Menu ngang

Thứ Năm, 11 tháng 6, 2015

                        MỰ CHƯU ĐÃ RA ĐI


Quê tôi gọi thím là mự. Trưa ngày 7 / 6 / 2015 (tức 22 / 4 âl), trời nắng như đổ lửa, đất nóng như rang - nghe nói ở miền tây Nghệ An có nơi lên tới 42 độ - chú Đào ( em tôi ) gọi điện báo tin: “Anh ơi! Mự Chưu vừa mất lúc hơn 2 giờ sáng nay”.
Vẫn biết, Mự đã ngót trăm tuổi, lại ốm đau dài ngày, sự ra đi là điều không bất ngờ nữa. Vậy mà khi nghe tin, tôi vẫn thấy xúc động. Hình ảnh thân thương, kính quí của Mự hiện về trong tâm trí tôi.
Dịp cuối tháng Chạp năm ngoái, khi về quê, tôi sang thăm, Mự đã yếu lắm rồi. Chân tay khẳng khiu, thân người teo tóp, bé nhỏ, mắt đã trũng sâu, mờ hẳn. Nằm trên giường nghe qua lời chào, Mự vẫn nhận ra tôi và nói chuyện một cách tỉnh táo.
Thật ra, quan hệ họ hàng đã xa nhiều đời, nhưng mọi người trong gia đình tôi đều gọi bằng Mự là để biểu thị sự kính quí, thân thương. Nhà Mự cách nhà tôi dăm mét. Ngăn cách là một hàng cây với mấy cây duối, cây gai găng thấp, thưa mà thuở nhỏ tôi vẫn chui qua, chui lại. Gần đây mới xây tường gạch. Cổ nhân dạy: “ Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Điều đó không bao giờ sai. Gia đình chúng tôi là láng giềng thân thiết với Mự Chưu trong suốt mấy chục năm trời.
Mự Chưu tên thật là Võ Thị Đờn. Trước đây quê tôi có tục, phụ nữ khi lấy chồng thì gọi theo tên chồng - chồng Mự là ông Lê Văn Chưu. Mự là con cả của một gia đình gia giáo, khá giả ở làng Yên Long, xã Nghi Xá ( Nghi Lộc, Nghệ An ) - cách làng Đại Xá, xã Nghi Hợp chúng tôi hơn hai cây số. Nhiều lần Mự nói, Mự bằng tuổi Mẹ tôi, sinh năm 1919 - tuổi Kỷ Mùi. Mự Chưu có hai người em gái lấy chồng cùng bà con trong họ Lê, ngay sát nhà nhau.
Mự Chưu về làm dâu làng Đại Xá trước Mẹ tôi. Anh Trân con trai đầu của Mự hơn chị Hòe - chị cả của tôi  - vài ba tuổi. Mự Chưu là con dâu trưởng, cháu dâu trưởng của một đại gia đình nền nếp, gia phong, bề thế, trong một dòng họ lớn và danh giá của làng Đại Xá. Riêng việc hằng năm Mự chủ trì đảm trách lo toan cho mấy đám giỗ đến chục mâm nội ngoại cũng đủ biết vất vả là thế nào. Tương xứng với vai trò, phận sự của mình, Mự Chưu là người nhân hậu và gương mẫu trên mọi phương diện. Tôi biết, Mự là một người rất tốt, được mọi người quí trọng. Cả đời, Mự sống hòa thuận, bao dung với mọi người. Tôi chưa thấy bất kỳ ai trong họ, trong làng trách cứ Mự về điều gì.
Suốt một đời, trong mọi hoàn cảnh, Mự Chưu luôn là người hàng xóm thân thiết của Cha Mẹ tôi. Mẹ tôi kể, tháng 4 năm 1946, Cha tôi cùng nhập ngũ với Chú Chưu, Chú Lẫm. Đó là ba thanh niên tòng quân đợt thứ hai sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 của làng tôi - Gọi là trong làng, nhưng thực tế 3 gia đình ở cạnh nhau trong vòng bán kính chừng 50 mét. Ngày ấy, Mự Chưu đã có hai con trai ( anh Trân và anh Minh); Mẹ tôi mới sinh chị Hòe; Mự Lẫm mới cưới, chưa có con. Thuở đó, người làng tôi thoát ly đi xa không nhiều như bây giờ. Giữa một chiều Hè nắng gắt, 3 người vợ trẻ bịn rịn, tần ngần, lưu luyến tiễn chồng ở sân ga Cầu Cấm ( bây giờ không còn ga này nữa ). Mỗi người cầm một cành thông vẫy theo cho đến khi đoàn tàu khuất bóng mới bùi ngùi quay gót trở về.
Tôi không bao giờ quên tấm lòng thơm thảo của Mự Chưu đã dành cho tôi từ thuở bé. Bao giờ cũng vậy, mỗi lần bên nhà có giỗ, thì tôi đều được Mự Chưu gọi ra hàng cây giữa hai nhà trao cho đĩa xôi, miếng thịt. Đến mùa thu hoạch trái cây trong vườn, Mự đều cho tôi khi thì quả cam mọng nước, quả hồng chín đỏ, khi là quả dừa - Cây dừa nhà Mự thuộc loại sai quả, ngọt nước, dày cùi. Có nhiều lần nhà Mự ép dầu lạc, tôi đều được Mự dành cho mấy miếng khô dầu. Đám trẻ chúng tôi thích thú bẻ mấy miếng khô dầu ra chia đều nhau rồi gặm nhấm ăn vừa thơm, vừa béo. Mự thường đưa cho tôi khi bắp ngô luộc, lúc mấy củ khoai,.. Hồi ấy kinh tế nhà Mự khá hơn nhà tôi. Nhưng sự hảo tâm đâu có phụ thuộc giàu nghèo. Điều chắc chắn là tình cảm của Mự dành cho chúng tôi chứa đựng trong những món quà đó - những món quà không lớn đã dành trao cho đứa trẻ nhỏ nghèo khó. Thật vậy, một miếng lúc đói bằng một đọi lúc no. Tôi được biết, sau khi tôi đi bộ đội, các em tôi ở nhà vẫn thường được Mự dành cho quà như thế.
Đầu năm 1972, ngày tôi đi chiến đấu trở về thăm nhà sau 8 năm xa cách, bà con họ hàng làng xóm đến thăm rất đông. Mọi người rất mừng vì đều biết tôi bị thươngg nặng - thập tử nhất sinh - mà cứu chữa được. Khi sang nhà thăm, Mự Chưu lẳng lặng cầm tay tôi, nghẹn ngào rưng rưng nước mắt nói: Cháu bị thương trở về là quí lắm, nhưng mẹ cháu không còn để được đón con trai. Nhà Mự thì Minh đã hy sinh ở chiến trường Quảng Trị cách đây mấy năm rồi.  (Anh Minh con trai thứ hai của Mự hơn tôi 3 tuổi ). Nghe Mự nói, tôi không nén nổi xúc động, nước mắt cứ thế trào ra.
Cuối năm 2000, chúng tôi xây dựng gia đình cho con trai. Lễ cưới tổ chức ở Hà Nội, sau đó về quê làm hơn chục mâm mời bà con đến chung vui. Quan niệm đây là bữa mời cơm thân mật, không phải là tổ chức cưới lần nữa, do đó, gia đình chúng tôi chủ định không nhận tiền mừng của bất cứ ai. Khi đến dự, Mự Chưu kéo tôi ra sân năn nỉ nói, cháu không nhận của ai thì kệ cháu, nhưng riêng Mự thì dứt khoát Mự phải mừng. Tôi phải lựa lời nói mãi, Mự mới chịu cầm lại chiếc phong bì. Tôi biết, Mự rất thực tâm khi dành ra một khoản tiền để mừng cho các cháu.
Ngày 17 - 5 âm lịch năm Mậu Tý ( 2008), Cha tôi từ trần. Hôm giỗ 3 ngày Cha tôi, mặc dù đang ở nhà anh Trân tận Quán Hành, cách nhà hơn 7 cây số, Mự Chưu vẫn yêu cầu con cháu chở về thắp hương Cha tôi. Giữa trưa trời nắng chói chang, gió Lào hầm hập, nhìn Mự đã 90 tuổi, sức khỏe  yếu, lưng còng gập người lại, tay chống gậy từ ngoài đi vào đứng khấn vái thắp hương trước bàn thờ, tôi thật nghẹn ngào cảm động.
Đầu kháng chiến chống Pháp, Mự đã tiễn chồng tòng quân giết giặc. Đến thời kỳ chống Mỹ, Mự lại tiễn hai con trai lên đường chiến đấu - Và một người con đã hy sinh tại chiến trường khi mới ngoài 20 tuổi. Mự là một đảng viên có 65 năm tuổi Đảng, một phụ nữ nông thôn bình thường. Như bao người phụ nữ Việt Nam của thời đó, Mự thầm lặng tần tảo đảm đang lo toan mọi việc, luôn tự nguyện nhận về mình phần khó khăn, dành trọn tình thương với mọi người.
Vì điều kiện không về quê, nhưng tôi biết, lễ tang Mự Chưu được tổ chức rất chu đáo, trọng thị trong tình cảm chân thành của mọi người. Nhiều người bà con nội ngoại tận trong Nam, ngoài Bắc - trong đó có người đã cao tuổi -  không quản đường xa ngái, đã về chịu tang Mự.
Mự Chưu - một con người bình dị mà thật cao đẹp về nhân cách. Mự ra đi để lại sự tiếc thương, kính quí cho mọi người thân trong họ hàng, lối xóm. Từ đây, gia đình chúng tôi mất đi một người bà con, một người hàng xóm rất đáng trân trọng. 
              Mự Chưu ơi! Cháu viết bài này như một nén hương lòng kính dâng lên linh hồn Mự. Xin cầu khẩn linh hồn Mự được thanh thản, siêu thoát, tiên cảnh nhàn du!

                                                        Mỹ Đình, ngày 11 - 6 - 2015

                                                                           NMĐ





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét