Menu ngang

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

DIỄN ĐÀN VĂN NGHỆ




MỘT SỐ HIỆN TƯỢNG VĂN HỌC 
THỜI KỲ ĐỔI MỚI
                                                                Nguyễn Thanh Tâm
Văn học thời kỳ đổi mới là một đối tượng rộng lớn và chưa hoàn thành. Tuy nhiên, với hơn 25 năm từ thời điểm tiến hành đổi mới đến nay, chúng ta đã hoàn toàn có thể nhìn lại một chặng đường quan trọng của văn chương nước nhà, để phác họa diện mạo, để nhận ra những thành tựu và hạn chế, những đổi mới thực sự của văn nghệ trong bối cảnh đối mới của đất nước.
Nhìn lại 25 năm của nền văn học đổi mới, chúng ta nhận ra có những điểm hội tụ mà ở đó tác giả, tác phẩm, sự tiếp nhận, phản hồi của công chúng văn học đang nói lên sức sống sinh động của đời sống văn học. Những hiện tượng nổi bật như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư, Vi Thùy Linh… chính là những điểm hội tụ như thế. Từ góc độ tiếp nhận văn học, chúng ta có thể nhận ra bản chất của các hiện tượng vừa nêu cũng như thấy được thị hiếu thẩm mỹ của cộng đồng, thời đại…
Nguyễn Huy Thiệp
 Nguyễn Huy Thiệp đã đốt nóng văn đàn sau đổi mới bằng những truyện ngắn “ghê gớm” của mình. Như một sự phản ứng với nền văn chương kinh viện đã được nhào nặn trước đó, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp là lời tuyên chiến với những đạo mạo giả trang của đời. Với truyện ngắn Tướng về hưu ra mắt độc giả trên báo Văn nghệ năm 1987, Nguyễn Huy Thiệp đã thu hút mọi ánh nhìn và trường quan tâm của công chúng văn học. Trên âm hưởng rất Shock của Tướng về hưu, Nguyễn Huy Thiệp lại tiếp tục tung ra: Muối của rừng, Chảy đi sông ơi, Con gái thủy thần, Chút thoáng Xuân Hương, Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết… làm sửng sốt văn đàn. Ông “càng viết dư luận càng mạnh, truyện chưa ra thì người đọc đã kháo nhau, truyện đăng rồi thì tranh nhau tìm đọc, đọc rồi thì tranh nhau bình phẩm, bàn tán, chốn phòng văn cũng như chốn vỉa hè đâu đâu cũng kháo chuyện… Văn đàn thời đổi mới đã khởi sắc bỗng khởi sắc hẳn.” (Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Xuân Nguyên sưu tầm, biên soạn, Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 2001). Xuất hiện và buộc người ta phải nhắc đến mình, đi tìm mình, Nguyễn Huy Thiệp phải có một sức hấp dẫn, sự lôi cuốn nào đó? Ở khía cạnh này, Đỗ Ngọc Yên cho rằng: "Cái mới cuả Nguyễn Huy Thiệp không phải là ở chỗ anh đã phát hiện ra bộ quần áo của Hoàng đế, mà điều quan trọng hơn là anh đã biết cho Hoàng đế cần phải mặc quần áo vào lúc nào. Sự sòng phẳng có ý nghĩa nhân bản đó, chỉ từng ấy thôi, cũng đủ để anh xứng đáng là một trong số những người đứng ở ngôi đầu bảng của văn xuôi Việt Nam đương đại" (Cái mới trong văn chương - Đỗ Ngọc Yên, Văn chương - những cuộc truy tìm, NXB Quân đội Nhân dân, 2006).

Ở mức độ tổng quát, tiếp nhận Nguyễn Huy Thiệp diễn ra trên hai bình diện lớn: đón nhận, tôn vinh và phê phán, phủ nhận. Chỉ cần hình dung sức lan tỏa từ 54 bài viết trong Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp chúng ta sẽ thấy được vấn đề Nguyễn Huy Thiệp sôi nổi như thế nào trong đời sống văn học:

Mở đầu với Lời giới thiệu (Phạm Xuân Nguyên), Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió (Hoàng Ngọc Hiến), Khi ông Tướng về hưu xuất hiện (Ðặng Anh Ðào), Ðôi điều cảm nhận sau khi đọc truyện và xem phim Tướng về hưu (Nguyễn Mạnh Ðẩu), Các vị tướng nói về phim Tướng về hưu (Lê Hà), Tướng về hưu một tác phẩm có tính nghệ thuật (Trần Ðạo), Lời thoại trong truyện ngắn Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp (Nguyễn Thị Hương), Những ngọn gió Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp như hình mẫu các truyền thuyết văn học (T. N. Philimonova), Ðọc Chút thoáng Xuân Hương (Ðào Duy Hiệp), Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Trần Duy Thanh), Có nghệ thuật ba-rốc trong các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp hay không?          (Thái Hòa), Tại sai tôi dịch truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp ra tiếng Anh (Greg Lockhart), Ðọc truyện Nguyễn Huy Thiệp (Nguyễn Thanh Sơn), Về cái ma lực trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Ðông La), Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Evelipe Pieller), Thơ trong văn Nguyễn Huy Thiệp (T.N. Filimonova), Về truyện ngắn Vàng lửa của Nguyễn Huy Thiệp (Tạ Ngọc Liễn), Ðọc văn phải khác với đọc sử (Lại Nguyên Ân), Có một cách đọc Vàng lửa (Ðỗ Văn Khang), Về một cách hiểu truyện ngắn Vàng lửa (Thùy Sương), Viết như thế cũng là một cách bắn súng lục vào quá khứ (Nguyễn Thúy Ái), Bàn thêm về truyện ngắn Vàng lửa của Nguyễn Huy Thiệp (Văn Giá), Vàng lửa của Nguyễn Huy Thiệp, triết học lịch sử hay là văn xuôi nghệ thuật? (Trương Hồng Quang - Nguyễn Mai Xuân),Sự mơ mộng và sự nghiêm khắc trong truyện ngắn Phẩm tiết (Ðỗ Văn Khang), Ðọc Phẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp (Nguyễn Diệp), Ba lần đọc Phẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp (Vũ Phan Nguyên), Mười lời bình về truyện ngắn Phẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp (Trương Hồng Quang), Kiếp luân hồi của Nguyễn Trãi qua Nguyễn Thị Lộ (Ðặng Anh Ðào), Ðoản thiên về truyện Nguyễn Thị Lộ của Nguyễn Huy Thiệp (Ðỗ Văn Khang), Một cây bút có tài, nhưng... (Hồng Diệu), "Ðọc" Nguyễn Huy Thiệp (Văn Tâm),Về những cách đọc văn Nguyễn Huy Thiệp (Nguyễn Văn Lưu), Sử-Văn, Văn-Sử và thái độ người phê bình (Ðỗ Trung Lai), Về một lối cảm thụ và phê bình "bắt-vít" (Nguyễn Hữu Sơn - Trịnh Bá Ðĩnh), Lịch sử trong quan niệm của Nguyễn Huy Thiệp(Vương Anh Tuấn), Lịch sử Việt Nam qua truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (T.N. Filimonova), Tư duy tiểu thuyết và folkhore hiện đại (Hoàng Ngọc Hiến), Nguyễn Huy Thiệp: những chuyện huyền kỳ, núi, sông và nước... (Nguyễn Vy Khanh), Biển không có thủy thần (Ðặng Anh Ðào), Nguyễn Huy Thiệp, một tài năng mới (Diệp Minh Tuyền), Tưởng tượng về Nguyễn Huy Thiệp (Vương Trí Nhàn), Vì sao văn của Nguyễn Huy Thiệp ngày càng sa sút (Ma Văn Kháng), Cái tâm và cái tài của người viết (Mai Ngữ), Ðể đánh giá đầy đủ sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp... (Ngọc Oanh), Chữ nghĩa với tâm hồn... (Trung Phương), Một trường hợp đang bàn cãi (Nguyễn Văn Bổng), Xung quanh sáng tác Nguyễn Huy Thiệp (Hồng Diệu), Về hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp/Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, vài cảm nghĩ (Nguyễn Ðăng Mạnh), Về mối quan hệ giữa sử và văn (Tạ Ngọc Liễn), Ði tìm Nguyễn Huy Thiệp (Ðỗ Ðức Hiểu), Chân dung nhà văn, từ một thế nhìn (Lê Minh Hà), Trái tim Thiệp (Sean Jamis Rose), Nguyễn Huy Thiệp (Trần Thị Mai Nhi), Xung quanh hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp (Nguyễn Hải Hà - Nguyễn Thị Bình). Những bài viết này bao gồm trong đấy những đánh giá về tác phẩm, tác giả, về chủ đề tư tưởng, hình thức nghệ thuật, thi pháp, và không ít bài mang tính chất điểm lại lịch sử tiếp nhận Nguyễn Huy Thiệp, những ý kiến ngổn ngang xung quanh hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp. Đặt các bài viết trở lại bối cảnh văn học thời kỳ Nguyễn Huy Thiệp mới xuất hiện, chúng ta thấy vấn đề Nguyễn Huy Thiệp đã chiếm lĩnh diễn đàn của Văn nghệ trong nhiều số, nhiều năm (suốt quãng 1987 đến 1990) và sau đó vẫn chưa nguôi trên nhiều phương tiện truyền thông khác.
 Nguyễn Huy Thiệp thu hút và có sự phân lập khá rõ rệt công chúng tiếp nhận. Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng: “…nét hấp dẫn của văn Nguyễn Huy Thiệp. Một thứ ngôn ngữ táo tợn đôi khi như là đột nhiên lột truồng những ý nghĩ, những thèm khát mà con người ta vẫn thường có nhưng cứ phải che che đậy đậy”(Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, tr 459), Hoàng Ngọc Hiến thì cho rằng: “truyện của Nguyễn Huy Thiệp có ý nghĩa cảnh tỉnh sâu xa”, Phạm Xuân Nguyên cũng khẳng định: “Hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp” - đó là thành quả của đổi mới”. Ở phía phê phán ta cũng gặp những tên tuổi quan trọng và những lời nhận xét rất đáng để suy ngẫm: Nhà văn Hồ Phương cho rằng Nguyễn Huy Thiệp có “…cái nhìn xã hội thiên về đen tối”, Đỗ Văn Khang nhấn mạnh: “Đặc biệt cái tâm mà không sáng thì không thể làm văn được” (Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, tr 242). Mai Ngữ “kết tội” Nguyễn Huy Thiệp: “… đã lăng nhục cha ông, tổ tiên mình” (Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, tr 426). Tạ Ngọc Liễn phản biện trên phương diện lịch sử - văn hóa: “Việt Nam nếu đích thực là một nước nhược tiểu… thì con cháu làm gì có được một giang sơn như ngày nay”, “Nước ta nhỏ… mà không yếu. Những cuộc phá Tống, bình Nguyên, đuổi Minh, đánh Thanh… chẳng lẽ chưa đủ… là một xứ sở mạnh mẽ sao?”, “càng kỳ quặc hơn khi cho rằng văn hóa Việt Nam (mà biểu tượng là Nguyễn Du) chỉ là đứa con hoang của nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp đẻ ra. Tôi không nghĩ tác giả luận điểm này là người mắc bệnh tâm thần nhưng đó không phải là sự suy tưởng của một đầu óc lành mạnh” (Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, tr 173).
 Nguyễn Huy Thiệp là tác giả thu hút được nhiều sự quan tâm từ phía trường học. Các khóa luận tốt nghiệp đại học, luận văn Ths đã chọn Nguyễn Huy Thiệp làm đối tượng để nghiên cứu. Có thể kể đến một số luận văn: Tư duy tiểu thuyết trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Nguyễn Mạnh Hà), Đặc điểm lời văn trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Lê Thị Nguyệt Trong), Ảnh hưởng của văn hóa dân gian đối với truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Vương Thị Thanh Hiền),… Ngoài ra còn nhiều công trình nghiên cứu khác về Tư duy truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Trần Đình Sử), Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong Văn học Việt Nam qua sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài (La Khắc Hòa),…

Những công trình nghiên cứu, những báo cáo khoa học, bài báo, tạp chí, ý kiến phẩm bình, góp ý chính là sự hình hóa sự tiếp nhận Nguyễn Huy Thiệp của công chúng đương đại. Cho đến bây giờ, việc nghiên cứu Nguyễn Huy Thiệp vẫn đang diễn ra với nhiều vấn đề mới hơn được soi chiếu từ lý thuyết phương Tây hiện đại. Sự khen chê kỳ thực có giá trị ngang nhau trong việc làm nên sức sống của tác phẩm. Từ lý thuyết tiếp nhận, sự phản hồi của công chúng dù theo bất kỳ khuynh hướng nào cũng là một biểu hiện của việc văn bản đã được sống đời sống tác phẩm của mình. Đó là điều đáng nói hơn là trăn trở về những chê bai, hay ngợi khen nhằm hạ gục đối tượng. Tất cả đã có thời gian minh xử và không quá nếu nói rằng trong quá trình đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, có lẽ công chúng cũng sẽ tìm được mình.


Bảo Ninh

Bảo Ninh cũng là một nhà văn có tác phẩm gây được sự chú ý đặc biệt trong công chúng tiếp nhận từ ngay sau đổi mới. KhiThân phận của tình yêu ra đời (1987) tác phẩm đã thu hút được sự chú ý của công chúng. Sau đó, trong nhiều lần tái bản, khi thì tác phẩm mang tên Nỗi buồn chiến tranh, khi lại trở lại tên Thân phận của tình yêu. Tuy vậy, mức độ quen thuộc của tác phẩm trong đời sống văn học đã giúp người đọc thoải mái với sự hiện hữu của hai tên cho một tác phẩm.
 Thân phận của tình yêu - Nỗi buồn chiến tranh đã thực sự phân hóa người đọc một cách mạnh mẽ. Ở thời điểm tác phẩm ra đời (1987), cách nhìn nhận về chiến tranh, về cuộc sống con người trong chiến tranh, tình yêu và những diễn biến tinh thần, tình cảm của con người, sự sống và cái chết, niềm tin và những trượt ngã, xác tín hay sự tha hóa, những chuyển biến của xã hội,… đang đứng trước nhiều ngả hướng khác nhau để kiếm tìm một hướng chuyển dịch. Tác phẩm của Bảo Ninh dọi một góc nhìn từ cái nhìn thế sự thời hậu chiến quả thực đã gây nên những phản ứng đa chiều trong lòng người. Nỗi buồn chiến tranhquả đã có một thân phận khá truân chuyên trong đời sống văn học. Ngay từ khi mới ra đời, được đón nhận, được trao giải thưởng Hội Nhà văn, sau đó lại bị chỉ trích, dè chừng,… Phạm Xuân Nguyên nhớ lại ngày ấy: “Nhưng chỉ ít lâu sau giải thưởng, cuốn tiểu thuyết này đã bị phê phán vì bị cho là thể hiện u ám, sai lạc cuộc kháng chiến chính nghĩa và vinh quang của dân tộc. Một sự phê phán nặng nề, gay gắt. Tiêu biểu có thể lấy ý kiến của ông Đỗ Văn Khang, tiến sĩ mỹ học và phó tiến sĩ ngữ văn. Ông Khang phẫn nộ vì Bảo Ninh đã gọi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là "cuộc chiến tranh Việt - Mỹ", đã thể hiện người lính quân đội nhân dân như một lũ thất trận chứ không phải những người mang tinh thần "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Nhân vật Kiên bị ông Khang kết tội như sau: "Đó là một kẻ chiến bại, tìm cách chạy trốn vào quá khứ để khư khư ôm lấy tâm trạng đổ vỡ mà không dám nhìn thẳng vào những khó khăn để dồn sức làm được một cái gì đó cho ngày mai". Sự phê phán bị đẩy tới mức mà Hội Nhà văn Việt Nam đã trao giải thưởng cho nó nhưng rồi lại phải tự lên tiếng phủ nhận giải thưởng đó thông qua ý kiến của một số nhà văn ở trong ban giám khảo hồi ấy. (Mãi tới đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VII năm 2005 nhà văn Nguyễn Quang Sáng từ trên diễn đàn đại hội mới phát biểu xin lỗi nhà văn Bảo Ninh về chuyện này). Vì vậy nó chậm được tái bản, khác với hai cuốn tiểu thuyết cùng được giải nêu trên. Cho đến tận bây giờ tác phẩm này vẫn còn bị "kiêng kị" ở một bộ phận độc giả hay một tầng lớp nào đó". Tuy vậy, sau hơn 25 năm từ ngày khai sinh, Nỗi buồn chiến tranh - Thân phận của tình yêu đã trở thành đỉnh cao trong sự nghiệp văn chương của Bảo Ninh, cũng là một tượng đài quan trọng của văn chương Việt Nam thời kỳ đổi mới.
 Từ góc độ tiếp nhận, ngay từ giai đoạn đầu đổi mới, Bảo Ninh đã thu hút được sự chú ý của công chúng. Theo tác giả Lại Nguyên Ân và Nguyễn Thị Bình trong công trình biên soạn Đời sống văn nghệ thời đầu đổi mới, xung quanh Bảo Ninh và Nỗi buồn chiến tranh có rất nhiều ý kiến đánh giá, nhận xét, phê bình. Có thể điểm ra tại đây một số ý kiến của Nguyên Ngọc (Cuốn tiểu thuyết về một cuốn tiểu thuyết), Đào Hiếu (Thân phận của tình yêu), Hoàng Hưng (Xin gọi đúng tên), Hoàng Ngọc Hiến (Những nghịch lý của chiến tranh), Đỗ Văn Khang (Nghĩ gì khi đọc tiểu thuyết Thân phận của tình yêu?), Phạm Xuân Nguyên (Nghĩ gì khi đọc “Nghĩ gì khi đọc Thân phận của tình yêu?”), Đỗ Đức Hiểu (Những nhịp mạnh của tiểu thuyết Thân phận của tình yêu), Trần Duy Châu (Từ đâu đến "Nỗi buồn chiến tranh"?), Phạm Chí Dũng (Suy nghĩ về cái tang tóc của Nỗi buồn chiến tranh), Nguyễn Quang Sáng (Trả lời phỏng vấn của báo Công an thành phố HCM về quyển Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh), Nguyễn Khải, Vũ Tú Nam, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Vũ Quần Phương, Nguyễn Đình Ước, Huỳnh Khái Vinh (Trả lời phỏng vấn của báo Công an thành phố HCM về quyển Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh), Vũ Hạnh (Khi các vị giám khảo xét lại lá phiếu của mình), Thanh Lê (Thấm đòn qua Nỗi buồn chiến tranh), Linh Hoà (Luận bàn về Nỗi buồn chiến tranh),… Những ý kiến này đã nói lên sức ảnh hưởng của Nỗi buồn chiến tranh trong đời sống văn học thời kỳ đổi mới.
 Con người dường như đã tìm thấy, hay chính xác hơn đã gặp lại mình trong những khoảng khắc, trong những trường đoạn, những cảnh huống của Nỗi buồn chiến tranh. Khi âm hưởng hào hứng của thời kỳ đầu đổi mới lắng dần vào chiều sâu, tác phẩm của Bảo Ninh vẫn thu hút được sự chú ý của giới nghiên cứu và công chúng phổ thông. Trong báo cáo tổng kết đề tài khoa học cấp Bộ: Một số khuynh hướng tiểu thuyết ở nước ta từ thời điểm đổi mới đến nay (Mã số: B2006-17-29, Chủ nhiệm đề tài PGS.TS. Nguyễn Thị Bình, ĐHSP HN) tác giả đã cho rằng: “Sau Thiên sứNỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh đã làm xôn xao dư luận, phân lập người đọc rất mạnh. Những tranh cãi phức tạp, gay gắt hầu hết liên quan đến câu hỏi “có thể viết về chiến tranh như thế nào?” (Việc Bảo Ninh lựa chọn cái hiện thực của tâm linh, hiện thực bên trong một con người - một số phận cụ thể - với ý thức biểu đạt chiến tranh bằng kinh nghiệm cá nhân cũng bao hàm thái độ khước từ cách viết theo kinh nghiệm cộng đồng và do đó, không tránh khỏi gây shock cho khá nhiều bạn đọc). Nhưng chính việc tự giác trước câu hỏi “có thể viết tiểu thuyết như thế nào?” mới thật sự đặt Nỗi buồn chiến tranh vào vị trí những tác phẩm có đột phá về tư duy thể loại. Nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước coi cuốn sách này cùng Phía Tây không có gì lạ của nhà văn Đức Erich Maria Remarque thuộc số tiểu thuyết hiện đại hay nhất về đề tài chiến tranh”. Giá trị văn học, giá trị tư tưởng, thời đại cùng nhiều vấn đề khác đặt ra trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh đã thu hút công chúng. Cũng từ sự thu hút ấy, công chúng, giới nghiên cứu, những người quan tâm nhận ra tầm vóc của tác phẩm. Tác phẩm được giới nghiên cứu chú ý trên nhiều phương diện: vấn đề lịch sử, không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật, cảm hứng nhân văn, chất thơ, chất tự truyện, hình tượng người lính,… Các nhà nghiên cứu đã soi chiếu Nỗi buồn chiến tranh bằng nhiều hệ pháp: Thi pháp học/tự sự học, Phân tâm học, Liên văn bản, nghệ thuật học,… và vẫn chưa thôi tìm kiếm những cách thức tiếp cận, giải mã mới. Trên bình diện tổng quát, các hướng nghiên cứu, các vấn đề được đặt ra từ Nỗi buồn chiến tranh có thể được lý giải từ các bài viết của: Phạm Xuân Thạch (Về tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, Tiểu thuyết Việt Nam đương đại - suy nghĩ từ những tác phẩm về chủ đề lịch sử, Nỗi buồn chiến tranh viết về chiến tranh thời hậu chiến, từ chủ nghĩa anh hùng đến nhu cầu đổi mới bút pháp), Trần Thanh Hà (Từ phân tâm học tìm hiểu tính hiện đại thể hiện qua tiểu thuyết "Thân phận của tình yêu" của Bảo Ninh - Sông Hương, số 195, tháng 5/2005), Trần Quốc Hội (“Trình tự” trong thời gian nghệ thuật của Ăn mày dĩ vãng và Nỗi buồn chiến tranh - tiếp cận từ lý thuyết thời gian của Genette, Sông Hương, số 225, tháng 11/2007), Thụy Khuê (Nỗi buồn chiến tranh, Sóng từ trường, Đoàn Cầm Thi (Nỗi buồn chiến tranh: tự truyện bất thành), Trần Xuân An (Thủ pháp “Dòng ý thức” với ám ảnh về sự thật trong “Nỗi buồn chiến tranh”http://edu.go.vn),... Không chỉ thu hút được sự chú ý của các nhà nghiên cứu qua các bài viết, Nỗi buồn chiến tranh còn được sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh chọn làm đối tượng cho công trình nghiên cứu của mình. Điều đó cho thấy công chúng văn học ở bộ phận ưu tú rất đề cao những giá trị, những vấn đề nơi Nỗi buồn chiến tranh.
 Sức hút của Nỗi buồn chiến tranh đối với công chúng còn được thể hiện qua việc tác phẩm được dịch ra hơn mười thứ tiếng trên thế giới (Anh, Nhật, Ba Tư, Iran,…). Tại những nơi Nỗi buồn chiến tranh xuất hiện, công chúng đã đánh giá rất cao tác phẩm này. Tác phẩm đã gây được hiệu ứng rất tốt, có sức lan tỏa trong sự chú ý của cộng đồng tiếp nhận ở Mỹ (Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh nhìn từ Mỹ - Phạm Xuân Nguyên), được trao giải thưởng Văn học Châu Á tại Nhật Bản, giải thưởng sách hay năm 2011,… Cùng với những hoạt động văn học, sự “săn lùng” để xuất bản của các NXB nước ngoài, những nhà làm phim nước ngoài,… đã cho thấy sức hút của cuốn tiểu thuyết này. Một dẫn chứng được Phạm Xuân Nguyên đưa ra đó là tác phẩm đã được “mổ xẻ”, tìm hiểu khá kỹ càng trong trường học của Mỹ, trong các chương trình giới thiệu văn học, được các học giả Mỹ đánh giá cao,…
 Có thể nói, Bảo Ninh và Nỗi buồn chiến tranh là một sự kiện văn học quan trọng của Việt Nam từ sau đổi mới. Thân phận của tác phẩm trong lòng độc giả cho thấy sức ảnh hưởng, khả năng tác động của nó đến công chúng. Trải qua hơn 20 năm, càng ngày chúng ta càng nhận thấy dấu ấn quan trọng của Nỗi buồn chiến tranh/Thân phận của tình yêu trong đời sống văn học nước nhà.

 Nguyễn Bình Phương
 Nguyễn Bình Phương cũng là một hiện tượng rất đáng chú ý trong đời sống văn học Việt Nam sau đổi mới. Có sáng tác ngay từ những ngày đầu đổi mới, Nguyễn Bình Phương hiện diện trên cả thể loại thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết, tàn văn.

Nguyễn Bình Phương thu hút sự chú ý của công chúng bởi sự mới lạ trong phương cách tư duy và thực hành nghệ thuật của anh. Xuất hiện trên văn đàn, dù ở thể loại thơ, truyện ngắn hay tiểu thuyết, Nguyễn Bình Phương cũng làm xôn xao đời sống văn học. Công chúng tìm đến thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương để thể nghiệm một đời sống trong nghệ thuật với những khám phá vừa rất riêng biệt của tác giả nhưng lại mang đầy tính phổ quát của cuộc đời và nhân sinh. Giới nghiên cứu, phê bình đã chú ý đến những vấn đề thuộc về phong cách, thi pháp cũng như hệ đề tại mà Nguyễn Bình Phương quan tâm. Điểm lại những khám phá của học giới đối với tác giả này, có thể nhắc đến: Thụy Khuê (Thoạt kỳ thủy trong vùng đất Cậm Cam hoang vu của Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Bình Phương - Sóng từ trường II, Thế tĩnh tọa trong tác phẩm Ngồi của Nguyễn Bình Phương), Phạm Xuân Thạch (Tiểu thuyết như là trạng thái tìm kiếm ý nghĩa của đời sống - Văn nghệ, số 45, 11/11/2006), Đoàn Cầm Thi (Sáng tạo văn học: giữa mơ và điên (Đọc 'Thoạt kỳ thủy' của Nguyễn Bình Phương - http://evan.vnexpress.net, Người đàn bà nằm: từ “Thiếu nữ ngủ ngày”, đọc Người đi vắng của Nguyễn Bình Phương (chuyên đềTình yêu và tình dục trong văn chương), Dương Kiều Minh (Thơ ca và cuộc kiếm tìm có tên Nguyễn Bình Phương), Đỗ Ngọc Thạch (Một vài đặc điểm văn xuôi hiện đại), Hoàng Cẩm Giang (Vấn đề không gian - thời gian và sự xóa nhòa những đường biên trong tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXIhttp://www.hcmup.edu.vn), Đoàn Minh Tâm (Nguyễn Bình Phương - Một hồn thơ “tinh quái” (Đọc “Buổi câu hờ hững”, thơ Nguyễn Bình Phương, NXB Văn học, 2011http://tapchinhavan.vnNhững chấn động nhục cảm trong văn học gần đây, http”//nhavantphcm.com.vn), Lê Hồ Quang (Đọc thơ Nguyễn Bình Phương), Nhã Thuyên (Chiếc áo sơ mi khoác hờ lên bóng đêm/là anh đấy), Hoàng Nguyên Vũ (Một lối đi riêng của Nguyễn Bình Phươnghttp://nld.com.vn),... Nhiều những bài viết khác đề cập đến vấn đề ngôn ngữ, giọng điệu, thế giới nhân vật, hiện thực trong tác phẩm Nguyễn Bình Phương. Cũng rất đáng chú ý là những luận văn Ths và khóa luận tốt nghiệp đại học chọn tác phẩm của Nguyễn Bình Phương làm đối tượng nghiên cứu.
 Dù là thơ hay truyện, thế giới nghệ thuật Nguyễn Bình Phương thường hiện lên như là một huyễn ảo, một giấc mơ, một sự vỡ ra của tưởng tượng. Từ những tiểu thuyết Vào cõi, Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng, Trí nhớ suy tàn, Thoạt kỳ thủy, Ngồiđến các tác phẩm thơ như Xa thân, Lam chướngBuổi câu hờ hững, một số truyện ngắn đăng trên báo (Đi, Dành dụm,…), Nguyễn Bình Phương đã khiến công chúng không thể không nhắc đến mình khi nói về văn chương đương đại. Dĩ nhiên, cũng như nhiều tác giả nổi bật khác, cá tính nghệ thuật cũng như những “sáng tân” của Nguyễn Bình Phương đôi khi cũng vấp phải sự “kháng cự” từ những hệ hình mỹ cảm truyền thống. Vấn đề nhục cảm, sex trong tác phẩm Nguyễn Bình Phương có lẽ là thu hút được nhiều nhất những phản hồi đa chiều từ công chúng. Truyền thống vốn chưa dung nạp được những quan niệm mới, vì thế, phản ứng là điều có tính tất yếu, thường tình. Bộ phận độc giả phổ thông, chiếm số đông vẫn chủ yếu tiếp nhận văn học bằng mỹ cảm truyền thống (người đọc tiền hiện đại), ưa thích hay không, thấy hay hoặc dở,…phần nhiều đều phát xuất từ những ấn tượng hết sức đời thường. Tuy nhiên, từ những nghiên cứu, những bài viết của học giới, báo chí, đã cho thấy chân dung của Nguyễn Bình Phương trong đời sống văn học và trong lòng công chúng đương đại.

 Vi Thùy Linh
 Vi Thùy Linh là một hiện tượng thơ trẻ nổi bật của nền thơ ca đương đại Việt Nam. Xuất hiện lần đầu tiên năm 1995 với những bài thơ đăng báo Văn nghệ sau đó là tập Khát (NXB Hội Nhà văn 1999), Linh (NXB Thanh niên, 2000), Đồng tử (NXB Văn nghệ, 2005), ViLi in love (NXB Văn nghệ TP HCM, 2008), Phim đôi - tình tự chậm (NXB Thanh niên, 2011), Chu du cùng ông nội (NXB Kim Đồng, 2011),… Vi Thùy Linh đã thu hút rất nhiều giấy mực, tâm trí của công chúng và giới nghiên cứu, phê bình.
 Vi Thùy Linh là một hiện tượng thu hút được khá nhiều sự chú ý từ công chúng. Với những gì mà tác giả trình hiện, từ thơ ca đến hiện thực đời sống và những tuyên ngôn, phát biểu bên ngoài thơ, Vi Thùy Linh quả thực đã làm cho đời sống thơ ca đương đại trở trở nên sôi nổi hơn. Chỉ riêng ở khía cạnh tiếp nhận thơ, có thể thấy hai hướng phân lập rất rõ: khen ngợi, tôn vinh khẳng định và phủ nhận, phê phán, tẩy chay.
 Trong hướng đón nhận, động viên, ngợi ca, tôn vinh thơ Vi Thùy Linh, ta có thể điểm ra đây những tên tuổi: Nguyễn Trọng Tạo (cuối tập Khát, tái bản 2007), Nguyễn Huy Thiệp (Hiện tượng Vi Thùy Linh), Trần Đăng Khoa (Đọc lại Vi Thùy Linh), Vũ Mão (Lời giới thiệu Đồng Tử), Phạm Xuân Nguyên (Người tận lực tham ô tuổi trẻ” để sống thơ), Thanh Thảo (Một ước mơ dữ dội: làm mẹ), Dương Tường (nhận định đầu tập Đồng Tử), Nguyễn Việt Chiến (Thơ Vi Thùy Linh cơn cuồng lưu từ những mê-lộ-chữ), Nguyễn Đăng Điệp (Màu yêu trong đồng tử thơ Linh), Lưu Khánh Thơ (Vi Thùy Linh phiêu du cùng "Phim đôi tình tự chậm"), Chu Văn Sơn (Vi Thùy Linh thi sĩ ái quyền), Văn Giá (Vi Thùy Linh - Những trận bạo động chữ), Thụy Khê (Vi Thùy Linh, nhục cảm sáng tạo), Trần Thiện Khanh (Vili là ai?), Nhã Thuyên (Thơ nữ: giới là một vấn đề), Nhụy Nguyên (Tìm tòi và cách tân một lối thẩm thơ), Nguyễn Thị Mai Anh (Luận văn Thạc sĩ: Thơ trẻ Việt Nam đương đại qua 3 tác giả Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly)… Nhìn chung, những bài viết này đại diện cho dòng ý kiến đánh giá cao những thực hành nghệ thuật của Vi Thùy Linh. Trên tinh thần chung, những lời chào đón, tôn vinh, khích lệ cho thấy những nỗ lực ghi nhận dấu ấn của Vi Thùy Linh trong nền thơ đương đại Việt Nam. Trong đó đáng kể nhất vẫn là những diễn ngôn hình hóa chân dung nghệ thuật Vi Thùy Linh (ái quyền, nữ quyền, tính nữ, tự yêu mình và tòng thuộc nam quyền,…). Cùng với đó là những phân định bước đầu về cách thức biểu đạt mỹ cảm và tư duy của Vi Thùy Linh. Thực tế, Vi Thùy Linh đã được nghiên cứu trên nhiều bình diện: thi pháp học, phong cách học, ngôn ngữ học, hậu cấu trúc luận và cả phân tâm học… Công chúng phổ thông hẳn không có sự giới thuyết nào trên cơ sở lý thuyết về hiện tượng Vi Thùy Linh, tuy nhiên, những đặt định của giới nghiên cứu cũng có thể nói hộ nhiều ấn tượng của công chúng đại chúng.
 Hướng thứ hai trong tiếp nhận Vi Thùy Linh chính là sự phủ nhận, phê phán, thậm chí tẩy chay hiện tượng này. Điểm qua những tên tuổi trên “mặt trận” này, có thể gặp những bài viết của Trần Mạnh Hảo (Từ “thơ vọt trào” đến hội chứng khen trào vọt: “Cứ tiếp tục đanh đá, lắm lời, cứ xổ hết ra đi!”), Chu Thị Thơm (Khi nhục cảm đã vượt qua con chữ - GD&TĐ số 27 ngày 3 - 3 - 2001), Nguyễn Thanh Sơn (Linh ơi), Nguyễn Hoàng Đức (Sự khả tín, khả ngờ về “hiện tượng thơ mới - trẻ thứ thiệt), Nguyễn Trọng Bình (Văn chương trẻ - rất cần một chiều sâu và tầm nhìn văn hóaThơ Vi Thùy Linh - “Những trận bạo động… tìnhThử bàn về trách nhiệm của “người đi trước” qua trường hợp Vi Thùy Linh... Ngoài ra cũng có thể kể đến một số bài viết của Trần Wũ Khang, Lê Thị Huệ, Nguyễn Mạnh Trinh, Hoàng Anh Tuấn,… Có thể nói, ở hướng tiếp nhận này, sự “nồng nhiệt” cũng không thua kém, khi mà Nguyễn Hoàng Đức, Hoàng Xuân Tuyền, Chu Thị Thơm, Nguyễn Thanh Sơn… đã phê phán Vi Thùy Linh một cách hết sức nặng nề. Theo Nguyễn Thanh Sơn, trong thơ Linh đầy những từ ngữ to tát, những đại ngôn, hàm ngôn, những diễn dịch tối nghĩa. Đó là sản phẩm của “mặc cảm chưa thành người lớn”. Nguyễn Thanh Sơn quả quyết “Dù rằng ngôn ngữ có vẻ hiện đại, chất đầy những phần mềm, cập nhật, mã hoá, nhưng không vì thế mà rõ ràng hơn, và nhất là, hay hơn”. Từ chối gọi những dòng như thế trong thơ Linh là thơ, Nguyễn Thanh Sơn hy vọng những sáng tác sau trên con đường thi ca của Vi Thùy Linh sẽ hạn chế dần đại ngôn sáo rỗng và có được những vẫn thơ chân thành, có giá trị.
 Một trong những ý kiến phản đối mạnh mẽ nhất là Nguyễn Hoàng Đức với bài viết Sự khả tín, khả ngờ về “hiện tượng thơ mới - trẻ thứ thiệt. Sự phủ bác, biếm trích là tâm thế bao trùm bài tranh luận của nhà nghiên cứu này. Tác giả tỏ ra nghi ngờ “ống phóng” Nguyễn Trọng Tạo, người đã “có công” phát hiện ra hiện tượng Vi Thùy Linh, Văn Cầm Hải,…

Hai hướng tiếp nhận Vi Thùy Linh được phân lập trong đời sống thơ ca đương đại (có lẽ cũng nên hình dung thêm một hướng khác đó là thái độ dè chừng, im lặng quan sát hay bộc lộ sự “nửa vời” trong tiếp nhận các hiện tượng văn học mới) đã nói lên diễn biến tinh thần, thái độ của công chúng đối với Vi Thùy Linh. Sẽ cần thời gian cho hiện tượng thơ ca này và bài toán vẫn còn chưa có lời giải cuối cùng, công chúng vẫn tiếp tục đồng hành cùng văn học, với những đánh giá đa dạng, nhiều chiều, làm nên đời sống văn học sinh động, giảm bớt những ám ảnh về sự ảm đạm của tiếp nhận thơ ca những năm gần đây.

 Nguyễn Ngọc Tư
 Nguyễn Ngọc Tư, sinh năm 1976 ở tỉnh Cà Mau. Đây là một cây bút trẻ của văn đàn Việt Nam và là hiện tượng nổi bật của văn chương 10 năm đầu thế kỷ XXI.

Xuất hiện trên văn đàn năm 2000 với truyện ngắn Ngọn đèn không tắt, Nguyễn Ngọc Tư ngay lập tức thu hút được sự chú ý của công chúng. Với truyện ngắn này, Nguyễn Ngọc Tư đã nhận được Giải Nhất trong Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần II. Công chúng càng quan tâm nhiều hơn đến cô gái miền Tây này khi truyện ngắn Cánh đồng bất tận ra đời. Có thể nói đây là tác phẩm làm nên tên tuổi Nguyễn Ngọc Tư.
 Giai đoạn trước khi Cánh đồng bất tận ra đời, công chúng yêu mến Nguyễn Ngọc Tư bởi chất thuần hậu, dân dã, nhẹ nhàng của nông thôn Nam Bộ. Nhưng, khi đến Cánh đồng bất tận, cũng là lúc những luồng ý kiến trái chiều xuất hiện. Sự đồng tình, tán dương, khẳng định cũng có mà sự phê phán, tẩy chay cũng có. Văn đàn Việt Nam năm 2005 (năm Cánh đồng bất tậnđược đăng trên báo Văn nghệ, năm 2006 tác phẩm đạt giải của Hội Nhà văn) sôi nổi với những tranh luận về hiện tượng Nguyễn Ngọc Tư. Những ý kiến ủng hộ chủ yếu xoay quanh việc tán thành cái nhìn sắc sảo, chân thực đến mức trần trụi, quyết liệt của Nguyễn Ngọc Tư, phía phê phán lại xoáy vào những chi tiết bi quan về thân phận con người, sự đổ vỡ niềm tin hay cái nhìn tiêu cực,… Cũng có độc giả tiếc nuối một Nguyễn Ngọc Tư thuần hậu, dịu dàng thuở Ngọn đèn không tắt. Quả thực, sự chuyển đổi đột ngột về phong cách từ Ngọn đèn không tắt sang Cánh đồng bất tận đã gây nên cơn sốt trong đời sống văn học.

Nhìn lại dư luận về Cánh đồng bất tận, ta hiểu rõ tại sao Nguyễn Ngọc Tư trở thành hiện tượng văn học nổi bật của khoảng 10 năm đầu thế kỷ XXI. Sự tiếp nhận của công chúng hết sức đa dạng: Vũ Long - 70 tuổi, cán bộ hưu trí (Nguyễn Ngọc Tư cho ta một góc nhìn khác), Nguyễn Văn A (Kết Cánh đồng bất tận có hậu và có tính toán), Nguyễn Ngọc Cảnh (Bất ngờ cho Cánh đồng bất tận), Chu Tước (Cánh đồng bất tận quá thành công), TT Huynh (Một cây bút trẻ nhưng không hề non tay), Tương Lai (Phản đối cách nhìn nhận trong Cánh đồng bất tận), Xuân Khoa (Đã đến lúc không còn chỗ cho những tác phẩm sáo rỗng), Nguyễn Tuân (Cánh đồng bất tận hay và không hay), NCC (Cánh đồng bất tận không gợi mở sự vươn lên), Lê Huy (Cánh đồng bất tận chỉ là một tác phẩm), Hồ Văn Can (Cứ bị kiểm điểm như vậy thì chẳng ai dám viết văn nữa), Hoàng Anh Thi (Văn học ca ngợi cái tốt, cũng phải phê phán cái xấu), Lý Quốc Nam (Kết của Cánh đồng bất tận rất đời), lien trang nguyen (Kết của Cánh đồng bất tận thiếu tính nhân bản), Nguyễn Bá Hùng (Văn Ngọc Tư không đại ngôn, không màu mè), Lê Sĩ Quang (Tài tình gì ở một cái kết như vậy), huypham (Đọc Cánh đồng bất tận để nhìn thẳng vào sự thật), Lê Thu (Cánh đồng bất tận hoàn toàn vô hại), Vo Nam Linh (Nên hạn chế đối tượng đọc Cánh đồng bất tận), Lê Duy (Vì sao không thử tiếp nhận những làn sóng văn học mới), Trần Thị Hồng Thanh (Không nên gắn cái nhìn tiêu cực vào trẻ con),… Theo thống kê của http://tuoitre.vn, sau năm ngày mở ra diễn đàn Đối thoại về Cánh đồng bất tận, tính đến chiều 12/4/2006 đã có 868 bạn đọc tham gia góp ý kiến, viết bài bày tỏ thái độ của một người đọc sách. Trong đó có 13 phê phán/855 ủng hộ tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư. Đây là biểu hiện cụ thể nhất của sự tiếp nhận Nguyễn Ngọc Tư trong bộ phận công chúng phổ thông.
 Ở bộ phận “độc giả tinh anh”, tình hình tiếp nhận Nguyễn Ngọc Tư cũng khá sôi nổi. Ở địa hạt này, có thể gặp Trần Hữu Dũng (Nguyễn Ngọc Tư - đặc sản miền Nam), Huỳnh Công Tín (Nguyễn Ngọc Tư - Một nhà văn trẻ Nam bộ) Thụy Khuê (Không gian sông nước trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư), Phạm Xuân Nguyên (Cánh đồng bất tận: dữ dội và nhân tính), Đoàn Thị Cảnh (Đọc 'Gió lẻ' nhớ Jean Paul Sartre và Albert Camus), Hoàng Đăng Khoa (Cánh đồng bất tận - từ góc nhìn nữ quyền luận), Hà Ngọc Yến (Đối chiếu các phương tiện dùng để xưng hô trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp và truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư), Ngô My (“Gió lẻ không chịu ảnh hưởng của J.P. Sartre và A. Camus), Dạ Ngân (Nguyễn Ngọc Tư, điềm đạm mà thấu đáo), Mai Hồng (Thời gian huyền thoại trong truyện ngắn cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư), Phạm Thái Lê (Hình tượng con người cô đơn trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư)… Nguyễn Ngọc Tư cũng trở thành đối tượng của các luận văn và khóa luận tốt nghiệp. Các vấn đề về nhân vật, chất trữ tình trong truyện ngắn, cảm hứng nhân văn, phương ngữ Nam Bộ, những dấu vết của nữ quyền luận, chủ nghĩa hiện sinh trong tác phẩm Nguyễn Ngọc Tư đã được bàn đến trong những bài viết vừa nêu.

Có thể nói, Nguyễn Ngọc Tư là một hiện tượng nổi bật trong đời sống văn học sau đổi mới, nhất là khoảng 10 năm đầu thế kỷ XXI. Công chúng đại chúng và công chúng tinh anh đã có những ý kiến, quan điểm trái ngược nhau. Điều đó là những động thái tốt cho một nền văn học đang chuyển mình đổi mới.

 Đỗ Hoàng Diệu
 Đời sống văn học đương đại Việt Nam còn có dịp rộ lên xung quanh tác phẩm Bóng đè của nhà văn nữ Đỗ Hoàng Diệu. Năm 2005 quả thực là một năm rộn ràng của văn chương Việt. Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu, Vi Thùy Linh và một số cây bút nữ khác đã khuấy động sự im ắng của văn chương. Bóng đè ra đời năm 2005 và kéo theo nó một chuỗi những bàn thảo, tranh luận. Nhìn chung, có hai luồng ý kiến: khen ngợi, đánh giá cao và phê phán, đả kích. Mọi vấn đề của tác phẩm: nội dung tư tưởng, đề tài, dục tính, ẩn dụ vực thẳm, ám ảnh và tưởng tượng, người phụ nữ,… được công chúng chú ý và bàn bạc, tranh luận. Không chỉ bàn về tác phẩm, ý kiến của công chúng còn liên quan tới tác giả, cuộc đời tác giả, nhân cách, đạo đức, lối sống và nhiều thứ khác ngoài văn học. Ở hướng khen ngợi, đánh giá tốt sáng tác của Đỗ Hoàng Diệu có thể gặp những tên tuổi như: Dương Tường, Nguyên Ngọc, Nguyễn Việt Hà, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Mậu Hùng Kiệt, Phạm Toàn, Đông La, Phạm Ngọc Tiến,… Theo nhận định của Phạm Xuân Nguyên “… truyện ngắn Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu đang gây hai luồng trái ngược nhau. Tôi phải nói ngay, với tôi, đây là một truyện ngắn hay, hay cả ở cách viết và nội dung. Trong tâm thế, tâm thức giải mã lịch sử và truyền thống Việt, một xu hướng đã được dấy lên từ thời văn học đổi mới, Đỗ Hoàng Diệu đã tạo được một hình tượng “bóng đè” đầy ám ảnh và dằn vặt” (Tác phẩm hay: phải hết mình - hay là điều kiện cần và đủ để có tác phẩm hay). Phạm Toàn cũng đưa ra nhận định của mình: “truyện ngắn Ðỗ Hoàng Diệu có cách biểu đạt phóng túng hơn, gần gụi hơn với cách đọc của lớp bạn đọc trẻ. Người ta nhắc nhiều đến lối sử dụng ẩn dụ tình dục để biểu đạt những tâm trạng mang những nội dung xã hội” (Thử phân giải một thành công nghệ thuật qua tập truyện ngắn Bóng đè),…

Ở hướng ngược lại phải đặc biệt kể đến Nguyễn Thanh Sơn (Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu), Bùi Tân Uyên (Một trận Bóng đè tan nát văn chương),… Nguyễn Thanh Sơn quả đã không tiếc lời “mạt sát” Đỗ Hoàng Diệu và Bóng đè. Ngoài đời, tình cảm của hai người rất tốt, nhưng câu chuyện văn chương và cuộc đời khác nhau chỗ ấy. Chính Đỗ Hoàng Diệu cũng nhận thấy rằng Nguyễn Thanh Sơn có những lời rất ác. Nhưng họ không giận nhau. Nguyễn Thanh Sơn cho rằng: “Đỗ Hoàng Diệu là nhà văn của một nền văn chương già nua đang hấp hối… Đỗ Hoàng Diệu là nhà văn đại diện cho một lớp người trẻ lười biếng không mang trong mình một phông văn hoá nào đủ mạnh… Đỗ Hoàng Diệu viết về tình dục, trong cái nghĩa thấp kém của từ này…. Những truyện ngắn của Đỗ Hoàng Diệu chỉ vật vã trong sự huyễn hoặc ích kỷ về bản thân, một bản thân không có chiều sâu của cả văn hoá lẫn tình cảm” (lược dẫn từ bài viết của Nguyễn Thanh Sơn - Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu). Còn Bùi Tân Uyên thì cho rằng: “Tiếc thay đọc Bóng đè và một số truyện khác của Đỗ Hoàng Diệu, người ta thấy những “thông điệp” cô muốn gửi gắm chỉ giống như một thứ “chửi xéo”, những ‘trái nổ” được đặt theo kiểu “gài mìn” của những người bị cấm bút thời bao cấp. Và còn lâu Đỗ Hoàng Diệu mới đạt được mong muốn như cô nói, người ta vẫn chỉ thấy “lông lá của những con vật” còn hồn vía của chúng vẫn vật vờ cõi âm ti địa ngục nào đó”(Một trận Bóng đè tan nát văn chương).

Đỗ Hoàng Diệu và Bóng đè, Vu Quy, Dòng sông hủi… thực sự đã đem lại một sự sôi động cho văn đàn Việt Nam đương đại. Tại thời điểm tác phẩm ra đời, nó đã thu hút được sự chú ý của công chúng. Khen chê là lẽ đương nhiên trước những hiện tượng văn học như vậy. Công chúng văn học vẫn tìm đọc Bóng đè - bị bóng đè, dù có nhận ra hay không nhận ra/thừa nhận hoặc không thừa nhận ẩn dụ tính của tác phẩm.

Đổi mới là sự kiện trọng đại để chúng ta có được những hiện tượng văn học khiến văn đàn phải xôn xao, công chúng phải chú ý, báo chí phải tốn nhiều giấy mực… Nhìn lại chặng đường hơn 25 năm qua, chúng ta thấy không chỉ có Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư, Vi Thùy Linh mà còn có Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Chu Lai, Nguyễn Duy, Mai Văn Phấn, Phan Huyền Thư và nhiều những tên tuổi khác cùng các thể nghiệm nghệ thuật đã làm rộn ràng đời sống văn học. Trong những giới hạn có thể của việc khảo sát, điểm lại tình hình tiếp nhận một số hiện tượng nổi bật của văn chương Việt Nam sau đổi mới là thao tác có tính tương đối, nhằm nhận diện một số điểm nhấn của văn học giai đoạn này. Công chúng bao giờ cũng thế, đó là một hợp thể những thị hiếu thẩm mỹ, nhu cầu văn hóa hết sức đa dạng. Trong bối cảnh xã hội đổi mới, những cánh cửa được mở ra, những chân trời mới được vẫy gọi, cái mới/lạ là câu chuyện dễ thu hút con người. Các hiện tượng văn học trên cũng thế, nghĩa là họ đã được quan tâm, chú ý bởi chính cái mới mẻ, lạ lẫm mà họ trình hiện trên văn đàn đổi mới. Khen chê là điều tất yếu trong cơ chế tiếp nhận của công chúng khi các giá trị không tìm được tiếng nói đồng thuận. Con đường đi lên của văn học phải chấp nhận điều đó như một quy luật. Quy luật của sự sinh thành và phát triển./.
 Nguồn: Tổ Quốc




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét