỹ thuật và một số việc cần chú ý khi tôi mới về đảm trách cương vị chủ trì Công tác đảng, Công tác chính trị của Tổng cục. Tôi nhận nhiệm vụ trong tâm trạng vừa mừng, vừa lo. Mừng vì được cấp trên tin tưởng giao phó. Lo bởi yêu cầu nhiệm vụ thì cao, tổ chức biên chế thì lớn với nhiều loại hình hoạt động, đơn vị đóng quân trải rộng trên nhiều địa bàn, tính chất có nhiều khó khăn phức tạp. Hơn nữa, tôi lại chưa từng công tác ở một đơn vị kỹ thuật.
 Trước đây, trên các cương vị, tôi đã có quan hệ công tác với Tổng cục Kỹ thuật. Từ năm 1986,  là Trưởng phòng Nghiên cứu của Cục Chính sách (thời kỳ đó Cục Chính sách trực thuộc Bộ Quốc phòng), tôi được Thượng tướng Bùi Phùng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Thiếu tướng Doãn Sửu, Cục trưởng Cục Chính sách giao nhiệm vụ dẫn đầu mấy cán bộ của Cục Chính sách và Cục Tài chính tiến hành nghiên cứu chế độ chính sách đối với các kho vũ khí, đạn dược Cục Quân khí. Anh Nguyễn Văn Hảo, nguyên Phó cục trưởng Cục Quân khí, lúc ấy là Phó trưởng Phòng Kế hoạch Cục Quân khí đã cùng chúng tôi dành thời gian hơn một tuần đến nắm tình hình tại các kho thuộc Tổng kho 762 : K 802, K834, K854, K850,  K 680 và Xưởng X 264. Lần đầu tiên  chúng tôi hiểu được tính chất nguy hiểm, độc hại và những khó khăn về đời sống tại các kho vũ khí đạn dược. Từ kết quả nghiên cứu và qua lấy ý kiến các cơ quan có liên quan, Cục Chính sách đã đề nghị Bộ Quốc phòng ban hành qui định chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm và các chế độ khác đối với cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên ở các kho vũ khí, đạn dược. Có thể nói, qui định đó là tiền đề cho việc ban hành các chính sách chế độ sau này. Kế đến, thời kỳ làm Trưởng phòng Tổng hợp - Văn phòng TCCT và sau này ngót 10 năm làm Cục trưởng Cục chính sách TCCT, tôi đã có nhiều quan hệ công tác với Tổng cục Kỹ thuật, các cục chuyên ngành về lĩnh vực công tác chính sách và thi đua - khen thưởng.
Ngày 10 tháng 1 năm 2005, tôi có mặt ở Tổng cục Kỹ thuật. Như mọi cán bộ khi nhận nhiệm vụ ở đơn vị mới, việc đầu tiên là tôi tìm hiểu về lịch sử hình thành, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức biên chế, cơ chế hoạt động của Tổng cục Kỹ thuật và những đặc điểm lớn chi phối. Vũ khí, trang bị kỹ thuật là một thành tố của quân đội. Công tác bảo đảm kỹ thuật là tất yếu khách quan. Vũ khí, trang bị kỹ thuật của quân đội càng hiện đại, đòi hỏi công tác kỹ thuật càng tinh vi, càng lớn. Qua mấy chục năm, tổ chức ngành kỹ thuật ở cấp chiến lược có sự phát triển theo sự phát triển của Quân đội.
Những ngày tôi mới về, anh Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục về Chính trị đang đi công tác tại các đợn vị thuộc Tổng kho 764. Anh Đỗ Đức Pháp, Chủ nhiệm Tổng cục đã dành thời gian trực tiếp dẫn tôi đến thăm các cơ quan, đơn vị của Tổng cục Kỹ thuật đóng quân trên địa bàn Hà Nội. Chúng tôi quen thân từ khi tôi làm Cục trưởng Cục Chính sách thì anh Đỗ Đức Pháp là Cục trưởng Cục Quân khí rồi Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật. Khi đến các cơ quan đơn vị, anh Đỗ Đức Pháp đều vắn tắt giới thiệu tôi với mọi người. Sau đó, lãnh đạo chỉ huy đơn vị báo cáo một số nét chính về tình hình đơn vị, rồi đưa tôi đi thăm các cơ sở, chỗ sinh hoạt, nơi làm việc. Phần đông cán bộ chỉ huy các đơn vị đều quen biết tôi từ trước. Qua tiếp xúc bước đầu với cán bộ lãnh đạo chỉ huy, cán bộ nhân viên chuyên môn, tôi đều thấy toát lên ở họ thái độ chân thành, cởi mở, thân thiện, nghiêm túc, năng lực và phong cách làm việc tốt. Điều đó tạo cho tôi niềm tin, phấn khởi trên cương vị mới.
Sau mấy ngày tìm hiểu công việc, ngày 31 tháng 1 năm 2005, tôi chính thức nhận bàn giao từ anh Hoàng Anh Tuấn. Anh Tuấn là người có bề dày kinh nghiệm trong lãnh đạo chỉ huy đơn vị kỹ thuật. Sau  thủ tục bàn giao theo qui định, anh Tuấn đã xúc động nói lời chia tay Tổng cục Kỹ thuật - nơi anh gắn bó tâm huyết hàng chục năm trên các cương vị. Cuộc bàn giao diễn ra nghiêm túc, tình cảm dưới sự chứng kiến của tập thể Thủ trưởng và các cơ quan Tổng cục. Khoảng một tuần sau, Thường vụ QUTW ra quyết định chỉ định tôi vào Đảng ủy, tham gia Thường vụ, giữ chức Bí thư Đảng ủy Tổng cục Kỹ thuật.
Trên cương vị  Bí thư Đảng ủy, tôi tham gia lãnh đạo, chỉ đạo chung toàn bộ hoạt động của Tổng cục. Đồng thời, theo chức trách Phó Chủ nhiệm Tổng cục về Chính trị, tôi chủ trì CTĐ,CTCT và giúp Chủ nhiệm Tổng cục chỉ đạo các cơ quan khối pháp chế ,Tạp chí Kỹ thuật và Trang bị. Thời kỳ này, trong kế hoạch công tác của mình, ngoài công việc thường xuyên theo chức năng, tôi xác định: Phải tranh thủ mọi điều kiện để nhanh chóng nắm bắt tình hình toàn diện các cơ quan, đơn vị trong toàn Tổng cục. Tôi đã lần lượt nghe các cơ quan chức năng và các cục chuyên ngành báo cáo. Qua đó, bước đầu cho tôi một bức tranh toàn cảnh về Tổng cục Kỹ thuật nói riêng và tình hình bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật nói chung của toàn quân. Tiếp đó, tôi bố trí thời gian đi nắm tình hình tại các đơn vị cơ sở từ miền Bắc vào miền Nam. Trước khi xuống đơn vị, tôi thường tranh thủ hỏi ý kiến nhận xét của anh Đỗ Đức Pháp,Chủ nhiệm Tổng cục hoặc các anh Phó Chủ nhiệm: Đinh Danh Nghiêm, Nghiêm Sĩ chúng, Võ Minh Cẩm, Bế Quốc Hùng phụ trách các hướng về tình hình đơn vị, những vấn đề cần quan tâm chỉ đạo. Điều đó làm cơ sở bước đầu cho việc tiếp nhận và xử lý thông tin. Tại các buổi làm việc với các đơn vị, theo kinh nghiêm đã thành thói quen, sau khi nghe báo cáo, tôi nêu lên các câu hỏi có tính then chốt để các cơ quan đơn vị tọa đàm, lật đi lật lại, thậm chí lật ngược vấn đề, tạo được không khí cởi mở, tranh luận sôi nổi trên một số vấn đề trọng tâm . Bằng cách trực diện đó, tôi cho rằng, thông tin đa chiều hơn, tư duy không bị xơ cứng, hành chính hóa, quan hiêu hóa trong quá trình làm việc.
Những lần đến thăm các kho vũ khí đạn dược ở vùng sâu vùng xa, tiếp xúc với cán bộ nhân viên bảo quản, sửa chữa vũ khí, đạn dược, điều băn khoăn lo lắng đối với tôi  là : Việc bảo đảm an toàn cả về người và vũ khí đạn dược trước các tác động của khí hậu thời tiết, sự xuống cấp của vũ khí đạn dược, việc sơ suất, bất cẩn ( nếu có ) trong các khâu bảo quản, vận chuyển,  sửa chữa,…Và việc bảo đảm sức khỏe, đời sống của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên ở các kho vũ khí đạn dược ở vùng sâu, vùng xa; rồi đến việc xây dựng gia đình của nam giới, việc học hành của các cháu nhỏ, ..v.v .. Tôi đã nghe anh em đọc hai câu thơ nói lên mọi điều: “ Bao giờ trạch đẻ ngọn đa / Thì kho quân khí mới ra khỏi rừng”. Quả thật, đây là những vấn đề nan giải phải tập trung giải quyết cơ bản, đồng bộ và lâu dài.
Tổng cục Kỹ thuật - bến cuối cuộc đời binh nghiệp- đọng lại trong tôi nhiều kỷ niệm quí cả về công việc cũng như về tình cảm. Phải nói rằng, tôi đã thu nhận được nhiều kết quả qua tiếp xúc nghiên cứu bước đầu trong quãng thời gian mới về Tổng cục. “Vạn sự khởi đầu nan”, nói chung ở đời là vậy. Nhưng với tôi lại khác. Ngay từ khi đặt chân về Tổng cục, tôi đã được sự giúp đỡ tận tình của các Thủ trưởng Tổng cục và các cơ quan, đơn vị - đó là những thuận lợi căn bản. Nhận thức và cảm xúc quãng thời gian mới về Tổng cục là những vết hằn sâu sắc, chính xác đầu tiên trong tôi. Có thể nói, đó là cơ sở nền tảng, góp phần rất quan trọng trong suốt quá trình công tác của tôi ở Tổng cục Kỹ thuật.
Khi viết những dòng này, lòng tôi bồi hồi nhớ về những đơn vị, những con người ở Tổng cục Kỹ thuật từ cơ quan đến cơ sở, từ nhà máy đến nhà trường, từ Việt Bắc gió ngàn đến Tây Nguyên hùng vĩ, từ người thợ trẻ miệt mài bên cỗ máy đến cô thủ kho nghiêm cẩn, chuyên cần với nước da xanh xạm trong các kho vũ khí, đạn dược ở vùng sâu, vùng xa,…Tất cả ở họ đều phấn đấu vì một mục tiêu chung: Đảm bảo vũ khí, trang bị kỹ thuật - một thành tố đặc biệt quan trọng tạo nên sức mạnh chiến đấu của Quân đội và tiềm lực quốc phòng của Đất nước. Tôi may mắn có một thời được công tác ở Tổng cục Kỹ thuật -  một tập thể với những con người có phẩm chất năng lực và nhân cách tốt./.


                                                                             N. M. Đ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét