Menu ngang

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Một kỷ niệm...


                                                     

                        KỶ NIỆM VỀ MỘT LẦN ĐƯỢC TIẾP KIẾN
                                  ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

                    (Bài đăng Báo QĐND ngày 9/10/2013)

                                                                         Nguyễn Mạnh Đẩu


Từ phải qua trái: Nguyễn Mạnh Đẩu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đỗ Quang Bích, Đinh Công Cử
                        
        Để chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền thống ngành chính sách quân đội ( 26/2/1947 – 26/2/1997), lãnh đạo Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị đã cử mấy cán bộ đến thăm, báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Đại tướng, đồng thời kính mời Ông dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày Truyền thống ngành chính sách quân đội sẽ được long trọng tổ chức vào ngày 26 tháng 2 năm 1997, tại Hội trường Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Chiều ngày 13 tháng 2 năm 1997, trong tiết trời nắng ấm, mấy anh em chúng tôi gồm: tôi - Đại tá, Cục trưởng; anh Đỗ Quang Bích - Đại tá, Cục phó; anh Đinh Công Cử - Đại tá, Trưởng phòng và anh Trần Văn Minh - Trung tá, Trợ lý Phòng Nghiên cứu Tổng hợp Cục Chính sách (hiện nay anh Minh là Thiếu tướng, Tiến sĩ, Cục trưởng Cục Chính sách - TCCT), đến nhà Đại tướng tại 30 phố Hoàng Diệu - Hà Nội. Trước 3 giờ chiều, theo hướng dẫn của Đại tá Nguyễn Văn Huyên, thư ký Đại tướng, chúng tôi đã ngồi sẵn ở Phòng khách.
Đúng 3 giờ, trong bộ com-lê màu sáng, Đại tướng từ trong nhà đi ra. Ngày đó, mặc dù đã 86 tuổi nhưng nhìn Ông còn khỏe mạnh. Đại tướng có gương mặt đẹp, nhân từ và sắc sảo, ánh mắt tinh anh, tóc bạc trắng như cước, da dẻ hồng hào, bước đi vững chãi. Ông nở nụ cười đôn hậu, thân mật niềm nở bắt tay từng người.
Anh Huyên giới thiệu tôi với Đại tướng. Ông bắt tay và hỏi tôi với chất giọng Quảng Bình trầm ấm:
        -  Đồng chí Cục trưởng quê Nghệ An à, ở huyện nào?
-  Dạ thưa, cháu ở huyện Nghi Lộc ạ .Tôi trả lời.
 Ông cười:
       - À, Nghi Lộc, “cà có cuống, cà có đuôi”, phải không?
        (Sự thể là, tiếng người Nghi Lộc quê tôi phát âm “cà” và “cá” na ná như nhau, cho nên khi nghe có người vờ như không hiểu, phải hỏi lại là loại cà có cuống hay loại cà có đuôi. Câu hỏi đó lâu nay vẫn được lưu truyền trong mọi người chỉ để đùa vui).
     Tôi thưa:
         - Dạ, phải ạ !
Chúng tôi cùng cười vui vẻ. Một bậc khai quốc công thần, danh tướng bậc nhất trong lịch sử hiện đại của Việt Nam, tiếp chúng tôi một cách thân tình, dung dị. Thật sự, chúng tôi coi đây là một vinh hạnh, mừng và xúc động lắm. Vừa bắt tay ông, tôi vừa giới thiệu từng thành viên trong đoàn đến thăm.
Sau khi đã yên vị, Đại tướng đi thẳng vào việc:
- Ta bắt đầu nhé. Tôi đã nghe anh Huyên báo cáo, hôm nay các đồng chí Cục Chính sách đến thăm, báo cáo tình hình công tác chính sách và cho biết việc chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngành chính sách quân đội. Chính sách là một mặt công tác rất quan trọng. Cả trong và ngoài quân đội đều vậy. Nào, bây giờ đồng chí Cục trưởng trình bày đi.
Tôi cầm quyển sổ đứng dậy báo cáo. Đại tướng vẫy tay:
- Thôi, chỉ mấy người thôi, đồng chí cứ ngồi báo cáo cũng được, rồi chúng ta còn trao đổi nữa.
Nghe Đại tướng nói vậy, tôi xin phép được ngồi.
 Vậy là, cùng ngồi với ông trên chiếc đi - văng, tôi mở sổ công tác, theo phần đã chuẩn bị sẵn, lần lượt báo cáo một cách từ tốn, rành rọt về quá trình hình thành, phát triển công tác chính sách và cơ quan chính sách trong quân đội; về tính chất, yêu cầu nhiệm vụ và những kết quả đạt được của công tác chính sách trong chiến tranh, sau chiến tranh và trong tình hình hiện nay. Cuối cùng là tôi báo cáo về việc chuẩn bị tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền thống ngành chính sách quân đội.
  Thời gian tôi báo cáo khoảng 25 phút. Vừa báo cáo, tôi vừa ngước nhìn sang ông. Đại tướng chăm chú nghe, dõi theo từng nội dung. Thỉnh thoảng, tôi thấy ông gật đầu, rồi gõ ngón tay trỏ xuống bàn như thể biểu dương, khích lệ, tán đồng. Điều đó truyền cho tôi cảm hứng phấn chấn, thêm tự tin trong khi báo cáo.
  Tôi vừa dứt lời, Đại tướng hỏi:
         - Thế nào, các đồng chí khác có thêm ý kiến gì không?
         Anh Bích, anh Cử và anh Minh đều nói:
         - Dạ thưa, nhất trí với báo cáo của Cục trưởng.
Sau khi nghe xong, Đại tướng biểu dương nội dung báo cáo của Cục Chính sách đầy đủ, ngắn gọn, súc tích, vừa có tính khái quát, lại vừa có số liệu minh chứng cụ thể. Ông cho rằng, với nội dung báo cáo như vậy, chứng tỏ việc chuẩn bị của Cục khá công phu, nghiêm túc, có chất lượng, các đồng chí lãnh đạo Cục Chính sách đã nắm chắc nội dung, làm chủ tình hình.
Tiếp đó, Đại tướng dành nhiều thời gian nói chuyện với anh em chúng tôi. Ông nói về tính tất yếu khách quan, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội. Ông cho rằng, ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến - 19/12/1946 và trước đó nữa, kể từ khi Nam Bộ kháng chiến, cho đến ngày toàn thắng 30/4/1975, rồi tiếp đến cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế, ròng rã hơn 30 năm chiến tranh. Trước họa xâm lăng, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, lớp lớp thanh niên thuộc nhiều thế hệ nối tiếp nhau lên đường chiến đấu. Trong cuộc chiến đấu sinh tử, vô cùng cam go ác liệt, đầy gian khổ, hy sinh, hơn một triệu cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống, hàng chục vạn người đã bỏ lại một phần xương máu trên các chiến trường. Ở hậu phương lớn Miền Bắc, trong điều kiện vừa sản xuất vừa đánh trả quyết liệt cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Đế quốc Mỹ, công tác chính sách chăm sóc gia đình có người đi chiến đấu rất được coi trọng và thu được nhiều kết quả, góp phần cổ vũ tiền tuyến, ổn định hậu phương. Ông khen công tác khen thưởng đã triển khai tích cực, kịp thời, góp phần động viên phong trào thi đua lập công, tri ân những người có thành tích xuất sắc và những gia đình có công với cách mạng,..v.v.. Tất cả những điều đó đặt ra yêu cầu rất cao, chứng tỏ công tác chính sách hết sức lớn, rất quan trọng.
Đại tướng đã nhận xét đánh giá về kết quả công tác chính sách, cả trong chiến tranh và giải quyết hậu quả chính sách sau chiến tranh. Ông khẳng định, công tác chính sách đã hình thành, phát triển cùng với quá trình xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của quân đội ta. Suốt mấy chục năm qua, trong chiến công chung của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, công tác chính sách đã góp phần rất xứng đáng. Đặc biệt là, trong năm 1994, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam - Ngày Hội quốc phòng toàn dân, Cục Chính sách đã tham mưu cho Tổng cục Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng trình lên Đảng, Nhà nước ban hành Danh hiệu vinh dự Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng kèm theo chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với các mẹ. Đây là một chính sách có ý nghĩa chính trị xã hội to lớn, sâu sắc, được các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội trong cả nước hoan nghênh, hướng ứng.
Kết thúc cuộc trao đổi, Đại tướng nhấn mạnh những yêu cầu, nhiệm vụ của công tác chính sách trong thời kỳ mới và trách nhiệm của Cục Chính sách - cơ quan đầu ngành về công tác chính sách trong quân đội. Ông cho rằng, trong tình hình mới, công tác chính sách cần tập trung nghiên cứu và chỉ đạo tổ chức thực hiện trên hai vấn đề lớn. Một là, cần chỉ đạo tổ chức thực hiện đúng, đủ, kịp thời , chu đáo các chính sách đã ban hành; Tập trung sức giải quyết nhanh gọn, chu đáo những tồn đọng về chính sách sau các cuộc chiến tranh - đây là vấn đề có nhiều khó khăn, phức tạp, rất bức thiết, đồng thời có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc. Hai là, cần tiếp tục nghiên cứu đề nghị ban hành nội dung chính sách mới, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính qui, từng bước hiện đại, trong điều kiện cả nước hòa bình, ổn định, phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chúng tôi tâm đắc, coi đó là những lời huấn thị của người Anh Cả của Quân đội ta, có ý nghĩa chính trị lớn cả trước mắt và lâu dài đối với nhiệm vụ chính trị của Cục Chính sách nói riêng và ngành chính sách trong quân đội nói chung;  đồng thời là những lời chỉ bảo ân tình, sâu sắc của bậc ông cha đối với các thế hệ con cháu.
         Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bậc vĩ nhân văn võ song toàn. Trong toàn bộ cuộc đời hoạt động phong phú sôi động trên cương vị Tổng Tư lệnh QĐNDVN, cùng với những trọng trách lớn lao, Ông đã luôn dành sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo sáng suốt đối với công tác chính sách.
Viết về Đại tướng đã có biết bao sách báo, phim ảnh. Về lâu dài, chắc sẽ còn rất nhiều giấy mực viết về Ông trên từng bình diện và các góc độ đề cập. Với tôi, tôi chỉ xin ghi chép lại đôi điều về một trong các lần vinh hạnh được tiếp kiến Ông - một vị tướng lừng danh thế giới. Tôi coi đây là những kỷ niệm đẹp của đời mình./.

                                          







                                          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét