Menu ngang

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

ANH VĂN VẪN SỐNG...


ANH VĂN VẪN SỐNG 
TRONG TÂM THỨC NGƯỜI ĐỜI

                                                                               Minh Hải

                                
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tác giả bài báo
                                              
            Vẫn biết rằng sẽ có một ngày, đồng bào và đồng chí phải đón nhận một cái tin đau buồn đến thắt lòng là Anh đã ra đi, đi về cõi vĩnh hằng.
          Vẫn biết bây giờ người sống thọ ngoài tuổi bách niên là hiếm nhưng ai nấy đều mong sao Anh đại thọ thêm nhiều năm nữa rồi hãy ra đi.
          Vẫn biết “sinh lão bệnh tử” là một quy luật không thể khác được nhưng đồng bào, đống chí vẫn muốn từ “lão” đến “tử” nên kéo dài thêm ra đối với Anh hơn nữa.
          Anh đã ra đi mà mọi người vẫn nghĩ chỉ là chuyến Anh đi công tác dài ngày, đi gặp Bác Hồ để báo cáo công việc như sinh thời Anh vẫn từng làm, vì Anh vẫn được coi là một trong những học trò gần gũi, xuất sắc của Bác.
          Ai cũng biết, trong Chính phủ, nhiều năm anh làm Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; trong quân đội anh là Đại tướng Tổng Tư lệnh, trong Đảng nhiều năm anh là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương nhưng bao người vẫn gọi Anh là Anh Văn cái tên mà anh thích nhất, dù 80, 90, 100 tuổi vẫn thích được gọi là Anh Văn.
          Lưu giữ một quan niệm truyền thống “cái quan định luận” nên ở nước ta không ai viết sách về những nhân vật lịch sử khi đang còn sống. Thế mà đối với Anh, dường như một biệt lệ, các chính khách, tướng lĩnh, nhà khoa học, nhà sử học, nhà văn, nhà báo, nhà trí thức, nhà nghệ sĩ…đã viết, đã nói bao lời hay ý đẹp về Anh. Còn ở nước ngoài, các nguyên thủ quốc gia, chính khách, các nhà sử học, các nhà nghiên cứu quân sự và tướng lĩnh đã dành không biết bao lời thán phục Đại tướng, thậm chí còn gọi là Thống soái Võ Nguyên Giáp.
          Quân đội ta suy tôn Bác Hồ là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân, tôn vinh Anh là người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Gọi như vậy là đúng tình cảm và phong tục Việt Nam. Cha sinh con, cha và anh dạy dỗ đàn em nên người, đầu xuôi thì đuôi lọt. Toàn quân phục tùng Đại tướng Tổng Tư lệnh đồng thời vô vàn quý mến Anh Văn.
          Văn, chính là tên Bác Hồ đặt cho Anh khi còn hoạt động bí mật. Bác biết trước khi thoát ly để làm cách mạng, Anh là nhà giáo, là nhà báo, là chủ tịch báo giới Bắc Kỳ. Bác bảo: “Chú Văn, chú đã có Văn, bây giờ cách mạng cần Võ, chú nghiên cứu Võ nhiều vào”. Anh thưa, anh quen cầm bút hơn cầm kiếm. Bác bảo, cứ làm sẽ có kinh nghiệm, sẽ thành công. Lịch sử ngợi khen chính Bác Hồ đã chọn và sử dụng đúng người tài và Anh đã xứng với sự lựa chọn và tin cậy của Bác.
          Ngày 20/1/1948, Chính phủ phong quân hàm Đại tướng cho Anh theo sắc lệnh số 110/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, có phóng viên phương Tây sau đó hỏi Bác tại sao lại là Đại tướng, Bác Hồ trả lời: “Đánh thắng Đại tá thì phong Đại tá, đánh thắng Đại tướng thì phong Đại Tướng. “Một đời cầm quân, Anh đã đánh thắng 7 Đại tướng Pháp, 3 Đại tướng 4 sao của Mỹ. Cho nên trong Bách khoa toàn thư của Mỹ, người ta viết Võ Nguyên Giáp là “Đại tướng 5 sao”.
          Cũng hôm đó, sau khi công bố sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng cho Anh, Bác ân cần và thân ái dặn dò: “Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ trao cho chú chức Tướng to để chú điều binh khiển tướng làm tròn nhiệm vụ được giao phó, giành bằng được Độc lập tự do cho Tổ quốc”. 6 năm sau, năm 1954, anh đã chỉ huy quân đội đánh thắng trận quyết định ở Điện Biên Phủ, giải phóng miền Bắc. Rồi 27 năm sau, anh chỉ huy toàn quân đánh tiếp trận toàn thắng Xuân 1975, đem lại Độc lập, tự do, thống nhất cho nước nhà.
          Ba mươi năm cầm quân đánh giặc, lúc lực ta còn yếu, Anh dùng lối “đánh chắc, tiến chắc” để giành thắng lợi một cách chắc chắn. Khi lực ta đã mạnh hơn địch, Anh biết “đánh nhanh, thắng nhanh” để quân thù không kịp hồi sức, trở tay. Toàn dân gọi Anh là Đại tướng số 1. Toàn quân gọi Anh là Tổng Tư lệnh vừa của sự sống, vừa của chiến thắng. Cán bộ dưới quyền gọi Anh là Tư lệnh của các Tư lệnh, Chính ủy của các chính ủy, tướng của các tướng.
          Anh được cán bộ, chiến sĩ toàn quân tuyệt đối tin tưởng và yêu mến vì Anh là một Tổng Tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh, nghĩa là chiến thắng nhưng không phải tốn phí nhiều xương máu mà phải hạn chế thấp nhất sự tổn thất của quân ta. Toàn quân ví Anh như một cây đa rợp bóng tình yêu thương đồng đội.
          Đã có vốn văn khi đi làm cách mạng, tăng thêm chất nhân văn trong Anh khi được Bác Hồ giao cho nghiệp võ khiến Anh thành một yếu nhân lịch sử Văn Võ song toàn. Là một trong những học trò xuất sắc của Bác Hồ, Anh xứng đáng là người trọn vẹn cả Đức Tài Văn Võ.
          Căn phòng rộng nơi Anh tiếp khách, cả chục năm cuối đời Anh đã biến thành bảo tàng tình cảm thu nhận lòng tin yêu, ngưỡng mộ, quý mến của đồng bào đồng chí ở cả ba miền đất nước. Nhân dân tạc tượng Anh khi Anh còn sống, những câu đối thêu trên trướng, khắc trên vật liệu quý gửi về mừng thọ Anh vào tháng 8 hàng năm cũng là những tấm huân chương, mà do Nhân dân trao tặng.
          Cán bộ lão thành cách mạng hoạt động cùng thời với Anh, tướng lĩnh dưới quyền Anh tin yêu Tổng tư lệnh đã tự tấn phong cho Anh là Nguyên Soái, là Đại Nguyên soái. Nước ngoài khâm phục tài năng, trí tuệ cao siêu của Anh cũng đề cao Anh là Thống chế, Thống tướng. Với Anh, Anh chỉ tự thừa nhận là “giọt nước trong biển cả, là chiếc lá trong rừng xanh bao la”.
          Cuối năm 1995, có dịp đối thoại với phái đoàn của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mác Namara đến Hà Nội, người Mỹ cũng gọi Anh là “một vị tướng huyền thoại” Anh không thừa nhận và nói rằng “mình đã sống bình đẳng với những người chiến sĩ của mình trên bình diện nhiệm vụ thiêng liêng trước vận mệnh đất nước, “còn vị tướng cao nhất là vị tướng Nhân dân”.
          Những đối thủ chỉ huy các đội quân xâm lược bị ta đánh bại, chẳng những không thù hằn mà còn tỏ ra khâm phục tài năng và đức độ của Anh. Tướng Pháp Lơ Cléc trước khi chết còn dặn con gái, nếu có dịp tới Hà Nội hãy gặp anh và nói với Anh rằng, Cha mình “hoàn toàn không muốn có chiến tranh Việt – Pháp, mà vì lúc ấy trong chính phủ Pháp, phe hiếu chiến chiếm đa số nên thắng thế”. Con gái của tướng Lơ Cléc đã làm đúng lời cha.
          Năm 1954, tướng Pháp Đờ Caxơtri cho rải truyền đơn thách tướng Giáp tấn công Điện Biên Phủ. Sau khi bị đánh bại và bị ta bắt sống, đã đề nghị được phát biểu vài cảm nhận về tướng Giáp. Đờ Caxơtri nói: “Tôi thấy tướng Giáp không những giỏi về chỉ huy đánh du kích mà còn giỏi cả về chỉ huy trận địa chiến, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng, cả về nghi binh đánh lừa tình báo đối phương. Tôi đã làm tất cả để bảo vệ Điện Biên Phủ, còn thua cuộc ở đó là do nhiều nguyên nhân. Tôi thừa nhận tướng Giáp sành sỏi binh nghiệp, khôn ngoan tài giỏi hơn tôi đã đành, mà còn hơn cả các tướng Cô-nhi và Nava của chúng tôi. Tôi hân hạnh được làm đối thủ của tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như tướng Giáp”.
          Đại tướng 4 sao của Mỹ là Oét morơlen, tổng chỉ huy quân Mỹ ở Nam Việt Nam bị ta đánh bại cũng phải thừa nhận: “Bao nhiêu đức tính làm nên một thống tướng vĩ đại như: sự quyết đoán, năng lực tư duy, năng lực tổng hợp và một sự sáng suốt, ở tướng Giáp có tất cả những điều đó. Võ Nguyên Giáp là một con người cương nghị, một vị tướng vĩ đại”.
          Một nhà sử học quân sự người Anh, tướng Pitơ Mác Đônan đã từng đến Việt Nam, từng gặp tướng Giáp năm 1992 đã viết: “Ở Việt Nam, nhân dân là quân đội, mọi người đều có thể là chiến sĩ, Hồ Chí Minh là người cầm lái. Võ Nguyên Giáp là Tổng chỉ huy. Ông có những đức tính phi thường trên mọi lĩnh vực cơ bản của cuộc chiến tranh. Về chiến lược, ông có cái nhìn sâu xa đối với các sự kiện và biết chọn lọc ra những vấn đề cốt lõi. Ông là bậc thầy về chiến tranh du kích, là tổng chỉ huy vĩ đại nhất mọi thời đại. Trên lĩnh vực chiến tranh quy ước, ông biết sáng tạo, đổi mới không ngừng. Về mặt hậu cần, ông cũng rất sáng suốt nhìn xa trông rộng. Trên lĩnh vực phép biện chứng, Võ Nguyên Giáp tỏ ra xuất chúng trong suốt cả chiến tranh Đông Dương”.
          Nhiều nghìn trang sách ở nước ngoài đã viết về Anh như vậy. Ở trong nước, đồng chí và đồng bào cũng ngưỡng mộ, kính phục và tin yêu Anh như vậy. Anh một mực nhận rằng mình chỉ là “giọt nước trong biển cả, một lá xanh trong rừng cây bao la”. Càng khiêm nhường, càng nâng tầm cao của Anh trong lịch sử dân tộc.
          Trên trường quốc tế, khen ngợi Việt Nam là người ta nêu danh Hồ Chí Minh – Võ Nguyên Giáp. Uy danh Hồ Chí Minh – Võ Nguyên Giáp là uy danh của dân tộc, của nhân dân, của lực lượng vũ trang Việt Nam mà Bộ chỉ huy là Hồ Chí Minh – Võ Nguyên Giáp. Hồ Chí Minh là Tổng tư lệnh của cách mạng Việt Nam, Võ Nguyên Giáp là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Việt Nam. Sự nghiệp lớn của dân tộc ta trong thế kỷ XX là cách mạng tháng 8 thành công, đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ đều của con Lạc cháu Hồng thuộc thế hệ Hồ Chí Minh – Võ Nguyên Giáp.
          Các vị lãnh đạo hoạt động cách mạng cùng thời với Anh, các bậc cao niên đồng môn, đồng tuế, các nhà trí thức, các nhà văn hóa đều nhìn nhận Anh là người học trò xuất sắc, tuyệt đối trung thành của Bác Hồ. Thấm nhuần sâu sắc đạo đức, tư tưởng của Bác Hồ, anh một lòng “dĩ công vị thượng”, biết “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, lấy nhu trị cương, lấy nhược trị cường; biết lúc nào cần đi lên, biết lúc nào nên dừng lại; biết im lặng, biết chờ đợi, biết nghiền ngẫm một thế cờ để đi một nước cờ quyết định, làm thay đổi cục diện và giành thắng lợi; biết mặt trận cần gì và biết đem gì ra mặt trận, biết lòng quân ý tướng, biết an ủi úy lao quân sĩ khi cần lùi một bước, biết khích lệ ba quân bất chợt lao vút lên đầu giặc, đánh bại kẻ thù.
          Rõ ràng Anh là một con người toàn vẹn cả đức tài, song toàn cả Văn võ. Bác Hồ tin cậy và sáng suốt lửa chọn Anh và Anh đã rất xứng đáng với sự tin cậy và lựa chọn đó.
          Toàn quân cùng đồng bào đang kính cẩn tiễn biệt Anh trong niềm tiếc thương vô hạn, thực là Anh đã mất mà lại thấy anh vẫn sống trong tâm trí mọi người, chỉ không còn bao giờ được cầm bàn tay nóng ấm của Anh, nghe Anh trò chuyện. xin Anh hãy yên giấc ngàn thu để đi vào lịch sử vẻ vang và trường tồn cùng đất nước./.


                                                                                               

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét