“Lợi ích nhóm” và
“Chủ nghĩa tư bản thân hữu” - cảnh báo nguy cơ
TS Vũ Ngọc Hoàng
Ủy viên Trung ương Đảng,
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên
giáo Trung ương
Lợi ích chính đáng (của một người, một nhóm) là lợi ích phù hợp
với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, góp phần và bổ trợ cho lợi ích chung;
không mâu thuẫn, không gây thiệt hại cho lợi ích chung. Lợi ích chính đáng luôn
là mục tiêu và động lực đối với hoạt động của con người, cần được tôn trọng,
bảo vệ và khuyến khích. Quên điều này, không quan tâm đến lợi ích chính đáng
của con người, ngăn cản các lợi ích chính đáng ấy, thì sự lãnh đạo và quản lý
xã hội không thể thành công, mà trước sau gì nhất định cũng sẽ thất bại.
Ngược lại, “lợi ích nhóm” (theo nghĩa tiêu cực) thì mâu thuẫn
với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc; gây hại cho lợi ích chung, cho cộng
đồng, làm suy yếu và gây tổn thất nghiêm trọng đối với lợi ích chung. “Lợi ích
nhóm” là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc hình thành các “nhóm lợi ích”. Đặc
điểm của các “nhóm lợi ích” là có sự kết hợp cùng mục tiêu lợi ích, cùng hành
động, cùng phân chia lợi ích, giữa những người có nhiều tiền với những người có
quyền lực trong nhà nước và trong đảng cầm quyền. Có tiền chuyển hóa thành có
quyền lực. Có quyền lực chuyển hóa thành có tiền. Người có tiền sẽ có quyền lực
và người có quyền lực sẽ có tiền. Họ cùng nhau hành động để có quyền lực và có
tiền ngày càng nhiều hơn. Đồng tiền cộng với quyền lực tạo thành sức mạnh khống
chế, lũng đoạn tổ chức và xã hội. Nhận thức sự quan trọng của thông tin, “nhóm
lợi ích” còn móc nối, “kết nạp”, kết hợp với một số nhóm truyền thông không
lành mạnh để tác động chi phối dư luận theo hướng có lợi cho “nhóm lợi ích” và xuyên
tạc vu cáo những người, những doanh nghiệp không cùng nhóm để tranh quyền lực
và lợi ích. “Lợi ích nhóm” sẽ kéo theo và song hành với tham vọng quyền lực và
tham vọng tiền bạc.
Ở nước ta, trong lãnh đạo, người đầu tiên công khai hóa và nêu
lên sự cần thiết phải đấu tranh với “lợi ích nhóm” là Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng (phát biểu tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XI). Sau Tổng Bí thư, một vài
đồng chí lãnh đạo khác của Đảng và Nhà nước cũng có nói đến, mặc dù chỉ mới
thoáng qua và nói chung, chưa có chỉ đạo gì quyết liệt trong việc ngăn ngừa,
phòng chống “lợi ích nhóm”. Trong giới khoa học của Việt Nam đã có một số
nghiên cứu, chưa nhiều và mới ở dạng lý thuyết chung, chưa gắn với thực tế tình
hình nước ta. Các nhà nghiên cứu trên thế giới đã có nhiều tài liệu nghiên cứu
vấn đề này, gắn với quá trình phát triển của một số quốc gia. Nghị quyết Hội
nghị Trung ương 4 khóa XI của Đảng Cộng sản Việt Nam “Một số vấn đề cấp
bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã xác định nhiệm vụ quan trọng phải
đấu tranh chống “lợi ích nhóm”.
Hiện nay, “lợi ích nhóm” và hoạt động của “nhóm lợi ích” ở nước
ta đã và đang diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực quan trọng. Đó là trong quản lý
doanh nghiệp nhà nước, quản lý dự án đầu tư, nhất là đầu tư công; trong quản lý
ngân sách, thuế, quản lý ngân hàng - tín dụng; trong quản lý các nguồn vốn và
chương trình đầu tư về xã hội, trong quản lý tài sản, đất đai, bất động sản,
tài nguyên khoáng sản, xuất nhập khẩu; trong công tác cán bộ, quản lý biên chế;
trong quản lý việc cấp các loại giấy phép; kể cả trong các vụ án, trong tham
mưu về chủ trương, chính sách và trong điều hành. Đi sâu vào nghiên cứu các vụ
tiêu cực, tham nhũng có tổ chức, các vụ, việc mà dư luận có nhiều ý kiến thì sẽ
có nhiều thông tin cụ thể về tình hình “lợi ích nhóm” ở Việt Nam. Tức là tình
hình xấu đã lan rộng, khá phổ biến và khá ngang nhiên, nghiêm trọng đến mức báo
động.
“Lợi ích nhóm” và “nhóm lợi ích” có tác hại gì? Trước nhất, nó
làm cho đất nước bị tổn thất các nguồn lực và giảm hiệu quả đầu tư, bị kìm hãm
không thể phát triển nhanh, thậm chí không thể phát triển bình thường, mất sức
sống, nền kinh tế sẽ bị khiếm khuyết, dị tật, kinh tế “ngầm”, thị trường “ảo”,
chụp giật, hoang dã, khống chế và “thanh toán” lẫn nhau để giành độc quyền, làm
hỏng môi trường phát triển lành mạnh và bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp.
Hầu hết các nước bị “bẫy thu nhập trung bình” kéo dài nhiều thập niên, thậm chí
kéo dài hàng thế kỷ, loay hoay mãi, lùng bùng mãi, không làm sao thoát ra được
để trở thành một quốc gia phát triển là do “lợi ích nhóm” - nguyên nhân trực
tiếp và hàng đầu. Với sự chi phối của các “nhóm lợi ích”, nguồn lực quốc gia bị
phân bổ và sử dụng không vì lợi ích chung của quốc gia, mà nhằm hướng phục vụ
cho “lợi ích nhóm”; việc bố trí đầu tư, sắp xếp dự án và kể cả ban hành chính
sách, điều hành xử lý công việc cũng vậy.
Nước ta sau mấy chục năm công nghiệp hóa, đến nay năng suất lao
động xã hội vẫn thấp (vào loại thấp nhất khu vực Đông Á), hiệu quả đầu tư kém,
nợ nần nhiều mà chưa rõ trả bằng cách nào, khi mà hiệu quả đầu tư (sử dụng
nguồn vay ấy) còn kém; thu nhập thấp, sản phẩm công nghiệp xuất khẩu hầu như
không có, các chương trình nội địa hóa không thành công, chủ yếu là làm thuê và
cho thuê mặt bằng, nền kinh tế Việt Nam đang rơi vào “bẫy thu nhập trung bình
thấp”. Nhìn lại nguyên nhân các nước bị “bẫy thu nhập trung bình” và nhìn lại
tình hình nền kinh tế của ta thì thật đáng lo ngại.
Hậu quả thứ hai do “nhóm lợi ích” gây ra là nhất định sẽ chệch
hướng khỏi mục tiêu xã hội chủ nghĩa chân chính (và cũng xa lạ với chủ nghĩa tư
bản hiện đại), đất nước đi theo một con đường khác, sang “chủ nghĩa tư bản
thân hữu”, đó là con đường không có tiền đồ và rất nguy hiểm, không có tự do
và dân chủ (vì bị “nhóm lợi ích” độc quyền về kinh tế và chính trị thâu tóm,
lũng đoạn), để lại hậu quả lâu dài mà dân tộc phải gánh chịu. Chúng ta mong
muốn xây dựng một xã hội trên nền tảng của các giá trị nhân cách thì “nhóm lợi
ích” lại thúc đẩy đồng tiền cộng với quyền lực chiếm địa vị thống trị. Thực
chất “nhóm lợi ích” là đồng tiền (tư bản) chi phối quyền lực, trực tiếp tham
gia giành và chiếm giữ quyền lực, làm cho quyền lực không còn là của nhân dân,
cũng có nghĩa là chệch khỏi mục tiêu xã hội chủ nghĩa (chân chính). “Lợi
ích nhóm” và “nhóm lợi ích” có từ rất sớm, ít nhất là từ buổi đầu của thời kỳ
phong kiến; nhưng sang thời kỳ tư bản chủ nghĩa thì nó phát triển và diễn
biến phức tạp hơn, kể cả trình độ, quy mô và tính chất. Trong Chủ nghĩa tư bản
“hoang dã”, “mông muội”, các “nhóm lợi ích” hoạt động phổ biến, công khai, tích
lũy và tập trung tư bản bằng mọi thủ đoạn, kể cả bạo lực, giết người.
Nhân đây, trước khi nói đến hậu quả thứ ba do “nhóm lợi ích” gây
ra, xin nói rõ hơn về “chủ nghĩa tư bản thân hữu”. Suốt mấy trăm năm nay,
qua quá trình cạnh tranh, qua đấu tranh xã hội, chịu sự tác động của các quy
luật khách quan về kinh tế và xã hội, chủ nghĩa tư bản buộc phải liên tục
điều chỉnh. Ngày nay, chủ nghĩa tư bản hiện đại đã có những điều chỉnh rất
đáng ghi nhận; tạo ra nhiều thành tựu và một số nước đạt trình độ phát triển
cao, tính chất xã hội hóa sản xuất cao hơn, đang dần dần từng bước tạo ra các
nhân tố mới của xã hội tương lai (xã hội xã hội chủ nghĩa). Đồng thời với
quá trình tiến hóa tự nhiên ấy, trong thực tiễn thế giới tư bản còn xuất hiện
một khuynh hướng khác, một khuynh hướng không lành mạnh, không bình thường, một
khuynh hướng tha hóa, đó là “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, một loại hình nguy
hại cho sự phát triển của các quốc gia. Nước nào rơi vào “chủ nghĩa tư bản
thân hữu” thì không ngóc đầu lên được. “Chủ nghĩa tư bản thân hữu” thực chất
là sự bành trướng, biến dạng, biến tướng, sự thoái hóa cao độ của “nhóm lợi
ích” gây ra. Đây là một loại hình rất lạc hậu, khác xa so với chủ nghĩa tư
bản hiện đại (chủ nghĩa tư bản hiện đại có nhiều mặt tiến bộ, mà chúng ta
cần nghiên cứu để học tập kinh nghiệm) và tất nhiên là càng xa lạ với chủ
nghĩa xã hội văn minh.
“Chủ nghĩa tư bản thân hữu” còn có các cách gọi khác nhau, là
“chủ nghĩa tư bản lợi ích”, “chủ nghĩa tư bản bè phái”, “chủ nghĩa tư
bản bè cánh”, “chủ nghĩa tư bản lũng đoạn”,... “Chủ nghĩa tư bản thân
hữu” không phải là một giai đoạn của chủ nghĩa tư bản, mà là một hiện tượng,
một khuyết tật, một sự tha hóa của chủ nghĩa tư bản. Đây là loại hình “phát
triển” mà trong đó các doanh nghiệp dựa vào ưu thế về mối quan hệ với những
người có quyền lực để tạo ra nguồn thu tài chính cho cá nhân và đơn vị mình.
Các doanh nghiệp này tập trung đầu tư vào “quan hệ”, vào “quan chức” để từ đó
mà dùng quyền lực tạo ra lợi nhuận siêu ngạch. Đặc trưng của “chủ nghĩa tư
bản thân hữu” là có sự cấu kết, xâm nhập lẫn nhau giữa nhóm đặc quyền kinh tế
và nhóm đặc quyền chính trị, người kinh doanh cũng đầu tư vào quyền lực và
người có quyền lực cũng tham gia kinh doanh, làm quan chức để làm giàu, họ cùng
nhau bóc lột “mềm” toàn xã hội, bóc lột cả dân tộc, họ thâu tóm các nguồn tài
chính, của cải và thâu tóm quyền lực chính trị, biến bộ máy nhà nước thành công
cụ của một nhóm người (nhân danh nhà nước và đảng cầm quyền) thực hiện độc quyền
kinh tế kết hợp với độc quyền chính trị. Nói họ thực hiện bóc lột “mềm” là vì
không có hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh cụ thể để trực tiếp bóc lột
giá trị thặng dư của lao động, sự bóc lột của họ tinh vi hơn, nhưng tai hại
hơn, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Sự bóc lột ấy thực hiện thông qua các dự án,
các chương trình đầu tư; thông qua các cơ chế, chính sách (không phục vụ cho
toàn xã hội mà phục vụ cho một nhóm người) và thông qua cách điều hành, cách
quản lý mập mờ, không minh bạch, gây tiêu cực, tham nhũng... Họ thu lợi thông
qua các công ty “sân sau”, công ty con, công ty cháu, công ty nhánh của gia
đình, của “cánh hữu”. Nó ra đời trong (và gắn với) chủ nghĩa tư bản “man
rợ”, chủ nghĩa tư bản “dã man”, chứ không phải chủ nghĩa tư bản văn
minh.
Rất đáng lưu ý là, “chủ nghĩa tư bản thân hữu” không chỉ có
trong xã hội tư bản (yếu kém và tha hóa) mà còn có trong các xã hội khác, ở các
nước mới bắt đầu vận hành nền kinh tế theo mô hình kinh tế thị trường, khi mà ở
đó “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích”, “lợi ích bè phái”, “tính thân hữu vì lợi
ích” đang nổi lên và hoành hành; khi mà đảng cầm quyền cùng nhà nước do nó lãnh
đạo bị suy thoái về đạo đức, tham nhũng trở nên phổ biến và pháp luật không
được tuân thủ trong sự quản lý đất nước, quản lý xã hội (tức là trình độ quản
trị quốc gia yếu kém). Thực tiễn thế giới cho thấy, “chủ nghĩa tư bản thân
hữu” kìm hãm sự phát triển của quốc gia, làm cho đất nước rơi vào “bẫy thu nhập
trung bình” hàng thế kỷ không ra được, làm băng hoại đạo đức xã hội (do lệch
chuẩn giá trị); làm méo mó, biến dạng các chủ trương, đường lối; gây nên các
khuyết tật của nền kinh tế và của xã hội, để hậu quả lâu dài. “Chủ nghĩa tư
bản thân hữu” xuất phát từ các nguyên nhân, nguồn gốc: “Lợi ích nhóm” tiêu
cực, các dạng ma-phi-a, tham nhũng có tổ chức, sự suy thoái đạo đức của cán bộ
có chức quyền, không có cơ chế kiểm soát quyền lực, để quyền lực tha hóa và
không có cơ chế tốt để nhân dân làm chủ và có quyền lực thật sự, trình độ và
năng lực quản trị quốc gia yếu kém, luật pháp còn nhiều kẽ hở và việc chấp hành
pháp luật không nghiêm, bảo kê, bao che và dung túng cho các sai phạm. Ở đâu và
khi nào mà “nhóm lợi ích” không bị ngăn chặn có hiệu lực, hiệu quả, mà để nó
phát triển mạnh, lan tràn, hoành hành, vai trò của Nhà nước lành mạnh bị vô
hiệu hóa, thì ở đó, tất yếu sẽ kéo theo “chủ nghĩa tư bản thân hữu” xuất
hiện và tồn tại, không thể tránh được, không thể khác được, dù có muốn hay
không.
Lâu nay Đảng ta đã nhiều lần lưu ý nguy cơ chệch hướng. Nếu
chệch hướng thì sẽ chệch đi đâu? Chắc không thể trở lại chế độ phong kiến, vì
trình độ phát triển đã vượt qua. Cũng không thể chệch sang chủ nghĩa tư bản
phát triển văn minh, vì trình độ phát triển của nước ta chưa đạt đến, và nếu
vậy thì có ý kiến cho rằng cũng không đáng sợ, bởi chúng ta sẽ gần hơn với chủ
nghĩa xã hội. Khả năng lớn nhất, hiện hữu và cũng đáng sợ nhất, nguy hiểm
nhất là chệch hướng sang “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, con đường nguy hại cho
sự phát triển của quốc gia, dân tộc, đồng thời cũng nguy hại cho chế độ chính
trị - xã hội.
Trở lại hậu quả của “nhóm lợi ích”. Hậu quả thứ ba do “nhóm lợi
ích” gây ra là sự suy đồi về văn hóa, đạo đức xã hội do hệ giá trị bị đảo lộn
(đồng tiền và quyền lực chiếm vị trí trung tâm và cao nhất, trong khi nhân cách
bị đẩy sang bên cạnh và xuống hàng thứ yếu) và do tha hóa quyền lực (tác nhân
mạnh nhất). Việc phân hóa giàu - nghèo sẽ ngày càng lớn, tạo ra bất bình đẳng
và mâu thuẫn xã hội. Hỏng văn hóa và gây ra mâu thuẫn xã hội thì hậu quả khôn
lường, thâm sâu và lan tỏa rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội,
ảnh hưởng đến nền tảng xã hội và sức mạnh nội sinh của dân tộc.
Hậu quả thứ tư do “nhóm lợi ích” gây ra là làm lẫn lộn thật -
giả, đúng - sai, khác nhau giữa lời nói và việc làm, đường lối đúng không vào
được cuộc sống...; làm mất lòng tin của nhân dân đối với đảng cầm quyền và đối
với nhà nước, tức là làm hỏng nền tảng chính trị, dẫn đến mất ổn định chính
trị, mất sức mạnh của một quốc gia, và từ đó các thế lực xâm lăng từ bên ngoài
có thể lợi dụng thời cơ để xâm lấn, chèn ép, dẫn đến nguy cơ mất độc lập, thậm
chí là mất nước.
Hậu quả thứ năm do “nhóm lợi ích” gây ra là chính sách sử dụng
cán bộ méo mó, phát triển nạn “chạy chức”, “chạy quyền”, sắp xếp cán bộ trên cơ
sở “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ”, chứ không phải sử dụng người có tài đức, làm hư
hỏng đội ngũ cán bộ; là sự phát triển, sự gia tăng các hoạt động bè phái, mất
đoàn kết nội bộ, phá vỡ các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của đảng cầm quyền,
từ đó dẫn đến đảng cầm quyền mất vai trò lãnh đạo, tan rã hoặc bị “nhóm lợi
ích” thâu tóm làm thay đổi hoàn toàn bản chất, không còn là đảng phục vụ nhân
dân, và nhà nước cũng hư hỏng, biến chất, không còn là nhà nước của nhân dân,
mà thành bộ máy cai trị, tham nhũng và bóc lột nhân dân, từ đó, nòng cốt chính
trị đổ vỡ, bất ổn định chính trị từ bên trong.
Tình hình “nhóm lợi ích” ở Việt Nam đã đến mức độ nào? đang và
sẽ đi về đâu? Như chúng ta đã biết, trước đây trong lịch sử nhiều lần các triều
đại phong kiến Việt Nam bị sụp đổ, kể cả có lúc đất nước bị chia cắt là do
“nhóm lợi ích” gây nên. Ngày nay, tuy chưa có các công trình nghiên cứu cấp
quốc gia một cách thật đầy đủ và khoa học về “lợi ích nhóm ở Việt Nam”, nhưng
qua thông tin, qua dư luận xã hội, qua nghiên cứu của một số chuyên gia và cảm
nhận của nhiều người, thì tình hình “lợi ích nhóm” đã khá nghiêm trọng, tương đối
phổ biến, ở cấp nào cũng có, cấp cao hơn thì mức độ càng nặng hơn, ở lĩnh vực
nào cũng có, kể cả ở những nơi mà xưa nay trong tiềm thức xã hội thường cho
rằng đó là nơi luôn trang nghiêm, trong sạch. “Lợi ích nhóm” cũng chính là một
kiểu tham nhũng nghiêm trọng nhất, tham nhũng có tổ chức. Mặc dù Đảng và Nhà
nước ta đã có nhiều cố gắng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,
nhưng thực tế xã hội vẫn diễn ra một tình hình rất đáng lo ngại là ở nước ta
đang có nguy cơ chuyển biến dần dần sang “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, do
hoạt động của “nhóm lợi ích” gây nên. Cũng có ý kiến cho rằng nước ta đã rơi
vào “chủ nghĩa tư bản thân hữu” rồi, đã vào sâu lắm rồi (?). Ở các nước,
việc quản lý nhà nước và việc điều hành kinh tế tách biệt rành mạch, và ở họ
doanh nghiệp nhà nước cũng ít hơn ta. Còn ở ta, với đặc điểm cơ quan nhà nước
vừa quản lý về mặt nhà nước, vừa trực tiếp điều hành kinh tế, doanh nghiệp nhà
nước nhiều, lại yếu kém trong quản lý, không ít trường hợp đằng sau cái vỏ
doanh nghiệp nhà nước là tư nhân núp bóng, vì vậy, đề phòng “lợi ích nhóm” ở
Việt Nam còn phức tạp hơn các nước khác, nếu không đấu tranh ngăn chặn có hiệu
quả. Đây là nguy cơ lớn nhất đang hiện hữu dần, đe dọa sự phát triển lành mạnh
của đất nước và sự tồn vong của chế độ theo định hướng xã hội chủ nghĩa
(lành mạnh). Nguy cơ này bao trùm, đáng lo hơn bất kỳ sự đe dọa nào, tác động
chi phối chính, làm trầm trọng các nguy cơ khác, tạo điều kiện cho các nguy cơ
khác phát triển và gây tác hại. Đây là điểm lớn nhất, cốt lõi nhất của cuộc đấu
tranh về quan điểm lập trường; là trọng tâm trong chống “tự diễn biến”. Nếu
Đảng và Nhà nước ta không ngăn chặn được hoạt động của “nhóm lợi ích”, để nó
tiếp tục phát triển, dẫn đến lũng đoạn ngày càng lớn hơn thì sự phát triển của
đất nước bị nguy khốn và chế độ chính trị cũng biến chất, cũng thay đổi theo
hướng xấu, chắc chắn không còn là con đường xã hội chủ nghĩa chân chính
nữa, mà sẽ là nơi phát triển “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, mong muốn của hàng
triệu đảng viên cộng sản và nhân dân đã chiến đấu, hy sinh xương máu sẽ trở nên
xa vời và vô vọng, mong muốn thiết tha của Bác Hồ cũng không thực hiện được,
Đảng chân chính sẽ không còn và Nhà nước sẽ biến chất, dân tộc sẽ bị bóc lột,
bị tước đoạt quyền lực và tài sản của cải, chế độ xã hội sẽ là một chế độ không
có dân chủ và tự do, không có bình đẳng. Lúc này, hơn lúc nào hết, các cấp ủy
và toàn Đảng phải nhận thức rõ nguy cơ và quyết tâm bảo vệ quyền lợi dân tộc,
thành quả cách mạng và bảo vệ chính Đảng ta, không để Đảng bị “nhóm lợi ích” và
“chủ nghĩa tư bản thân hữu” thao túng, làm hư hỏng, biến chất, dẫn đến đổ
vỡ.
Chống “lợi ích nhóm” là công việc hết sức khó khăn, phức tạp, vì
không rõ “chiến tuyến”, thường ở trong trạng thái lẫn lộn trắng đen, trong nó
có ta và trong ta có nó, vừa là ta lại vừa là nó. Ngoài việc cần nhận thức đầy
đủ và sâu sắc tình hình và nguy cơ, cần thảo luận rộng rãi trong Đảng và trên
công luận. Đảng và cả hệ thống chính trị phải kiên quyết đấu tranh chống “lợi
ích nhóm”, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, hết sức hệ trọng và cấp bách; tập thể
lãnh đạo từ cấp cao nhất cần có quyết tâm chính trị và thật sự gương mẫu trong
việc đấu tranh chống “lợi ích nhóm”, sử dụng tất cả các biện pháp có thể; khẩn
trương nghiên cứu ban hành bổ sung, điều chỉnh các cơ chế kiểm soát quyền lực
(bằng quyền lực nhà nước, quyền lực của nhân dân và công luận); cơ chế thực thi
dân chủ rộng rãi, minh bạch thông tin và quy định rõ trách nhiệm giải trình,
điều trần; tạo hành lang pháp lý chặt chẽ cho báo chí vào cuộc, cho nhân dân
thực hiện quyền tham chính; đổi mới căn bản công tác cán bộ, thực hiện tranh cử
trước nhân dân đối với các chức danh bầu cử và thi tuyển công khai đối với các
chức vụ quản lý, đồng thời thực hiện cơ chế giám sát hoạt động, kết quả công
việc, thi hành việc bãi miễn và thay đổi vị trí công tác của cán bộ khi xét
thấy không có lợi cho cuộc đấu tranh chống “lợi ích nhóm”./.
Theo:TCCS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét