Menu ngang

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Anh đi rồi sao, Anh Cả ơi! 

 Mưa. Trời phương Nam mưa như trút nước. Không khí se lạnh và quang cảnh nhạt nhòa làm lòng người khắc khoải. Đang bưng bát cơm ăn, tôi bỗng nghe tiếng chuông điện thoại. Cái tin từ đầu dây bên kia làm họng tôi nghẹn đắng, không nuốt nổi miếng cơm: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã qua đời lúc 18 giờ 9 phút rồi bác ạ”. Tôi đứng lặng, không tin vào tai mình. Dẫu biết rằng sinh tử là lẽ tự nhiên, nhưng sao tôi vẫn thảng thốt, bàng hoàng, hụt hẫng như vừa mất đi điều gì thiêng liêng lắm!
“Bác ơi, bác sao thế, bác ơi!” - Tiếng anh Bí thư của Đại tướng làm tôi chợt tỉnh. Ngay lập tức, tôi gọi điện cho tất cả anh em trong Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên ở TP Hồ Chí Minh thông báo hung tin và triệu tập cuộc họp ngay tối 4-10 để bàn kế hoạch ra Hà Nội phúng viếng, để tang Đại tướng. Nhìn những gương mặt già nua, những ánh mắt buồn sâu thẳm và dòng nước mắt xúc động của những người đồng đội một thời dưới quyền chỉ huy của Đại tướng, tôi thấy lòng mình đau quặn. Tổn thất này lớn lao quá! Mất mát này đau thương quá, Anh ơi! Bao kỷ niệm với Anh Cả bỗng ùa về vẹn nguyên trong ký ức…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Trường Sĩ quan Lục quân 2 năm 1996. Ảnh tư liệu
Năm 1951, tôi là chiến sĩ bộc phá trong đội hình Sư đoàn Quân Tiên Phong (Sư đoàn 308). Sau Chiến dịch Hòa Bình thắng lợi, tôi và 5 đồng chí khác được bình chọn đi gặp Đại tướng. Vui sướng đến trào nước mắt, bởi trong tâm trí của tôi hình ảnh vị Đại tướng hiền minh, tài danh lẫy lừng đã trở thành thần tượng từ lâu lắm rồi. Đại tướng ân cần thăm hỏi, động viên chúng tôi phát huy thành tích, tiếp tục chiến đấu lập công cho đất nước mau chóng hòa bình, thống nhất. Lúc đó, tôi muốn chạy lên ôm chầm lấy Đại tướng như một người anh gần gũi, thân thương, không còn khoảng cách tướng quân - chiến sĩ.
Sau lần ấy, tôi còn nhiều lần được gặp gỡ, tiếp xúc với Anh. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi làm Đại đội trưởng thuộc Sư đoàn 308. Sau khi đại đội đánh xong đồi Độc Lập, tôi nhận nhiệm vụ chỉ huy đơn vị đánh tiếp những cứ điểm xung quanh sân bay Mường Thanh. Thời điểm đó trời đổ mưa liên tục, nên thung lũng Mường Thanh luôn bị ngập nước, quần áo chiến sĩ không kịp khô đã phải mặc vào. Khó chịu nhất là bùn đất bám đầy tóc khiến rất nhiều anh em bị nấm đầu. Không còn cách nào khác, tôi là người đầu tiên cạo trọc đầu. Anh em cứ thế làm theo, thành ra cả đại đội đều đầu trọc. Tháng 4-1954, trời mưa to cuốn trôi cả đồ đạc và bộc phá. Đúng lúc đó, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đi kiểm tra, thấy bộc phá trôi nổi trong chiến hào nên đã gọi tôi lên. Đại tướng hỏi: Sao đồng chí lại cạo trọc đầu? Nghĩ sao nói vậy, tôi trả lời: Thưa Đại tướng, chúng tôi cạo trọc đầu để thề đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Đại tướng mỉm cười khen: Tốt lắm! Từ đó, tôi có biệt danh là "Đại đội trưởng đầu trọc".
Đại tướng về rồi tôi cứ tấm tắc, xuýt xoa. Nếu là mình thì hôm nay cấp dưới đã bị phê bình một trận nên thân vì để trang bị, thuốc nổ ngấm nước ảnh hưởng tới hiệu suất chiến đấu. Thế mà Đại tướng vẫn rất điềm tĩnh, ân cần và còn khen ngợi chúng tôi. Tấm lòng bao dung, nhân ái và khí chất của vị Tổng Tư lệnh đã cho tôi một bài học bổ ích trong suốt quá trình cầm quân đánh giặc.
Cũng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bản lĩnh, trí tuệ và tài năng quân sự siêu phàm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục được cả thế giới thừa nhận. Đó chính là quyết định thay đổi phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Khi ấy, là một sĩ quan trẻ, một cán bộ cấp đại đội như tôi chưa hiểu hết ý nghĩa và sự sáng suốt của quyết định này, chỉ biết rằng cả đơn vị hăng hái cơ động vào triển khai đội hình với khí thế hừng hực, nhưng lại phải rút ra tiếp tục làm công tác chuẩn bị nên anh em cũng có vẻ băn khoăn. Mãi đến khi chiến dịch toàn thắng, tôi mới thấm và càng thêm phục tài trí mưu lược của Anh Văn. Năm 2004, trong lần Anh Văn đến thăm Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên ở TP Hồ Chí Minh, tôi đã xúc động bày tỏ cùng Đại tướng: Nếu năm xưa Anh Văn không quyết định thay đổi phương châm chiến dịch, thì chúng em chắc đã chẳng còn sống đến giờ. Nghe vậy, Đại tướng bảo: “Đây là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của tôi. Người đã đi đến quyết định sáng suốt ấy chính là Bác Hồ. Bác đã trao trọng trách cho tôi trước khi lên đường đến Điện Biên Phủ: "Tổng Tư lệnh ra mặt trận - Tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”. Bởi thế, công lao ấy trước hết thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Lại thêm một bài học nữa với tôi về đức khiêm tốn của vị Đại tướng lừng danh, tài năng và đức độ. Tự nhiên tôi nhớ đến một kỷ niệm năm 1961, khi tôi làm cán bộ của Cục Tác chiến. Hôm đó, tôi treo bản đồ báo cáo kế hoạch tác chiến với chỉ huy. Anh Văn trực tiếp tham dự. Khi chỉ địa hình hạ Lào, tôi lúng túng nên chỉ sai địa danh. Đại tướng không nói gì. Trước khi kết thúc, Đại tướng đứng lên chỉ lại và thống nhất một số địa danh cho thật chính xác. Anh không phê bình, nhắc nhở tôi mà chỉ yêu cầu tất cả cán bộ tác chiến phải nắm chắc địa hình mới bảo đảm giành thắng lợi. Tôi ghi nhớ và thấm thía lời căn dặn của Anh, tự giác học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Kỷ niệm đó đến tận năm 1996 khi gặp lại Anh Văn, tôi vẫn được Anh nhắc, phải nắm chắc tình hình trước khi làm việc. Số là, năm ấy tôi đang làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2, nhận được tin Đại tướng cùng Phu nhân đang ở thăm tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tôi liền tức tốc xuống gặp và mời Đại tướng đến thăm nhà trường, rồi chỉ đạo cho các cơ quan chuẩn bị đón tiếp. Một đội tiêu binh bồng súng xếp hàng chờ sẵn trước cổng. Đại tướng xuống xe rồi gọi tôi lại, nhắc nhở: Không cần trịnh trọng thế này, gặp mặt thân tình sẽ tốt hơn. Anh tổ chức cho tôi nói chuyện với cán bộ, học viên xem anh em học tập, công tác ra sao? Trong lần gặp mặt đó, Đại tướng ân cần thăm hỏi cán bộ, học viên nhà trường như người thân lâu ngày gặp lại. Hình ảnh vị tướng già bắt tay thân mật, tươi cười bên những sĩ quan tương lai, đã khắc sâu trong tâm trí lớp lớp thế hệ học viên nhà trường đến tận mai sau...
Kỷ niệm và những ký ức vẫn vẹn nguyên, vậy mà… Anh đi rồi sao, Anh Cả ơi! Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vẫn hướng về Anh với lòng ngưỡng mộ, kính trọng vô cùng. Những đồng đội của Anh, những chiến sĩ của Anh vẫn đinh ninh mong đợi được nhìn thấy Anh trong lễ kỷ niệm 60 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ. Dẫu không muốn tin và không dám tin, nhưng sự thật xót xa vẫn đang hiện hữu: Anh Cả đã ra đi về cõi vĩnh hằng! Chúng tôi như mất đi một phần thân thể. Ngày mai, nhất định là ngày mai, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa sẽ ra Hà Nội để “gặp mặt” anh lần cuối - “Vị tướng anh hùng dễ mấy ai/ Đức độ, anh, uy, trí, dũng, tài/ Thắng hai đế quốc, bách niên thọ/ Hoàn cầu có một, chẳng có hai".
Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Anh Cả!

Nguồn : QĐND
HOÀNG THÀNH (ghi)
Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét