Menu ngang

Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

Keith Weller Taylor: Hành trình của một sử gia

Trần Trọng Dương

Nhà sử học Keith Weller Taylor (Mỹ)

Keith Weller Taylor được coi là một trong những nhà Việt Nam học ngoại quốc nổi tiếng nhất ở Việt Nam cũng như trong giới học thuật quốc tế. Thường thì, một học giả nghiên cứu về Việt Nam hoặc chỉ có thể thành danh trong nước, hoặc ngược lại, chỉ được học giới nước ngoài tán dương, bởi sự chênh lệch giữa các lề thói làm việc. Nhưng, K.W. Taylor lại được cả hai. Vậy lý do đó là gì?

Theo tôi, cần nhìn nhận ông cũng như những gì ông viết từ góc độ thân phận con người. Taylor là cựu chiến binh Mỹ tại chiến trường Việt Nam. Cái “hội chứng” mà ông mắc phải thời Hậu chiến, những câu hỏi rằng: vì sao ông và nước Mỹ của ông lại thất bại trong một cuộc chiến không cân sức? Những người đánh bại ông là ai, họ đến từ đâu trong lịch sử thăm thẳm của nhân loại?1 có lẽ đã thôi thúc Taylor trở thành người xông pha miệt mài trong lĩnh vực Việt Nam học trong suốt quãng đời của mình. 

Thành tựu mà ông đã công bố trong lý lịch khoa học cá nhân (được cập nhật lần cuối vào 4/11/2014), bao gồm: ba chuyên luận cá nhân, ba cuốn sách viết chung, và hàng chục bài nghiên cứu chủ yếu về lịch sử và văn hóa Việt Nam, được đăng tải trên các tạp chí như Journal of Vietnamese Studies, Journal of Asian Studies, Journal of Southeast Asian Studies Vietnam Review, Asia Journal... Phạm vi của các tiểu luận khoa học không chỉ tiếp cận những vấn đề “bếp núc” của sử liệu học và sử học trải dài từ cổ sử cho đến lịch sử hiện đại, mà còn hướng đến các vấn đề tôn giáo, triết học, văn học, dân tộc học, Tiếng Việt lịch sử,... Không nghi ngờ gì nữa, Taylor chính là chiếc cầu nối, để đưa ra những diễn giải về lịch sử và văn hóa Việt Nam đến với thế giới sử dụng Anh ngữ trong vòng 40 năm qua. Trong 40 năm ấy, Taylor xuất hiện như người nhạc trưởng của giới nghiên cứu Việt Nam học ở nước ngoài, những quan điểm và lý thuyết của ông đã gợi mở cho nhiều nhà nghiên cứu khác như Li Tana, Victor Lieberman, Choi Byung Wook,... Cũng trong 40 năm ấy, ông đã liên tục đào tạo nên nhiều thế hệ nhà Việt Nam học trẻ/ mới khác như C. Liam Kelley, Peter Zinoman, Duong John Phan, Claudine Ang, B. Zottoli,... để Hoa Kỳ trở thành một trong những quốc gia phát triển hàng đầu về Việt Nam học. Chừng ấy thôi, cũng đã đủ thấy những công sức mà Taylor đóng góp cho giới học thuật. 
Bài viết này sẽ nhìn nhận K.W. Taylor như một thực thể của lịch sử qua hai mốc chính trong sự nghiệp nghiên cứu của ông: The Birth of Vietnam (1983) và  A History of the Vietnamese (2013).  
Kẻ chiến bại hát theo giọng của người chiến thắng
Đây có lẽ là một nhận xét sẽ khiến một số người giật mình. Nhưng theo tôi, chính “giọng hát” này là điều tạo nên sự thành công của Taylor ở Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây. Ngoài một số bài viết sắc sảo hoặc rất chuyên sâu bếp núc2, Taylor được biết đến chủ yếu qua chuyên luận nổi tiếng The Birth of Vietnam (Berkeley: University of California Press, 1983), nghiên cứu về lịch sử Việt Nam từ thế kỷ 3 TCN đến thế kỷ 10 SCN. Đó là một công trình tham khảo về quá trình đấu tranh cho sự tồn tại và độc lập của người Việt chống lại người láng giềng phương Bắc3. Nhưng chuyên luận này, theo tôi, chỉ có giá trị chủ yếu ở phương diện: nó là một kênh truyền tải tiếng nói của các nhận thức lịch sử ở trong nước [Việt Nam] đến với giới học thuật quốc tế thông qua lăng kính khúc xạ mang tên K.W. Taylor. 
Taylor có một lợi thế rất lớn khi nghiên cứu về lịch sử Việt Nam: góc độ của người đứng bên ngoài, gần như không chịu áp chế của chính trị từ bên trong, nhưng ông đã nhanh chóng phá bỏ ranh giới ấy, nhìn lịch sử Việt Nam với con mắt của người Việt Nam (hoặc ít nhất bằng con mắt của một số sử gia Việt Nam). Ông đã nhìn như thế nào? Ông nhận thức được rằng, “chiến tranh Việt Nam” là một yếu tố quan trọng bậc nhất tạo nên cung cách viết sử ở Việt Nam. Ông hiểu rằng: ông là người ở bên kia chiến tuyến, và có lẽ vì thế, sau khi thất trận, ông đã thử nhập thân vào cách suy nghĩ của người bên này lằn đạn, để hiểu xem họ thực sự đang nghĩ gì.
Nhưng dường như ông đã “nhập vai” hơi đạt quá, dùng lại những khái niệm mà sử gia Việt Nam và người dân Việt Nam đã và đang sử dụng. Nào là “truyền thống”, “bản sắc của người Việt”, “quốc gia”, “dân tộc”,... Tức là ông đã sử dụng những khái niệm mới hình thành trong thế kỷ XX (khi Việt Nam va đập với chủ nghĩa thực dân) để tư duy về những đối tượng lịch sử xuất hiện trước đó cả ngàn năm. Riêng khái niệm “Việt Nam” cũng đã phức tạp rồi! “Việt Nam thống nhất” của năm 1975 trở về sau khác với “Việt Nam chia tách” của thập niên 1960, Việt Nam thập niên 1960 lại cực kỳ khác so với nước “Đại Cồ Việt” (chỉ nằm ở đồng bằng sông Hồng đầy đầm lầy và lau sậy vào cuối thế kỷ X - đầu thế kỷ XI), lại càng khác so với cái được gọi là “nhà nước Âu Lạc”,... Liệu chúng ta có thể đánh những dấu bằng an nhiên theo đẳng thức {Việt Nam = Đại Cồ Việt = Âu Lạc = Bách Việt} hay {văn hóa Bách Việt= văn hóa Âu Lạc = văn hóa Đại Cồ Việt= bản sắc văn hóa Việt Nam}? Chúng ta hãy xem ông lập luận: 
Đôi khi, người ta tưởng tượng rằng: “cốt cách bản địa Việt Nam tính” đã sống sót, không hề hấn gì dưới ngọn lửa cai trị của Trung Quốc. Ở một khía cạnh nào đó, điều này là đúng, ví như tiếng Việt đã sống sót, cũng như những huyền thoại của Việt Nam từ thời kỳ “tiền Trung Quốc” đã sống sót. Nhưng cả ngôn ngữ lẫn những truyền thống huyền thoại của Việt Nam cũng đã biến thể qua những giao tiếp với Trung Quốc.4 
Khi ông phát ngôn như vậy, ông đã coi rằng đã có/ đã tồn tại một “cốt cách bản địa Việt Nam tính” trước khi người Hán xâm lược vào thế kỷ III TCN, ông đã coi rằng tiếng Việt và các huyền thoại bản địa thời Tiền Trung Quốc cũng tồn tại từ đó. Cốt cách đó/ bản sắc đó tồn tại dai dẳng hơn 12 thế kỷ cho đến khi người Hán chấm dứt vai trò cai trị ở mảnh đất này dù bản sắc đó đã ít nhiều bị Hán hóa. Dẫu ông biết rằng “người Việt Nam thế kỷ X rất khác so với tổ tiên của họ trước đó 12 thế kỷ”, nhưng ông đã thụt lùi, ít nhất khi so sánh với giới ngữ học trong nước như Nguyễn Tài Cẩn chẳng hạn5.
Taylor có một lợi thế rất lớn khi nghiên cứu về lịch sử Việt Nam: góc độ của người đứng bên ngoài, gần như không chịu áp chế của chính trị từ bên trong, nhưng ông đã nhanh chóng phá bỏ ranh giới ấy, nhìn lịch sử Việt Nam với con mắt của người Việt Nam (hoặc ít nhất bằng con mắt của một số sử gia Việt Nam). 
Ông cũng đã mặc nhiên cho rằng, các huyền thoại truyền miệng thời cổ về giai đoạn lịch sử cổ xưa là một loại tư liệu có tính sử liệu, nó tồn tại trước cả chữ viết. Điều đó có nghĩa là ông chưa thể tách bạch được hai chuyện: cái có thể nhận thức được và cái chưa bao giờ có thể xác định được là có thể nhận thức được hay không. Như thế, Taylor bỗng nhiên trở thành một biểu hiện di thực của chủ nghĩa dân tộc quốc gia ở nước ngoài. Ông bắt đầu viết lịch sử Việt Nam bằng chương 1 “Lạc hầu” với “những truyền thống thuở sơ khai”6 qua Lĩnh Nam trích quái - tác phẩm văn học thuộc thể loại “chí quái” [ghi chép về những chuyện quái dị], hay những cóp nhặt “huyền thoại” trong sử liệu của Việt sử lược hay Đại Việt sử ký toàn thư. Theo tôi, thay vì chú tâm bóc tách xem các huyền thoại có phần lõi sự thật lịch sử nào không, thì ông nên tìm hiểu vì sao những câu chuyện đó được sáng tạo ra, quá trình sáng tạo và biến đổi của chúng ra sao, chúng được sửa đổi với những động cơ gì, trong bối cảnh lịch sử - văn hóa nào... Tức là hãy nhìn các huyền thoại đó từ góc độ của lịch sử văn học, lịch sử văn hóa, chứ không phải lấy nội dung trong đó làm cứ liệu của ngành khoa học lịch sử. Như trên đã nói, việc dùng lại những khái niệm, cùng những thao tác của giới học giả bản địa, đã khiến cho Taylor bị mắc bẫy:
Những huyền tích này cũng biểu lộ sự thực tâm lý cơ bản của xã hội Việt Nam thời cổ: quyền tối cao của xứ sở đến từ biển khơi. Lạc Long Quân là vị thần biển. Chúng ta đã thấy có một số chi tiết trong những huyền tích Việt Nam cũng giống như những huyền tích của những xứ sở ở ven biển Đông Nam Á. Khái niệm về một vị thần biển như biểu tượng của quyền lực chính trị và tính chính thống, đi cùng với sự hình thành của dân tộc Việt Nam thời tiền sử, chính là dấu hiệu sớm nhất đã cho ta thấy rằng người Việt Nam là một dân tộc tự giác và đặc thù. Chính khái niệm này đã được biểu hiện qua nghệ thuật trống đồng Đông Sơn với những con chim biển và những động vật khác vây quanh những chiếc thuyền chở các chiến sĩ.”7
Đoạn văn trên cho thấy, tác giả đang chấp chới giữa việc nghiên cứu lịch sử với các lĩnh vực khác như: nghiên cứu văn hóa folklore hay văn học trung đại. Ông cho rằng huyền tích thể hiện biểu tượng, còn biểu tượng có khả năng có một cốt lõi lịch sử nào đó. Cái cốt lõi ấy lại được củng cố bằng các cứ liệu khảo cổ học, như trống đồng Đông Sơn. Dù có thể biết rằng, “trống đồng Đông Sơn” chỉ là tên gọi được hình thành trong đầu thế kỷ XX khi các hiện vật trống đào được tại làng Đông Sơn (Thanh Hóa), nhằm để định danh cho một cộng đồng người nào đó trong số vô số các chủ thể văn hóa đã tạo nên một bản đồ trống đồng dày đặc ở khắp địa bàn Nam Trung Hoa và Đông Nam Á ngày nay. Công thức {tài liệu văn học viết + văn học truyền khẩu + tài liệu khảo cổ học} đã ít nhiều có tác dụng. 
Chẳng những bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa quốc gia dân tộc, Taylor còn bị ám ảnh vô thức bởi sự cường điệu về sức mạnh của nông dân trong tư duy của người Việt Nam thế kỷ XX. Ví dụ, như khi ông viết về Đinh Bộ Lĩnh để khái quát hóa về “nghệ thuật sinh tồn” của người Việt:
Trải qua nhiều thế kỷ, quan niệm của người Việt Nam về vương quyền dần dà được vây bủa bằng lớp lý thuyết và những quy cách của Trung Quốc, nhưng ở nguồn gốc nó vẫn duy trì cái tính chất đặc biệt của người nông dân Việt bướng bỉnh và thông minh đã nắm vững được nghệ thuật sinh tồn. Người sáng lập nền quân chủ của nước Việt Nam độc lập ở thế kỷ thứ 10 không phải là người được uốn nắn bởi truyền thống đế quốc Trung Hoa, mà chỉ là một nông dân quê kệch, từng trải chiến trận để đạt được hai thành tích là thống nhất được người dân Việt và giữ vững được nền quốc phòng. Hai đức tính thiết yếu ấy đã soi đường cho mọi nền lãnh đạo chính trị của Việt Nam cho tới tận ngày nay”.8
Kết luận về bộ ba {“nông dân” + “từng trải chiến trận” + nghệ thuật sinh tồn} có lẽ là một kết luận xuất phát từ sự trải nghiệm của bản thân tác giả qua lần tham chiến vào đầu thập kỷ 1970. Và dường như ông đã muốn khái quát nó như một nét hằng xuyên trong lịch sử Việt Nam bằng ví dụ tương tự về Đinh Bộ Lĩnh - người được coi là thống nhất “12 sứ quân”, được coi là nguồn gốc nông dân (là trẻ chăn trâu). Nhưng có một sự thực khác, rằng Đinh Bộ Lĩnh có gốc gác quan lại quý tộc, bố ông là Đinh Công Trứ - Thứ sử Châu Hoan kiêm Ngự phiên Đô đốc9. Việc Taylor quá tin tưởng vào những huyền thoại được ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư giống như nhiều người khác ở Việt Nam đã khiến cho kết luận của ông chỉ là sự minh họa cho một ý tưởng có trước.
Nói chung, với cuốn The Birth of Vietnam (1983), Taylor đã mất gần 400 trang viết, để chứng minh cho một định đề có sẵn: truyền thống Việt Nam được xây dựng bởi một dân tộc thống nhất, một quốc gia thống nhất suốt từ giai đoạn thế kỷ X trở về trước cho đến thế kỷ X, và từ thế kỷ X đến thế kỷ XX. Và nếu, Taylor chỉ dừng lại ở đó, thì sẽ không có nhiều điều để bàn luận. Ông dần nhận ra rằng, cần phải đứng ra ngoài các phe phía để nhìn lại quá khứ. Một sử gia cần phải nói bằng giọng nói của chính mình, chứ không phải là hát lên bằng cổ họng của người khác. Cuốn A History of the Vietnamese được ra đời là vì thế! 
Khi sử gia tìm được giọng nói của chính mình
Như trên đã nói, may thay, Taylor có lẽ đã hoài nghi với những gì mình viết vào năm 1983. Trong một lần trả lời phỏng vấn đài BBC vào năm 2003, ông đã nói: “Quyển sách của tôi in 20 năm trước rồi. Trước kia tôi chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa quốc gia, tôi đã nghĩ rằng không có quan điểm quan trọng gì giữa thời cận đại và thời quá khứ... Cho nên, tôi nghi ngờ về ý kiến phát triển lịch sử liên tục, một lịch sử thống nhất liên tục, tức là lịch sử của một nhóm lấy quyền hành chính trị muốn dùng chuyện lịch sử để giảng dạy và tuyên truyền dân chúng phải theo chính sách quốc gia của chính phủ. Lịch sử thống nhất liên tục là lịch sử bị chính trị hóa, không là lịch sử khoa học”10. Nhận thức được điều đó, ông đã tự thanh tẩy toàn bộ/ hoặc phần lớn những tri thức của mình về lịch sử Việt Nam. Taylor đã dành hơn hai chục năm vừa rồi để viết lại những nhận thức KHÁC. Chính vì vậy, trong cuốn sách mới này, ông chỉ dành vỏn vẹn 30 trang, để xóa bỏ hết những gì đã viết trong gần 400 trang của cuốn The Birth of Vietnam. Ông lấy An Dương Vương làm vị vua khởi đầu của lịch sử11, và gần như đã không đề cập gì đến những huyền thoại Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân- Âu Cơ (bọc trăm trứng), Sơn Tinh- Thủy Tinh, Tản Viên, Chử Đồng Tử,... nữa. Cả khái niệm “Bách Việt” do người Hán sáng tạo để áp đặt/nô dịch tinh thần những cộng đồng dân cư khác Hán ở Phương Nam, đến đây cũng đã bị loại thải. Cái quan niệm của chủ nghĩa huyết thống tập thể, rằng “tất cả những người có cùng quốc tịch (bất kể thuộc về dân tộc nào) đều là những người cùng huyết thống, là cùng một bọc sinh ra, là đồng bào, anh em cốt nhục”..., đến đây, cũng đã được cho vào quên lãng. Ông viết rằng: “nhu cầu truy tầm nguồn gốc trong quá khứ xa xăm là nỗ lực nhận thức chung của nhiều dân tộc ở mọi thời điểm và mọi không gian... Nhưng nhu cầu bức thiết kết nối với quá khứ đó chỉ là một ham muốn chứng thực tự thân, chứ không phải là nỗ lực học thuật”12. Ông cũng nói rõ rằng, những gì mà các sử thần thời Trần và Lê sơ đã làm khi biên soạn những bộ sử đầu tiên của người Việt là cắt dán, lắp ghép các nguồn tư liệu Hán văn cho phù hợp với sự tưởng tượng về quá khứ và tổ tiên của mình, nhằm tạo ra lịch sử của phương Nam trong thế đối chọi với lịch sử của phương Bắc. Sử Tàu dài bao nhiêu sử Việt nhiều từng ấy, họ có gì thì ta có đó. Với cách làm như vậy, phần lớn sử thần Nho gia thời trung đại đã mắc bẫy các sử thần Nho gia Trung Hoa, bằng cách kéo nhập lịch sử Việt Nam “đồng nguyên” [cùng một gốc] với lịch sử Trung Quốc.
May thay, Taylor có lẽ đã hoài nghi với những gì mình viết vào năm 1983. Trong một lần trả lời phỏng vấn đài BBC vào năm 2003, ông đã nói: “Quyển sách của tôi in 20 năm trước rồi. Trước kia tôi chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa quốc gia, tôi đã nghĩ rằng không có quan điểm quan trọng gì giữa thời cận đại và thời quá khứ... Cho nên, tôi nghi ngờ về ý kiến phát triển lịch sử liên tục, một lịch sử thống nhất liên tục, tức là lịch sử của một nhóm lấy quyền hành chính trị muốn dùng chuyện lịch sử để giảng dạy và tuyên truyền dân chúng phải theo chính sách quốc gia của chính phủ. Lịch sử thống nhất liên tục là lịch sử bị chính trị hóa, không là lịch sử khoa học”.
Trở lại với vấn đề mà Taylor phát biểu: “ham muốn nhận thức về tổ tiên” với “nỗ lực học thuật để hiện thực hóa ham muốn ấy”, ông có hàm ý rằng, không phải bất cứ một hành vi nghiên cứu nào để thể hiện tình yêu dân tộc và đất nước cũng đều cho ra các thành tựu khoa học, có khi nó chỉ cho ra các kết quả có sẵn được nhiều người ưa thích, để cùng bình luận, tán thưởng trong không khí khải ca, chứ chưa chắc đó đã có ích gì cho nhận thức và quá trình cải tạo thực trạng cuộc sống. Tình yêu về đất nước con người không phải lúc nào cũng đồng hành tịnh tiến với nỗ lực học thuật, và ngược lại. Người Việt và các sử gia Việt cần phải duy lý hơn chăng!? 
Taylor phát biểu: “tôi tin rằng, công việc của giới sử học là nhìn vào những gì may mắn còn sót lại từ quá khứ trong mối quan hệ tương hỗ với sự tồn tại của những người đương thời, chứ không phải là bằng chứng về những người được coi là tổ tiên của người hôm nay.”13
Hãy xem ông đã ngoảnh lại nhìn những đồng nghiệp trong nước như thế nào: “Các học giả Việt Nam đã/ đang nỗ lực triển khai dự án để đẩy bản sắc dân tộc trở ngược về quá khứ xa nhất có thể. Trong thời kỳ hiện đại, điều đó đã trở thành phổ thông/ phổ biến với người Việt khi họ xác nhận lịch sử quốc gia kéo dài 4.000 năm, cho đến tận thời điểm mà các niên đại và hiện vật khảo cổ học được tập hợp và phân loại trong nền văn hóa Phùng Nguyên... Nhiều học giả người Việt toan tính vạch đường “chỉ đỏ xuyên suốt” ở lĩnh vực văn hóa, thậm chí cả ở ngôn ngữ - dân tộc, [để chứng minh] sự phát triển nối liền từ thời Phùng Nguyên đến tận Việt Nam hiện đại.”14.
Ông viết tiếp về cách thức trình bày, và biên soạn như sau: “Trong cuốn sách này, tôi kết hợp một tự sự chính trị theo tuyến tính lịch đại, với trình bày theo đề mục thuyết minh, và thảo luận về địa lý, giáo dục, tư tưởng, ngôn ngữ, văn học, tôn giáo, xã hội, chính quyền, kinh tế, và chiến tranh... Như một thám sát hoa tiêu, cuốn sách này cung cấp một điểm vào/ một lối vào lịch sử Việt Nam, và chưa thể phát quật hết khối sử liệu đã tạo nên những ý tưởng của tôi. Nó hy vọng sẽ cung cấp những phác thảo về quá khứ người Việt bằng việc sử dụng các thông tin về chính trị, hành chính, kinh tế, và văn hóa”.15 Như lối nói của Taylor, ông đang cố gắng viết lại lịch sử Việt Nam với tính đa diện, đa chiều của nó, lịch sử Việt Nam không phải chỉ là lịch sử của chiến tranh chống ngoại xâm, lịch sử của chính trị với vua chúa và quan lại, mà còn là lịch sử của thơ ca, nghệ thuật, thương mại... Trong cuốn sách với bố cục 13 chương, tác giả có ý phân kỳ làm bốn giai đoạn chính: 
Giai đoạn đầu: trình bày về mảnh đất (nay gọi là Bắc bộ) là một khu vực địa lý hành chính của chính quyền Trung Hoa trong nhiều thế kỷ. (Chương 1)
Giai đoạn hai: bốn thế kỷ của thời Lý- Trần, trong đó quý tộc Phật giáo xác lập quyền lực ở đồng bằng sông Hồng. (Chương 2 và 3).
Giai đoạn ba: bốn thế kỷ đóng góp của triều Lê với những vị vua gốc xứ Thanh, Khổng giáo là tư tưởng chính thống, người Việt mở rộng về phía Nam, và giai đoạn dài chia cắt lãnh thổ bởi chiến tranh. (Chương 4, 5, 6, 7 và 8).
Giai đoạn bốn: hai thế kỷ gần đây nhất, quốc gia Việt Nam hiện đại đã thành hình. (Chương 9, 10, 11, 12 và 13).
Đọc cả cuốn sách, chúng ta thấy, Taylor “đang nỗ lực dấn vào một lối đi mới” bằng cách “tạo ra một tự sự về hơn 2000 năm của lịch sử Việt Nam”16. Để cuối cùng ông đi đến một vài nhận định cho người bản địa, rằng: quá khứ của Việt Nam là chuỗi dài của những thử nghiệm thất bại trong việc tổ chức và trị lý xã hội17, rằng bất cứ hành động nào muốn thay đổi chính trị ở Việt Nam đều liên đới đến chính giới Trung Quốc từ xưa đến nay. Còn nhiều nhận định khác nữa về căn tính văn hóa, về xung đột vùng miền, về tính thống nhất của lịch sử, tính nhất nguyên dân tộc ở Việt Nam,… trong cuốn sách này, sẽ gây ra nhiều thảo luận trái chiều, thậm chí gay gắt. Chưa bàn đến đúng/sai một cách chi tiết, nhưng việc người Việt luôn để các học giả nước ngoài “nghiên cứu hộ/suy nghĩ hộ” về chính mệnh vận của mình âu cũng là một việc bất đắc dĩ, bởi ngoài những bất cập về cơ chế, hạn hẹp về kinh tế,…người Việt hiện vẫn đang hãm mình trong những quán tính của quá khứ, của những tư duy hậu phong kiến và hậu thực dân!
-------------------------------------------------------------------------
Chú thích:
1.    Lời nói đầu Preface. The Birth of Vietnam (Berkeley: University of California Press, 1983), p.xv.
2. "Voices within and without: Tales from Stone and Paper about Do Anh Vu," (Ithaca, NY: Cornell Southeast Asia Publications, 1995), pp. 59-80.
3. Kent Blaser. Review The Birth of Vietnam by Keith Weller Taylor. The History Teacher. Vol.18. No.1 (Nov., 1984). pp.152-153.
4.  ibid. P.xv.
5. Với “hộ chiếu” do Stalin cấp cho giới ngôn ngữ học: ngôn ngữ không có tính giai cấp, Nguyễn Tài Cẩn đã kết luận rằng tiếng Việt chỉ có lịch sử 12 thế kỷ (từ thế kỷ 8 đến nay). Nguyễn Tài Cẩn. 1998. Thử phân kỳ lịch sử 12 thế kỷ của Tiếng Việt. TC Ngôn ngữ, số 6/1988. Tb2001. Trong Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hóa. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. Hà Nội. P.401-411.
6. “Lac Lords”- “The Earliest Traditions”. Ibid. 1983. P.1-7.
7. Ibid. 1983. P. 6-7.
8. Ibid. 1983. P.vi.
9. Trần Trọng Dương. Đinh Bộ Lĩnh - loạn sứ quân: từ sử liệu đến sử thực. TC Nghiên cứu và Phát triển. Huế. Số 01/2012. Trần Trọng Dương. Loạn 12 sứ quân? TC Tia sáng số 14, 20 7/ 2013. tr.50-53. Trần Trọng Dương. Đinh Bộ Lĩnh: huyền thoại và lịch sử. TC Tia sáng số 16- 20.8.2013. tr.36-38.
10. Bài phỏng vấn BBC (London). 26-6-2003. Nguồn link: www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/.../030912_keithtaylor.shtml
11. Ibid. 2013: pp.14-17.
12. A History of the the Vietnamese (Cambridge University Press, 2013, pp.3).
13. Ibid. Pp.3.
14. A History of the Vietnamese (Cambridge University Press, 2013, pp.2-3).
15. A History of the Vietnamese (Cambridge University Press, 2013, pp.6-7.)
16. C.L. Kelley. Review of “A History of the Vietnamese by Keith Weller Taylor”. (Điểm sách Lịch sử dân tộc Việt Nam của Keith Weller Taylor). Journal of Vietnamese Studies, Volume 9 (1) – Jan 1, 2014.
17. Ibid. 2013. Pp.620.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét