Menu ngang

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

 Truyện ngắn                     ĐỒNG  ĐỘI CŨ


Kỳ lương tháng còm cõi không đủ lấp kín những nhu cầu tối thiểu trong sinh hoạt của gia đình. Mới nhận lương được mấy ngày, đã nhẵn túi. Bao nhiêu thứ cần trang trải. Đắn đo cân nhắc mãi, sau khi bàn với vợ là Lê, Quang đành phải quyết định xách chiếc xe đạp Phượng Hoàng cũ - vật đáng giá nhất còn lại trong nhà - ra Chợ Trời để bán. Thôi thì, trong lúc túng thiếu, bán đi mua chiếc xe khác kém hơn, đi tạm, bớt được ít tiền, giật gấu vá vai, chống đỡ qua ngày. 
          Hôm đó là Chủ nhật, Long - em ruột Quang, đang học ở một Trường Công nhân Kỹ thuật ở tận Phú Thọ cách hơn trăm cây số, về chơi. Thế là, từ sáng sớm, ăn vội bát mì sợi "không người lái", uống mấy ngụm nước lọc, hai em em đèo nhau lên Chợ Trời.

Có người nói, muốn biết trình độ văn minh, điều kiện kinh tế, chất lượng cuộc sống của một vùng quê trong một thời kỳ cụ thể, thì tốt nhất là đến quan sát hai nơi: Chợ và nghĩa trang. Điều đó không bao giờ sai.
            Chợ Trời - đúng như tên gọi của nó - họp ngoài trời, suốt ngày người tấp nập trên mấy dãy phố, buôn bán thượng vàng hạ cám, đủ loại.
8 giờ sáng, hai anh em lọc cọc đến cổng chợ.  Để tránh không bị hố, đưa xe vào chỗ gửi, anh em cùng nhau đóng vai người đi mua xe nhằm khảo sát giá xe. Vòng quanh chợ một lượt, cân nhắc xem xét theo mặt bằng chung, anh em lượng định mức giá của chiếc xe mình khoảng 1.500đ. Giữa không khí xô bồ hỗn tạp, hai anh em chọn được một vị trí thích hợp và thay nhau đứng bán. Phát giá 1.500đ. Ngay sau đó, khá nhiều người đến hỏi mua xe. Xem đi xem lại mãi, với không ít lời dèm pha, họ đều mặc cả ở mức 1.100đ. Cao nhất cũng chỉ được 1.200đ. Đứng mãi đến hơn 11 giờ. Giữa tiết trời nắng nóng, vừa đói, vừa mệt, anh em kiên trì tiếp tục chờ đợi.
Đến gần 12 giờ. Trong lúc Long đứng cùng xe, Quang ngồi trên vỉa hè quan sát, thì có mấy người quần áo hầm hố, râu ria xồm xoàm, phì phèo thuốc lá, mặt đỏ tía tai, hô hố nói cười đi đến. Xem xe xong, một người, hình như là cầm trịch, nói:
- Chúng tôi sẽ bán hộ với giá như các anh đặt ra 1.500đ. Phần tiền bán cao hơn là của chúng tôi. Nếu đồng ý, thì xong sớm, nghỉ sớm! Nếu không, thì cứ đợi đấy, còn lâu! Các anh trao xe cho chúng tôi rồi ngồi đó chờ chút thôi. Đưa đăng ký xe cho chúng tôi nữa (thời đó, xe đạp cũng phải đăng ký như ô tô, xe máy bây giờ).
- Thôi đành vậy! Không đắn đo, Quang trao xe ngay cho họ. 
          - Này anh, ngộ nhỡ chúng nó lừa đảo, chuyền tay nhau rồi cuỗm mất xe thì sao? - Long lo lắng thì thầm nói với anh mình.
          - Không sao đâu em. Đừng sợ! Chẳng ai dám làm việc đó với anh - Quang tự tin nói với em.
Vậy là, anh em lên vỉa hè ngồi đợi. Chừng 15 phút sau, họ bán được xe với giá 1.800đ và giao lại cho Quang đúng 1.500đ. Anh em đều mừng và cám ơn.
Nhận được tiền, Quang bàn với Long là tìm mua xe khác. Dạo một vòng chợ, anh em chọn được một chiếc xe ưng ý, còn khá mới, với giá 1.200đ. Anh em dắt xe ra về.
Nào ngờ, mới đèo nhau đi được một quãng ngắn, mọi thứ đùi đĩa, xích líp đều rời rạc, rơi rụng ra. Không còn cách nào khác, Quang phải đưa xe vào hiệu sửa. Chỉ nhìn thoáng qua, người thợ sửa xe đã nói ngay:
- Ôi thôi! các anh mua phải xe đểu, xe dởm rồi.
 Tiếp đó, người thợ sửa xe vừa làm, vừa giải thích:
- Đây là loại xe do một bọn chuyên lừa đảo, nhặt nhạnh mua các loại phụ tùng rẻ tiền, gá lắp vào thành xe rồi xách ra Chợ Trời bán. Khi bán, chúng nó tạo ra một kịch bản tung hứng, kẻ mua người bán như thật. Những người thật thà, nhẹ dạ, cả tin là bị lừa thôi mà.
Quang bàn với Long: xe chữa xong, lại đưa vào chợ bán được bao nhiêu là tùy. Lỗ là cái chắc, nhưng cũng đành chịu, chứ xe không thể dùng được. Nhịn ăn trưa, bụng đói meo. Nhưng cố cho xong việc, anh em quay lại chỗ sáng nay đứng bán xe.
Đứng chờ bán được một chốc, bất ngờ, Quang thấy một người đàn ông to khỏe, đầu trọc, mặt chữ điền, để ria mép, da xạm, mắt sắc, lông mày rậm hình lưỡi mác, trông bặm trợn, ôm choàng lấy mình và hô toáng lên:
  -  Ôi Thủ trưởng! Thủ trưởng Quang phải không?
        - Đúng, tôi là Quang! Nhưng anh là ai? Theo phản xạ, Quang vừa nhìn, vừa gỡ mình ra khỏi tay người lạ, vừa hỏi.
- Em là Hùng, Nguyễn Quang Hùng, dân Hà Nội gốc, lính 1968, A trưởng trinh sát của Tiểu đoàn 20 chúng ta hồi ở chiến trường đây. Người đàn ông vừa mừng rỡ vừa ra điều hãnh diện nói cho mọi người xung quanh cùng nghe.
Vừa nghe, Quang vừa hồi tưởng về một miền ký ức chưa xa. Đúng rồi! Hồi đó, trên Chiến trường Trị Thiên giữa những ngày chiến đấu cam go, ác liệt, khó khăn, Tiểu đoàn 20 của anh nhận một đợt lính Hà Nội từ Miền Bắc bổ sung vào. Đó là những chàng trai trẻ đẹp, da trắng hồng như con gái, có học, vừa ga lăng, vừa dũng cảm lại vừa ngang bướng. Đợt lính ấy, đúng là có cậu Hùng, không nhớ họ, sau hơn một năm chiến đấu, được lựa chọn bổ nhiệm làm Tiểu đội trưởng Trinh sát của Tiểu đoàn. Người Tiểu đội trưởng Trinh sát nổi tiếng gan dạ, mưu trí của Tiểu đoàn 20 một thời oanh liệt đang hiện diện bằng xương, bằng thịt trước mặt đây ư ?! Đúng thật không ?! Người ta nhận vơ thì sao, ở đời thiếu gì người như thế. Nhưng nhận là người quen cũ của mình để làm gì, được cái gì? Một loạt câu hỏi thoáng qua trong đầu Quang...
          Để kiểm chứng, Quang thử hỏi một đôi điều về con người, về địa danh và những sự kiện đã diễn ra hơn 10 năm trước. Không chút ngập ngừng, Hùng trả lời ngay, trúng phóc mọi việc. Thế là anh em mừng rỡ nhận ra nhau, trước sự ngỡ ngàng của mọi người xung quanh.
Tiếp liền theo đó, Hùng hỏi Quang:
- Bây giờ Thủ trưởng làm gì, ở đâu, gia cảnh thế nào? Sự thể hôm nay Thủ trưởng bán và mua xe ra sao?
            Quang vắn tắt kể qua về những điều diễn ra đối với mình trong ngần ấy năm trời xa cách. Cuối cùng, Quang thuật lại mọi diễn biến từ sáng đến giờ.
            Nghe xong, Hùng trừng mắt nói mà như quát với xung quanh:
- Đứa nào lừa đảo, dám bán cái xe dởm này cho Thủ trưởng tao? Biết điều, nói ra ngay đi ?!
Hùng vừa dứt lời, một thanh niên mặt choắt, nhỏ thó, da xạm xanh, đã khẽ khàng, lúng búng trả lời tắp lự, cứ như người có lỗi lớn: 
 - Em ạ! Dạ em ạ!
- Thế thì, tiền đâu, trả ngay cho ông anh tao. Cả tiền bán xe và tiền sửa xe nữa đấy. Hùng nói như ra lệnh.
       Tức thì, người thanh niên đó móc ví lấy tiền tính đủ trả ngay. Đồng thời hỏi lại:
- Đại ca có nhầm không đấy. Thủ trưởng của Đại ca sao trông ngơ ngác, ngờ nghệch thế. Chúng em lừa cho, thế mà cũng tin ?!
             - Thôi! Không nói nhiều! Nhầm là nhầm thế nào được! Tao là thế nào thì chúng mày biết rồi. Ông này chúng mày nhìn bề ngoài là thế này thôi. Nhưng đây là cái vỏ giữa cuộc đời. Trước đây, trong chiến đấu, ông thật sự xứng đáng là Thủ trưởng, là sư phụ của bọn tao đấy. Tao và một số người nữa, sống đến ngày hôm nay, cũng là nhờ ông đấy, biết không ?! Hùng hăng hái nói với mọi người mà như sẻ chia tự sự lòng mình.


Nhấp xong chén rượu trắng, nhâm nhi mấy hạt lạc rang ở quán cóc vỉa hè, Hùng ôn tồn kể rằng: Sau Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, do bị thương ở bụng, được đưa ra chữa trị ở Quân y viện 108. Khi lành vết thương, đi điều dưỡng ở Đoàn Thương-Bệnh binh thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô một thời gian ngắn, rồi phục viên. Về nhà khi đã quá tuổi đi học, chẳng có nghề ngỗng gì, Hùng xoay đủ thứ việc để kiếm sống. Cuối cùng “đậu” lại nghề “cò xe máy, xe đạp” ở Chợ Trời . Hùng tụ tập mấy anh em cùng làm và mọi người tôn Hùng là đại ca. Đại ca - đó là người thủ lĩnh đàng hoàng, hành xử dứt khoát, công bằng, nghĩa hiệp thì mới được anh em tín phục. Thôi thì, nghề gì cũng được, miễn là không thuộc diện luật pháp cấm kỵ, mà lại có tiền nuôi thân. Thông thường, Hùng đóng vai trò cầm trịch, không can dự trực tiếp, chỉ ngồi một chỗ chỉ đạo anh em làm ăn. Và khi cần, đứng ra xem xét, xử lý chóng vánh những vấn đề phức tạp đột xuất nảy sinh. Bởi vậy, Hùng là chỗ dựa tin cậy của anh em - nhất là những khi lâm sự - Và được hưởng một phần lời lãi do anh em làm ra. Hùng lý giải rằng, cái nghề mà Hùng và bè bạn đang làm, chẳng qua là xúc tác, môi giới, kích hoạt sự trao đổi giữa các bên tham gia lưu thông hàng hóa. Âu đó cũng là sự cộng sinh.
Nghe Hùng nói, Quang hiểu thêm những điều mà lâu nay anh chưa hình dung được. Cuối cùng, trong tình đồng đội của một thời trận mạc, Quang sẻ chia tâm sự với Hùng mà như tự nhủ với lòng mình: Thôi đành vậy, biết làm sao được. Sau cuộc chiến mỗi người một mảnh đời. Thời phải thế, thế thời phải thế. Thôi thì, áo rách giữ lấy lề. Dù trong hoàn cảnh nào cũng giữ cho được cái chất lính của mình. Sống sao để xứng đáng với chính mình và không có gì ân hận với anh linh của những bằng hữu không ngày trở về.


Chiều tàn, nắng nhạt. Chia tay Hùng, lòng Quang mang nặng một cảm xúc khó tả. Sẽ là thế nào đây, trong một mạch liền quá khứ - hiện tại - tương lai của một đồng đội cũ đang hiện hữu ./.

                                                                    NMĐ  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét