Menu ngang

Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

Võ công...




  Võ công truyền quốc sử, văn đức quán nhân tâm !

                                                            Ghi chép: GIAO HƯỞNG

            Lịch sử giữ nước của dân tộc ta có một trùng hợp ngẫu nhiên thật thú vị: Thế kỷ 13, triều Trần cử Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn làm thống lĩnh chỉ huy toàn quân, trong 30 năm đánh thắng ba cuộc xâm lăng của đế quốc Nguyên Mông đến từ phương Bắc. Bảy trăm năm sau, tháng 12-1944 Trung ương Đảng, Bác Hồ cử Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy quân đội, cũng trong vòng 30 năm (1945-1975) đánh thắng hai cuộc xâm lăng của hai đế quốc hùng mạnh đến từ phương Tây! 


              Dũng tướng huyền thoại

            Võ Đại tướng sinh ngày 25.8.1911 tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ngày 25.8.2013 các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, QĐND Việt Nam, đông đảo đồng chí, bạn hữu...đã đến Viện 108 Hà Nội, chúc mừng Đại tướng thượng thượng thọ 103 tuổi (cách tính tuổi ta). Trong nhiều bức trướng câu đối kính tặng mừng thọ nhân dịp Đại tướng 80,90,100 tuổi, hiện treo tại tư dinh, tôi tâm đắc 10 chữ vàng của Viện Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Võ công truyền quốc sử, văn đức quán nhân tâm. Tạm dịch: Chiến công lưu truyền lịch sử dân tộc. Nhân văn đức độ thấu tận lòng người.
            Trong thế hệ học trò đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tuổi thọ cao nhất.
            Sau ngày thành lập, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, ngay trận mở màn đã làm nên chiến thắng Phay Khắt, Nà Ngần, trận đầu chiến thắng không mất một giọt máu. Cũng đội quân khiêm tốn từ nhân dân mà ra, vì nhân dân chiến đấu, 8 tháng sau đã cùng toàn Đảng toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, lập nên Nhà nước liên minh công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Cũng từ đó, quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của QĐND Việt Nam gắn bó hữu cơ với lịch sử kháng chiến giữ nước hào hùng của dân tộc ta ở thế kỷ 20. Cũng từ đó, tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn với lịch sử hào hùng của dân tộc: Đẩy lùi 2 cuộc xâm lăng đến từ phương Tây, bảo vệ vững chắc độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc Việt Nam. Từ đỉnh cao “chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu” trở về trước và về sau, từ góc nhìn thiên tài quân sự tầm cỡ nhân loại, trộm nghĩ, chưa ai liệt kê được hết đã bao nhiêu chính khách, nhà nghiên cứu lịch sử, nhà lý luận quân sự, nhà báo, nhà văn, nhà thơ…trong ngoài lãnh thổ Việt Nam viết về vị Đại tướng kính mến. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hiện thân của sự gặp gỡ thú vị trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta, cụ thể là sự gặp gỡ giữa triều Trần thế kỷ 13 với thời đại Hồ Chí Minh thế kỷ 20.
            Thế hệ tôi ra đời cùng chiến thắng Điện Biên, lớn lên giữa cảnh nước nhà bị chia cắt, từ khi biết đọc biết viết đã chứng kiến toàn dân tộc chung sức chung lòng đấu tranh giải phóng miến Nam thống nhất Tổ quốc. Tuổi đáo tuổi khăng chúng tôi đã biết ông Võ Nguyên Giáp làm Tổng chỉ huy tối cao của quân đội, đã thuộc lòng sự kiện lịch sử gắn với tên ông: Hoan hô chiến thắng Điện Biên/ Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp. Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm,mưa dầm cơm vắt / Máu trộn bùn non/ Gan không núng chí không sờn….
            Năm 1972 tôi là chiến sỹ lái xe Pháo binh, đơn vị đóng tại Hà Nội, giữa tháng ngày chiến sự trên khắp 2 miền nóng bỏng, lính chúng tôi chỉ thấy Đại tướng kính yêu qua phim ảnh, nên rất ước ao được trực tiếp nhìn thấy Đại tướng một lần. Cuốn sách nói về Đại tướng lần đầu tiên trong đời tôi đọc được, lại là sách do chính quyền Sài Gòn xuất bản. Trong chiến dịch tổng tấn công mùa Xuân 1975, giữa ngổn ngang tài liệu của Viện Đại học Huế bỏ lại, tình cờ tôi gặp cuốn Chân dung các tướng lĩnh "Bắc cộng". Sách này dành nhiều trang viết khá tường tận về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ ngày ấy tôi đã cảm nhận, người viết dù ở bên kia chiến tuyến vẫn rất trân trọng, cảm phục, ngưỡng mộ tài năng, đức độ của Võ Đại tướng. Phải chờ tới 9 năm sau kể từ mùa hè 1972 rực lửa. ngày 09.9.1981, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm 25 năm thành lập, trường mời Đại tướng đến dự nói chuyện tại Hội trường lớn ký túc xá Mễ Trì. Sinh viên K22 Ngữ Văn vừa bảo vệ Luận án tốt nghiệp, và lần đầu tiên tôi nhìn thấy Đại tướng bằng xương bằng thịt giữa đời thường.
            Lịch sử và lòng nhân là người thầy công minh, khách quan nhất trong việc tôn vinh người trần mắt thịt lên hàng ngũ Danh nhân, Vĩ nhân, cao hơn nữa là Thánh nhân. Năm 1991 Đại tướng nghỉ hưu ở tuổi 80, dù nghỉ hưu song  thuộc cấp vẫn suy tôn Người "Tư lệnh của tư lệnh, chính uỷ của chính uỷ" (lời Thượng tướng Trần Văn Trà). Gần đây Bách khoa toàn tnước Mỹ đưa tên tuổi Đại tướng lên hàng ngũ Vĩ nhân quân sự kiệt xuất của nhân loại từ xưa đến nay. Nhưng trước đó khá lâu, ông Westmoreland-tướng 4 sao chói sáng của quân đội Mỹ nhưng rất không may trở thành bại tướng phải rời khỏi Việt Nam trong cay đắng; Sau khi giải ngũ ông Westmoreland trân trọng gọi Võ Nguyên Giáp là "Tướng huyền thoại" (Legendary Giap). Một số tướng Mỹ dưới quyền của ông Westmoreland, từng trở về từ chiến trường Nam Việt Nam thì khâm phục gọi đối thủ của mình là "Đại tướng 5 sao"

               Nhân tướng lừng danh
                      
            Chiều 13.8.1999 tôi có mặt tại Hà Nội dự Lễ kỷ niệm 70 năm báo Lao động ra số đầu tiên (14.8.1929-14.8.1999) và đón nhận Huân chương Độc lập, Lễ kỷ niệm vào lúc 19h30 ngày 13.8 tại Cung văn hoá Hữu nghị Việt Xô. Chừng 14h tại 51 Hàng Bồ, tôi cùng mấy Phóng viên đang cà riềng cà tỏi quanh bàn làm việc của anh Lê Thụ-Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, bỗng nghe cháu Phan Thị Thu Thuỷ-cán bộ Văn phòng (hiện là Phó Tổng biên tập báo Lao động) từ ngoài vào nói nhỏ :
            - Chú Hưởng ơi. Lãnh đạo báo ta mời Đại tướng dự Lễ, nhưng mấy hôm nay mưa phùn gió lạnh, sức khoẻ Đại tướng không đảm bảo nên không đến dự được. Không thể đến dự, Cụ vẫn viết thư chúc mừng và cử người mang sang từ đầu giờ chiều để lãnh đạo báo Lao động biết. Cụ cẩn thận quá !
            - Trên cả cẩn thận! Đó là phong cách ứng xử của Nhà văn hoá lớn! 
                     Mở đầu buổi Lễ kỷ niệm trọng thể, thay mặt Ban biên tập, Phó tổng biên tập Trần Đức Chính trịnh trọng đọc thư của Đại tướng chúc mừng báo Lao động 70 năm ra số đầu tiên. 
            Năm 2002, kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh GS Đặng Thai Mai (1902-2002), con cháu dòng họ ở quê xã Thanh Xuân huyện Thanh Chương, phối hợp cùng Ban quản lý Di tích danh thắng Nghệ An xây dựng Nhà lưu niệm GS, dịp này tôi có bài về GS Đặng Thai Mai trên báo Lao động số Xuân Quý Mùi, số báo phát hành đúng Rằm tháng Chạp. Ngày 17 tháng Chạp tôi có mặt tại Hà Nội dự tổng kết cuối năm, đang dự họp thì chị Kiều Thị Quý-cán bộ Ban quản lý Di tích danh thắng Nghệ An điện ra:
            - Có một bạn đọc xem bài trên báo Lao động rồi điện báo với Cụ, người nhà Cụ vừa gọi điện vào muốn tác giả bài viết mang báo Lao động số Xuân đến tặng Cụ.
            Hôm sau họp hành xong, tôi đề xuất Tổng Biên tập Phạm Huy Hoàn cho xe con do chú Là điều khiển, đưa tôi đến tư dinh xin được tiếp kiến và kính biếu Đại tướng 4 tập báo Lao động số Xuân Quý Mùi-2003.
            Tôi gặp Đại tá Nguyễn Huyên thư ký của Đại tướng, anh Nguyễn Huyên nói nhỏ:
                 - Đại tướng đang tiếp Đoàn 4 thường trực gồm Thị uỷ, HĐND, UBND, MTTQVN Thị xã Bỉm Sơn. Nhà báo ngồi uống nước chờ một lát. 
                       Chừng mươi phút sau anh Huyên nói: Cụ bảo anh vào gặp.
                  Bước vào phòng khách tôi đứng nghiêm theo phong cách quân sự:
                      - Kính thưa Đại tướng ! Cháu là CCB nhập ngũ 1972, hiện làm Phóng viên báo Lao động thường trú tại Thanh-Nghệ-Tĩnh. Tuân lệnh Đại tướng, cháu vinh dự mang 4 tờ báo Lao động số Tết có bài về cố GS Đặng Thai Mai kính biếu Đại tướng.
                        Đại tướng cảm ơn bảo tôi ngồi:
                      - Báo Lao động hay lắm! Báo Lao động tốt lắm! Đồng chí cho tôi gửi lời cảm ơn và dặn các anh lãnh đạo báo Lao động: Chọn vụ việc mà làm, nhưng làm vụ nào thì đi đến cùng vụ ấy.
                   Vinh dự đời người được tiếp kiến Đại tướng một lần, tôi tranh thủ báo cáo Đại tướng việc Cụ Phùng Chí Kiên vị Tướng được Bác Hồ ký sắc lệnh truy phong, hy sinh năm 1941, đến nay đã 62 năm nhưng thân nhân gia đình ở quê Diễn Yên, Diễn Châu, Nghệ An chưa được cấp bằng Tổ quốc ghi công. Đại tướng trầm ngâm:
                        Lần đầu tôi gặp anh Phùng Chí Kiên vào năm 1940, lúc đó tôi được Đảng cử đi Côn Minh cùng anh Phạm Văn Đồng. Các anh Phùng Chí Kiên, Vũ Anh đón chúng tôi. Anh Kiên bố trí cho tôi và anh Phạm Văn Đồng gặp đồng chí Vương (Nguyễn Ái Quốc), sau đó tôi ở chung với anh Kiên một thời gian. Chúng tôi rất thương nhau và rất hiểu nhau. Hội nghị Trung ương lần thứ 8 tháng 5.1941 có anh Trường Chinh, anh Phùng Chí Kiên, ra Nghị quyết về Cách mạng giải phóng dân tộc. Nghị quyết cực kỳ cơ bản đề ra đường lối đưa Cách mạng nước ta sang giai đoạn mới. Sau đó anh Kiên được phân công phụ trách địa bàn Cao Bằng-Bắc Sơn…
                        Bỗng Đại tướng đột ngột hỏi:
                        -Hiện ở quê anh Kiên còn vợ con nhà cửa gì không?
                       -Thưa Đại tướng! Trong thời gian bác Kiên “mất tích”, gia đình ở quê tổ chức cưới vợ cho bác. Đám cưới vắng chú rể, cô dâu tên là Hoàng Thị Luận cùng quê Tổng Vạn Phần. Sau 8 năm lấy chồng mà chưa một lần bén hơi chồng, tuổi xuân đẹp nhất đời con gái đã tàn phai trong mòn mỏi đợi chờ, đôi bên gia đình tạo điều kiện để nàng dâu đi bước nữa, đành làm lẽ ông Phó làng giàu có người xã Diễn Hoàng. Gả chồng cho con dâu, gia đình cụ Khoản vẫn tạo điều kiện để cô Luận thường xuyên qua lại chăm sóc bố mẹ của bác Kiên. Bà Luận an phận sống với con cái của người chồng sau tại xã Diễn Hoàng và mất trong cải cách ruộng đất, mãi cuối đời bà Luận vẫn chưa được gặp bác Kiên.
                    Đại tướng rơm rớm nước mắt, vừa lúc Đại tá Nguyễn Huyên vào rỉ tai tôi:
                 - Đoàn Chính phủ Malaixia đang chờ vào chúc Tết Đại tướng.
          Tôi trao chiếc máy ảnh mang theo, nhờ anh Nguyễn Huyên bấm hộ để lưu giữ khoảnh khắc không dễ có trong bấy nhiêu năm viết báo.
          Trưa ấy Chánh Văn phòn báo Lao động bố trí tôi dùng cơm cùng anh Phạm Huy Hoàn, anh Trần Đức Chính. Chấp hành ý kiến của Đại tướng tôi đã chuyển lời căn dặn của Cụ tới lãnh đạo báo Lao động. Anh Trần Đức Chính nói:
          - Cậu có biết trước khi làm Đại tướng, Cụ làm nghề gì nữa không ?
            - Em biết Cụ làm nghề…hoạt động Cách mạng !
          - Đương nhiên là hoạt động Cách mạng. Từ 1936 đến 1939 Cụ tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, là sáng lập viên của Mặt trận này, đồng thời Cụ tham gia thành lập và làm báo tiếng Pháp Notre voix (Tiếng nói của chúng ta), Le Travail (Lao động), biên tập các báo Tin tức, Dân chúng. Cụ là Chủ tịch Uỷ ban Báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hội. Cậu vừa vinh dự được tiếp kiến bậc đại lão của báo chí Cách mạng Việt Nam !
          Và bài Liệt sỹ Phùng Chí Kiên…chưa được Liệt sỹ trên báo Lao động số 208 ngày 27.7.2003 đã thành “sự kiện”. Ngày 17.11.2003 Thủ tướng Phan Văn Khải ký bằng Tổ quốc ghi công ghi rõ: Liệt sỹ Phùng Chí Kiên Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh cách mạng và giải phóng dân tộc ngày 21.8.1941.   
                 Vâng, nếu không được vinh dự tiếp kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào giờ Thìn ngày 19 tháng Chạp Nhâm Ngọ (21/1/2003), chắc chắn tôi không thể có được bài báo Liệt sỹ Phùng Chí Kiên...chưa được Liệt sỹ đăng trên báo Lao động đúng vào dịp "tiết tháng Bảy mưa ngâu".

                                                                     Vinh, ngày 4/10/2013


                                                                                     
                     ----------------------------------------------------
           

Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm quê Quảng Bình (ảnh Trần Hồng)


Các CCB Mỹ tiếp kiến Đai tướng tại tư dinh (ảnh Trần Hồng)


Tác giả tiếp kiến Đại tướng tại tư dinh phố Hoàng Diệu-2002

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét