Bao nhiêu cấp phó mới đủ?
Tác giả: Vũ Khoan (Nguyên Phó TT)
. Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ hai câu chuyện đang khá “nóng” tại diễn đàn Quốc hội: bộ máy nhà nước liệu có “quá nhiều cấp phó hay không” và chuyện cân nhắc sân bay Long Thành là “trung chuyển quốc tế”.
.
Ông Vũ Khoan – Ảnh: Nguyễn Khánh |
Là một người dân, một cử tri, tôi luôn chăm chú theo dõi diễn biến của các kỳ họp Quốc hội. Mỗi kỳ họp thường thảo luận rất nhiều vấn đề, thông qua rất nhiều văn kiện. Ở đây tôi chỉ xin chia sẻ về hai câu chuyện đang khá “nóng” tại diễn đàn.
Quá nhiều cấp phó
Về Luật tổ chức Chính phủ, tôi thấy các đại biểu bàn thảo rất sôi nổi về số lượng thứ trưởng, người đưa ra con số này, người đưa ra con số khác. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi chưa thấy rõ lý lẽ: vì sao cần ngần ấy thứ trưởng mà không phải là ít hơn hay nhiều hơn?
Nói một cách khác, chưa thấy rõ các “cọc chuẩn”. Đồng thời điều đáng băn khoăn nhiều hơn là không thấy bàn nhiều về cơ chế vận hành bộ máy, một nhân tố quyết định nên có hay không và có bao nhiêu thứ trưởng là vừa.
Có dịp đi làm việc với rất nhiều nước, tôi rất ngạc nhiên thấy trong mỗi bộ ở nước ta có tới dăm bảy thứ trưởng mà lúc nào cũng “đầu tắt mặt tối”, nhưng ở nhiều nước công nghiệp phát triển và ngay ở các nước ASEAN, trong các bộ chỉ có một hoặc thậm chí không có thứ trưởng nào mà công việc của họ vẫn chạy trơn tru, thậm chí ngay trong thời gian chính phủ bị giải thể chờ bầu cử lại. Hóa ra vấn đề nằm ở thể chế vận hành.
Một là, khác với ta, các bộ của họ không can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh mà chỉ tập trung xây dựng cơ chế, chính sách. Tuy đã đổi mới nhiều song hơi hướng “bộ chủ quản” ở ta vẫn còn khá nặng, thậm chí không ít người vẫn ưa làm công việc “chủ quản” hơn là xây dựng thể chế.
Hai là, vụ trưởng, cục trưởng của họ có quyền rất to và trách nhiệm rất lớn trong lĩnh vực phụ trách. Họ là người có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình chứ không cần “hất lên trên”.
Còn ở ta ai cũng than vãn mình không có thực quyền (có thể do thể chế chưa giao quyền và trách nhiệm rõ ràng, có thể không muốn gánh lấy trách nhiệm), do đó phổ biến tình trạng các vụ, các cục “hất lên bộ”, đương nhiên không bộ trưởng nào kham nổi nên phải có nhiều thứ trưởng đỡ hộ. Tương tự, bộ lại “hất lên” thủ tướng nên thủ tướng cũng cần nhiều phó.
Ba là, sự phân công trong ban lãnh đạo bộ ở ta thường lập ra các “vương quốc” do một phó đứng đầu, coi như một vị “siêu vụ, cục” phụ trách một số vụ, cục chứ không phân công theo lĩnh vực quản lý nhà nước, còn công việc của vụ nào, cục nào họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Hơn thế nữa, tình trạng phổ biến là rất thiếu sự “phối hợp ngang” giữa các vụ, cục và giữa các bộ, trong khi khoa học quản lý xác định “sự phối hợp ngang càng tốt thì bộ máy càng ít cồng kềnh và càng hiệu quả”.
Bốn là, theo cách “làm việc tập thể”, quyền hạn đi đôi với trách nhiệm người đứng đầu không thật rõ ràng nên ban bệ rắc rối, họp hành triền miên. Mà đã họp là theo đẳng cấp, nếu họp ở cấp trung ương (cả bên Chính phủ, Quốc hội lẫn bên Đảng) thì nhất thiết phải có cấp bộ đi dự.
Tôi làm “nghề phó” lâu năm nên thấm rõ vấn nạn này và có lúc lẩn thẩn nghĩ nên cho phép các bộ đặt làm một vài hình nhân bằng sáp rồi cho người đặt lên ghế họp mới đủ người dự được!
Thú thật nội dung nhiều cuộc họp mình không thạo bằng chuyên gia hay cấp vụ, cục chuyên trách nên đành lôi chuyên gia đi kèm.
Năm là, chính sách chế độ hưởng thụ đối với cán bộ của ta vô hình trung lùa mọi người vào quan trường, không có cơ chế, chính sách nào khuyến khích đi vào đường chuyên gia cả nên “quan lộ” thì chật cứng, “chuyên lộ” thì đìu hiu, từ đây đẻ ra cơ chế “hàm” để bổ khuyết thực trạng này. Có vị gợi ý cơ chế “trợ lý” – một chức danh chưa được luật hóa và chưa được làm rõ họ là quản lý hay là chuyên gia.
E rằng không giải quyết tất cả những khâu nói trên thì chẳng biết bao nhiêu phó là vừa, có đông cũng không mạnh, có ít không hiệu quả.
Cân nhắc Long Thành là “trung chuyển quốc tế”
Còn câu chuyện về sân bay Long Thành mà Quốc hội sẽ thảo luận, tôi chỉ xin chia sẻ những quan sát riêng tư với tư cách một hành khách từng đi đến nhiều sân bay quốc tế.
Tôi thấy nhiều nước, theo với trình độ phát triển họ đều phải xây dựng sân bay mới lớn hơn, ở xa trung tâm đông dân, còn các sân bay cũ thường dùng cho các đường bay nội địa hoặc quốc tế tầm trung, chỉ có sân bay Hong Kong cũ chuyển đổi thành trung tâm thương mại.
Tôi thấy điều đó ở Paris, Tokyo, London, Washington D.C, Matxcơva, Seoul, Bangkok, Kuala Lumpur, Hong Kong, Bắc Kinh, Thượng Hải… Vì sao thiên hạ đều làm như vậy?
Có lẽ họ cần đáp ứng nhu cầu ngày một tăng, tránh gây ô nhiễm và tiếng ồn đối với trung tâm lớn, tránh tai họa lớn nếu chẳng may xảy ra tai nạn chăng? Do đó việc xây sân bay Long Thành đồng thời tạm duy trì sân bay Tân Sơn Nhất là hợp lý.
Tuy nhiên, có xác định ngay Long Thành là “trung chuyển quốc tế” không thì tôi hơi lăn tăn, vì đi qua nhiều nơi trên thế giới tôi thấy các sân bay có trở thành trung tâm trung chuyển hay không không chỉ tùy thuộc vào vị trí địa lý thuận tiện mà chủ yếu dựa vào tầm cỡ của trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ có sức cạnh tranh mạnh, năng lực quản lý cao, bảo đảm các dịch vụ vận tải, bốc xếp rẻ và nhanh, thủ tục thông thoáng tiện lợi.
Các sân bay Bắc Kinh, Thượng Hải của Trung Quốc, Matxcơva, Saint Petersburg của Nga là những cường quốc hàng đầu thế giới, nhưng cũng chưa phải là các sân bay trung chuyển hàng đầu thế giới.
Ở khu vực, Malaysia muốn cạnh tranh với bến cảng và sân bay của Singapore song xem ra vẫn chưa thành công, còn bến cảng, sân bay Singapore đất chật người đông nhưng vẫn là trung tâm trung chuyển hàng đầu là vì những lý do trên.
Ta có kinh nghiệm muốn biến Vân Phong thành cảng trung chuyển quốc tế, may mà chưa đổ tiền đổ của vào đó. Vì vậy có xây Long Thành trở thành sân bay trung chuyển quốc tế ngay không thì có lẽ nên “bảy lần đo, một lần cắt”, để sẵn không gian rồi liệu cơm gắp mắm thì hợp lý hơn.
Theo : Kim Dung / Kỳ Duyên
————
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét