Menu ngang

Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

Khoan dung - động lực để chấn hưng đất nước


Công cuộc chấn hưng đất nước không thể tách rời triết lí khoan dung. Có thể nói rằng, đất nước đang cần sự khoan dung hơn bao giờ hết.
1.Nếu phải chỉ ra một đặc điểm nổi bật của dân tộc Việt Nam, tôi sẽ lựa chọn tính đa dạng (diversity). Có thể bạn sẽ nghĩ khác, nhưng tôi có lí do riêng: Kỳ thực, dân tộc Việt Nam được cấu thành trên sự đa dạng. Nếu thử quan sát đất nước mình, từ mọi góc nhìn, chúng ta đều thấy toát lên vẻ đa dạng, như nguồn gốc, thành phần tộc người, địa lí, sinh thái, khí hậu, ngôn ngữ và văn hóa ... Vì thế, tính đa dạng không chỉ là đặc điểm nổi bật, mà còn là đặc tính tự nhiên của dân tộc ta.
Đặc tính này đòi hỏi một triết lí phát triển phù hợp, đảm bảo tính thống nhất về lãnh thổ và lí tưởng chính trị mà không làm phương hại tính đa dạng về tự nhiên và văn hóa. Câu hỏi được đặt ra, triết lí ấy là gì vậy? Lịch sử Việt Nam để lại một gợi ý, cũng là một bài học sâu sắc và thiết thực, những nhà nước thành công nhất đều mang gương mặt khoan dung (tolerance).
Khoan dung là giá trị nền tảng của kỉ nguyên Lý – Trần rực rỡ. Khoan dung cũng là giá trị động lực làm nên sự nghiệp mở nước vẻ vang của các chúa Nguyễn ở phương Nam .
2. Có lẽ, cần nhắc lại đôi điều về đường lối trị nước của các vị vua anh minh triều Trần. Từ kho tàng trí tuệ bao la của Phật giáo, triều Trần đã tiếp nhận, chọn lọc và xây dựng nên một đường lối quản trị đậm đà khoan dung. Từ lúc còn rất trẻ, vua Trần Thái Tông – người khai sáng triều Trần đã khảng khái tuyên bố: “Ta xem ngai vàng như chiếc giày rách, bỏ đi lúc nào cũng được”.
khoan dung, động lực, đất nước, chấn hưng, Hoàng Giang, phát triển, tính đa dạng
Ảnh: Lê Anh Dũng
Câu nói này, cùng với thái độ ứng xử của một số vua Trần sau đó đã bộc lộ một nhận thức sâu sắc về bản chất của quyền lực, xét đến cùng, quyền lực chỉ là phương tiện để người đứng đầu đất nước thực hiện lí tưởng quốc thái, dân an.
Vì thế, thay vì chìm đắm, “mắc kẹt” trong quyền lực, ông vua cần tùy cơ mà quyết định sử dụng hay buông bỏ nó. Bấy giờ, trong tinh thần khoan dung, Phật giáo tuy được xem là quốc giáo nhưng cùng cộng sinh bình đẳng với Nho giáo và Lão giáo. Nhà Trần đãi ngộ nhân tài và sĩ phu rất kính cẩn, cho nên người giỏi xuất hiện khắp nơi và đều tụ về triều đình.
Nhận xét về giới sĩ phu đời Trần, trong Kiến Văn Tiểu Lục, Lê Quý Ðôn đã viết: "Bởi vì nhà Trần đãi kẻ sĩ một cách khoan dung, không hẹp hòi, hòa vị mà có lễ phép, cho nên nhân sĩ thời ấy ai cũng biết tự lập, anh hào tuấn vĩ vượt ra ngoài lưu tục, làm cho quang vinh cả sử sách, không thẹn với Trời Ðất, há phải đời sau kịp được đâu" ...
3. Ngày nay, khoan dung là một vấn đề mang tính thời sự toàn cầu. Nó được đặt ra trong bối cảnh tính đa dạng ở từng quốc gia và trên toàn thế giới đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi các quan điểm chính trị, tôn giáo cực đoan, hẹp hòi. Thực tế cho thấy, việc mù quáng từ chối hay triệt tiêu tính đa dạng chỉ càng làm cho các xã hội trở nên đơn điệu hơn, cạn kiệt hơn, bất ổn hơn và bần cùng hơn.
Bởi vậy, vì  hòa bình, hạnh phúc và tự do của con người, khoan dung trở thành một cam kết quốc tế. Ngày 16-11-1995, tại hội nghị toàn thể lần thứ 28, UNESCO đã khởi xướng Ngày Khoan dung Quốc tế với chữ ký đồng thuận của 185 nước thành viên. Hội nghị cũng thông qua bản Tuyên bố về các nguyên tắc khoan dung.
Trong bản Tuyên bố, khoan dung được định nghĩa là “tôn trọng, chấp nhận và cảm thông đối với tính đa dạng của các nền văn hóa trên thế giới, các hình thức biểu hiện và các cách thức tồn tại của con người. Lòng khoan dung được nuôi dưỡng bởi kiến thức, sự cởi mở, sự giao tiếp, sự tự do tư tưởng, khả năng nhận thức và đức tin. Khoan dung là hài hòa trong khác biệt. Khoan dung vừa là một bổn phận đạo đức, vừa là một đòi hỏi pháp lý và chính trị” .
Rõ ràng, định nghĩa của UNESCO hàm chứa một ý niệm mới mẻ về lòng khoan dung. Theo UNESCO, khoan dung không chỉ là một lối hành xử có văn hóa giữa các cá nhân trong một cộng đồng, giữa cộng đồng này với cộng đồng khác. Quan trọng hơn, khoan dung còn là một nghĩa vụ chính trị mà tất cả các nhà nước đều phải có trách nhiệm thực hiện.
Từ góc độ nhà nước, khoan dung có nghĩa là xây dựng một không gian pháp lý dân chủ và nghiêm cẩn, công khai và minh bạch nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể khác nhau cùng bình đẳng tham gia vào quá trình kiến tạo xã hội, cùng tiếp cận các cơ hội phát triển và cùng thụ hưởng các giá trị văn hóa. Trong môi trường chính trị khoan dung, mọi người dân đều được công khai, bình đẳng bày tỏ ý kiến của mình về các sự vụ công cộng của xã hội.
Ở đó, không một quyết định lớn nào được đưa ra mà không trải qua một quá trình tham vấn, đối thoại giữa nhà nước với người dân nhằm lựa chọn các phương án chính sách khả thi nhất. Nhờ vậy, con người có điều kiện vượt ra khỏi kiếp sống luẩn quẩn với những nhu cầu, những mối bận tâm vụn vặt, tầm thường để tồn tại trong tâm thế năng động, tự chủ của một người công dân hiện đại.
4. Sau gần 30 năm Đổi mới đất nước, Việt Nam đã giành được một số thành tựu trong phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội. Nhưng Việt Nam vẫn đang thiếu rất nhiều điều kiện để trở thành một quốc gia phồn thịnh, văn minh. Trong bối cảnh hiện tại, công cuộc chấn hưng đất nước không thể tách rời triết lí khoan dung. Có thể nói rằng, đất nước đang cần sự khoan dung hơn bao giờ hết.
Chỉ trong tinh thần khoan dung, chúng ta mới có thể khơi dậy, phát triển, chuyển hóa tính đa dạng của thực tế xã hội thành các nguồn lực dồi dào cho đất nước. Chỉ trong tinh thần khoan dung, chúng ta mới có thể hình thành một khuôn mẫu ứng xử mới mẻ, văn minh: Không lựa chọn ứng xử thô bạo, mà lựa chọn phương thức đối thoại bình đẳng, cởi mở để giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Lịch sử Việt Nam và xu thế phát triển của thế giới đương đại càng chứng tỏ rằng, lựa chọn triết lí khoan dung là lựa chọn cấp bách và tất yếu của dân tộc Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
Hoàng Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét